Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

HANG ĐÁ ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC Gx TÂN HƯƠNG

NHÂN THÁNG MÂN CÔI KÍNH ĐỨC MARIA
TÌM HIỂU VỀ LỊCH SỬ HAI HANG ĐÁ ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC
PHƯƠNG NGHĨA VÀ TÂN HƯƠNG
I. HANG ĐÁ ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC PHƯƠNG NGHĨA - KONTUM
(Mời xem tại: http://gpkontum.wordpress.com/2014/10/04/hang-da-duc-me-lo-duc-phuong-nghia-kontum/
II. HANG ĐÁ ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC TÂN HƯƠNG - KONTUM
Tại địa sở Tân Hương được dâng kính cho Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi, lòng tôn kính Đức Maria đã có từ xa xưa và dưới nhiều hình thức phong phú.
Các vị thừa sai đã phổ biến Hội Mân Côi từ rất lâu tại Giáo phận Kontum, khởi đầu từ địa sở Tân Hương (La Confrérie du St Rosaire à Tân Hương) vào năm 1905 [1], và hình thức hội đoàn đạo đức này phát triển khá mạnh vào thời Cố Hiền (cha Jules Alberty) làm chính xứ (1913-1948) [2]. Hội Mân Côi liên kết các hội viên với nhau sống tình hiệp thông trong giáo phận. Ngoài việc đọc kinh Mân Côi mỗi ngày, các thành viên có trách nhiệm thể hiện tình liên đới, thăm viếng giúp đỡ lẫn nhau, mang lời kinh nguyện vào cuộc sống xã hội cụ thể, đem Đạo vào đời và làm cho đời thấm nhuần tinh thần bác ái của Tin Mừng.
Theo đà phát triển, dân số thị xã Kontum ngày càng tăng nhanh, lập nên nhiều làng xóm mới. Ngoài những làng công giáo đã có từ trước như Tân Hương, Phương Nghĩa, Phương Quý, Phương Hòa.v.v., nhiều làng người Kinh bên lương cũng được dần dần hình thành gần trung tâm Kontum, như là làng Trung Lương (1914), làng Lương Khế (1927), làng Võ Lâm (1938) [3]…Cha sở thời bấy giờ là Cố Hiền đã rất quan tâm đến việc mở rộng truyền giáo cho anh chị em các làng này.
Thật lạ lùng! Rất nhiều anh chị em bên lương tuy chưa trở thành những người thờ phượng Thiên Chúa, nhưng lại có lòng yêu mến Đức Mẹ! Nhất là khi Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức Phương Nghĩa đã trở nên kh “nổi tiếng”, Đức Mẹ tỏ ra “thiêng” cách âm thầm đối với đồng bào cả giáo lẫn lương. Nhiều câu chuyện của người bên lương về ơn lành Đức Mẹ được kể lại và vẫn còn lưu truyền đến ngày nay.
Thập niên 1950, đồng bào bên lương sống chung quanh thị xã Kontum đã truyền tụng một câu chuyện mà đã trở thành “thời sự” vào thời kỳ đó. Câu chuyện kể rằng: Trước thời gian đình chiến vào năm 1954, quân đội Pháp đã dùng máy bay khu trục bắn phá và ném bom thị xã Kontum, nhưng nhờ vào sự che chở của một “Bà mặc áo chùng trắng với thắt lưng xanh”, Bà đã dùng vạt áo chùng của Bà để che chắn, nhờ vậy mà không một ai bị chết và bị thương. Mọi người đã được an lành!
[Theo Hồi ký viết tay về Hang đá Đức Mẹ Tân Hương của ông Phêrô Nguyễn Lài (anh của cố Lm Phaolô Nguyễn Đây, Gp Kontum), ngày 23.08.2006. Nhà ông Lài ở sát cạnh Hang Đá Đức Mẹ Tân Hương (Nhà hàng Hoàn Vũ - Tiệm bi-a Alpha bây giờ). Ông Lài hiện định cư cùng gia đình tại Hoa Kỳ)].
Thời Cha Giacôbê Nguyễn Tấn Đường được bổ nhiệm chính xứ Tân Hương (1956-1963), cha đã cho xây một Đài kính Đức Mẹ Nữ Vương Ban Sự Bình An, tượng cao hơn 2m, đế tượng cao 3m, đối diện với ngôi thánh đường Tân Hương, phía bên kia đường Nguyễn Huệ. Đài Đức Mẹ đã đáp ứng nhu cầu tâm linh của giáo dân Tân Hương cũng như dân chúng trong thị xã Kontum. Ngoài những giờ kinh chung của giáo xứ, rất nhiều tín hữu đến cầu nguyện riêng thầm lặng trước Đài Đức Mẹ; nhiều người bên lương cũng đến dâng hoa, hương, nến và cầu khấn cùng Đức Mẹ
.
                                        Đài Nữ Vương Ban Sự Bình An năm 1972
                                Ảnh: Phòng truyền thống giáo xứ Tân Hương 2006
Chiến tranh ngày càng ác liệt. Biến cố 1972, các gia đình chạy loạn. Nhiều người công giáo cũng như bên lương đã đến cầu khẩn tại Đài Đức Mẹ Tân Hương. Khi tình hình tạm lắng, dân chúng lần lượt trở về nhà và vui mừng thấy mọi người vẫn bình an… Tin tưởng vào sự cầu bầu của Mẹ, cha sở Giuse Phạm Thiên Trường (cha sở 1963-1972) và giáo dân đã đặt một bia đá tạ ơn tại Đài Đức Mẹ. Tấm bia khắc dòng chữ: “Ghi nhớ: Hồng ân Thiên Chúa và Đức Mẹ đã phù trợ chúng con qua cảnh khói lửa Mùa Hè 72”. Bia đá này do ông Phaolô Nguyễn Văn Nho nhận đặt làm ở Tân Định, Sài Gòn mang về.
Tháng 12.1972, cha Luca Bùi Thủ được bổ nhiệm chính xứ Tân Hương. Đài Đức Mẹ Bình An lúc này qua thời gian đã bị xuống cấp. Do vị trí Đài Đức Mẹ gần bờ hừng sông Đăk Bla, nên nước mưa chảy xói mòn đã làm nứt đế tượng. Vào tháng 05.1974, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Họ đạo người Kinh đầu tiên (Trại Lý, sau đổi tên Gò Mít, giáo xứ Tân Hương ngày nay) 1874 - 1974, Cha sở Luca Bùi Thủ đã kêu gọi giáo dân tự nguyện đóng góp công, của để xây lại Hang Đá Đức Mẹ Lộ Đức cùng với vườn hoa, cây cảnh, hồ nước...Đá được lấy chuyển về từ Đèo Sao Mai (De Sơmei) cách thị xã Kontum hơn 10 cây số. Mọi thành phần dân Chúa, chủ lực là các gia trưởng và bà mẹ, ca đoàn Liên Minh Thánh Tâm.v.v. đã hăng hái tham gia công tác. Những tảng đá lớn từ chân núi được đục, chẻ hoặc cho nổ mìn, sau đó giáo dân chuyền từ chân núi ra bên ngoài để chất lên xe, chở về nhà thờ. Tuy công việc khá nặng nhọc nhưng mọi người đều vui vẻ nhiệt tình làm việc. Đích thân cha sở Luca cũng đến công trường để chỉ đạo và khích lệ tinh thần mọi người.
QUANG CẢNH GIÁO DÂN ĐI LẤY ĐÁ
TỪ DE SƠMEI VỀ LÀM HANG ĐÁ ĐỨC MẸ





Ảnh: Phòng truyền thống giáo xứ Tân Hương năm 2006

Sau thời gian thi công dưới sự điều hành của Ban xây dựng, đứng đầu là ông câu chánh Phêrô Võ Văn Muồi (ông cố thân sinh của cha Micae Võ Văn Sự), ông câu phó Phaolô Phạm Văn Thanh, ông Phêrô Nguyễn Hữu Phú…, đến tháng 09.1974 Hang đá Đức Mẹ đã hoàn thành cùng với các công trình phụ trợ chung quanh như hồ nước, vườn hoa, trồng cây cảnh…Tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và thánh nữ Bernadette do cha sở Luca đặt mua từ Sài gòn cũng đã được đưa về đến giáo xứ.
Vào dịp lễ Mân Côi bổn mạng giáo xứ ngày 06/10/1974, ĐGM Giáo phận Phaolô Kim Seitz đã đến thăm mục vụ, dâng thánh lễ tại nhà thờ Tân Hương. Đức Cha đã đến viếng và long trọng làm phép tượng Đức Mẹ và khánh thành Hang đá Lộ Đức Tân Hương, trước sự hiện diện của toàn thể cộng đoàn dân Chúa trong giáo xứ và quý khách mời. Nhân dịp này, bia đá tạ ơn đã được đặt lại tại vị trí như ngày nay và ghi thêm dòng chữ: “Kỷ niệm Bách Chu Niên ngày thành lập giáo xứ Tân Hương. Lễ Mân Côi 06.10.1974”.

Bia Đá tạ ơn
“Ghi nhớ: Hồng ân Thiên Chúa và Đức Mẹ đã phù trợ chúng con qua cảnh khói lửa Mùa Hè 72.        Kỷ niệm Bách Chu Niên ngày thành lập giáo xứ Tân Hương. Lễ Mân Côi 06.10.1974”

Biến cố lịch sử 1975, một lần nữa giáo dân Tân Hương và nhiều người dân thị xã Kontum lại bị dao động. Nhiều gia đình đã đến quỳ trước hang đá Đức Mẹ lần chuỗi Mân Côi và cầu nguyện, trước khi phải lên đường di tản.
Sau biến cố 1975, thời kỳ đầu với bao khó khăn, cấm cản: lệnh chính quyền chỉ cho phép linh mục dâng thánh lễ trong nhà thờ đúng 30 phút mà thôi, không được lâu hơn!? Cha Luca Bùi Thủ dâng thánh lễ đến đúng giờ qui định, ngài dừng lại mời giáo dân ra Hang đá Đức Mẹ tiếp tục đọc kinh, còn một mình ngài ở lại dâng lễ âm thầm. Cứ như vậy suốt một thời gian, Đức Mẹ đã ân cần chăm sóc, ủi an vỗ về đoàn con của Mẹ vượt qua thử thách, giữ vững niềm tin.
Năm 1998, cha Luca đã cho xây vỉa hè, lát gạch phía trước Hang đá Đức Mẹ.
Năm Thánh 2000, Hang đá được chỉnh trang, tu sửa tường rào, lót bê-tông đường đi, đặt một số ghế đá để giáo dân ngồi đọc kinh…
Năm 2003, thời cha sở Lu-y Nguyễn Quang Vinh: sửa chữa hồ nước, lát gạch men và làm chiếc cầu kiểu bắc qua hồ nước.

Hang đá Đức Mẹ Tân Hương năm 2003
Năm 2013: lấp hồ nước phía trước Hang đ , đặt thêm ghế đá …

Tháng 10.2014

Năm 2014, nhận thấy Hang đá Đức Mẹ qua thời gian đã bị xuống cấp, hơn nữa do mặt đường Nguyễn Huệ ngày nay đã được nâng cao, nên Hang đá đã bị thấp trũng so với mặt đường…Cha sở Giuse Đỗ Hiệu đã kêu gọi mọi thành phần giáo dân trong giáo xứ đóng góp tài chính để chuẩn bị tôn tạo, chỉnh trang Hang đá . Công việc vẫn đang ráo riết chuẩn bị để có thể khởi công sớm nhất, nhằm tạo cho Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức Tân Hương một bộ mặt mới, xứng đáng là nơi tôn kính Đức Mẹ không chỉ của giáo xứ Tân Hương, mà còn là nơi chốn tâm linh, mang lại sự an bình cho nhiều người dân thành phố Kontum.
Hiện nay tại Hang đá mỗi buổi chiều tối đều có giáo dân đọc kinh cầu nguyện, đặc biệt mỗi tối thứ Bảy mọi thành phần trong giáo xứ được mời gọi đến cùng nhau lần hạt Mân Côi, hát thánh ca tôn vinh Mẹ.

Giáo dân cầu nguyện trước Hang đá Đức Mẹ Tân Hương.
Ảnh: 10.2014 
Trở lại với bức tượng Đức Mẹ Bình An trước năm 1974, bức tượng này cha Giuse Phạm Minh Công đã chuộc lại và đem đặt trên đỉnh núi Chữ Pao, trên đường quốc lộ 14 Kontum-Pleiku. Sau đây là lời kể của chính cha Giuse Phạm Minh Công, hiện nay là cha sở giáo xứ An Khê, Gp Kontum: “Nhân đây, tôi cũng xin kể lại tình hình chiến sự tại núi Chữ Pao, Đèo Sao Mai. Đây là một ngọn núi khá cao trong vùng, có những hốc đá lớn có thể làm nơi tránh bom đạn. Vì gần Thị xã Kontum, nên tôi cũng hay đi lại, Tôi nghĩ đặt một tượng Đức Mẹ ở trên đỉnh núi đó thì thật là tuyệt vời. Tôi liền gặp Cha Luca Bùi Thủ, đang là Cha xứ Tân Hương, xin cha nhượng cho tôi bức tượng Đức Mẹ ban ơn lành cao tới trên 2m hiện ở trước mặt tiền của nhà thờ. Ngài đồng ý và tôi đã mau chóng đưa Đức Mẹ lên đỉnh núi. Chưa kịp đặt lên bệ cao thì tình hình chiến sự căng thẳng, tôi không có dịp lên đó nữa. Nghe nói, anh em quân nhân trên đó cũng đã đặt Đức Mẹ lên một tảng đá lớn. Sau 75 thì bị hai du kích bắn phá, và Đức Mẹ bị xô xuống vực, chỉ còn sót lại ít mảnh vụn rêu phong. Hai du kích đó khi trở xuống núi, đã bị trúng mìn chết tại chỗ!” (Trích KÝ ỨC VỀ TƯỢNG ĐÀI ĐỨC MẸ MĂNG ĐEN, Lm Giuse Phạm Minh Công, An Khê, ngày 03.07.2011. (Nguồn tin: gpkontum.wordpresscom)

* * *
Giữa lòng thành phố Kontum, ngoài những công trình tôn giáo cổ kính như Nhà thờ Chính tòa (Gỗ), Nhà thờ Tân Hương, Chủng viện Thừa sai, khu vực trường Cuénot, nhà dòng nữ tu Ảnh Phép Lạ…, hai Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức Phương Nghĩa và Tân Hương như những nét chấm phá tô điểm thêm cho phố Đạo Kontum hiền hòa, an bình. Hai công trình kính Đức Mẹ này tuy qui mô khiêm tốn và có lịch sử thời gian khác nhau, nhưng cả hai đều tọa lạc trên những đường phố chính của thành phố, không chỉ là chứng tích của lòng yêu mến và tin tưởng vào Mẹ Đấng Cứu Thế của cộng đoàn dân Chúa, mà còn chứng nhận lòng ngưỡng mộ và tín nhiệm của đồng bào bên lương đối với Mẹ Chúa Trời; là nơi thanh lặng nguyện cầu giữa đô thị tất bật ồn ào của cuộc sống thường ngày.
Đối với du khách đến tham quan thành phố Kontum, hai Hang đá Đức Mẹ Phương Nghĩa và Tân Hương là những nơi mà khách viếng thăm thường muốn dừng lại chụp vài ba tấm hình làm kỷ niệm.
                                                                                                              Phêrô Minh Sơn
                                                                                                                 Lễ Mân Côi
                                                 Kỷ niệm 40 năm xây dựng Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức Tân Hương
                                                                                                     (06.10.1974-07.10.2014)
*Tài liệu tham khảo:
-Lịch sử Giáo xứ Tân Hương, Linh mục Luca Bùi Thủ, bản đánh máy ngày 24.03.1976.
- Hồi ký viết tay về Hang đá Đức Mẹ Tân Hương của ông Phêrô Nguyễn Lài (anh của cố Lm Phaolô Nguyễn Đây, Gp Kontum), ngày 23.08.2006. Nhà ông Lài ở sát cạnh Hang Đá Đức Mẹ Tân Hương (Nhà hàng Hoàn Vũ - Tiệm bi-a Alpha bây giờ). Ông Lài hiện định cư cùng gia đình tại Hoa Kỳ).
-Phỏng vấn một số nhân chứng còn sống: Ông Phaolô Phạm Văn Thanh (nguyên Câu phó), ông Phaolô Nguyễn Văn Nho…
______________________________
CHÚ THÍCH:
[1] x. Echos 11.1949, tr. 2.
[2] -x. Chức Dịch Thơ Tín, số 40, tháng 08.1936, tr. 486: Vào năm 1932, lễ Đức Mẹ Mân Côi tại nhà thờ Tân Hương được ghi lại có cuộc kêu gọi các thành phần tín hữu từ khắp các xứ đạo gia nhập Hội Mân Côi; có linh mục giảng thuyết về việc vào Hội Mân Côi, về ơn lành Đức Mẹ qua việc lần chuỗi Mân Côi, linh mục làm phép chuỗi Mân Côi.v.v.
-Đến năm 1949, Hội Mân Côi ở Tân Hương (La Confrérie du St Rosaire à Tân Hương) vẫn là một hội đoàn đang hoạt động (x. Echos 08.1949).
[3] x. Kon Tum: Đất nước-Con người, NXB Đà Nẵng 1998, tr. 11)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét