Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

ÐỨC MẸ MÂN CÔI Ngày 07/10

ÐỨC MẸ MÂN CÔI
Ngày 07/10

Lc 1,26-38

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT



Nói về Mẹ Maria qua tràng chuỗi mân côi,nhân loại đang sống trong lòng tin sẽ không bao giờ có thể phủ nhận được con đường Mẹ dậy mọi người đi với ba mầu nhiệm:Nhập thể, Ðau khổ và Phục sinh của Con duy nhất của Mẹ là Chúa Giêsu Kitô luôn rõ nét, sáng ngời giữa mọi biến cố của lịch sử cứu độ. Mẹ Maria như Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết:" Vào bình minh của ngàn năm mới,chúng ta vui mừng nhận thấy nổi bật lên"chiều kích Thánh Mẫu" của Hội Thánh,ấp ủ trong mình nội dung sâu thẩm nhất của việc canh tân do công đồng đề xướng".Con cái của Mẹ theo sau Mẹ đi từng chặng đường của Con Mẹ đã đi qua.Con đường ấy không đâu xa,đó là con đường:� Vui, Thương, Mừng mà nhân loại muốn đi vào nước trời không thể nào không bước qua những chặng đường ấy.

MẸ MARIA TRONG LỊCH SỬ CỨU ÐỘ

Maria được Thiên chúa tuyển chọn để làm Mẹ Ðức Giêsu Kitô và làm Mẹ nhân loại.Lời xin vâng của Mẹ đã làm đảo lộn cả lịch sử nhân loại,mặc cho nhân loại một ý nghĩa mầu nhiệm,sâu xa.Nếu không có lời xin vâng của Mẹ,nhân loại đã khác hẳn,nhân loại chẳng bao giờ có ngày hôm nay.Với tiếng xin vâng,Mẹ Maria đã tận hiến và chấp nhận ý định của Thiên Chúa,hiến toàn thân mình cho Thiên Chúa,để cùng với Ngài thực hiện chương trình cứu độ nhân loại.Mẹ Maria đã nắm một vai trò thật đặc biệt và quan trọng trong lịch sử cứu rỗi.Sở dĩ Mẹ Maria được Thiên Chúa trao cho một vai trò lớn lao,quan trọng như thế là vì Maria được tràn đầy ân sủng,Thiên Chúa luôn ở cùng Mẹ.Thiên Chúa ở cùng,ở với Mẹ là hạnh phúc lớn nhất ,khiến Mẹ luôn đầy phước lộc chứa chan,nhờ đó Mẹ chiếu tỏa ánh sáng và ân sủng cho mọi người. Maria là một người Mẹ,người Mẹ hoàn toàn đúng nghĩa của nó,một người Mẹ đầy yêu thương,vì Mẹ có đầy hồng phúc.Mẹ Maria là một người trong nhân loại,là một người nữ đúng nghĩa nhất,nhưng Maria lại là một người nữ đặc biệt vì Maria làm đẹp lòng Thiên Chúa.Maria đặc biệt hơn nữa vì tâm hồn đơn sơ,thánh thiện,tinh trong,sáng ngời của Mẹ. Maria hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu Mẹ Thiên Chúa vì Mẹ đã chỉ cho nhân loại phải bước theo những chặng đường con của Mẹ là Chúa Giêsu đã bước qua.

"CÁC CON ÐỪNG SỢ , THẦY ÐÃ THẮNG THẾ GIAN"( Ga 16,33 )
Chúa Giêsu đã chết,Ngài đã sống lại,lên trời,ban Thánh Thần cho các môn đệ và trở thành niềm cậy trông vững bền cho mọi người,Chúa hứa với các môn đệ và nhân loại:" sẽ ở cùng các con mọi ngày cho tới tận thế "(Ga 14,18).Chúa là con của Mẹ Maria,nên Chúa phục sinh ở với nhân loại mãi mãi cho tới ngày cùng tận trời đất,chắc chắn Mẹ cũng ở với nhân loại cho tới tận thế,vì lúc nào Mẹ cũng mang Chúa trong lòng và giới thiệu Chúa cho nhân loại.Ðức giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết:" Nếu có sự chiến thắng thì Mẹ Maria là người chiến thắng". Mẹ đã hiện ra tại nhiều nơi như Lộ Ðức, Fatima,Labouret,Nam Tư , La Vang và nhiều nơi khác trên khắp thế giới. Nơi nào Mẹ cũng khuyên nhủ:" phải ăn năn sám hối,và năng lần chuỗi mân côi ". Mẹ đã luôn giữ lời hứa và Mẹ luôn muốn con của Mẹ tất cả được thừa hưởng nước trời . Mẹ chiến thắng ma quỉ,sức mạnh của sự dữ.Mẹ chiến thắng tà thần."Trái tim hiến tế của Mẹ đã thắng tội lỗi và những tối tăm của quyền lực ma quỉ, sự dữ.

LỄ MÂN CÔI NÓI GÌ CHO NHÂN LOẠI

Lễ mân côi làm cho dân Chúa hồi tưởng lại thời đạo binh thánh giá chiến thắng quân Phổ ở Lê-pan vào năm 1571 nhờ sự can thiệp của Ðức Trinh Nữ Maria.Tuy nhiên,đó chỉ là lý do phụ .Ðiều cốt thiết của nhân loại là hiệp ý với Mẹ Maria,Nữ Vương an bình,cầu nguyện cho mọi người nhìn nhận ý Thiên Chúa và tuân theo ý Người. Mẹ Maria đã nhiều lần hiện ra cho nhiều người ở nhiều nơi như Lộ Ðức,Mẹ đã hiện ra với thánh nữ Bernadette và tự giới thiệu ngài là Ðấng vô nhiễm nguyên tội.Tại Fatima,Mẹ đã hiện ra với ba trẻ là Lucia,Phanxicô và Jacintha.Trong các lần hiện ra Mẹ đều khuyên các trẻ và nhân loại phải ăn năn sám hối,lần chuỗi và sống trung thành với Chúa.Chắc chắn,mọi người ở muôn thời đều muốn được hạnh
phúc và vui vẻ để sống.Nhưng thái độ của ta đối với Thiên Chúa và tha nhân như thế nào ? Ta đã sám hối và cầu nguyện,lần chuỗi theo ý Mẹ đủ chưa ? Nếu chưa,ta cần thay đổi lối sống,lần chuỗi siêng năng hơn để cùng với Mẹ đi vào các biến cố,các chặng đường của Chúa: Nhập Thể, Khổ Nạn và Phục Sinh.Ta đã sống bác ái, yêu thương đủ chưa ? Nếu chưa,ta cần sống tốt hơn và cố gắng đi vào định luật của tình yêu:" Chúng con hãy yêu thương nhau như Ta đã yêu thương các con".
Lễ mân côi,một dịp để ta đi vào chương trình cứu rỗi của Chúa Giêsu và là một dịp để chúng ta cố gắng thay đổi con người mới,kết hiệp với Mẹ và sống theo lời khuyên của Mẹ: Sám hối,Cầu nguyện và Lần chuỗi.
Chuỗi mân côi là phương thế dễ dàng và hữu hiệu nhất để giúp ta sống trung thành với Ðạo tình thương của Chúa Giêsu .

"Lạy Chúa.xin đổ ơn thánh đầy lòng chúng con,để nhờ công ơn con Chúa chịu khổ hình thập giá,và nhờ Thánh Mẫu Maria chuyển cầu,Chúa cũng cho chúng con được sống lại hiển vinh"( Lời nguyện nhập lễ,lễ Ðức Mẹ Mân Côi ).

THÁNH BRUNÔ LINH MỤC, ngày 06/10

THÁNH BRUNÔ LINH MỤC, ngày 06/10
Lc 10, 13-16

VỊ THÁNH ĐƯỢC GỌI :” THẦY CỦA CÁC THẦY”

Một vị thánh được những người đồng thời tặng khen nhiều danh hiệu như :” Nhà thần học nổi danh, văn sĩ lỗi lạc, nhà ngoại giao tài ba, người khôn ngoan tuyệt vời, thầy của các thầy vv…”. Với biết bao danh hiệu người đồng thời tặng ban cho thánh Brunô, điều ấy nói lên con người hết sức đặc biệt của Ngài. Thánh nhân không đặc biệt sao được khi Hội Thánh, đặc biệt Giáo Triều cho triệu vời Ngài về La Mã để giúp đỡ Đức Giáo Hoàng Urbanô II trong vai trò cố vấn cho Ngài.
Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Roma đã viết:” Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu ! Đường lối của Người, ai theo dõi được ! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa ? Ai đã làm cố vấn cho Người ? Ai đã  cho Người trước, để Người phải trả lại sau ? Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời ! Amen.” ( Rm 11, 33-36 ). Thánh Brunô là một trong những vị thánh đã cảm nghiệm sâu sắc lời của thánh Phaolô, vị tông đồ dân ngoại trong đoạn viết để ca tụng thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Cảm nghiệm hết sức sâu sắc lời thánh Phaolô, thánh Brunô đã phục vụ theo đường lối Chúa. Tất cả đều do hồng ân của Chúa. Ngài có được gì là do Thiên Chúa. Do đó, thánh Brunô luôn tuân phục thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa.
Thánh Brunô mở mắt chào đời năm 1030 tại Cologne trong một gia đình danh tiếng, thế giá và đạo đức. Ngài   là vị sáng lập Dòng khổ tu Chartreux. Lãnh nhận sứ vụ linh mục, Ngài vẫn còn được các Đấng các Bậc cho tiếp tục con đường học vấn vì thấy Ngài có khả năng tiếp thu và lãnh hội tốt các môn học. Ngài đã gặt hái cách rất khả quan về môn Triết học và Thần học. Với trí thông minh, kiến thức cao cường của Ngài, thánh Brunô đã làm khoa trưởng của nhiều phân khoa đại học. Hội Thánh dùng Ngài vì lòng đạo đức, học vấn uyên bác của Ngài, chính vì vậy, Ngài được triệu hồi về La Mã và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Giáo Triều Roma.
Trong khi phục vụ Hội Thánh, Ngài cũng gặp một số trắc trở, rắc rối vì một số người ghen tương hay chống đối, nhưng nhờ ơn Chúa giúp,  Ngài đã vượt thắng và thành công hơn thất bại. Mãn thời hạn phục vụ, Ngài trở về đời sống  thầm lặng, tĩnh mịch và cầu nguyện. Năm 1084, sau nhiều cuộc bàn hỏi, cầu nguyện tìm ra thánh ý Chúa, Ngài đã thiết lập Dòng khổ tu Chartreux. Linh đạo của Dòng Chartreux là cầu nguyện liên lỉ, soạn sách báo, làm việc lao động chân tay và không ngừng trau dồi kiến thức.
Năm 1088, Ngài được mời về La Mã để giữ chức cố vấn cho Đức Giáo Hoàng Urbanô II là một trong những học trò của Ngài.   Giai đoạn Ngài phục vụ Giáo Triều là thời kỳ Giáo Hội đang gặp trăm ngàn thử thách, nguy khốn, nhưng với ơn Chúa, với trí thông minh, lòng can đảm, sự khôn khéo của Ngài, thánh Brunô đã giúp Giáo Hội vượt qua tất cả.
Năm 1101, thánh Brunô đã trở về với anh em Dòng Chartreux sau khi được phép Đức Thánh Cha cho từ chức cố vấn Giáo Triều Roma, Ngài đã trút hơi thở cuối cùng bình an, thánh thiện về với Chúa trong sự luyến tiếc của anh em trong Dòng.
Lạy thánh Brunô, xin cầu thay nguyện giúp cho chúng con để chúng con được ơn khôn ngoan mà phục vụ Chúa và anh em đồng loại. Amen.
Linh muc Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

THÁNH PHAN-XI-CÔ ÁT-XI-DI ( St. Francis of Assisi ) Ngày 04/10

THÁNH PHAN-XI-CÔ ÁT-XI-DI
( St. Francis of Assisi )
Ngày 04/10

Lc 10,13-16

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT


Cuộc đời của bất cứ vị thánh nào trong Giáo Hội cũng đều bắt đầu bằng cuộc sám hối. Sám hối của các thánh có nghĩa là nhìn vào Chúa để bắt chước Chúa hơn là nhìn vào mình để ngao ngán,chán nản mà không muốn vươn tiến. Mỗi thánh đều có một cung cách sống, đều có một hướng đi riêng biệt, muôn vẻ,muôn mầu,muôn sắc,nhưng tựu trung,tất cả đều có một mẫu số chung là trở nên giống Chúa Kitô . Thánh Phanxicô Átxidi là vị sáng lập Dòng Anh Em Hèn Mọn cũng không đi ra ngoài đường lối của Chúa. Ngài phó thác,tin,cậy,yêu,mến Chúa để càng ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu.

MỘT CUỘC ÐỜI NGẮN NGỦI.MỘT CON NGƯỜI GIỐNG CHÚA


Thánh Phanxicô Átxidi chỉ sống cuộc đời trần thế có 45 năm.Nhưng cuộc đời của Ngài là cả một bài ca.Một bản nhạc với những dòng nhạc,với những cung bậc,hòa nên một bản trường ca tình yêu tuyệt vời. Người ta trong nhiều thế kỷ đã không ngớt ca ngợi thánh nhân vì con người lạ lùng của thánh nhân giữa cuộc đời. Ngay anh em trong Dòng cũng không nhận ra Ngài có gì đặc biệt mà sao lạ lùng thu hút mọi người. Thánh nhân đã rất khiêm nhượng,sự khiêm tốn của một tâm hồn thánh thiện đã nhìn ra con người đầy khiếm khuyết,đầy tội lỗi của mình và có làm được gì là do ân huệ nhưng không của Chúa,đã biến cái tầm thường nên cái phi thường,đã biến cái đơn sơ,nhỏ bé nên cái vĩ đại khôn lường.Vì thế,tình yêu của Phanxicô Átxidi là một tình yêu mang tính cụ thể,thánh nhân yêu mọi người,mọi vật, Ngài biến mọi sự vật,mọi thụ tạo nên sinh động và có nhân tính.Ngài yêu tất cả vì Ngài thấy Thiên Chúa nơi tất cả mà trung tâm là Chúa Giêsu.Thánh nhân yêu thương mọi người với tất cả con tim của mình,với cả cuộc đời mình vì chính Chúa đã chết cho nhân loại trong đó có cả Phanxicô Átxidi.Tình yêu của Phanxicô Átxidi là tình yêu mang tính vui tươi,thoải mái, Ngài sống trong niềm vui vì lúc nào Ngài cũng mang Chúa trong con người của mình,Ngài đồng hóa mọi sự và nhân cách hóa tất cả để tất cả ca ngợi Chúa trong niềm vui.
Thánh nhân sinh ở Átxidi khoảng năm 1182. Cha Ngài là ông Bênađô là một thương gia tơ sợi nổi tiếng và mẹ Ngài là bà Pica,một người đạo đức,thánh thiện đã hun đúc Ngài nên một vị thánh thời danh.Cuộc nổi loạn của những người lê dân chống lại những nhà quí tộc. Thánh nhân bị bắt và bị giam cầm trong suốt một năm trời ròng rã.Ngài bị một căn bệnh hiểm nghèo và được Chúa cứu chữa,Ngài được khỏi bệnh và Chúa đã cảm hóa Ngài với câu:" Lạy Cha chúng tôi ở trên trời ".Năm 1206,thánh nhân quyết định rũ bỏ bụi trần,từ bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu,dù rằng bị người cha già hết sức phản đối, thánh nhân rất thương cha nhưng không dám làm trái ý Chúa. Thánh nhân phân phát tất cả của cải mình có cho những người nghèo, Ngài chỉ giữ lại một chiếc áo choàng cũ kỹ,rồi ra đi rao giảng Tin Mừng.Ðược Chúa thúc đẩy,soi sáng,thánh nhân đã lập Dòng anh em hèn mọn.Thời gian sau đó,Ngài lui về Alverne,một nơi thật cô liêu phía Bắc Átxidi để ăn chay,cầu nguyện và sống tình thân với Thiên Chúa.Chúa yêu thương Ngài cách đặc biệt,nên trong lúc Ngài xuất thần,Ngài nhìn thấy Tổng Lãnh Thiên Thần Séraphim và một ảnh chuộc tội.Tỉnh dậy,Ngài đã được Chúa in năm dấu thánh trên người lúc đó là năm 1224.Chỉ hai năm sau đó,Ngài lâm trọng bệnh.Trước khi ra đi về với Chúa,thánh nhân khuyên nhủ anh em trong Dòng giữ đức khó nghèo tuyệt đối và trung thành với Giáo Hội Chúa Kitô.Thánh nhân qua đời vào ngày 4.10.1226.Ðức Thánh Cha Grêgoriô đã tôn Ngài lên bậc hiển thánh.

THÁNH PHAN-XI-CÔ ÁT-XI-DI NÓI GÌ CHO TA ?


Cuộc đời của thánh nhân là mẫu gương của tình yêu. Ngài là vị thánh của tình yêu,một tình yêu cụ thể,tận tình và vui tươi. Thánh nhân đã làm toát lên hương thơm nhân đức. Sự khó nghèo Ngài thực hiện nơi cuộc đời của Ngài hoàn toàn phù hợp với mối phúc thứ nhất của Chúa Giêsu.Ngài đã sống tận cùng cái khó nghèo như hy lễ tạ ơn Thiên Chúa. Thánh nhân đã sống cái điên rồ của thập giá. Ngài không thích mặt nạ mà mọi sự luôn phải theo ý của Chúa.Ngài luôn trung thành với Tin Mừng, với giáo lý chân chính của Chúa và của Hội Thánh.Ngài sống cái tầm thường của cuộc đời nhưng nó là cái lớn lao của nước trời. Thánh nhân đã biết biến cuộc đời khó nghèo của mình trở thành hồng phúc cho mình và cho mọi người.Thánh nhân đã nói lên tất cả tình yêu của mình cho mọi người,một tình yêu không bôi sáp mà là tình yêu,trung thực,hy sinh,quên mình.Thánh nhân đã gửi cho nhân loại một sứ điệp dễ chấp nhận nhất:sứ điệp của tình yêu,sứ điệp thập giá.

"Lạy Chúa, Chúa đã soi sáng cho thánh Phanxicô chọn cuộc đời hèn mọn khó nghèo để trở nên hình ảnh sống động của Ðức Kitô.Xin cho chúng con hằng noi gương thánh nhân để lại mà thiết tha gắn bó cùng Chúa,và hăm hở bước theo Ðức Kitô,lòng chan chứa an vui và đầy tràn yêu mến"( Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Phan-xi-cô Át-xi-di ngày 4/10 ).

CÁC THIÊN THẦN HỘ THỦ (Guardian Angles) Ngày 02/9

CÁC THIÊN THẦN HỘ THỦ
(Guardian Angles)

Ngày 02/9


Mt 18,1-5.10

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT



Nếu sức mạnh của sự dữ và ma quỉ đông hàng hà sa số, đang ngày đêm bay lượn quanh nhân loại,xung quanh chúng ta để tìm cơ hội làm hại con người thì sung sướng và hạnh phúc,vững dạ thay khi Chúa gửi đến cho loài người một sức mạnh vô cùng hữu hiệu là các Thiên Thần.Sự trợ giúp này,Chúa và Giáo Hội gọi là các Thiên Thần Hộ Thủ hay Bản Mệnh.Các Thiên Thần Bản Mệnh gìn giữ con người khỏi hiểm nguy, khỏi mọi sự dữ quấy phá,đưa con người tránh xa dịp tội để con người kết hợp và tiến bước tới Chúa.

THIÊN THẦN BẢN MỆNH LÀ AI� ?
Thiên Chúa thiết lập vũ trụ,tạo dựng con người.Sách khải nguyên ngay từ những trang đầu đã thuật lại việc Thiên chúa tạo dựng Trời Ðất, tạo nên Con người. Trong vũ trụ hỗn mang đan xen bóng tối và sự sáng. Lực của bóng tối,của ma quỉ� mạnh mẽ vô cùng. Ma quỉ có số đông vô số kể lúc nào cũng lượn quanh con người,rình mò cắn xé.Ngay trang đầu khởi nguyên,Kinh Thánh đã viết:".thần khí Chúa bay lượn là là trên mặt nước " và trong Tân Ước,trong đêm Giáng Sinh,Thiên Thần của Chúa với muôn cơ binh đàn ca,vinh tụng xướng hát,tôn vinh con Thiên Chúa là Ðức Giêsu xuống thế làm người.Ðây là các Thiên thần luôn túc trực để thờ phượng Chúa và nâng đỡ con người. Trong số này,có muôn vàn Thiên Thần Bản Mệnh, Chúa sai tới để nâng đỡ,gìn giữ từng người.Các ngài giúp con người tránh xa các dịp tội,thêm sức mạnh cho con người để con người thoát những cơn cám dỗ nguy hiểm,nâng đỡ và khuyến khích con người khi con người gặp những sự thất vọng ở trần gian, an ủi con người trong những cơn sầu muộn.Các Thiên Thần Bản Mệnh cũng giúp con người hồi tâm thống hối khi con người yếu đuối,sa ngã,cầu bầu cùng Chúa cho con người. Các Thiên thần Bản Mệnh cũng soi sáng,thêm sức mạnh cho con người khi con người đang hấp hối,nguy tử vv.Các Thiên thần Bản Mệnh có sứ mạng lớn lao là luôn hiện diện bên cạnh con người để giữ gìn,an ủi và che chở con người.Nên, Thánh vịnh 137,1 đã viết:" Lạy Chúa giữa chư vị Thiên Thần,Con đàn ca kính Chúa " hoặc trong lời nguyện nhập lễ ngày 2/10,Giáo Hội đã cất tiếng nguyện xin :" .Chúa sai các Thiên Thần đến gìn giữ chúng con.Xin ban cho chúng con đời này được các Ngài luôn bênh vực che chở,và đời sau được cùng các Ngài hưởng phúc vinh quang".

CÂU CHUYỆN MINH CHỨNG BÀN TAY THIÊN THẦN BẢN MỆNH HỘ PHÙ,CHỞ CHE
Số là có một cha sở miền quê bên Pháp lúc đó đang ở một xứ đạo hẻo lánh,một đêm kia được tin một người đau nặng,đang hấp hối,muốn xin Ngài tới xức dầu.Trời về khuya,với bổn phận mục tử Ngài ra đi làm phận sự của mình. Từ nhà xứ tới nhà người đau,Ngài phải băng qua khu rừng vắng.Khi tới khu rừng,trời đã rất tối,Ngài ngập ngừng,nhưng nghĩ lại và nhớ tới Thiên Thần Bản Mệnh, Ngài cầu nguyện để Thiên Thần cùng đi với Ngài. Ngài mạnh dạn và đã tới xức dầu cho người bệnh kịp thời giờ hấp hối. Câu chuyện đã qua 10 năm rồi,nếu không có biến cố mới này thì nó đã rơi vào quên lãng: Một tử tù sắp bị hành quyết,anh ta rất khó tính và không chịu nghe bất cử một ai. Người ta báo cho vị linh mục năm xưa đã băng qua khu rừng để đi xức dầu cho người đang hấp hối.Linh mục được báo tin có người tử tù muốn gặp, đã tới vì lòng nhân từ, vừa thấy linh mục,người tử tù đã muốn phản ứng,xua đuổi,không muốn gặp vị linh mục,nhưng bỗng anh ta ngừng lại và nói với vị linh mục:" có phải cha là cha sở họ X không ?".Vị linh mục ngạc nhiên trả lời trước đây 10 năm tôi làm cha sở ở họ đó,nhưng bây giờ tôi đã đi nơi khác. Thì ra các đây 10 năm,người tử tù lúc đó là tên ăn cướp giết người,đang lẩn trốn ở khu rừng mà tôi đi qua và hắn định bất cứ gặp thấy ai,hắn sẽ giết chết để lấy quần áo của khổ chủ mà hóa trang,đánh lừa lưới của pháp luật.Người tử tù kể lại:" Lúc đó y muốn giết tôi,nhưng thấy bên cạnh có người thanh niên lực lưỡng,thấy không thể thắng nổi,nên y đã để cho tôi và người thanh niên ấy đi bình an,vô sự ".Nghe người tử tù thuật lại,tôi ngạc nhiên và sực nhớ lại lúc đó tôi dừng lại để cầu nguyện xin Thiên thần Bản Mệnh giúp đỡ. Và như vậy,người thanh niên mà người tử tù thấy chính là Thiên Thần Bản Mệnh của tôi,đã giữ gìn tôi.
Câu chuyện trên minh chứng Thiên Thần Hộ Thủ luôn có mặt khi con người kêu cầu,xin ngài giúp đỡ,can thiệp.
" Lạy Chúa,nhân ngày lễ kính các Thiên Thần Hộ Thủ,xin cho các Ngài luôn ở gần chúng con để trông nom gìn giữ,nhờ đó,chúng con sẽ thoát khỏi mọi nguy hiểm dưới thế và mai sau được hưởng hạnh phúc trên trời "( Lời nguyện tiến lễ ngày 2/10,lễ các Thiên Thần Hộ Thủ ).

Xin cho mọi người chúng con luôn biết kính trọng,yêu mến và cậy trông vào sự che chở của các Thiên Thần Hộ Thủ,và luôn sẵn sàng tuân theo lời chỉ dậy của các Thiên Thần Bản Mệnh qua tiếng nói lương tâm.

Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

Lễ Thánh Têrêxa Hài Đồng 1/10

Lễ Thánh Têrêxa Hài Đồng 1/10: “Cha ơi, tên con trên trời!”

“Cha ơi, tên con trên trời!”
ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống

Trong bộ hình lưu niệm Lisieux, tôi thích nhất tấm hình chụp tại góc vườn nhà thánh nữ Têrêsa, hiện nay là nhà trưng bày những kỷ vật thời thơ ấu của ngài. Thích tấm hình ấy không phải vì khung cảnh rộng lớn, vì chỉ là một vuông cỏ chừng một trăm mét vuông; không phải vì góc máy đẹp hay kỹ thuật chụp hình độc đáo; mà thực ra chỉ vì tấm ảnh chụp cảnh sống động tượng Têrêsa qu? bên cạnh cha, tay chỉ lên trời. Người ta bảo chỗ đặt tượng hiện nay là chỗ năm xưa cha con Têrêsa đã ngồi trò chuyện buổi tối. Tấm ảnh xem ra có tiếng nói. Tiếng nói hôm ấy chính là lời Têrêsa nói với cha mình khi chỉ tay lên chòm sao hình chữ T: “Cha ơi, tên con trên trời”.

Xin dựa trên câu nói mộc mạc đơn sơ của trẻ thơ nhiều ước mơ ấy để chia sẻ về “con đường thơ ấu thiêng liêng” của thánh nữ Têrêsa.

1. “Cha ơi!” cho thấy con đường thơ ấu thiêng liêng khởi đi từ một hiện thực.

Têrêsa là con út trong một gia đình toàn là nữ. Ngài mất mẹ lúc lên bốn tuổi. Tuổi còn quá nhỏ để có thể ghi nhận nỗi đau, nhưng cũng đủ để ghi nhớ sự mất mát không gì bù lấp được. Từ đó thánh nữ dồn hết tình cảm cho người cha yêu quý. Và cũng từ đó, người cha phải kiêm luôn vai trò và trách vụ của người mẹ gia đình. Nếu “gà trống nuôi con” trong kiểu nói Việt Nam nói lên nỗi đau lận đận của người đàn ông lẻ bóng bên cạnh đàn con, thì nơi nhà Buissonnets nó đã trở thành một tình yêu khả thi khả kính và khả ái. Chính cô út mít ướt Têrêsa đã cảm nghiệm điều này hơn bất cứ thành viên nào khác của gia đình. Khúc hát tâm tình nhất của Têrêsa lúc ấy chính là hát về người cha, giống như những bài hát Việt Nam gần đây như “Bố là tất cả” hoặc “Ba sẽ là cánh chim đưa con đi thật xa...”. Đó là một hiện thực.

Từ hiện thực tưởng như mất mát, thiếu hụt bi quan ấy, Têrêsa rất tự nhiên sống lấy và đảm lĩnh trọn vẹn để sau này chuyển hóa và diễn tả về tình yêu Thiên Chúa, Đấng là CHA muôn đời. Nếu còn cha còn mẹ đầy đủ trong một gia đình hạnh phúc đủ đầy mọi sự, khi xưng Chúa là Cha, có lẽ ta chỉ có tâm tình một nửa, còn với Têrêsa thì khác, xưng Chúa là CHA với cả tâm tình dành cho người bố. Bố là tất cả, Chúa là tất cả.

Chính khởi đi từ hiện thực ấy, Têrêsa đã từng ngày đi sâu và đi xa trên con đường phó thác: phó thác mọi chuyện đời lớn nhỏ trong tay cha mình và phó thác chuyện một đời trong tay Thiên Chúa là Cha giàu lòng nhân ái, quảng đại yêu thương. Nếu lúc nhỏ Têrêsa ngồi bệt ở cầu thang khiến cha mình phải cúi xuống bồng lên, thì khi lớn Têrêsa nghiệm ra: người con nào càng nhỏ bé yếu đuối khiêm nhường phó thác, càng được Cha trên trời yêu mến bế bồng nâng đỡ dìu đưa.

2. “Tên con” cho thấy con đường thơ ấu thiêng liêng dệt bằng những bước đơn sơ mang đậm cá tính.

Đường thơ ấu thiêng liêng của Têrêsa khởi đầu là thế, với những tiếng “Bố ơi” dệt nên ngày sống và những tiếng “Cha ơi” làm nên cuộc đời. Đó là những bước chân bé nhỏ trên hành trình dài. Và thánh nữ đã thực hiện tuần tự không bằng “đôi hia bảy dặm” của phép màu dễ dãi, cũng chẳng bằng “tấm thảm biết bay” thênh thang rộng rãi hoặc bằng “đũa thần” nhẹ nhàng vung vít, nhưng bằng tấm lòng đơn sơ nhỏ bé.

Ngày nay Têrêsa được nâng lên bậc Tiến sĩ Hội Thánh, người ta tưởng đời ngài làm bằng những việc vĩ đại. Không, rất bình thường. Trong chín năm Dòng Kín Lisieux lặng lẽ, ngài chỉ làm những việc vô cùng bình thường như những người khác, nhưng cách thế ngài làm quả là khác thường đến độ phi thường. Cách ngài làm là cách của tình yêu lớn. Việc lớn mà tình yêu nhỏ là việc thắt lại, việc nhỏ mà tình yêu lớn là việc triển nở sinh sôi. Têrêsa là Têrêsa nhỏ vì đời nhỏ việc nhỏ, nhưng Têrêsa vĩ đại vì tình yêu ngài sống khó ai có thể vượt qua.

Nhiều lúc xem ra ngài còn muốn “đánh lừa” cả Chúa nữa, như khi gặp chuyện trái ý hoặc tâm sự buồn, ngài vẫn cố gắng giữ bộ mặt tươi cười như không có chuyện gì xảy ra, không phải để các chị em trong cộng đoàn khỏi để ý hoặc bề trên kh?i hỏi han lôi thôi mất công giải thích phiền phức, mà để Chúa “khỏi biết” kẻo Chúa đau buồn. Chúa đã chịu đau khổ nhiều vì chuyện lớn lao cứu độ nhân loại rồi, dám đâu phận cỏ rơm lại làm phiền lòng Chúa vì những chuyện nhỏ. Xem ra cách chọn lựa đơn sơ và cũng trẻ thơ quá phải không?

Khi bị bề trên quở vô lý, Têrêsa rất vui vì có dịp hy sinh. Khi lượm được cọng rác lạc lõng nơi hành lang, Têrêsa rất thích vì có dịp cầu nguyện vòi vĩnh Chúa giải thoát cho một linh hồn. Khi nhìn bông hoa được ngắt chưng trên bàn thờ, Têrêsa nghĩ về niềm dâng hiến. Tất cả là bình thường tự nhiên, nhưng đã trở thành cơ hội để thánh nữ được thánh hóa trong tình yêu. Đặt “tình yêu” nhỏ của mình trong “TÌNH YÊU” vĩ đại của Chúa, sẽ hóa nên tình yêu lạ thường có sức làm cho những điều bình thường đem lại những hiệu quả phi thường.

3. “Trên trời” cho thấy con đường thơ ấu thiêng liêng vươn mở tới những ước mơ lành thánh.

Têrêsa lìa trần lúc mới hai mươi bốn tuổi. Quá trẻ cho một đời người để trở thành một vị thánh trẻ cho toàn thế giới. Nhưng nét xuân trẻ nơi Têrêsa đâu căn cứ vào tuổi tác, mà đúng ra là dựa trên tâm hồn. Trẻ vì dung dị gần gũi và cũng trẻ vì những ước mơ bay bổng. Ngày nay Tết Trung Thu, thiếu nhi mơ lên cung trăng gặp chị Hằng, thăm thằng Cuội, nhìn Thỏ ngọc, ngồi gốc đa nghe sáo thổi vi vu điệu nhạc nên thơ... Đó là ước mơ đơn sơ tuổi thơ ngây dại đi liền với những hình ảnh mang màu văn hóa, nhưng ước mơ của Têrêsa dẫu đơn sơ mà cao vượt, dù nên thơ mà vẫn không xa rời thực tế.

Khi Têrêsa ước mơ sẽ là tình yêu trong Giáo Hội, thì cùng lúc ngài cũng đón nhận vào mình những hy sinh của sự chia lìa đối với người thân và những biểu lộ của cơn bệnh ngặt nghèo. Khi Têrêsa ước mơ trở thành vị truyền giáo đặt chân đến những nơi thật xa thật lạ mà đem về cho Chúa thật nhiều linh hồn, lại là lúc ngài phải liệt giường liệt chiếu để mãi được gọi mời thể hiện ước mơ truyền giáo bằng việc cầu nguyện và hy sinh. Khi Têrêsa ước mơ sẽ mưa hoa hồng làm đẹp cuộc sống nhân thế chính là lúc ngài đang lặng lẽ nghĩ về những cánh hoa hồng được trải lên đường kiệu Mình Thánh Chúa vừa chịu giẵm đạp vừa chịu héo khô.

Cuộc đời rộng mà không ước mơ, sẽ bị thắt buộc trở nên hẹp hòi. Cuộc đời hẹp mà biết ước mơ, nhất là với những ước mơ lành thánh, sẽ mở ra thênh thang cho Giáo Hội được nhờ và cũng cho Nước Trời được hiện tỏ. Nếu ước mơ là dấu hiệu của sự trẻ trung thì rõ ràng Têrêsa với những ước mơ không vơi cạn đã là một vị thánh trẻ hôm qua và sẽ còn là mùa xuân trong lòng của Giáo Hội hôm nay.

Tóm lại, “Cha ơi, tên con trên trời” chỉ là một câu nói trẻ thơ đơn sơ đột xuất, nhưng đã toát lược những bước hành trình dệt nên con đường thơ ấu thiêng liêng của Têrêsa. Tất nhiên, con đường ấy đã được Chúa Giêsu khai sinh khi tuyên bố “Ai không trở nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18, 1-5), nhưng thực hiện con đường ấy như thế nào lại là một dấu ấn ký tên Têrêsa. Con đường ấy phổ quát mở ra cho mọi người mọi thời, con đường ấy vừa tầm với mọi bậc sống.

Cầu chúc mọi người hôm nay thanh thản bước đi trên đường thơ ấu thiêng liêng và cũng nhận được những “hoa hồng” trìu mến của thánh nữ Têrêsa từ con đường ấy. 
Tác giả bài viết: ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống
Nguồn tin: Báo Liên Lạc Giáo Phận Phan Thiết

Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

Thánh Rôbertô Bellarminô, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh ( St. Robert Bellarmine) Ngày 17/9

Thánh Rôbertô Bellarminô,
Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh
( St. Robert Bellarmine)
Ngày 17/9

Lc 7,11-17
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT


Cây tốt, sinh trái tốt. Cây xấu,sinh trái xấu.Ðiều đó quả thực không sai .Thánh Rôbertô là hoa quả tốt tươi của cha mẹ Ngài. Người ta có thể nói về Ngài mà không ngượng:" Thánh nhân là của quí giá Thiên Chúa ban tặng cho đất nước Ý Ðại Lợi ".

RÔBERTÔ,NGÀI LÀ AI ?
Rôbertô sinh ngày 4 tháng 10 năm 1541 tại Montepuciano nước Ý Ðại Lợi trong một gia đình đạo đức và thánh thiện. Mẹ Ngài là Cynthia Cervin,Chị ruột của Ðức Giáo Hoàng Marcellô II.Ngay từ lúc còn nhỏ,thánh nhân đã tỏ ra là một cậu bé đạo đức,hiền lành,khiêm nhượng và đơn sơ. Vốn thông minh sẵn có,thánh nhân đã rất thành đạt trong việc học vấn.Lên 18 tuổi, Ngài xin gia nhập Dòng Tên ở La Mã
Ngài dược nhận vào Dòng Tên và được gửi đi du học ở Louvain vào năm 1569.Rôbertô đã được phong chức linh mục ngay sau khi mãn học ở Louvain. Với trí thông minh,với học vấn uyên thâm, Ngài đã được chọn làm giáo sư ngay tại đại học Louvain trong 6 năm liên tiếp.Trong thời gian làm giáo sư đại học, Ngài đã tổ chức nhiều cuộc tranh luận về đủ mọi đề tài và bao giờ Ngài cũng giải đáp các vấn đề ấy một cách rành rẽ và thỏa đáng.Ngài được cử làm giám tỉnh Dòng Tên ở Naples. Năm 1596, Ngài được Ðức Giáo Hoàng Clêmentê IV phong làm Hồng Y,nhưng với lòng khiêm nhượng, Ngài không mang sắc phục Hồng Y. Năm 1602,
Ngài được phong chức giám mục.
Bất cứ giữ chức vụ nào,ở trong cương vị nào,thánh nhân cũng hoàn thành xuất sắc công việc được Bề Trên trao phó.Ngài giảng giải rõ ràng Tin Mừng của Chúa,bố thí và củng cố đức tin,tinh thần đạo đức cho mọi giới trong Giáo Hội.Thánh nhân được đề cử giữ nhiều chức vụ trong bộ truyền giáo và nghi lễ.Ngài phải đương đầu với nhiều cuộc tranh luận về quyền bính của Ðức Giáo Hoàng và về giáo điều Ðức Maria trọn đời đồng trinh.Thánh nhân đã viết rất nhiều sách có giá trị nói về tu đức.
Thánh nhân là hoa quả quí giá ,Chúa ban cho đất nước Ý Ðại Lợi. Ðóa hoa tươi đẹp,Chúa hái về vào ngày 17/9/1621 sau một cơn sốt nặng khi Ngài đang tĩnh tâm hằng năm tại Dòng Thánh Anrê.Ðức Thánh Cha Benoit XV đã phong Ngài làm tiến sĩ Hội Thánh vào năm 1930.

SỨ ÐIỆP THÁNH RÔBERTÔ ÐỂ LẠI CHO MỌI NGƯỜI

Với cuộc đời thánh thiện của thánh giám mục Robertô,nhân loại như nhận ra rằng:
thánh nhân đã sống hết mình với bổn phận,trong mọi chức vụ,trong mọi cương vị,thánh nhân đã đem hết tài sức để phục vụ mọi người.Ngài muốn nói với nhân loại:chỉ có tình yêu mới làm được mọi sự . Thánh nhân đã làm mọi sự vì tình yêu,vì sáng danh Chúa.Ngài đã để lại nhiều sách tu đức rất có giá trị . Với những tư tưởng rút ra từ phúc âm,với lòng trung thành với giáo lý chân chính của Chúa Kitô,thánh nhân đã nhắc nhở nhân loại:" hãy gắn bó với Chúa,hãy học hỏi nơi Chúa và chỉ nơi Chúa,nhân loại mới tìm được sự an bình và hạnh phúc".

Lạy thánh giám mục Rôbertô,xin giúp chúng con luôn biết phục vụ mọi người trong yêu thương.

Thánh Co-nê-liô,Giáo Hoàng Và thánh Síp-ri-a-nô,Tử Ðạo 16/9

Thánh Co-nê-liô,Giáo Hoàng
Và thánh Síp-ri-a-nô,Tử Ðạo
( St. Corneleus và Cyprian)
Ngày 16/9

Lc 7,1-10

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT


Dòng máu các thánh tử đạo làm nẩy sinh Giáo Hội .Ðạo công giáo do Chúa Giêsu thiết lập. Cốt lõi của đạo Kitô giáo là tình thương . Ðạo tình thương đòi hỏi nhiều hy sinh, từ bỏ và dấn thân. Vì thế, lịch sử Giáo Hội đã chứng minh một cách hùng hồn:có rất nhiều Kitô hữu đã hy sinh cả mạng sống để làm chứng cho đạo tình thương.Thánh Cô-nê-liô,giáo hoàng và thánh Síp-ri-a-nô,giám mục, đã nói lên chân lý này.

CUỘC ÐỜI và HAI CON NGƯỜI

Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói một câu chí lý:" Chúng ta hãy làm một cái gì đẹp cho Chúa ".Làm cái gì đẹp cho Chúa có nghĩa là thực hiện một việc,một công trình có giá trị,làm một nghĩa cử để đời. Thánh Cô-nê-liô,sinh tại Roma, Ý Ðại Lợi. Ngay từ nhỏ,Ngài đã được nhiều người biết đến nhờ đức tính hiền lành và tiết độ,chừng mực.Chính vì thế, Ngài lớn lên trong tình thương của cha mẹ, Ngài được tới trường học tập. Với tính thông minh sẵn có, Ngài mau chóng đạt được những kết quả thật đáng khích lệ trên đường học vấn. Giữa dòng đời ô trọc,đầy cạm bẫy, Ngài ước ao tận hiến cuộc đời của Ngài cho Chúa. Chúa đã nhậm lời Ngài kêu xin và vào năm 251,giữa lúc con thuyền Hội Thánh đang chao đảo,tròng trành vì cơn bách đạo gay gắt của Gallô và Volusianô, Ngài được bầu vào ngai tòa giáo hoàng thay thế Ðức Thánh Cha Fabianô qua đời. Trong giai đoạn,Ðức Giáo Hoàng Cô-nê-liô trên ngai tòa thánh Phêrô, ngoài cơn bách đạo khủng khiếp,Ngài còn phải đương đầu với bè rối Novatianô và Ngài đã viết rất nhiều sách nói về các người bội giáo,phản nghịch với Chúa,với Giáo Hội.
Trung thành với giáo lý chân chính và tông truyền,kiên trung với Chúa,với Giáo Hội, Ðức Thánh Cha Cô-nê-liô đã bị đầy ở Civita-Vecchia . Ngài đã chịu trăm ngàn thử thách, đau khổ và vào tháng 6 năm 253, Ngài đã được phúc tử vì đạo.
Giáo Hội hôm nay cũng tôn vinh thánh Síp-ri-a-nô,giám mục. Thánh nhân sinh vào năm 200 tại Phi Châu trong một gia đình ngoại giáo, giầu sang,phú quí. Với, dòng dõi quí phái, Ngài chắc chắn có một chỗ đứng vững chắc trong xã hội lúc đó. Nhưng không, Ngài đã trở lại đạo công giáo và với ơn Chúa thúc đẩy, thánh nhân đã bán hết gia sản,phân chia cho người nghèo khó đúng như lời Chúa nói trong bài giảng trên núi:" Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó." và cũng đúng lời Chúa thúc giục chàng thanh niên giầu có:" Anh hãy về bán hết của cải,phân chia cho người nghèo.". Thánh nhân đã thực hiện lời Chúa cách triệt để vì thế mới theo Chúa có một năm,lòng nhiệt thành truyền giáo của Ngài đã vang dôi khắp nơi,được rất nhiều người biết tới.Thánh nhân được gọi lên chức linh mục và sau đó được đề cử giữ chức giám mục thành Carthage.Phi Châu lúc đó sống trong lo sợ vì bạo vương Ðêciô ra tay triệt để tàn sát các người công giáo.Giữa hoàn cảnh cực kỳ khó khăn như vậy, Ðức Cha cảm thấy phải đảm bảo an toàn,điều khiển Giáo phận âm thầm hơn là đương đầu với kẻ thù cách vô ích. Ngài đã rút vào nơi bí mật để điều khiển Giáo phận. Ngài đã viết nhiều thư mục vụ luân lưu để khích lệ các Kitô hữu đang bị giam cầm,can đảm,trung thành với Giáo Hội và những kẻ chối đạo trở về với Hội Thánh.Cuộc cấm đạo và bắt bớ tạm yên, Ngài phải lo kiếm tiền,kiếm của cải để giải thoát cả trăm ngàn Kitô hữu giáo phận của Ngài đang bị bắt làm nô lệ.Thánh nhân phải đương đầu với bè rối Novatianô và đã viết nhiều sách kêu gọi họ quay trở về với Giáo Hội.
Valêrianô vào năm 257,ban hành sắc lệnh cấm đạo lần nữa cách gay gắt hơn. Thánh nhân bị bắt và bị đầy ở đảo Curubi . Thánh Síp-ri-a-nô bị buộc dâng hương tế thần,Ngài nhất quyết từ chối.Ngày 14/9/258,thánh nhân được phúc tử vì đạo.

TÌNH YÊU CHÚA KITÔ THÚC BÁCH CÁC NGÀI

Cha J.Nouwen nói :" Tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa là tình yêu vĩnh cửu "hay như thánh tông đồ Phaolô viết:"Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi ".Chính tình yêu của Chúa Giêsu đã lôi kéo hai Ngài và thúc đẩy hai Ngài hy sinh cả mạng sống để làm chứng cho tình yêu vĩnh cửu là Ðức Kitô.Chính giây phút,Ðức Thánh Cha Cô-nê-liô bị đày ở Civita-Vecchia và Ðức giám mục Síp-ri-a-nô bị đầy ở đảo Curubi là giây phút cứu độ của hai Ngài. Hai vị thánh đã một cách nào đó nói cho những người bắt bớ,đày ải hai Ngài rằng:" chỉ có chết mới được sống, chỉ mất mới tìm lại và tình yêu tự hiến là tình yêu tuyệt đối,tình yêu cứu thoát vì tình yêu ấy phát xuất từ Thiên Chúa ".

Lạy thánh Cô-nê-liô và thánh Síp-ri-a-nô xin cầu thay nguyện giúp cho chúng con trước tòa Chúa để chúng con được can đảm,kiên trung và cương quyết làm chứng cho Chúa.

LỄ ĐỨC MẸ SẦU BI Ngày 15 tháng Chín

LỄ ĐỨC MẸ SẦU BI
Ngày 15 tháng Chín
___________
I. TIẾN TRÌNH TÍN LÝ ĐỨC MẸ ĐỒNG CÔNG
Thế kỷ II, Thánh Giustinô khởi xướng tín lý Mẹ Maria cộng tác với Chúa Giêsu Con Mẹ trong công trình Cứu chuộc loài người. Thánh Giáo phụ dựa vào câu Tiền Phúc âm (St 3:15): Thiên Chúa phán hứa sẽ đặt một Phụ Nữ chiến thắng ác thần thay thế người phụ nữ đã bị ác thần đánh bại, và thánh nhân suy diễn sự tương phản trong Thư Thánh Phaolô (Rm 5:12; 1Cr 15:21-22) giữa cựu Ađam và Tân Ađam. Cựu Ađam đã đem tội lỗi và sự chết vào trần gian. Đối lại, Tân Ađam đã phục hồi loài người. Cựu Ađam không một mình làm sa đoạ loài người, vì bà Evà đã cộng tác vào tội Ađam. Cũng thế, Tân Ađam không một mình hồi phục loài người, vì Đức Maria đã cộng tác với Người trong công trình Cứu thế. Trong cuộc đối thoại với lạc giáo Tryphon, Thánh Giustinô nói: "Evà nghe theo lời con Rắn đã sinh ra sự bất tuân và sự chết. Đức Trinh Nữ Maria đáp lại lời Thiên thần Gabrie loan tin mừng rằng Đấng Thánh sinh ra bởi Mẹ sẽ là Con Thiên Chúa. Nhờ Người, Thiên Chúa đánh bại con Rắn và những thiên thần, những người giống như con Rắn".
Tín lý Mẹ Maria cộng tác với Chúa Cứu thế qua luận lý tương phản giữa bà Evà và Mẹ Maria của Thánh Giustinô đã được các Thánh Giáo phụ diễn giải và bổ túc.
A - Từ thế kỷ II đến thế kỷ VIII: Đặc biệt là Thánh Êphrem, Thánh Ambrôsiô, Thánh Êpiphanô, Thánh Phêrô Kim ngôn, Thánh Môdestô và Thánh Đamascenô.
B - Từ thế kỷ IX tới thế kỷ XVI: Các Thánh tiến sĩ và các nhà thần học đồng thanh tiếp tục minh chứng vai trò cộng tác vào công cuộc Cứu chuộc của Mẹ. Các Thánh tiến sĩ như Thánh Đamianô, Thánh Anselmô, Thánh Bênađô, Thánh Bônaventura, Thánh Albertô, Thánh Tôma, Thánh Canisiô. Các nhà thần học như Eadmer, Arnold Chartres, Richard St. Lawrence, Tauler, Gerson, Denis the Carthusian, Clichtove, Salmeron, Morales, Suarez.
Danh từ Đấng Đồng công (Coredemptrix) bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ XIV trong một Thánh thi của nhà thờ Thánh Phêrô tại thành Salzburg (Austria):
Pia, dulcis et benigna,
Nullo prorsus luctu digna
Si fletum hinc eligeres.
Ut compassa Redemptori,
Captivato transgressori,
Tu Coredemptrix fieres.
Nghĩa là: Mẹ nhân từ, hiền dịu và khoan dung,
Mẹ hoàn toàn không đáng chịu một đau khổ nào.
Nếu từ đây Mẹ khóc thương
Như Người thông phần đau khổ với Chúa Cứu Thế,
Thì, với Đấng đã chịu tử hình,
Mẹ cũng trở nên Đấng Đồng Công Cứu Chuộc.
C - Từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX: Tín lý Mẹ Đồng Công được các Thánh tiến sĩ và các nhà thần học khai triển rộng rãi, mặc dù gặp phản ứng của giáo phái Cải cách. Trong các Thánh thì có Thánh Laurensô Brindisi, Thánh Robertô Bellarminô, Thánh Euđê, Thánh Grignion Montfort, Thánh Anphong Ligouri. Các nhà thần học như Đức Hồng y Berulle, Cornelius a Lapide, Gaspar Tausch, Salazar, Vulpes, Novati, Luke Wadding, George de Rhodes, Reichensperger, Dubois, Widenfeld, Crasset, Van Ketwigh, Charles del Moral, Trombelli, De Clorivière, Jeanjacquot, Peraldi, Faber, Hồng y Wiseman, Hồng y Newman, Hồng y Manning, Scheeben, Đức Piô IX, Đức Lêô XIII. Trong thế kỷ XIX, danh từ Đấng Đồng công năng được dùng.
D - Thế kỷ XX: Tín lý Mẹ Đồng công được các Đức Giáo hoàng: Đức Lêô XIII, Đức Thánh Piô X, Đức Bênêđictô XV, Đức Piô XI, Đức Piô XII, Đức Gioan Phaolô II giảng dạy rất minh bạch. Riêng Đức Piô XI kêu xin Đức Mẹ rõ ràng với tước hiệu Đấng Đồng công. Và Đức Gioan Phaolô II cũng nêu bật giáo huấn về vai trò Đức Mẹ Đồng công, đặc biệt trong Thông điệp "Mẹ Đấng Cứu Thế", Tông thư "Sự Khổ đau Cứu chuộc", và ngài rõ ràng dùng tước hiệu "Coredemptrix" có tới 5 lần:
1. Trong lời chào chúc các bệnh nhân sau cuộc đại triều yết tại quảng trường Thánh Phêrô, Rôma, ngày mồng 8 tháng 9 năm 1982.
2. Trong huấn từ sau kinh Truyền tin tại Arona năm 1984.
3. Trong bài giảng tại đền thánh Đức Mẹ Guayaquil, nước Ecuador, ngày 31 tháng 1 năm 1985.
4. Trong huấn từ Ngày Quốc tế Giới trẻ, Chúa nhật Lễ Lá năm 1985.
5. Dịp kỷ niệm 600 năm tôn phong Thánh Brigitta hiển thánh ngày mồng 6 tháng 10 năm 1991.
Ngoài ra, trong 52 buổi đại triều yết, Đức Thánh Cha nêu cao vai trò Đồng công đặc biệt của Mẹ trong nhiệm cuộc Cứu thế của Chúa Kitô.
Công đồng Vatican II, dưới triều đại Đức Gioan XXIII và Đức Phaolô VI, đã minh nhiên nêu rõ sứ mạng Đồng công của Mẹ: "Đức Maria đã tận hiến làm tôi tớ Chúa, phục vụ cho thân thế và sự nghiệp của Con Mẹ, và phục vụ mầu nhiệm Cứu chuộc dưới quyền và cùng với Con của Mẹ... Sự liên kết giữa Mẹ và Con trong công cuộc Cứu rỗi được tỏ rõ, từ khi Mẹ Maria thụ thai Chúa Kitô cách trinh khiết cho đến lúc Chúa Kitô chết".
Theo cha Dillenschneider, thế kỷ XX có rất nhiều nhà thần học diễn giải tín lý Đức Mẹ Đồng công. Đó là các nhà thần học Le Rohellec, Broise, Bainvel, Bittremieux, Friethoff, Bover, Garcia Garces, Borzi, Seiler, Philipon, Deneffe, Carol, Hugon, Anger, Mura, Rondel, Hồng y Lépicier, Terrien, Keuppens, Merkelbach, Boyer, Roschini, Lagrange, v.v.
Từ tháng 3 năm 1993, phong trào "Vox Populi" (Tiếng dân) đã phát động khắp Giáo hội "Chiến dịch Thỉnh nguyện thư" tâu xin Đức Thánh Cha tuyên tín Mẹ Maria là "Đấng Đồng công". Phong trào này do tiến sĩ thần học Mark Miravalle, giáo sư đại học dòng Phanxicô tại Steubenville, bang Ohio, Hoa Kỳ, lãnh đạo, với ban cố vấn gồm 32 Hồng y. Cho tới tháng 10-1997, phong trào đã thu thập được chữ ký của hơn 500 Giám mục, 55 Hồng y và 5 triệu tín hữu thuộc 155 quốc gia. Cuối tháng 5 năm 1996, một Hội nghị quốc tế được tổ chức tại Rôma gồm 3 Hồng y, 13 Giám mục, và một số đông linh mục, giáo dân chính thức yểm trợ phong trào "Vox populi".
Tín lý về Mẹ Maria cộng tác với Chúa Giêsu, Con Mẹ, trong công cuộc Cứu thế qua các thời đại, đã được sáng tỏ và vững chắc. Còn danh từ Mẹ Đồng công Core-demptrix, tuy đã được dùng trong Giáo hội từ thế kỷ XIV và đặc biệt trong thế kỷ XIX, và tiếp đầu ngữ (prefix) "co" (không có nghĩa đặt Mẹ ngang hàng với Chúa trong công cuộc Cứu thế), vẫn chưa được Giáo hội chính thức xác định và công nhận, đặc biệt trong phụng vụ.
II. LỊCH SỬ PHỤNG VỤ
Năm 1011, một nguyện đường đầu tiên dâng kính Đức Mẹ đứng dưới chân thánh giá tại Paderborn, nước Đức. Dòng Citercian và Dòng Phanxicô khởi xướng lòng sùng kính Đức Mẹ Sầu bi từ thế kỷ XII và thế kỷ XIII.
Từ đó đến năm 1969 có hai lễ Đức Mẹ Sầu bi:
1. Lễ Đức Mẹ Sầu bi ngày thứ Sáu sau Chúa nhật Khổ nạn (trước Chúa nhật lễ Lá).
Năm 1423, Công đồng Cologne, nước Đức, thành lập lễ Đức Mẹ đồng thụ nạn (Compassion of Mary) để đền tạ vì tội do bè rối Hussites xúc phạm ảnh tượng Thánh giá vả ảnh tượng Đức Mẹ đứng dưới cây Thánh giá. Năm 1482, Đức Sixtô IV truyền soạn một bài lễ kính Đức Mẹ đau thương, tưởng nhớ Đức Mẹ dưới chân Thánh giá.
Năm 1714, Dòng Tôi tớ Đức Mẹ được phép cử hành lễ Đức Mẹ Sầu bi vào thứ Sáu tuần Thương khó. Năm 1727, nhờ sự vận động của Dòng Tôi tớ Đức Mẹ, lễ này được Đức Bênêđictô XIII đặt hẳn vào ngày thứ Sáu sau Chúa nhật Khổ nạn.
Năm 1969, lễ này bị bãi bỏ do việc cải tổ Phụng vụ sau Công đồng Vatican II. Lý do việc bãi bỏ ngày lễ Đức Mẹ đau thương ngày thứ Sáu sau Chúa nhật Khổ nạn là vì Giáo hội không muốn mừng hai lần trong một năm một biến cố hay một mầu nhiệm.
2. Lễ Đức Mẹ Sầu bi ngày 15 tháng Chín
Năm 1668, Dòng Tôi tớ Đức Mẹ được phép Toà thánh mừng lễ Đức Mẹ Sầu bi ngày Chúa nhật thứ ba tháng Chín.
Năm 1704, Đức Clêmentê XI ban đại xá cho những ai tham dự lễ này.
Năm 1814, Đức Piô VII lập lễ này trong khắp Giáo hội để tạ ơn Đức Mẹ đã giải thoát Đức Thánh Cha khỏi sự quản thúc của vua Napoléon.
Sau này, Đức thánh Piô X quyết định chuyển lễ từ Chúa nhật thứ ba tháng Chín sang ngày 15 tháng 9 sau ngày Suy tôn Thánh giá, để liên kết cuộc Đồng thụ nạn của Mẹ Maria với cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu. Ngoài việc thiết lập Thánh lễ, còn có những hình thức đạo đức kính Đức Mẹ Sầu bi.
1. Thánh thi Stabat Mater dolorosa (Mẹ sầu bi đứng bên Thánh giá) do tác giả Jacopone di Todi (1230-1306), tu sĩ dòng Phanxicô, và được lưu hành trong khắp Giáo hội từ thế kỷ XIII. Thánh thi này được dùng làm Ca tiếp liên đọc trong ngày lễ Đức Mẹ Đau thương 15 tháng Chín như ngày nay.
2. Lòng sùng kính Đức Mẹ Sầu bi cũng được lập vào thế kỷ XIV do Chân phúc Henri Susô.
3. Ngắm bảy Sự Đau đớn Đức Mẹ, kèm theo bảy kinh Kính mừng sau mỗi ngắm, được Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ ấn định năm 1646. Trong Toàn niên kinh nguyện Giáo phận Bùi Chu, Đức cha Đaminh Hồ ngọc Cẩn sửa đổi lại còn một kinh Lạy Cha, một kinh Kính mừng và một kinh Sáng danh sau mỗi ngắm.
BẢY SỰ ĐAU ĐỚN ĐỨC MẸ
Năm 1482, cha Gioan Couderberghe, giáo xứ Flanders, nước Bỉ, bắt đầu giảng về việc sùng kính Bảy Sự Đau đớn Đức Mẹ:
1. Cụ già Simêon nói tiên tri cùng Đức Mẹ (Lc 2:34-35).
2. Đức Mẹ đem Chúa Giêsu trốn sang nước Ai Cập (Mt 2:13-21).
3. Chúa Giêsu ở lại trong đền thờ mà Đức Mẹ tìm kiếm Người ba ngày (Lc 2:41-50).
4. Đức Mẹ gặp Đức Chúa Giêsu vác cây Thánh giá (Ga 19:17).
5. Đức Mẹ đứng kề Thánh giá Đức Chúa Giêsu là Con rất yêu dấu khi trút linh hồn (Ga 19:18-30).
6. Hai môn đệ hạ xác Chúa Giêsu mà trao cho Đức Mẹ ẵm kính (Ga 19:39-40).
7. Môn đệ táng xác Chúa Giêsu vào huyệt đá mới (Ga 19:40-42).
III. Ý NGHĨA PHỤNG VỤ
1. Dựa theo giáo huấn Công đồng Vatican II, Giáo hội muốn lòng sùng kính Đức Mẹ của chúng ta hướng về Chúa Kitô. Do đó, Giáo hội muốn chúng ta sùng kính Đức Mẹ đồng thụ nạn với Chúa Kitô khổ nạn để chúng ta noi gương Mẹ, mà kết hợp cuộc đời khổ đau của ta với cuộc đời tử nạn của Chúa Kitô, mong mai sau chúng ta cùng được trường sinh vinh hiển với Người như Đức Mẹ.
2. Trong việc sùng kính và mừng lễ Đức Mẹ Sầu bi, Giáo hội nhắc nhớ chúng ta hiểu sâu xa rằng qua Thánh Gioan, Chúa Giêsu đã trao trối Mẹ Maria cho chúng ta: "Này là Mẹ con", và trối chúng ta cho Đức Mẹ: "Này là con Bà". Như vậy, Đức Mẹ là Mẹ thật của chúng ta, và chúng ta thật là con của Đức Mẹ. Dưới cây Thánh giá, Đức Mẹ đã thực sự sinh ra chúng ta về phần hồn trong nỗi cực độ khổ đau, cũng như mẹ phần xác sinh ra chúng ta về phần xác, cũng trong đau đớn theo án lệnh Chúa đã ra cho tổ mẫu Evà: "Ngươi sẽ sinh con đẻ cái trong đau đớn" (St 3:16). Mẹ Maria hạ sinh chúng ta càng trong đau khổ, Mẹ càng yêu thương chúng ta.
3. Trong mầu nhiệm Đồng thụ nạn của Mẹ Maria với cuộc Khổ nạn Cứu thế của Chúa Giêsu, Giáo hội cũng nhắc nhớ chúng ta rằng, nhờ Mẹ mà chúng ta được hưởng ơn Cứu độ đã trào dâng từ thương tích của Chúa.
4. Trong sứ mạng Đồng công của Mẹ Maria với sứ mạng Cứu chuộc của Chúa Cứu Thế, Giáo hội khích lệ chúng ta cũng hãy ý thức sứ mạng của chúng ta, là đồng công với Chúa và Mẹ trong việc cứu rỗi chính mình chúng ta, và cũng trong việc làm tông đồ cứu rỗi người khác.
IV. CA TIẾP LIÊN TRONG THÁNH LỄ (Stabat Mater)
1. Mẹ sầu bi, tầm tã giọt châu, đang đứng bên cây thập giá, nơi Con Người đã bị treo lên.
2. Một lưỡi gươm nhọn đã đâm qua tâm hồn Bà đang rên siết, đang sầu khổ và đau buồn.
3. Ôi đau buồn sầu khổ biết bao cho bà Mẹ đáng suy tôn của một người Con duy nhất!
4. Bà Mẹ hiền nhìn xem nỗi khổ hình của người Con chí thánh, mà đau lòng thổn thức tâm can.
5. Ai là người không tuôn châu lệ, khi nhìn thấy Mẹ Chúa Kitô, trong cảnh cực hình như thế?
6. Ai có thể không buồn bã nhìn xem Mẹ Chúa Kitô, đang đau khổ cùng với Con Người?
7. Mẹ nhìn thấy Chúa Giêsu vì tội dân mình mà khổ cực và bị vùi giập dưới làn roi.
8. Mẹ nhìn Con mình dịu hiền như thế, bị thống khổ lúc lâm chung, khi Người trút hơi thở cuối cùng.
9. Ôi lạy Mẹ là niềm yêu mến, xin cho con cảm thấy mãnh lực của đau thương, để cho con được khóc than cùng Mẹ.
10. Xin cho lòng con cháy lửa mến yêu, mến yêu Đức Kitô là Thiên Chúa, để cho con có thể làm đẹp ý Người.
11. Ôi Thánh Mẫu, xin Mẹ làm ơn đóng vào lòng con cho thực mạnh những vết thương của Đấng bị treo thập giá.
12. Xin Mẹ cho con được chia phần thống khổ của Con Mẹ đã thương vong, đã khấng chịu cực hình vì con như thế.
13. Xin cho con được cùng Mẹ thảo hiếu khóc than, cùng Đấng bị đóng đinh tỏ niềm thông cảm, bao lâu con còn sinh sống ở đời.
14. Con ước ao được cùng với Mẹ đứng bên cây thập giá và hợp nhất cùng Mẹ trong tiếng khóc than.
15. Ôi Đức Trinh Nữ thời danh trong hàng trinh nữ, xin đừng tỏ ra cay đắng với con, xin cho con được cùng Mẹ chan hoà dòng lệ.
16. Xin cho con được mang sự chết của Đức Kitô, được cùng Người thông phần đau khổ và tôn thờ những thương tích của Người.
17. Xin cho con được mang thương tích của Người, cho con say sưa cây thập giá và máu đào Con Mẹ đã đổ ra.
18. Ôi, Đức Trinh Nữ xin đừng để cho con bị lửa hồng thiêu đốt, nhưng được Mẹ chở che trong ngày thẩm phán!
19. Lạy Chúa Kitô, khi phải lìa bỏ cõi đời này, nhờ Đức Mẹ, xin Chúa cho con được tới lãnh ngành dương liễu khởi hoàn.
20. Khi mà xác thịt con sẽ chết, xin cho linh hồn con được Chúa tặng ban vinh quang của cõi Thiên đường.
V. Ý NGHĨA LỜI CHÚA TRONG THÁNH LỄ
Bài đọc I: Do Thái 5:7-9
Đây là một phần chính thư Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Do Thái khích lệ mọi người hãy cảm thương Chúa Giêsu khi còn sống ở đời này đã khổ đau đến rơi lệ. Đặc biệt trong vườn Gietsimani, Người khổ đau đến cùng cực đến nỗi đã kêu van Đấng có thể cứu Người khỏi chết. Nhưng Người đã vâng phục Chúa Cha vui lòng hy hiến để nên căn nguyên ơn Cứu độ cho chúng ta. Đoạn văn ám chỉ Mẹ Maria cũng cùng chịu đau khổ với Chúa để thông cảm với Chúa, và để đồng công với Chúa cứu chuộc loài người.
Phúc âm: Luca 2:33-35
Mẹ Maria và Thánh Giuse kinh ngạc trước những lời ông già Simêon nói về Ấu Chúa Giêsu là ánh sáng cho dân ngoại và là vinh quang cho dân Do Thái. Ông Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói tiên tri với Mẹ Maria rằng: Con Trẻ này đã được đặt lên cho sự sụp đổ hay sự đứng lên của nhiều người dân Do Thái và là mục tiêu cho người ta chống đối, một dấu hiệu kêu mời mọi người hãy mở lòng ra cho chương trình của Thiên Chúa và thường là một dấu hiệu kêu gọi người ta cải tà qui chính.
Lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn Mẹ Maria như ông Simêon tiên báo là sự thống khổ xâu xé Trái tim Mẹ. Lưỡi gươm cũng có ý nghĩa trong tiên tri Ezekiel 14:17 là sự giáng phạt của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói Người đến không phải để đem lại bình an, mà là gươm giáo (Mt 10:34-36), tức là sự chia rẽ (Lc 12:51-53). Chúa muốn nói "chia rẽ" là Chúa và lời Chúa như mũi gươm chia lìa các gia đình và kêu gọi các phần tử dấn thân bước theo con đường Phúc âm của Chúa. Mẹ Maria là một người tiên phong dấn thân để trung thành với tiếng Chúa mời gọi (xem Lc 8:19-21; 11:27-28).
VI. THÁNH KINH
1. St 3:15: "Ta sẽ đặt mối thù giữa ngươi và người nữ, giữa dòng dõi người nữ và dòng dõi ngươi. Người nữ sẽ đạp nát đầu ngươi".
Lời tiên tri này minh nhiên và mặc nhiên hàm chứa mầu nhiệm Maria, về Mẹ Chúa Cứu Thế, về mẫu chức trinh trong, về đặc ân Vô nhiễm thai, về sứ mạng Đồng công...
Lời: "Ta sẽ đặt mối thù" liên quan đến vai trò Đồng công, ám chỉ Người Nữ và Dòng dõi người Nữ đối đầu với Satan và bè lũ hắn. Do đó, trong "mối thù" ẩn chứa vai trò Đồng công của Mẹ Maria. Thực vậy, Mẹ đã cộng tác với Chúa Con trong công trình Cứu chuộc loài người.
Lời: "Người Nữ sẽ đạp nát đầu ngươi" tiên báo Người Nữ và Dòng dõi người sẽ chiến thắng con rắn và bè lũ hắn. Cả câu tiên tri trong tiền Phúc âm 3:15 làm nổi bật mối tương phản giữa Evà và Maria, giữa Ađam và Chúa Giêsu. Nếu Evà đồng phạm với Ađam làm hư hỏng loài người, thì Maria đồng công với Chúa Giêsu cứu chuộc loài người.
2. Is 7:14: "Một Trinh nữ sẽ thụ thai sẽ sinh Con Trai tên là Emmanuel". Trinh Nữ này là Người Nữ đã được phác họa trong lời hứa chiến thắng con rắn, lời hứa mà nguyên tổ chúng ta đã nhận được sau khi phạm tội, và chính là Người Nữ, Mẹ Đấng đã được Thiên Chúa trao phó công cuộc Cứu chuộc.
3. St 3:20: "Mẹ chúng sinh". Mẹ Maria là Mẹ chúng sinh nghĩa là tất cả loài người. Trong sứ mạng Đồng công, Mẹ cộng tác với Chúa Kytô trong việc tái sinh chúng ta trong ơn thánh. Do đó, Giáo hội vinh tụng Mẹ Maria là Mẹ ơn thánh. Mẹ là Mẹ chúng ta vì Mẹ là Đấng Đồng công Cứu chuộc, và Mẹ là Đấng Đồng công vì Mẹ là Mẹ chúng ta.
4. Lc 1:26-38: Trong biến cố Truyền tin, Mẹ Maria khởi đầu vai trò Đồng công với Chúa Cứu Thế. Lời thưa "Xin vâng" của Mẹ là một sự chia sẻ thân mật với Thiên Chúa trong công trình Cứu chuộc mà thiên sứ mặc khải cho Mẹ. Lời "xin vâng" của Mẹ là lời Đồng công làm cho Chúa Ngôi Hai giáng trần nhập thể trong cung lòng Mẹ, thành nên Chúa Giêsu làm người có thân xác, để cứu chuộc loài người bằng cái chết hy tế đẫm máu trên thập giá.
5. Lc. 2:35: "Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu lòng Bà". Trong dịp Mẹ Maria dâng Con trong Đền thờ, lời tiên tri của cụ già Simêon tỏ ra cho Mẹ xem thấy tầm mức lịch sử Cứu độ của Con Mẹ, một sứ vụ đầy đau khổ mà Mẹ phải sống trong sự đau khổ bên cạnh Chúa Cứu thế khổ đau, và địa vị làm Mẹ của Mẹ sẽ bí ẩn và đớn đau.
6. Ga 19:26: Mẹ Maria đứng dưới cây thánh giá Chúa Giêsu. Khi thấy Mẹ và môn đệ yêu, Chúa Giêsu nói: "Hỡi Bà, này là Con Bà" và nói với môn đệ: "Hỡi con, này là Mẹ con". Tiếng "Bà" liên kết Mẹ Chúa Cứu thế với Người Nữ và dòng dõi cứu chuộc trong tiền Phúc âm 3:15, sẽ cộng tác với Đấng Cứu thế trong việc chiến thắng Satan, tội lỗi và sự chết. Bà đó là Mẹ Maria, là Nữ tỳ của Thiên Chúa trong ngày thiên sứ truyền tin, sẽ là một Bà Mẹ chất ngất đau thương cùng với Con hy tế đẫm máu cứu chuộc loài người.
7. Kh 12:1-6: Đoạn Thánh kinh này nêu bật hình ảnh Chúa Kytô và Mẹ Đồng công cứu chuộc loài người. Hình ảnh Mẹ Chúa Kytô trong cảnh huy hoàng lộng lẫy của phẩm chức Mẹ Thiên Chúa. Hình ảnh Mẹ Đồng công cứu chuộc trong cảnh tang thương cay đắng của phẩm chức Mẹ loài người.
L.m. Phêrô, CMC        dongcong.net

Mẹ Sầu Bi



Mẹ Sầu Bi


Trong quan niệm đời thường, người ta thích nhắc tới những kỷ niệm vui đã từng gặp trong đời. Bởi lẽ mỗi khi nhắc tới những kỷ niệm đó, người ta cảm thấy hạnh phúc và an bình. Trong các tước hiệu người tín hữu công giáo dành cho Đức Mẹ, có một tước hiệu không gợi đến một nhân đức hay một đặc ân của Đức Mẹ, đó là Mẹ Sầu Bi. Truyền thống của Giáo Hội từ lâu cũng suy gẫm về các sự đau khổ của Đức Trinh Nữ qua kinh “Ngắm bảy sự đau đớn Đức Bà”. Tại sao lại tính sự đau khổ của Đức Mẹ với con số bảy? Thiển nghĩ, số bảy tượng trưng cho con số đầy đủ và viên mãn, như một tuần có bảy ngày phỏng theo tác giả sách Sáng Thế; hoặc người Do Thái quan niệm tha thứ bảy lần; hay truyền thống của người Do Thái cứ bảy năm thì cho đất đai được nghỉ ngơi và cho nô lệ phóng thích. Khi liệt kê có bảy sự thương khó của Đức Mẹ, phải chăng truyền thống đạo đức bình dân muốn khẳng định: Đức Mẹ đã chịu rất nhiều đau khổ. Nếu Đức Giê-su đã trải qua mười bốn chặng đường thánh giá (gấp đôi con số bảy), thì Đức Mẹ cũng đồng lao cộng khổ với Người. Bảy sự đau đớn của Đức Trinh Nữ Maria được sắp xếp như sau: 1-Lời ngôn sứ của cụ già Si-mê-on; 2-Trốn sang Ai-cập; 3-Đức Mẹ lạc mất Chúa Giê-su; 4-Đức Mẹ gặp Chúa Giê-su vác thánh giá; 5-Đức Mẹ dưới chân thập giá và chứng kiến cơn hấp hối của Con mình; 6-Đức Mẹ ôm xác con mình khi tháo đanh từ thập giá; 7-Đức Mẹ cùng với các môn đệ táng xác Chúa Giê-su.
Nếu chỉ tôn vinh Đức Mẹ như một tạo vật được Thiên Chúa ưu đãi, ta có cảm tưởng như Đức Mẹ đương nhiên được Chúa bao bọc và con đường nên thánh của Đức Mẹ được trải toàn nhung lụa. Không phải thế, mặc dầu được Thiên Chúa gìn giữ từ khi thụ thai khỏi tội nguyên tổ, nhưng vinh quang của Đức Mẹ là kết quả của cuộc đời yêu mến Chúa và hiến toàn thân cho Ngài. “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”, những đau khổ Mẹ đã gánh chịu chính là bằng chứng cho lòng trung thành bền chí của Mẹ. Từ giây phút nói lời “Xin vâng” trước lời đề nghị của sứ thần Ga-bri-en, Mẹ đã bước vào một hành trình mới, xen lẫn vui mừng và khổ đau, như lời cụ già Si-mê-on tại Đền thờ Giê-ru-sa-lem đã báo trước. Phụng vụ của Giáo Hội đã áp dụng cho Đức Trinh Nữ Maria hình ảnh của người phụ nữ đau khổ được nhắc tới trong sách Ai-ca: “Hỡi những khách qua đường, hãy trông xem: Có đớn đau nào như cái đớn đau hành hạ thân tôi!” (Ai-ca 1,12).
Tại thành phố Portland, thuộc tiểu bang Oregan, Hoa Kỳ, Đức Mẹ Sầu Bi được tôn kính cách đặc biệt từ những năm 20 của thế kỷ trước. Đây là một vùng đồi núi, quanh năm được phủ kín một màu xanh của những rừng thông bạt ngàn. Tượng Đức Mẹ Sầu Bi (Pieta) trạm khắc bằng đá cẩm thạch màu trắng ngự trong một hang đá lớn. Cạnh đó là một ngôi nhà thờ trước đây của một tu viện thuộc dòng Nữ tỳ Đức Maria. Từ gần một thế kỷ, nơi đây đã trở thành Đền thánh quốc gia tôn kính Mẹ Sầu Bi (The National Sanctuary of Our Sorrowful Mother). Được biết, với sự hiện diện của cộng đoàn công giáo Việt Nam từ năm 1977 tại thành phố Portland, ngày hành hương truyền thống vào dịp đầu tháng 7 dương lịch hằng năm trở nên sầm uất và sốt sắng hơn. Số giáo dân Việt Nam về tham dự ngày hành hương lên tới 6 hoặc 7 ngàn người. Người công giáo Việt Nam có truyền thống yêu mến Đức Mẹ. Những dịp hành hương kính Đức Mẹ ở trong nước cũng như ở hải ngoại cho thấy dù đi đến phương trời nào, các tín hữu Việt Nam vẫn trung thành với truyền thống tốt đẹp của mình. Người công giáo Việt Nam tôn nhận Đức Maria là Nữ Vương nước Việt Nam. Ở hải ngoại, nơi nào có cộng đoàn công giáo Việt Nam, thì nơi đó có những nhà thờ, nhà nguyện mang tên Đức Mẹ La Vang, một danh xưng gợi cho mọi người nhớ về cội nguồn tiên tổ, đồng thời cũng khích lệ họ giữ vững Đức tin và duy trì truyền thống văn hóa của Dân tộc.
Cùng với Hang đá Đức Mẹ và nhà thờ, khách hành hương còn được đến thăm khu vườn trên đỉnh đồi. Có một thang máy đưa khách hành hương lên vườn. Trên đỉnh đồi cao chừng 40 mét so với mặt đất, một khu vườn tuyệt đẹp, rộng rãi. Những thảm cỏ xanh được điểm bằng những bồn hoa muôn màu, tạo nên một cảnh quan vừa thanh bình mát mẻ, vừa trang nghiêm thanh tịnh giúp ta nâng tâm hồn lên với Chúa. Khách hành hương có thể dạo bước theo các lối đi để suy tư cầu nguyện, hoặc ngồi tại những chiếc ghế bằng gỗ dài đặt rải rác trong vườn. Nơi đây, có bảy tượng đài bằng gỗ diễn tả bảy sự đau đớn của Đức Mẹ. Tại một khu vườn bên cạnh, khách hành hương có thể suy niệm trước những bức phù điêu bằng đồng diễn tả 20 màu nhiệm Mân Côi. Giữa màu xanh của rừng thông được trang điểm bằng những vườn hồng rực rỡ, cộng với khí hậu trong lành mát mẻ và bầu khí nhẹ nhàng yên tĩnh, ta có cảm tưởng như lạc vào một thế giới linh thiêng. Nơi đây, con người dễ dàng gặp Chúa và tâm sự với Ngài. Rải rác trong vườn, ta có thể gặp thấy những nhà nguyện nhỏ bằng gỗ được dâng kính Đức Mẹ hoặc các thánh. Tại một triền đồi, nơi có thể ngắm nhìn toàn thành phố Portland, một ngôi nhà nguyện có tường toàn bằng kính được dựng lên để khách hành hương đến cầu nguyện và ngắm nhìn toàn cảnh thành phố. Trong nhà nguyện này, có tượng Đức Mẹ Sầu Bi bằng đồng được đúc theo mẫu bức tượng do ông Michelangelo chạm bằng đá cẩm thạch được trưng bày trong Đền Thánh Phê-rô ở Rô-ma.
Khi tôn vinh Đức Mẹ là Mẹ Sầu Bi, chúng ta học nơi Đức Mẹ sự can đảm và lòng trung thành với Chúa. Hình ảnh Đức Mẹ đứng kề bên thập giá Chúa Giê-su luôn là mẫu mực cho người tín hữu khi gặp khó khăn gian khổ trong cuộc đời. Trên đồi Can-vê buổi chiều năm xưa, Mẹ đứng đó, âm thầm chịu đựng, kiên vững cậy trông. Mẹ không phàn nàn kêu trách Chúa. Mẹ biết rằng Thiên Chúa có chương trình của Ngài mà con người không thể hiểu thấu. Mẹ cũng xác tín rằng những ai yêu mến Chúa không bao giờ bị bỏ rơi. Chính trong giờ phút đau thương này, lời thưa “Xin Vâng” của Mẹ từ ngày Truyền tin được lặp lại với sự khiêm nhường và tuân phục .
Mỗi khách hành hương đến với nơi này đều có một cảm nghiệm riêng, nhưng chắc chắn một điều, những ai đến đây với tâm tình cầu nguyện đều được Đức Mẹ thương an ủi vỗ về. Mẹ đã chịu nhiều đau khổ để cộng tác với Chúa Giê-su trong công cuộc cứu độ trần gian. Nay Mẹ cũng cảm thông với chúng ta là những người đang mang gánh nặng cuộc đời.
Lạy Mẹ Sầu Bi, xin thương chúc lành cho Dân tộc Việt Nam thân yêu của chúng con. Xin Mẹ nâng đỡ và thêm sức cho những ai đang chịu đau khổ, để họ vững lòng cậy trông nơi Chúa và tìm thấy hy vọng trong hành trình cuộc đời. Amen.
Portland, lễ Đức Mẹ Trinh Nữ Vương, 22-8-2014
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên