NHÂN THÁNG MÂN CÔI KÍNH ĐỨC MARIA
TÌM HIỂU VỀ LỊCH SỬ HAI HANG ĐÁ ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC
PHƯƠNG NGHĨA VÀ TÂN HƯƠNG
Việc tôn kính Đức Mẹ Maria đã bắt rễ sâu trong lòng tín hữu Việt Nam.
Đối với Miền truyền giáo Kontum, ngay từ buổi đầu khai sinh đã đón nhận Đức Mẹ là Đấng bảo trợ. Cha Bề trên Phêrô Bê (Combes), ngay khi còn đang trên đường vượt biển đến với Miền truyền giáo, đã khấn hứa rằng nếu Chúa thương cho ngài thoát chết khỏi tay quân cướp biển, ngài sẽ dâng kính Đức Mẹ cơ sở truyền giáo đầu tiên ngài thiết lập ở miền Thượng du, với danh hiệu là Đức Mẹ Giải Thoát, và đã được Đức cha Cuénot ban phép. Vì vậy, vào khoảng giữa năm 1852, Kon Kơxâm - một trong bốn trung tâm được thiết lập đầu tiên đã được cha Bề trên Miền truyền giáo long trọng đặt dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ, với tên gọi: "Cơ sở Truyền Giáo Đức Mẹ Giải Thoát" (Mission de Notre-Dame de la Délivrance) [1]. Kể từ đó, nhiều cộng đoàn khác cũng đã tín nhiệm chọn Mẹ làm bổn mạng: Trung tâm Rơhai (Plei Rơhai, Tân Hương, Kon H’rachôt.v.v. chọn Đức Mẹ Mân Côi (Paroisse du Saint-Rosaire); Địa sở Kontum-Phương Nghĩa chọn Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Paroisse de l’Immaculée-Conception).v.v.
Ngoài những nhà thờ được xây dựng với thánh tượng Đức Mẹ đặt trên cao phía trên cung thánh - với ý nghĩa nhà thờ và giáo xứ đã được dâng kính cho Hiền Mẫu Chúa Giêsu, nhiều hình thức tôn vinh Đức Mẹ khác cũng được duy trì và phát triển trong nếp sống đạo đức của cộng đoàn qua dòng thời gian như: Hang đá kính Đức Mẹ, Đài tôn vinh Đức Mẹ… Nhân tháng Mân Côi, xin tìm hiểu về lịch sử hai Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức tại hai giáo xứ Phương Nghĩa và Tân Hương, để chúng ta thêm lòng yêu mến Mẹ, thường xuyên đến cầu khẩn và bắt chước gương lành của Mẹ, để được Mẹ hướng dẫn đến gặp Chúa Giêsu con của Ngài.
* * *
I. HANG ĐÁ ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC PHƯƠNG NGHĨA
Năm 1925, cha An (François-Régis Louison, cố Lui) được bổ nhiệm làm chính xứ địa sở Kontum thay cha Văn (Emile Kemlin) vừa mới qua đời tại Mạc-xây (Marseille, Pháp). Địa sở Kontum lúc bấy giờ gồm các họ đạo Phương Nghĩa và Kontum (3 làng Kontum Kơnâm, Kontum Kơpơng và Kon Kơlor); số tín hữu: 1500 người, một nửa là dân tộc Ba Na, một nửa là người Kinh [2]. Cha An là một linh mục có lòng sùng kính Đức Mẹ Maria. Hầu như chiều tối nào sau giờ kinh chiều và viếng Mình Thánh Chúa, cha cũng đi tản bộ lần chuỗi Mân Côi từ nhà thờ Kontum (Chính tòa), dọc theo con đường (trước đây là đường Tự Do, nay là đường Lý Tự Trọng) dẫn đến “Cầu nhỏ” - tức mấy tấm ván bắc ngang mương nước thời đó (nay là ống cống trước hang đá), nằm trên đường ruy-đờ-la-Mạc (rue de la Marne) thời Pháp thuộc (sau đổi thành Lê Thánh Tôn, ngày nay là đường Trần Hưng Đạo). Có lẽ cha An cũng đã từng cầu nguyện, suy tư và ước muốn xây dựng một địa điểm kính Đức Mẹ tại khu vực này.
Vào đầu năm 1927, cha An được về Pháp để bồi bổ sức khỏe và thăm gia đình. Cha đã đến kính viếng Đức Mẹ Lộ Đức tại quê nhà (hang đá Massabielle) và dâng thánh lễ tại đó, cùng khấn hứa: nếu Đức Mẹ đoái nhận lời nguyện, ngài sẽ xây dựng một hang đá Lộ Đức kính Đức Mẹ tại Phương Nghĩa, trong địa sở của ngài.
Trở về nhiệm sở vào tháng 7 năm 1927, cha An lúc nào cũng bận tâm về việc xây dựng hang đá. Vào tháng 3 năm 1928, cha họp Ban chức việc để chuẩn bị xây cất một trường tiểu học cho con em trong giáo xứ. Trường tiểu học mang tên Trường Tiểu học Thánh Giuse Phương Nghĩa, do các thầy dòng Giuse phụ trách, tọa lạc tại khu vực Dòng Nữ tu Ảnh Phép Lạ (Ảnh Vảy) ngày nay. Công trình trường học này do ông Molini, một cựu sĩ quan Pháp lãnh thầu [3]. Cũng chính trong tháng 3 năm 1928 này, hang đá Lộ Đức được khởi công xây dựng! Lúc đầu ông Molini không nhất trí với cha An về địa điểm xây dựng hang đá, vì khu vực này vào thời đó vắng vẻ, uế tạp, không được bằng phẳng, vả lại gần mương nước công cộng. Nhưng cha An vẫn giữ lập trường và quả quyết: khu vực này sẽ trở nên trung tâm cầu nguyện của giáo xứ Phương Nghĩa, nơi qui tụ những tâm hồn yêu mến Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội, và là điểm tham quan du lịch của tỉnh Kontum trong tương lai…
Cha kêu gọi mọi thành phần dân Chúa trong địa sở tham gia tích cực vào công việc đạo đức này. Ban xây dựng hang đá Lộ Đức được thành lập, đứng đầu là ông trùm phủ Xuân của họ Phương Nghĩa, lo chuẩn bị các khâu để có thể thi công công trình.
Sáng ngày 25.03.1928 (Lễ Truyền Tin) là ngày khởi công khai phá và san bằng khu đất (hang đá hiện nay). Mọi thành phần dân Chúa, từ quý chức việc, giáo dân Kinh-Thượng, nam nữ lão ấu… đều hăng hái tham gia công việc: nào chặt cây, đào gốc, san lấp đất; kẻ khiêng, người gánh…quang cảnh thật nhộn nhịp! Đúng 12 giờ trưa, khi nghe chuông nhật một từ nhà thờ Kontum ngân vang, cha sở và mọi người ngừng làm việc, cùng nhau đọc kinh Truyền tin. Theo ý cha sở, mỗi ngày giáo dân chỉ làm việc một buổi sáng, còn buổi chiều nghỉ để lo việc nhà.
Sau hai tuần tích cực làm việc, giai đoạn san lấp mặt bằng đã cơ bản hoàn thành.
Vào ngày 31.05.1928 (lễ Đức Mẹ đi viếng bà thánh Isave), bắt đầu khởi công xây dựng hang đá dưới sự điều hành của Ban xây dựng và ông Molini. Đá phần lớn được lấy từ Hố Tre ở Ruộng Lào, tức Tân Điền, xã Đoàn Kết bây giờ; một số đá khác được lượm dọc theo các con đường Ngô Quyền, Lý Tự Trọng… ngày nay.
Sau khoảng 3 tuần thi công, hang đá Lộ Đức đã hình thành. Một số giáo dân tự nguyện tiếp tục làm việc: đắp lối đi, ngăn luống trồng hoa, trồng cây cảnh… để tô điểm thêm cho khu vực hang đá. Hang đá đã hoàn thành nhưng chưa có tượng Đức Mẹ, do cha An đặt mua bên Pháp chưa về đến Kontum. Đến tháng 7 năm 1928 tượng Đức Mẹ mới tới Sài gòn…và đầu tháng 8 năm 1928 tượng Đức Mẹ về tới Phương Nghĩa.
Lễ Đức Mẹ Mông Triệu 15.08.1928, cha sở đã tổ chức lễ làm phép và đặt tượng Đức Mẹ để khánh thành hang đá Lộ Đức. Xuất phát từ nhà thờ Kontum, đoàn rước gồm đủ mọi thành phần giáo dân Kinh Thượng, vừa đi vừa lần chuỗi Mân Côi vừa hát thánh ca…Khi đoàn kiệu gần đến, pháo bông bắt đầu nổ tỏa sáng trên hang đá làm sáng rực cả khu vực, như để tôn vinh Đức Mẹ. Đến nơi, cha sở làm phép tượng, ngài nói đại khái: “Hôm nay là ngày vui mừng nhất, đáng ghi nhất trong đời linh mục thừa sai của cha: mong ước của cha từ bao năm qua nay đã được thực hiện. Đức Mẹ đã nhận lời cầu xin của cha, cha ước muốn nơi đây sẽ được mọi người trong giáo xứ kính mến và thường xuyên cầu khẩn cùng Mẹ. Cha hy vọng rằng nơi đây Mẹ Maria sẽ được tôn vinh, Con của Mẹ sẽ được cả sáng, nhiều người sẽ được ơn trở lại cùng Chúa Giêsu. Vì vậy, tất cả chúng con hãy cùng cha dâng lời cảm tạ Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội ...”.
Hang đá Lộ Đức Phương Nghĩa thời kỳ đầu có diện tích nhỏ hơn hang đá ngày nay, tượng Đức Mẹ được đặt phía trên bên phải hang đá, chung quanh quang cảnh còn khoảng khoát trống trải. Nơi đây đã trở thành điểm quy tụ đọc kinh cầu nguyện thật lý tưởng, không chỉ cho giáo dân trong giáo xứ Phương Nghĩa, mà còn cho nhiều người trong thị xã Kontum và các vùng lân cận, bất kể lương giáo.
Hang đá kính Đức Mẹ, đường rue de la Marne (giữa thành phố Kontum)
(đường Lê Thánh Tôn trước 1975, hiện nay là số 144 đường Trần Hưng Đạo,
Phường Thắng Lợi, Tp. Kontum)
Hình: trích từ bài viết Kontum tỉnh chí của quan Võ Chuẩn, quản đạo Kontum,
in trong báo Nam Phong Tạp Chí, số 193, Février-Mars 1934, tr. 141.
(Minh Sơn sưu tầm).
Trải qua thời gian, đến năm 1962, thời cha Bề trên Simon Nguyễn Diện làm chính xứ Phương Nghĩa (1952-1962), ngài đã cho trùng tu qui mô hang đá để trở thành nơi tôn nghiêm và mỹ thuật như ta thấy ngày nay.
Ngày 11.04.1962, cha Simon triệu tập cuộc họp Ban Chức việc và đại diện các thành phần dân Chúa trong giáo xứ để bàn về việc đại tu Hang đá Đức Mẹ Phương Nghĩa, lâu năm bị xuống cấp. Toàn thể cộng đoàn dân Chúa đồng tâm nhất trí, với sự hỗ trợ của Tòa giám mục, của các ân nhân đạo cũng như đời; đặc biệt với sự cộng tác tích cực của ông câu Stêphanô Nguyễn Kim Vệ, ông biện G.B Đặng Lâm (ông biện Sang). Các hạng mục chỉnh trang đã được thực hiện:
-Nới rộng thêm diện tích hang đá, -phía bên trên hang đá làm hồ nước phun, có nước chảy xuống róc rách, -đào một giếng nước bên cạnh hang đá (thường gọi là giếng nước Đức Mẹ),
-đặt bàn thờ bên trong hang đá (để dâng Thánh lễ), -đặt tượng thánh nữ Bernadette, -làm trụ nến, -xây hàng rào bao lơn xung quanh, -bắt điện chiếu sáng.v.v. Công việc đại tu hoàn thành vào tháng 07.1962, nhìn chung hang đá được chỉnh trang y như ta thấy ngày nay.
Lễ Mông Triệu 15.08.1962, thánh lễ tạ ơn được tổ chức tại hang đá, do ĐGM giáo phận Phaolô Kim (Seitz) chủ tế cùng với các linh mục hạt Kontum, với sự tham dự của các chủng sinh Chủng viện Thừa sai Kontum, trường Giáo phu Cuénot, trường trung tiểu học Lasan, trường Têrêxa Tân Hương, các ân nhân, các khách quý phần đời và đông đảo giáo dân Kinh-Thượng.
Từ sau lần chỉnh trang năm 1962 đến nay, Hang đá Lộ Đức Phương Nghĩa luôn được các linh mục quản xứ quan tâm bảo quản và tu bổ:
- Tháng 6 và tháng 7 năm 1974, cha Giuse Maria Nguyễn Hữu Nghị (cha sở Phương Nghĩa từ 1963-1975) cho lát gạch bông ở trong hang đá và một phần ở ngoài.
- Đầu tháng 12.1987, thời cha sở Giuse Nguyễn Văn Đắc, để chuẩn bị mừng lễ Bổn mạng của giáo xứ (08.12), đồng thời để kính mừng Năm Thánh Mẫu, giáo xứ đã lát gạch bông toàn bộ phần giữa của hang đá. Và vào dịp lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời 15.08.1988, cha sở Giuse và toàn thể cộng đoàn giáo xứ đã tổ chức giờ tôn vinh đặc biệt kính Đức Mẹ tại Hang đá, mừng kỷ niệm 60 năm xây dựng và khánh thành Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức Phương Nghĩa (15.08.1928-15.08.1988), và bế mạc Năm Thánh Mẫu (1988).
Năm 1991: Tráng ciment đường đi phía bên hông trái từ cửa phụ vào hang đá.
Tháng 07.1999: Sửa sang toàn bộ mặt bằng hang đá.
-Thời cha sở Đaminh Trương Bảo Tâm (1999-2010), san lấp hồ nước sau lưng thánh nữ Bernadette (bên cạnh Giếng nước).
Ngày 14.07.2009, khởi công gia cố hang đá, xây bờ kè phía sau lƣng hang đá để giữ vững nền móng lâu năm bị xuống cấp…
Hang đá Lộ Đức Phương Nghĩa năm 1998
Tháng 10.2014
3. LÒNG TÔN KÍNH ĐỨC MẸ VÀ ƠN LÀNH ĐỨC MẸ
Qua thời gian, ngày càng có nhiều người đến kính viếng Đức Mẹ tại hang đá Lộ Đức Phương Nghĩa. Rất nhiều người đã được ơn của Đức Mẹ. Tiếng lành đồn xa, nhiều anh chị em bên lương cũng đến cầu khấn, dâng cúng hoa, hương, nến…Ngay thời kỳ đầu đã thấy ghi lại lòng yêu mến và tin tưởng của các tín hữu vào lòng hiền mẫu từ ái của Mẹ, nhất là ơn chữa lành: …
“Cố Lui (Louison) cũng lập vườn bông,
Kế luôn phía dưới giữa đồng ngã ba,
Thường kêu hang đá Đức Bà,
Để cho ai nấy đến mà khẩn xin.
Tự lòng kính mến cậy tin,
Ốm đau tật bịnh an tuyên hằng hà”.
(Trích Chức dịch Thơ tín, Địa phận Kontum, No 44, Décembre 1936, tr. 553).
ƠN LÀNH ĐỨC MẸ
Dám xin cha Quản lý đăng mấy lời quê kệch nầy vào Thơ tín, hầu cho kẻ xem được thêm lòng trông cậy Đức Mẹ hơn nữa.
Trong năm nay tôi phải bịnh lá lách, đi nhà thương Kontum uống thuốc, mà chẳng thấy công hiệu gì, ngã lòng tôi về nằm tại nhà bà Dư ở Phương nghĩa đặng đổi khí ít bữa. Song bịnh càng ngày càng thêm, thuốc tây thuốc nam cũng có mà chẳng thấy chi là khá. Bữa kia lại bị bịnh díp, nổi cơn rét rất nặng, nằm bất tỉnh nhơn sự. Người ta đi rước thầy đặt ống mạch xem, thì cho là nan trị, vì mạch lên 45 độ rưỡi, thế thường thì phải chết.
Bấy giờ cha Xi-mong Thiệt khấn cùng Đức Mẹ nơi hang Lộ Đức Phương nghĩa một lễ misa và bảo tôi phải hiệp một ý cùng người mà khấn như vậy. Lại tôi cũng thầm thì kêu xin cùng Đức Mẹ và hứa: nếu Đức Mẹ cho tôi qua khỏi, thì sẽ đặng vào báo Lời thăm hoặc Thơ tín mà cao rao quờn phép và lòng lành Đức Mẹ. Quả thật Đức Mẹ chẳng hề bỏ kẻ chạy đến cùng người: tôi chẳng những là qua khỏi, mà bây giờ cũng hết bịnh. Thật ứng nghiệm như lời: “Đức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn”. Nên tôi chẳng dám bỏ qua lời đã hứa và xin cha chủ bút đăng vào Thơ tín, hầu cho chư vị khán quan cao rao lòng nhơn từ Đức Mẹ một ngày một hơn.
Paul Huấn
Họ Đức Bà
(Trích Chức dịch Thơ tín, Địa phận Kontum, No 10, Janvier 1934, tr. 93).
Đã 86 năm trôi qua (1928-2014). Lòng yêu mến và tin tưởng của cộng đoàn dân Chúa vào Đức Mẹ từ đó đến nay vẫn không hề giảm sút. Ơn lành của Đức Mẹ vẫn dạt dào. Xin được mượn lại lời tâm tình đầy hiếu kính và lời cầu nguyện chân thành của cha Giuse Nguyễn Văn Đắc cách nay 26 năm tại hang đá, trong giờ tôn vinh Đức Mẹ mừng kỷ niệm 60 năm Hang đá Lộ Đức Phương Nghĩa (1928-1988), để cùng tiếp tục tạ ơn Chúa và cám ơn Mẹ mãi không ngơi:
“Chiều nay trong tâm tình tạ ơn Chúa và Mẹ Maria, trong lòng yêu mến Thân Mẫu Đấng Cứu Thế, trong ý hướng nhớ tới công trình đạo đức của vị sáng lập ra khu vực hang đá Lộ Đức này (cha An đáng kính), và trong hân hoan mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập hang đá (1928-1988), chúng ta khiêm tốn dâng lên Mẹ Vô Nhiễm giờ tôn vinh đặc biệt này qua tràng hạt Môi Khôi cùng với những lời ca tiếng hát đầy tình hiếu thảo.
Xin Mẹ tiếp tục chúc phước lành cho giáo xứ chúng con. Chúng con nguyện sẽ yêu thương nhau hơn, sống đẹp lòng Mẹ hơn, để làm chứng cho mọi người biết chúng con là môn đệ của Chúa Giêsu, Con của Mẹ”.
Phêrô Minh Sơn
Đầu tháng Mân Côi 01.10.2014
Dựa theo tài liệu:
-“Lịch sử Hang đá Lộ Đức Phương Nghĩa, Kontum”, tài liệu đánh máy chữ, ngày 13.08.1988, lưu tại giáo xứ Phương Nghĩa, do ông Câu Phaolô Nguyễn Tấn Quang cung cấp.
-Tài liệu trên đây cũng cho biết có tham khảo bản Hồi ký viết tay của thầy Giuse Lê Tấn Tài về Hang đá Đức Mẹ, ngày 19.03.1981; và theo ký ức của các bậc lão thành có uy tín trong giáo xứ Phương Nghĩa.
-Một số nguồn tài liệu khác.
_________________________
CHÚ THÍCH:
[1] x. P. Dourisboure (cố Ân), Dân Làng Hồ, NXB Đà Nẵng 2008, tr.105.
[2] x. Les Missions Catholiques, No 3050, 09.12.1927, tr. 581.
[3] Ông Molini cũng là người đã lãnh xây cất chiếc cầu đúc xi-măng bắc qua sông Đăk Bla vào đầu thập niên 1930, vị trí chiếc cầu đoạn khúc sông trước khách sạn Đông Dương ngày nay. Chiếc cầu này bị cây lụt lớn năm 1932 phá vỡ khi chưa kịp khánh thành, vết tích còn lại là “Hòn Bi” (trụ cầu xi-măng) hiện nằm dưới mặt nước gần cầu Đăk Bla hiện tại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét