Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018

Biểu tình luận! Phiếm đàm – Hoài Nguyễn. 14.06.2018

Biểu tình luận!
Phiếm đàm – Hoài Nguyễn.
--------------------------------
Ngày 10/6/2018, hàng ngàn người dân tại một số địa phương là Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Thuận, Nha Trang, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu và Sài Gòn xuống đường biểu tình phản đối Dự thảo Luật Đặc khu Kinh tế và Dự thảo Luật An ninh mạng. Dự thảo Luật Đặc khu Kinh tế quy định cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất trong 99 năm (không phân biệt quốc tịch nhà đầu tư), tuy nhiên một số thông tin trên mạng xã hội facebook cho rằng dự luật sẽ tạo điều kiện “cho Trung Quốc thuê đất trong 99 năm”, dẫn tới việc người dân bức xúc và đi biểu tình.
Trong các vụ biểu tình trên thì “điểm nóng” nhất diễn ra ở Phan Thiết và Phan Rí thuộc Bình Thuận khi xảy ra xô xát giữa những người biểu tình và lực lượng CSCĐ do chính quyền điều động tới ngăn chận những người tràn vào trụ sở của cơ quan công quyền.
Các cơ quan truyền thông của nhà nước như truyền thanh, truyền hình, báo chí khi đưa tin những việc này đều dùng cụm từ “tụ tập đông người”, hoặc nặng hơn là “bạo loạn”, né tránh thay vì dùng từ “biểu tình” để chỉ những sự kiện này!
Chuyện biểu tình thực ra thì cũng chẳng có gì mới mà cũng chẳng phải là chuyện cũ, tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay thì nghe cái từ “biểu tình” này có vẻ “nhạy cảm” và báo chí chính thống cũng ít và hầu như chẳng bao giờ đề cập đến trừ mấy trang diễn đàn mạng xã hội!
Một số Đại biểu Quốc hội của Việt Nam cho rằng, vụ việc này cho thấy cần có “Luật biểu tình” để người dân có thể bày tỏ thái độ đúng nơi, đúng chỗ.
Cũng như đa số các nước trên thế giới, tại Việt Nam, “quyền biểu tình” được ghi trong Hiến pháp tại điều 25, Chương II: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hiến pháp năm 1946 chỉ quy định công dân Việt Nam có quyền tự do tổ chức và hội họp. Nhưng từ Hiến pháp 1959, 1980 và 1992 và 2013 đều quy định công dân Việt Nam có “quyền biểu tình”.
Luật Biểu tình của một quốc gia là văn bản pháp lý được Quốc hội quốc gia đó thông qua, quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người biểu tình. Luật Biểu tình sẽ tuân thủ theo Hiến pháp, tương đồng với các Hiệp ước quốc tế về quyền con người mà quốc gia đó ký kết.
Quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm, và quyền tự do hội họp và lập hội (một cách ôn hòa) quyền dân sự cơ bản chính đáng theo Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hợp quốc mà đa số các quốc gia dân chủ đã công nhận và ký kết. Vì vậy, quyền biểu tình được công nhận trong hiến pháp của các quốc gia.
Cuộc biểu tình là sự biểu hiện, thể hiện các suy nghĩ, hành động, bất đồng quan điểm đối với các quy định, liên quan đến quyền lợi, của các tổ chức hay cá nhân, hoặc tập hợp các nhóm người ủng hộ cho một mục đích chính trị, hoặc nguyên nhân khác. Nó thường bao gồm việc đi bộ để hình thành diễu hành hàng loạt và bắt đầu với một cuộc gặp gỡ tại một địa điểm được chỉ định, hoặc diễu hành.
Các hành động như phong tỏa đường phố và ngồi yên một chỗ cũng có thể được gọi là các cuộc biểu tình. Các cuộc biểu tình có thể bất bạo động hoặc bạo động, hoặc có thể bắt đầu như bất bạo động và trở thành bạo động phụ thuộc vào hoàn cảnh. Đôi khi cảnh sát chống bạo động hoặc các hình thức thực thi pháp luật khác cũng tham gia vào biểu tình. Trong một số trường hợp, điều này có thể là để cố ngăn chặn sự phản kháng xảy ra. Trong các trường hợp khác, nó có thể là để ngăn chặn xung đột giữa các nhóm đối thủ, hoặc để ngăn chặn một cuộc biểu tình lan rộng và biến thành một cuộc bạo loạn.
Các cuộc biểu tình có thể có mục đích bày tỏ quan điểm hoặc ủng hộ hoặc phản đối một vấn đề công cộng, nhất là về một vụ bất công xã hội. Người ta thường nghĩ rằng càng thêm người tham gia cuộc biểu tình thì nó càng thành công hơn. Các biểu tình thường có liên quan đến vấn đề chính trị, kinh tế, và xã hội, thường nhằm mục đích gây sức ép cho một thay đổi nhất định.
Nhiều người cho rằng “Quyền biểu tình” không chỉ là nhu cầu thực tiễn của xã hội mà gần như là chuẩn mực của thế giới về quyền tự do. Nếu có Luật biểu tình, sẽ có tác dụng tích cực cho xã hội.
Ngày 30/5/2014, dự án luật biểu tình đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của quốc hội, dự kiến được thông qua cuối năm 2015. Tuy vậy, tính đến tháng 6/2018, Luật Biểu tình vẫn chưa được thông qua. Một số quan chức chính quyền cũng như Đại biểu Quốc hội cho rằng do ở Việt Nam “dân trí còn thấp” nên chưa cần có “Luật biểu tình”!
Thực ra nếu có “Luật biểu tình” thì trong luật sẽ có những quy định chặt chẽ giữa những người biểu tình như biểu tình phải đúng nơi, đúng chỗ, đúng giờ, đúng mục đích thì sắp xếp trật tự xã hội mới thuận lợi. Về phía chính quyền cũng xét thấy nội dung của người dân xuống đường biểu tình đòi hỏi hoặc giải quyết những nhu cầp bức xúc về dân chủ, dân sinh, dân quyền mà có các giải pháp đối thoại hoặc giải quyết vấn đề một cách hợp tình hợp lý với quan điểm “lấy dân làm gốc”.
Do hiện nay “Luật biểu tình” chưa được Quốc hội Việt Nam thông qua nên người dân “bức xúc” mới tự phát và tổ chức tùy tiện vì không có luật, làm ảnh hưởng chung, khiến người dân và chính quyền không có “tiếng nói chung”, gần như “đối đầu” thay vì đối thoại dẫn đến tình trạng một số người “quá khích” gây nên “bạo loạn”!
Biểu tình ôn hòa hay xuống đường tuần hành bất bạo động với các nước dân chủ phương Tây là một sinh hoạt dân chủ hết sức bình thường, mang tính phản biện xã hội giúp nhà cầm quyền biết được những nguyện vọng chính đáng của người dân khi quyền lợi của người dân được luật pháp thừa nhận đã bị xâm phạm, hoặc những chính sách của nhà cầm quyền trong đối nội cũng như đối ngoại không được sự đồng tình của người dân.
Tại miền Nam Việt Nam trước đây, những sự kiện mang dấu ấn chính trị như “biểu tình”, “bãi khóa”, “đình công”, “bãi thị” vẫn xảy ra thường xuyên thường do các tổ chức đảng phái đối lập, tôn giáo tổ chức và nhiều người khẳng định có bàn tay của những người cộng sản phía sau các hoạt động này nhằm gây bất ổn xã hội, chính trị bên cạnh những sức ép về quân sự.
Biểu tình ôn hòa phi bạo lực là một hình thức hành động bất bạo động thường diễn ra trong lịch sử được thực hiện bởi một nhóm người. Thuật ngữ này chỉ đến sự trưng bày một cách công khai những ý kiến chung của nhóm người này. Khái niệm này được phát triển bởi Mahatma Gandhi trong Phong trào độc lập Ấn Độ và bởi Martin Luther King, Jr. trong Phong trào Dân quyền Mỹ. Quyền biểu tình không chỉ là nhu cầu thực tiễn của xã hội mà gần như là “chuẩn mực” của thế giới để thể hiện về quyền tự do của công dân.
Biểu tình có thể dưới nhiều dạng như: tuần hành, tụ tập, biểu tình đứng, biểu tình ngồi, biểu tình nude...
Về tổ chức thì “Biểu tình” có thể do chính phủ tổ chức, do một nhóm người bị xâm hại quyền lợi, do các đảng phái chính trị đối lập gây sức ép lên chính quyền...
Biểu tình có thể lúc đầu chỉ là cuộc xuống đường tuần hành rất ôn hòa thể hiện qua các biểu ngữ, nhưng cũng có thể dẫn đến bạo lực tùy theo hoàn cảnh và các yếu tố về văn hóa và luật pháp. Bạo lực có thể nổ ra khi căng thẳng lên cao hoặc do cảnh sát hay quân đội đàn áp. Biểu tình tại Tunisia trở nên bạo lực khi một người tự thiêu là một điển hình. Các cuộc biểu tình bắt đầu vào tháng 12/2010 khi Mohamed Bouazizi đã tự thiêu sau khi cảnh sát tịch thu hàng sản xuất của mình.
Về bản chất thì biểu tình là đấu tranh bằng cách tụ họp đông đảo để bày tỏ ý chí, nguyện vọng và biểu dương lực lượng chung. Hiểu rộng ra, biểu tình là một hình thức hành động bất bạo động bất tuân dân sự nhằm thể hiện mục đích, bày tỏ quan điểm ủng hộ hoặc phản đối về một vấn đề công cộng nào đấy. Song lâu nay, trong suy nghĩ của không ít người, biểu tình vẫn được hiểu nhầm sang ý nghĩa chống đối. Thực tế, biểu tình cũng không có nghĩa là chống đối. Bởi trước chủ trương, hành động đúng đắn của Nhà nước, người dân ủng hộ thì họ xuống đường để bày tỏ quan điểm, thái độ. Ngược lại, có những vấn đề liên quan tới đời sống, người dân không đồng tình thì họ cũng được quyền biểu tình để phản đối
Sau năm 1975, Việt Nam được thống nhất và dưới quyền lãnh đạo duy nhất của đảng cộng sản, do sự chỉ đạo từ trên xuống nên việc tổ chức “biểu tình” gắn liền với việc ủng hộ nhà nước, đảng cộng sản về một chủ trương chính sách, lễ kỷ niệm nào đó, nghĩa là rất “thuận tai” với chính quyền với những khẩu hiệu rất “vui tai” như “nhiệt liệt, muôn năm, sống mãi…”
Tuy nhiên trong thời gian gần đây thì chính quyền Việt Nam rất “nhạy cảm và dị ứng” với hoạt động này!
Hiện nay, ở Việt Nam, người ta e ngại dùng từ “biểu tình” mà thường ám chỉ bằng “tập trung đông người” (khiếu kiện), “tụ tập gây rối” (trật tự trị an) để chỉ những nhóm không nhiều lắm về người có những yêu sách về quyền lợi của họ mà họ thấy không thỏa đáng, không được đối xử công bằng ....
Cũng chính vì thế mà mặc dù trong Hiến pháp của Việt Nam có ghi: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.” nhưng thực tế Quốc hội cứ quanh co chần chừ khi muốn tránh né việc thông qua một “luật biểu tình” để cụ thể hóa Hiến pháp dẫn đến một “quyền” cơ bản của công dân đã chậm, thậm chí nhà cầm quyền không muốn cho công dân thực hiện cái quyền tự do này!
Trong những năm gần đây vấn đề biểu tình diễn ra tương đối nhiều trong đó ai cũng thấy có “yếu tố Trung Quốc” trong các cuộc biểu tình! Điển hình là vấn đề biểu tình phản đối việc Trung Quốc lấn chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, và mới đây là những cuộc xuống đường ôn hòa mang tính yêu cầu chính quyền minh bạch về việc môi trường biển đang bị nhiễm độc khiến cá chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền Trung nhưng một số lực lượng của chính quyền lại ngăn cản, thậm chí ra tay đàn áp khiến người dân hết sức bất bình và căm phẫn! Và mới đây là cuộc biểu tình được xem lớn nhất trong vòng 43 năm qua!
Rõ ràng do thiếu luật nên những hoạt động biểu tình của người dân đã bị trấn áp mà không có cơ sở để chế tài nhưng người vi phạm bởi vì đã có luật đâu mà vi phạm, kể cả người biểu tình và người đàn áp biểu tình! Như vậy suy cho cùng lỗi xảy ra trong thời gian vừa qua là do Quốc hội đã hết sức chậm trễ vì Quốc hội theo lý thuyết là do dân bầu ra để thay mặt dân làm ra luật, tạo một hành lang pháp lý để vận dụng trong việc bảo đảm ổn định xã hội, chính trị và những hoạt động khác.
Nếu có luật thì cứ căn cứ vào luật mà thi hành để chế tài nhưng cuối cùng cứ đánh đồng những người phản đối ôn hòa là những “thế lực thù địch” đã tạo ra một tâm lý không đồng thuận của cả xã hội. Những người tham gia biểu tình, những người thân của họ và những người hiểu biết về quyền tự do của công dân sẽ đứng về phía họ và ngược lại những người đàn áp, những người thân chính quyền và người “bàng quang” cũng có cái nhìn thiếu thiện cảm với người xuống đường ôn hòa vì nhu cầu chung của xã hội!
Còn nhớ không lâu cách đây, người lãnh đạo cao nhất của bộ máy lãnh đạo cầm quyền Việt Nam tuyên bố là ở Việt Nam thì “dân chủ đến thế là cùng” nhưng khi người dân bày tỏ sự quan tâm đến một quyền cơ bản nhất là “quyền được sống” trong một đất nước có môi trường sống an toàn thì chính quyền lại ra tay đàn áp như đối với những kẻ thù!
Một xã hội dân chủ thật sự khi người dân được bảo đảm quyền lựa chọn của họ, quyền bày tỏ chính kiến, những bất bình của họ với chính sách của nhà cầm quyền và luật pháp chế tài chỉ khi nào họ vi phạm những qui định của luật pháp mà họ đã đồng thuận qua cơ quan Lập pháp do chính người dân bầu chọn.
Ngày trước khi còn học trung học, ông thầy dạy môn Công dân có kể một mẫu chuyện nhỏ thế này mà tôi còn nhớ mãi đến giờ:
Thầy kể “Hồi có dịp đi sang nước Anh, lúc ngang qua cung điện Buckingham, tôi thấy có hàng trăm người tập trung la ó phản đối Nữ hoàng Anh và đòi Thủ tướng Anh lúc đó phải từ chức. Lý do là đời sống người dân gặp khó khăn khi xăng tăng giá (do cuộc chiến Trung Đông lúc đó). Họ mang hình nộm Thủ tướng ra chế giễu và nhiều hình ảnh khác nữa. Trước cổng cung điện của Hoàng gia Anh, những viên cảnh sát chỉ khoanh tay đứng nhìn, cười và im lặng không nói gì! Ngạc nhiên , tôi có hỏi một viên cảnh sát là các anh không ngăn chận họ à! Họ đang la ó Nữ hoàng và đòi Thủ tướng từ chức kia kìa!,... thì anh chàng cảnh sát phớt tỉnh – Họ đang thực hiện quyền của họ! Chúng tôi chỉ ra tay khi họ tràn vào cung điện và uy hiếp Nữ hoàng!”
Vậy đó, ở những quốc gia dân chủ Phương Tây, trong kinh tế cũng như chính trị phải có cạnh tranh thì xã hội mới có tiến bộ và người dân được hưởng lợi từ sự cạnh tranh này. Trong chính trị, các nhà đối lập với đảng cầm quyền luôn “nhòm ngó” vào những “khiếm khuyết” của đối thủ đảng cầm quyền mà chỉ trích, phản đối. Và như thế thì những đảng cầm quyền dù có trong tay cả bộ máy chính phủ cũng không thể tự tung tự tác, “múa gậy vườn hoang”, muốn làm gì thì làm để “đè đầu cưỡi cổ” người dân. Một tay “sát nhân” bị cảnh sát tóm cổ còn lớn tiếng “ Tôi sẽ gặp luật sư của tôi….” nữa là! Đó là những đất nước văn minh và thượng tôn luật pháp.
Người dân Phương Tây được toàn quyền lựa chọn là vậy! Họ tìm cây xăng nào có giá rẻ thì mua, xe hơi nước nào tốt rẻ thì xài, chính đảng nào quan tâm đến dân thì bầu chọn tự do… chứ không bị “cái lòng yêu nước, yêu đảng, kính lãnh tụ” nó huyễn hoặc. Người dân không thể chấp nhận mình là con cừu lại càng không thể biến mình làm con lừa …
Như vậy trong kinh tế cũng như chính trị, người dân Phương Tây được xem như là một “khách hàng” và các hãng, các đảng phái chính trị phải tìm cách lôi kéo khách hàng về hãng mình, đảng mình…
Mới đây theo tờ The Telegraph đưa tin nhiều học sinh tiểu học ở thành phố Brighton and Hove, đông nam nước Anh đã nghỉ học và đi theo cha mẹ để biểu tình phản đối kỳ kiểm tra chất lượng đối với học sinh từ 6 đến 7 tuổi.
Tuy nhiên, hội đồng thành phố cảnh báo việc cha mẹ dẫn con đi biểu tình sẽ khiến các bé nghỉ học không hợp lệ. Hành động này phụ huynh có thể bị phạt 175 USD (khoảng 4 triệu đồng)!
Cuộc biểu tình ở Brighton and Hove hôm 3/5/2016 là một phần của làn sóng phản đối đang xuất hiện nhiều nơi ở Anh. Theo đó, các phụ huynh không đồng ý tiến hành kỳ thi kiểm tra chất lượng cho học sinh từ 6 đến 7 tuổi.
Họ cho rằng kỳ thi gồm 2 môn Toán và tiếng Anh này là quá khó và không phù hợp với lứa tuổi các em. Những người vận động chiến dịch phản đối kỳ thi cho rằng các bài kiểm tra sẽ tạo áp lực không cần thiết lên học sinh.
Họ cáo buộc cơ quan quản lý muốn tổ chức kỳ thi không phải vì lợi ích học sinh mà dùng kết quả của các em để đánh giá chất lượng giảng dạy các trường.
Ngay ngày đầu khai mạc đại hội thường niên của đảng Bảo thủ cầm quyền tại Khu liên hợp trung tâm Manchester khoảng 60.000 người đã tham gia cuộc biểu tình do công đoàn tổ chức nhằm phản đối chính phủ cắt giảm các khoản chi tiêu dành cho phúc lợi xã hội để cân bằng ngân sách và trả nợ. Những người biểu tình cũng phản đối chính phủ thông qua dự luật hạn chế đình công và cho rằng những chính sách của chính phủ gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người lao động…
Như vậy muốn một xã hội có bầu dân chủ thật sự thì chính quyền phải tôn trọng và bảo vệ những quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người dân chứ không có cái nhìn thiếu thiện cảm với những ý kiến “nghịch nhĩ” với chính quyền!
Một chính quyền “chính danh” không thể là một “phù thủy” cứ nhìn ra xung quanh thì thấy đâu đâu cũng là “ma quỷ, yêu tinh” cả được!
Không phải Việt Nam thiếu luật, có khi còn quá nhiều nữa là đằng khác nhưng rồi chẳng luật nào ra luật nào, chồng chéo lẫn nhau và cách hành xử luật pháp ở Việt Nam lại còn kèm theo “lệ” nữa nên dân không mấy tin tưởng vào hệ thống luật pháp của xứ mình đang sống là như vậy! Điều này báo chí và thậm chí có nhiều người là lãnh đạo cao nhất của nước này từng ta thán, suy ngẫm thật chẳng sai chút nào… Lỗi tại sao, ai cũng đã có câu trả lời rồi!
Trên đời này không một ai, một tập thể, tổ chức nào, chính quyền, vua chúa nào... có thể tự hào cho rằng mình “tròn trịa” như viên bi, được lòng tất cả mọi người khác... để bất chấp không cần nghe những ý kiến phản biện, thậm chí phản đối .. để từ đó tự hoàn thiện mình hơn nữa!
Một xã hội văn minh, dân chủ cần sự thể hiện tinh thần đối thoại xây dựng thay vì “chụp mũ” quy kết là “thế lực thù địch”, là “phản động” để rồi đè nén những uất ức của người khác, đến một điểm tới hạn thì bùng phát ra khó lòng kiểm soát!
Xã hội càng có áp bức thì càng có đấu tranh! Đó là một quy luật tất yếu...
Một chiếc lò xo càng nén chặt bao nhiêu thì phản lực càng lớn và nếu người nén lực không khéo léo thì chính cái lò xo ấy sẽ bung ngay vào mặt mình!
Hoài Nguyễn - 14/6/2018


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét