Mẹ Sầu Bi
Trong quan niệm đời thường, người ta thích nhắc tới những kỷ niệm vui đã từng gặp trong đời. Bởi lẽ mỗi khi nhắc tới những kỷ niệm đó, người ta cảm thấy hạnh phúc và an bình. Trong các tước hiệu người tín hữu công giáo dành cho Đức Mẹ, có một tước hiệu không gợi đến một nhân đức hay một đặc ân của Đức Mẹ, đó là Mẹ Sầu Bi. Truyền thống của Giáo Hội từ lâu cũng suy gẫm về các sự đau khổ của Đức Trinh Nữ qua kinh “Ngắm bảy sự đau đớn Đức Bà”. Tại sao lại tính sự đau khổ của Đức Mẹ với con số bảy? Thiển nghĩ, số bảy tượng trưng cho con số đầy đủ và viên mãn, như một tuần có bảy ngày phỏng theo tác giả sách Sáng Thế; hoặc người Do Thái quan niệm tha thứ bảy lần; hay truyền thống của người Do Thái cứ bảy năm thì cho đất đai được nghỉ ngơi và cho nô lệ phóng thích. Khi liệt kê có bảy sự thương khó của Đức Mẹ, phải chăng truyền thống đạo đức bình dân muốn khẳng định: Đức Mẹ đã chịu rất nhiều đau khổ. Nếu Đức Giê-su đã trải qua mười bốn chặng đường thánh giá (gấp đôi con số bảy), thì Đức Mẹ cũng đồng lao cộng khổ với Người. Bảy sự đau đớn của Đức Trinh Nữ Maria được sắp xếp như sau: 1-Lời ngôn sứ của cụ già Si-mê-on; 2-Trốn sang Ai-cập; 3-Đức Mẹ lạc mất Chúa Giê-su; 4-Đức Mẹ gặp Chúa Giê-su vác thánh giá; 5-Đức Mẹ dưới chân thập giá và chứng kiến cơn hấp hối của Con mình; 6-Đức Mẹ ôm xác con mình khi tháo đanh từ thập giá; 7-Đức Mẹ cùng với các môn đệ táng xác Chúa Giê-su.
Nếu chỉ tôn vinh Đức Mẹ như một tạo vật được Thiên Chúa ưu đãi, ta có cảm tưởng như Đức Mẹ đương nhiên được Chúa bao bọc và con đường nên thánh của Đức Mẹ được trải toàn nhung lụa. Không phải thế, mặc dầu được Thiên Chúa gìn giữ từ khi thụ thai khỏi tội nguyên tổ, nhưng vinh quang của Đức Mẹ là kết quả của cuộc đời yêu mến Chúa và hiến toàn thân cho Ngài. “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”, những đau khổ Mẹ đã gánh chịu chính là bằng chứng cho lòng trung thành bền chí của Mẹ. Từ giây phút nói lời “Xin vâng” trước lời đề nghị của sứ thần Ga-bri-en, Mẹ đã bước vào một hành trình mới, xen lẫn vui mừng và khổ đau, như lời cụ già Si-mê-on tại Đền thờ Giê-ru-sa-lem đã báo trước. Phụng vụ của Giáo Hội đã áp dụng cho Đức Trinh Nữ Maria hình ảnh của người phụ nữ đau khổ được nhắc tới trong sách Ai-ca: “Hỡi những khách qua đường, hãy trông xem: Có đớn đau nào như cái đớn đau hành hạ thân tôi!” (Ai-ca 1,12).
Tại thành phố Portland, thuộc tiểu bang Oregan, Hoa Kỳ, Đức Mẹ Sầu Bi được tôn kính cách đặc biệt từ những năm 20 của thế kỷ trước. Đây là một vùng đồi núi, quanh năm được phủ kín một màu xanh của những rừng thông bạt ngàn. Tượng Đức Mẹ Sầu Bi (Pieta) trạm khắc bằng đá cẩm thạch màu trắng ngự trong một hang đá lớn. Cạnh đó là một ngôi nhà thờ trước đây của một tu viện thuộc dòng Nữ tỳ Đức Maria. Từ gần một thế kỷ, nơi đây đã trở thành Đền thánh quốc gia tôn kính Mẹ Sầu Bi (The National Sanctuary of Our Sorrowful Mother). Được biết, với sự hiện diện của cộng đoàn công giáo Việt Nam từ năm 1977 tại thành phố Portland, ngày hành hương truyền thống vào dịp đầu tháng 7 dương lịch hằng năm trở nên sầm uất và sốt sắng hơn. Số giáo dân Việt Nam về tham dự ngày hành hương lên tới 6 hoặc 7 ngàn người. Người công giáo Việt Nam có truyền thống yêu mến Đức Mẹ. Những dịp hành hương kính Đức Mẹ ở trong nước cũng như ở hải ngoại cho thấy dù đi đến phương trời nào, các tín hữu Việt Nam vẫn trung thành với truyền thống tốt đẹp của mình. Người công giáo Việt Nam tôn nhận Đức Maria là Nữ Vương nước Việt Nam. Ở hải ngoại, nơi nào có cộng đoàn công giáo Việt Nam, thì nơi đó có những nhà thờ, nhà nguyện mang tên Đức Mẹ La Vang, một danh xưng gợi cho mọi người nhớ về cội nguồn tiên tổ, đồng thời cũng khích lệ họ giữ vững Đức tin và duy trì truyền thống văn hóa của Dân tộc.
Cùng với Hang đá Đức Mẹ và nhà thờ, khách hành hương còn được đến thăm khu vườn trên đỉnh đồi. Có một thang máy đưa khách hành hương lên vườn. Trên đỉnh đồi cao chừng 40 mét so với mặt đất, một khu vườn tuyệt đẹp, rộng rãi. Những thảm cỏ xanh được điểm bằng những bồn hoa muôn màu, tạo nên một cảnh quan vừa thanh bình mát mẻ, vừa trang nghiêm thanh tịnh giúp ta nâng tâm hồn lên với Chúa. Khách hành hương có thể dạo bước theo các lối đi để suy tư cầu nguyện, hoặc ngồi tại những chiếc ghế bằng gỗ dài đặt rải rác trong vườn. Nơi đây, có bảy tượng đài bằng gỗ diễn tả bảy sự đau đớn của Đức Mẹ. Tại một khu vườn bên cạnh, khách hành hương có thể suy niệm trước những bức phù điêu bằng đồng diễn tả 20 màu nhiệm Mân Côi. Giữa màu xanh của rừng thông được trang điểm bằng những vườn hồng rực rỡ, cộng với khí hậu trong lành mát mẻ và bầu khí nhẹ nhàng yên tĩnh, ta có cảm tưởng như lạc vào một thế giới linh thiêng. Nơi đây, con người dễ dàng gặp Chúa và tâm sự với Ngài. Rải rác trong vườn, ta có thể gặp thấy những nhà nguyện nhỏ bằng gỗ được dâng kính Đức Mẹ hoặc các thánh. Tại một triền đồi, nơi có thể ngắm nhìn toàn thành phố Portland, một ngôi nhà nguyện có tường toàn bằng kính được dựng lên để khách hành hương đến cầu nguyện và ngắm nhìn toàn cảnh thành phố. Trong nhà nguyện này, có tượng Đức Mẹ Sầu Bi bằng đồng được đúc theo mẫu bức tượng do ông Michelangelo chạm bằng đá cẩm thạch được trưng bày trong Đền Thánh Phê-rô ở Rô-ma.
Khi tôn vinh Đức Mẹ là Mẹ Sầu Bi, chúng ta học nơi Đức Mẹ sự can đảm và lòng trung thành với Chúa. Hình ảnh Đức Mẹ đứng kề bên thập giá Chúa Giê-su luôn là mẫu mực cho người tín hữu khi gặp khó khăn gian khổ trong cuộc đời. Trên đồi Can-vê buổi chiều năm xưa, Mẹ đứng đó, âm thầm chịu đựng, kiên vững cậy trông. Mẹ không phàn nàn kêu trách Chúa. Mẹ biết rằng Thiên Chúa có chương trình của Ngài mà con người không thể hiểu thấu. Mẹ cũng xác tín rằng những ai yêu mến Chúa không bao giờ bị bỏ rơi. Chính trong giờ phút đau thương này, lời thưa “Xin Vâng” của Mẹ từ ngày Truyền tin được lặp lại với sự khiêm nhường và tuân phục .
Mỗi khách hành hương đến với nơi này đều có một cảm nghiệm riêng, nhưng chắc chắn một điều, những ai đến đây với tâm tình cầu nguyện đều được Đức Mẹ thương an ủi vỗ về. Mẹ đã chịu nhiều đau khổ để cộng tác với Chúa Giê-su trong công cuộc cứu độ trần gian. Nay Mẹ cũng cảm thông với chúng ta là những người đang mang gánh nặng cuộc đời.
Lạy Mẹ Sầu Bi, xin thương chúc lành cho Dân tộc Việt Nam thân yêu của chúng con. Xin Mẹ nâng đỡ và thêm sức cho những ai đang chịu đau khổ, để họ vững lòng cậy trông nơi Chúa và tìm thấy hy vọng trong hành trình cuộc đời. Amen.
Portland, lễ Đức Mẹ Trinh Nữ Vương, 22-8-2014
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét