LỄ ĐỨC MẸ SẦU BI
Ngày 15 tháng Chín
___________
Ngày 15 tháng Chín
___________
I. TIẾN TRÌNH TÍN LÝ ĐỨC MẸ ĐỒNG CÔNG
Thế kỷ II, Thánh Giustinô khởi xướng tín lý Mẹ Maria cộng tác với Chúa Giêsu Con Mẹ trong công trình Cứu chuộc loài người. Thánh Giáo phụ dựa vào câu Tiền Phúc âm (St 3:15): Thiên Chúa phán hứa sẽ đặt một Phụ Nữ chiến thắng ác thần thay thế người phụ nữ đã bị ác thần đánh bại, và thánh nhân suy diễn sự tương phản trong Thư Thánh Phaolô (Rm 5:12; 1Cr 15:21-22) giữa cựu Ađam và Tân Ađam. Cựu Ađam đã đem tội lỗi và sự chết vào trần gian. Đối lại, Tân Ađam đã phục hồi loài người. Cựu Ađam không một mình làm sa đoạ loài người, vì bà Evà đã cộng tác vào tội Ađam. Cũng thế, Tân Ađam không một mình hồi phục loài người, vì Đức Maria đã cộng tác với Người trong công trình Cứu thế. Trong cuộc đối thoại với lạc giáo Tryphon, Thánh Giustinô nói: "Evà nghe theo lời con Rắn đã sinh ra sự bất tuân và sự chết. Đức Trinh Nữ Maria đáp lại lời Thiên thần Gabrie loan tin mừng rằng Đấng Thánh sinh ra bởi Mẹ sẽ là Con Thiên Chúa. Nhờ Người, Thiên Chúa đánh bại con Rắn và những thiên thần, những người giống như con Rắn".
Tín lý Mẹ Maria cộng tác với Chúa Cứu thế qua luận lý tương phản giữa bà Evà và Mẹ Maria của Thánh Giustinô đã được các Thánh Giáo phụ diễn giải và bổ túc.
A - Từ thế kỷ II đến thế kỷ VIII: Đặc biệt là Thánh Êphrem, Thánh Ambrôsiô, Thánh Êpiphanô, Thánh Phêrô Kim ngôn, Thánh Môdestô và Thánh Đamascenô.
B - Từ thế kỷ IX tới thế kỷ XVI: Các Thánh tiến sĩ và các nhà thần học đồng thanh tiếp tục minh chứng vai trò cộng tác vào công cuộc Cứu chuộc của Mẹ. Các Thánh tiến sĩ như Thánh Đamianô, Thánh Anselmô, Thánh Bênađô, Thánh Bônaventura, Thánh Albertô, Thánh Tôma, Thánh Canisiô. Các nhà thần học như Eadmer, Arnold Chartres, Richard St. Lawrence, Tauler, Gerson, Denis the Carthusian, Clichtove, Salmeron, Morales, Suarez.
Danh từ Đấng Đồng công (Coredemptrix) bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ XIV trong một Thánh thi của nhà thờ Thánh Phêrô tại thành Salzburg (Austria):
Pia, dulcis et benigna,
Nullo prorsus luctu digna
Si fletum hinc eligeres.
Ut compassa Redemptori,
Captivato transgressori,
Tu Coredemptrix fieres.
Nullo prorsus luctu digna
Si fletum hinc eligeres.
Ut compassa Redemptori,
Captivato transgressori,
Tu Coredemptrix fieres.
Nghĩa là: Mẹ nhân từ, hiền dịu và khoan dung,
Mẹ hoàn toàn không đáng chịu một đau khổ nào.
Nếu từ đây Mẹ khóc thương
Như Người thông phần đau khổ với Chúa Cứu Thế,
Thì, với Đấng đã chịu tử hình,
Mẹ cũng trở nên Đấng Đồng Công Cứu Chuộc.
Mẹ hoàn toàn không đáng chịu một đau khổ nào.
Nếu từ đây Mẹ khóc thương
Như Người thông phần đau khổ với Chúa Cứu Thế,
Thì, với Đấng đã chịu tử hình,
Mẹ cũng trở nên Đấng Đồng Công Cứu Chuộc.
C - Từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX: Tín lý Mẹ Đồng Công được các Thánh tiến sĩ và các nhà thần học khai triển rộng rãi, mặc dù gặp phản ứng của giáo phái Cải cách. Trong các Thánh thì có Thánh Laurensô Brindisi, Thánh Robertô Bellarminô, Thánh Euđê, Thánh Grignion Montfort, Thánh Anphong Ligouri. Các nhà thần học như Đức Hồng y Berulle, Cornelius a Lapide, Gaspar Tausch, Salazar, Vulpes, Novati, Luke Wadding, George de Rhodes, Reichensperger, Dubois, Widenfeld, Crasset, Van Ketwigh, Charles del Moral, Trombelli, De Clorivière, Jeanjacquot, Peraldi, Faber, Hồng y Wiseman, Hồng y Newman, Hồng y Manning, Scheeben, Đức Piô IX, Đức Lêô XIII. Trong thế kỷ XIX, danh từ Đấng Đồng công năng được dùng.
D - Thế kỷ XX: Tín lý Mẹ Đồng công được các Đức Giáo hoàng: Đức Lêô XIII, Đức Thánh Piô X, Đức Bênêđictô XV, Đức Piô XI, Đức Piô XII, Đức Gioan Phaolô II giảng dạy rất minh bạch. Riêng Đức Piô XI kêu xin Đức Mẹ rõ ràng với tước hiệu Đấng Đồng công. Và Đức Gioan Phaolô II cũng nêu bật giáo huấn về vai trò Đức Mẹ Đồng công, đặc biệt trong Thông điệp "Mẹ Đấng Cứu Thế", Tông thư "Sự Khổ đau Cứu chuộc", và ngài rõ ràng dùng tước hiệu "Coredemptrix" có tới 5 lần:
1. Trong lời chào chúc các bệnh nhân sau cuộc đại triều yết tại quảng trường Thánh Phêrô, Rôma, ngày mồng 8 tháng 9 năm 1982.
2. Trong huấn từ sau kinh Truyền tin tại Arona năm 1984.
3. Trong bài giảng tại đền thánh Đức Mẹ Guayaquil, nước Ecuador, ngày 31 tháng 1 năm 1985.
4. Trong huấn từ Ngày Quốc tế Giới trẻ, Chúa nhật Lễ Lá năm 1985.
5. Dịp kỷ niệm 600 năm tôn phong Thánh Brigitta hiển thánh ngày mồng 6 tháng 10 năm 1991.
Ngoài ra, trong 52 buổi đại triều yết, Đức Thánh Cha nêu cao vai trò Đồng công đặc biệt của Mẹ trong nhiệm cuộc Cứu thế của Chúa Kitô.
Công đồng Vatican II, dưới triều đại Đức Gioan XXIII và Đức Phaolô VI, đã minh nhiên nêu rõ sứ mạng Đồng công của Mẹ: "Đức Maria đã tận hiến làm tôi tớ Chúa, phục vụ cho thân thế và sự nghiệp của Con Mẹ, và phục vụ mầu nhiệm Cứu chuộc dưới quyền và cùng với Con của Mẹ... Sự liên kết giữa Mẹ và Con trong công cuộc Cứu rỗi được tỏ rõ, từ khi Mẹ Maria thụ thai Chúa Kitô cách trinh khiết cho đến lúc Chúa Kitô chết".
Theo cha Dillenschneider, thế kỷ XX có rất nhiều nhà thần học diễn giải tín lý Đức Mẹ Đồng công. Đó là các nhà thần học Le Rohellec, Broise, Bainvel, Bittremieux, Friethoff, Bover, Garcia Garces, Borzi, Seiler, Philipon, Deneffe, Carol, Hugon, Anger, Mura, Rondel, Hồng y Lépicier, Terrien, Keuppens, Merkelbach, Boyer, Roschini, Lagrange, v.v.
Từ tháng 3 năm 1993, phong trào "Vox Populi" (Tiếng dân) đã phát động khắp Giáo hội "Chiến dịch Thỉnh nguyện thư" tâu xin Đức Thánh Cha tuyên tín Mẹ Maria là "Đấng Đồng công". Phong trào này do tiến sĩ thần học Mark Miravalle, giáo sư đại học dòng Phanxicô tại Steubenville, bang Ohio, Hoa Kỳ, lãnh đạo, với ban cố vấn gồm 32 Hồng y. Cho tới tháng 10-1997, phong trào đã thu thập được chữ ký của hơn 500 Giám mục, 55 Hồng y và 5 triệu tín hữu thuộc 155 quốc gia. Cuối tháng 5 năm 1996, một Hội nghị quốc tế được tổ chức tại Rôma gồm 3 Hồng y, 13 Giám mục, và một số đông linh mục, giáo dân chính thức yểm trợ phong trào "Vox populi".
Tín lý về Mẹ Maria cộng tác với Chúa Giêsu, Con Mẹ, trong công cuộc Cứu thế qua các thời đại, đã được sáng tỏ và vững chắc. Còn danh từ Mẹ Đồng công Core-demptrix, tuy đã được dùng trong Giáo hội từ thế kỷ XIV và đặc biệt trong thế kỷ XIX, và tiếp đầu ngữ (prefix) "co" (không có nghĩa đặt Mẹ ngang hàng với Chúa trong công cuộc Cứu thế), vẫn chưa được Giáo hội chính thức xác định và công nhận, đặc biệt trong phụng vụ.
II. LỊCH SỬ PHỤNG VỤ
Năm 1011, một nguyện đường đầu tiên dâng kính Đức Mẹ đứng dưới chân thánh giá tại Paderborn, nước Đức. Dòng Citercian và Dòng Phanxicô khởi xướng lòng sùng kính Đức Mẹ Sầu bi từ thế kỷ XII và thế kỷ XIII.
Từ đó đến năm 1969 có hai lễ Đức Mẹ Sầu bi:
1. Lễ Đức Mẹ Sầu bi ngày thứ Sáu sau Chúa nhật Khổ nạn (trước Chúa nhật lễ Lá).
Năm 1423, Công đồng Cologne, nước Đức, thành lập lễ Đức Mẹ đồng thụ nạn (Compassion of Mary) để đền tạ vì tội do bè rối Hussites xúc phạm ảnh tượng Thánh giá vả ảnh tượng Đức Mẹ đứng dưới cây Thánh giá. Năm 1482, Đức Sixtô IV truyền soạn một bài lễ kính Đức Mẹ đau thương, tưởng nhớ Đức Mẹ dưới chân Thánh giá.
Năm 1714, Dòng Tôi tớ Đức Mẹ được phép cử hành lễ Đức Mẹ Sầu bi vào thứ Sáu tuần Thương khó. Năm 1727, nhờ sự vận động của Dòng Tôi tớ Đức Mẹ, lễ này được Đức Bênêđictô XIII đặt hẳn vào ngày thứ Sáu sau Chúa nhật Khổ nạn.
Năm 1969, lễ này bị bãi bỏ do việc cải tổ Phụng vụ sau Công đồng Vatican II. Lý do việc bãi bỏ ngày lễ Đức Mẹ đau thương ngày thứ Sáu sau Chúa nhật Khổ nạn là vì Giáo hội không muốn mừng hai lần trong một năm một biến cố hay một mầu nhiệm.
2. Lễ Đức Mẹ Sầu bi ngày 15 tháng Chín
Năm 1668, Dòng Tôi tớ Đức Mẹ được phép Toà thánh mừng lễ Đức Mẹ Sầu bi ngày Chúa nhật thứ ba tháng Chín.
Năm 1704, Đức Clêmentê XI ban đại xá cho những ai tham dự lễ này.
Năm 1814, Đức Piô VII lập lễ này trong khắp Giáo hội để tạ ơn Đức Mẹ đã giải thoát Đức Thánh Cha khỏi sự quản thúc của vua Napoléon.
Sau này, Đức thánh Piô X quyết định chuyển lễ từ Chúa nhật thứ ba tháng Chín sang ngày 15 tháng 9 sau ngày Suy tôn Thánh giá, để liên kết cuộc Đồng thụ nạn của Mẹ Maria với cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu. Ngoài việc thiết lập Thánh lễ, còn có những hình thức đạo đức kính Đức Mẹ Sầu bi.
1. Thánh thi Stabat Mater dolorosa (Mẹ sầu bi đứng bên Thánh giá) do tác giả Jacopone di Todi (1230-1306), tu sĩ dòng Phanxicô, và được lưu hành trong khắp Giáo hội từ thế kỷ XIII. Thánh thi này được dùng làm Ca tiếp liên đọc trong ngày lễ Đức Mẹ Đau thương 15 tháng Chín như ngày nay.
2. Lòng sùng kính Đức Mẹ Sầu bi cũng được lập vào thế kỷ XIV do Chân phúc Henri Susô.
3. Ngắm bảy Sự Đau đớn Đức Mẹ, kèm theo bảy kinh Kính mừng sau mỗi ngắm, được Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ ấn định năm 1646. Trong Toàn niên kinh nguyện Giáo phận Bùi Chu, Đức cha Đaminh Hồ ngọc Cẩn sửa đổi lại còn một kinh Lạy Cha, một kinh Kính mừng và một kinh Sáng danh sau mỗi ngắm.
BẢY SỰ ĐAU ĐỚN ĐỨC MẸ
Năm 1482, cha Gioan Couderberghe, giáo xứ Flanders, nước Bỉ, bắt đầu giảng về việc sùng kính Bảy Sự Đau đớn Đức Mẹ:
1. Cụ già Simêon nói tiên tri cùng Đức Mẹ (Lc 2:34-35).
2. Đức Mẹ đem Chúa Giêsu trốn sang nước Ai Cập (Mt 2:13-21).
3. Chúa Giêsu ở lại trong đền thờ mà Đức Mẹ tìm kiếm Người ba ngày (Lc 2:41-50).
4. Đức Mẹ gặp Đức Chúa Giêsu vác cây Thánh giá (Ga 19:17).
5. Đức Mẹ đứng kề Thánh giá Đức Chúa Giêsu là Con rất yêu dấu khi trút linh hồn (Ga 19:18-30).
6. Hai môn đệ hạ xác Chúa Giêsu mà trao cho Đức Mẹ ẵm kính (Ga 19:39-40).
7. Môn đệ táng xác Chúa Giêsu vào huyệt đá mới (Ga 19:40-42).
III. Ý NGHĨA PHỤNG VỤ
1. Dựa theo giáo huấn Công đồng Vatican II, Giáo hội muốn lòng sùng kính Đức Mẹ của chúng ta hướng về Chúa Kitô. Do đó, Giáo hội muốn chúng ta sùng kính Đức Mẹ đồng thụ nạn với Chúa Kitô khổ nạn để chúng ta noi gương Mẹ, mà kết hợp cuộc đời khổ đau của ta với cuộc đời tử nạn của Chúa Kitô, mong mai sau chúng ta cùng được trường sinh vinh hiển với Người như Đức Mẹ.
2. Trong việc sùng kính và mừng lễ Đức Mẹ Sầu bi, Giáo hội nhắc nhớ chúng ta hiểu sâu xa rằng qua Thánh Gioan, Chúa Giêsu đã trao trối Mẹ Maria cho chúng ta: "Này là Mẹ con", và trối chúng ta cho Đức Mẹ: "Này là con Bà". Như vậy, Đức Mẹ là Mẹ thật của chúng ta, và chúng ta thật là con của Đức Mẹ. Dưới cây Thánh giá, Đức Mẹ đã thực sự sinh ra chúng ta về phần hồn trong nỗi cực độ khổ đau, cũng như mẹ phần xác sinh ra chúng ta về phần xác, cũng trong đau đớn theo án lệnh Chúa đã ra cho tổ mẫu Evà: "Ngươi sẽ sinh con đẻ cái trong đau đớn" (St 3:16). Mẹ Maria hạ sinh chúng ta càng trong đau khổ, Mẹ càng yêu thương chúng ta.
3. Trong mầu nhiệm Đồng thụ nạn của Mẹ Maria với cuộc Khổ nạn Cứu thế của Chúa Giêsu, Giáo hội cũng nhắc nhớ chúng ta rằng, nhờ Mẹ mà chúng ta được hưởng ơn Cứu độ đã trào dâng từ thương tích của Chúa.
4. Trong sứ mạng Đồng công của Mẹ Maria với sứ mạng Cứu chuộc của Chúa Cứu Thế, Giáo hội khích lệ chúng ta cũng hãy ý thức sứ mạng của chúng ta, là đồng công với Chúa và Mẹ trong việc cứu rỗi chính mình chúng ta, và cũng trong việc làm tông đồ cứu rỗi người khác.
IV. CA TIẾP LIÊN TRONG THÁNH LỄ (Stabat Mater)
1. Mẹ sầu bi, tầm tã giọt châu, đang đứng bên cây thập giá, nơi Con Người đã bị treo lên.
2. Một lưỡi gươm nhọn đã đâm qua tâm hồn Bà đang rên siết, đang sầu khổ và đau buồn.
3. Ôi đau buồn sầu khổ biết bao cho bà Mẹ đáng suy tôn của một người Con duy nhất!
4. Bà Mẹ hiền nhìn xem nỗi khổ hình của người Con chí thánh, mà đau lòng thổn thức tâm can.
5. Ai là người không tuôn châu lệ, khi nhìn thấy Mẹ Chúa Kitô, trong cảnh cực hình như thế?
6. Ai có thể không buồn bã nhìn xem Mẹ Chúa Kitô, đang đau khổ cùng với Con Người?
7. Mẹ nhìn thấy Chúa Giêsu vì tội dân mình mà khổ cực và bị vùi giập dưới làn roi.
8. Mẹ nhìn Con mình dịu hiền như thế, bị thống khổ lúc lâm chung, khi Người trút hơi thở cuối cùng.
9. Ôi lạy Mẹ là niềm yêu mến, xin cho con cảm thấy mãnh lực của đau thương, để cho con được khóc than cùng Mẹ.
10. Xin cho lòng con cháy lửa mến yêu, mến yêu Đức Kitô là Thiên Chúa, để cho con có thể làm đẹp ý Người.
11. Ôi Thánh Mẫu, xin Mẹ làm ơn đóng vào lòng con cho thực mạnh những vết thương của Đấng bị treo thập giá.
12. Xin Mẹ cho con được chia phần thống khổ của Con Mẹ đã thương vong, đã khấng chịu cực hình vì con như thế.
13. Xin cho con được cùng Mẹ thảo hiếu khóc than, cùng Đấng bị đóng đinh tỏ niềm thông cảm, bao lâu con còn sinh sống ở đời.
14. Con ước ao được cùng với Mẹ đứng bên cây thập giá và hợp nhất cùng Mẹ trong tiếng khóc than.
15. Ôi Đức Trinh Nữ thời danh trong hàng trinh nữ, xin đừng tỏ ra cay đắng với con, xin cho con được cùng Mẹ chan hoà dòng lệ.
16. Xin cho con được mang sự chết của Đức Kitô, được cùng Người thông phần đau khổ và tôn thờ những thương tích của Người.
17. Xin cho con được mang thương tích của Người, cho con say sưa cây thập giá và máu đào Con Mẹ đã đổ ra.
18. Ôi, Đức Trinh Nữ xin đừng để cho con bị lửa hồng thiêu đốt, nhưng được Mẹ chở che trong ngày thẩm phán!
19. Lạy Chúa Kitô, khi phải lìa bỏ cõi đời này, nhờ Đức Mẹ, xin Chúa cho con được tới lãnh ngành dương liễu khởi hoàn.
20. Khi mà xác thịt con sẽ chết, xin cho linh hồn con được Chúa tặng ban vinh quang của cõi Thiên đường.
V. Ý NGHĨA LỜI CHÚA TRONG THÁNH LỄ
Bài đọc I: Do Thái 5:7-9
Đây là một phần chính thư Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Do Thái khích lệ mọi người hãy cảm thương Chúa Giêsu khi còn sống ở đời này đã khổ đau đến rơi lệ. Đặc biệt trong vườn Gietsimani, Người khổ đau đến cùng cực đến nỗi đã kêu van Đấng có thể cứu Người khỏi chết. Nhưng Người đã vâng phục Chúa Cha vui lòng hy hiến để nên căn nguyên ơn Cứu độ cho chúng ta. Đoạn văn ám chỉ Mẹ Maria cũng cùng chịu đau khổ với Chúa để thông cảm với Chúa, và để đồng công với Chúa cứu chuộc loài người.
Phúc âm: Luca 2:33-35
Mẹ Maria và Thánh Giuse kinh ngạc trước những lời ông già Simêon nói về Ấu Chúa Giêsu là ánh sáng cho dân ngoại và là vinh quang cho dân Do Thái. Ông Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói tiên tri với Mẹ Maria rằng: Con Trẻ này đã được đặt lên cho sự sụp đổ hay sự đứng lên của nhiều người dân Do Thái và là mục tiêu cho người ta chống đối, một dấu hiệu kêu mời mọi người hãy mở lòng ra cho chương trình của Thiên Chúa và thường là một dấu hiệu kêu gọi người ta cải tà qui chính.
Lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn Mẹ Maria như ông Simêon tiên báo là sự thống khổ xâu xé Trái tim Mẹ. Lưỡi gươm cũng có ý nghĩa trong tiên tri Ezekiel 14:17 là sự giáng phạt của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói Người đến không phải để đem lại bình an, mà là gươm giáo (Mt 10:34-36), tức là sự chia rẽ (Lc 12:51-53). Chúa muốn nói "chia rẽ" là Chúa và lời Chúa như mũi gươm chia lìa các gia đình và kêu gọi các phần tử dấn thân bước theo con đường Phúc âm của Chúa. Mẹ Maria là một người tiên phong dấn thân để trung thành với tiếng Chúa mời gọi (xem Lc 8:19-21; 11:27-28).
VI. THÁNH KINH
1. St 3:15: "Ta sẽ đặt mối thù giữa ngươi và người nữ, giữa dòng dõi người nữ và dòng dõi ngươi. Người nữ sẽ đạp nát đầu ngươi".
Lời tiên tri này minh nhiên và mặc nhiên hàm chứa mầu nhiệm Maria, về Mẹ Chúa Cứu Thế, về mẫu chức trinh trong, về đặc ân Vô nhiễm thai, về sứ mạng Đồng công...
Lời: "Ta sẽ đặt mối thù" liên quan đến vai trò Đồng công, ám chỉ Người Nữ và Dòng dõi người Nữ đối đầu với Satan và bè lũ hắn. Do đó, trong "mối thù" ẩn chứa vai trò Đồng công của Mẹ Maria. Thực vậy, Mẹ đã cộng tác với Chúa Con trong công trình Cứu chuộc loài người.
Lời: "Người Nữ sẽ đạp nát đầu ngươi" tiên báo Người Nữ và Dòng dõi người sẽ chiến thắng con rắn và bè lũ hắn. Cả câu tiên tri trong tiền Phúc âm 3:15 làm nổi bật mối tương phản giữa Evà và Maria, giữa Ađam và Chúa Giêsu. Nếu Evà đồng phạm với Ađam làm hư hỏng loài người, thì Maria đồng công với Chúa Giêsu cứu chuộc loài người.
2. Is 7:14: "Một Trinh nữ sẽ thụ thai sẽ sinh Con Trai tên là Emmanuel". Trinh Nữ này là Người Nữ đã được phác họa trong lời hứa chiến thắng con rắn, lời hứa mà nguyên tổ chúng ta đã nhận được sau khi phạm tội, và chính là Người Nữ, Mẹ Đấng đã được Thiên Chúa trao phó công cuộc Cứu chuộc.
3. St 3:20: "Mẹ chúng sinh". Mẹ Maria là Mẹ chúng sinh nghĩa là tất cả loài người. Trong sứ mạng Đồng công, Mẹ cộng tác với Chúa Kytô trong việc tái sinh chúng ta trong ơn thánh. Do đó, Giáo hội vinh tụng Mẹ Maria là Mẹ ơn thánh. Mẹ là Mẹ chúng ta vì Mẹ là Đấng Đồng công Cứu chuộc, và Mẹ là Đấng Đồng công vì Mẹ là Mẹ chúng ta.
4. Lc 1:26-38: Trong biến cố Truyền tin, Mẹ Maria khởi đầu vai trò Đồng công với Chúa Cứu Thế. Lời thưa "Xin vâng" của Mẹ là một sự chia sẻ thân mật với Thiên Chúa trong công trình Cứu chuộc mà thiên sứ mặc khải cho Mẹ. Lời "xin vâng" của Mẹ là lời Đồng công làm cho Chúa Ngôi Hai giáng trần nhập thể trong cung lòng Mẹ, thành nên Chúa Giêsu làm người có thân xác, để cứu chuộc loài người bằng cái chết hy tế đẫm máu trên thập giá.
5. Lc. 2:35: "Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu lòng Bà". Trong dịp Mẹ Maria dâng Con trong Đền thờ, lời tiên tri của cụ già Simêon tỏ ra cho Mẹ xem thấy tầm mức lịch sử Cứu độ của Con Mẹ, một sứ vụ đầy đau khổ mà Mẹ phải sống trong sự đau khổ bên cạnh Chúa Cứu thế khổ đau, và địa vị làm Mẹ của Mẹ sẽ bí ẩn và đớn đau.
6. Ga 19:26: Mẹ Maria đứng dưới cây thánh giá Chúa Giêsu. Khi thấy Mẹ và môn đệ yêu, Chúa Giêsu nói: "Hỡi Bà, này là Con Bà" và nói với môn đệ: "Hỡi con, này là Mẹ con". Tiếng "Bà" liên kết Mẹ Chúa Cứu thế với Người Nữ và dòng dõi cứu chuộc trong tiền Phúc âm 3:15, sẽ cộng tác với Đấng Cứu thế trong việc chiến thắng Satan, tội lỗi và sự chết. Bà đó là Mẹ Maria, là Nữ tỳ của Thiên Chúa trong ngày thiên sứ truyền tin, sẽ là một Bà Mẹ chất ngất đau thương cùng với Con hy tế đẫm máu cứu chuộc loài người.
7. Kh 12:1-6: Đoạn Thánh kinh này nêu bật hình ảnh Chúa Kytô và Mẹ Đồng công cứu chuộc loài người. Hình ảnh Mẹ Chúa Kytô trong cảnh huy hoàng lộng lẫy của phẩm chức Mẹ Thiên Chúa. Hình ảnh Mẹ Đồng công cứu chuộc trong cảnh tang thương cay đắng của phẩm chức Mẹ loài người.
L.m. Phêrô, CMC dongcong.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét