Chiều chiều ra đứng ngõ sau...
Người Việt có câu ca dao thể hiện sự nhớ thương cha mẹ khá hay và sâu sắc:
"Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều"
Hoặc:
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau"
Câu ca dao chứa chan niềm thương nỗi nhớ của cô gái vì đi lấy chồng mà phải xa nhà, xa cha mẹ. Để rồi mỗi buổi chiều ra ngõ sau lặng lẽ lau nước mắt, trông xa xăm về hướng quê mình mà lòng quặn thắt từng cơn.
Ngày xưa, nông thôn Việt Nam sống khép kín theo kiểu làng xã. Mỗi làng, mỗi xã là một thế giới riêng biệt. Có người suốt đời không bước chân ra khỏi lũy tre làng. Bởi vậy cho nên con gái lấy chồng làng khác có nghĩa là chấp nhận nỗi biệt ly dằng dặc, khó biết ngày trở lại.
Lúc trẻ dại chưa biết nghĩ đến tình cảm với cha mẹ, bây giờ lấy chồng xa mới thấy thương cha mẹ vô cùng. Bao nhiêu năm cha mẹ nuôi khôn lớn nên người mà chưa trả hiếu được gì, hôm nay lại là con gái của người ta…
Người phụ nữ ngày xưa không được phép quyết định cuộc đời của mình. Mà mọi chuyện phải nghe theo sắp xếp của cha mẹ, ngay cả việc mưu cầu hạnh phúc cho chính bản thân. Người có hiếu là tốt, nhưng đôi khi chữ "hiếu" lại được đánh đổi bằng một chữ "tình", thế nên khi nghĩ đến cũng buồn làm sao.
Có câu ca dao nghe mà nao lòng:
"Má ơi, đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu..."
Thời nào thì người ta vẫn thường chú trọng đến chữ "hiếu" của con cháu đối với cha mẹ, ông bà... Nhưng có lẽ ngày xưa ảnh hưởng tư tưởng của Lễ giáo phong kiến nên người ta thường đặt nặng chữ "hiếu" và ai bị mang tiếng "bất hiếu" thì có lẽ người đời nhìn bằng ... nửa con mắt!
Cái hay của câu ca dao là ở khả năng gợi cảm rất lớn, rất sâu của nó. Không gian của buổi chiều cộng hưởng với tâm hồn đang dâng đầy nỗi nhớ của cô gái lấy chồng xa khiến cho ta thấm thía và cảm động. Cách nói cường điệu "ruột đau chín chiều" có tác dụng nhấn mạnh và khắc sâu tâm trạng nhớ thương cha mẹ của cô gái này nhưng đành bất lực vì cách trở đường xa khó về...
Trong bài ca dao này có cụm từ “ruột đau chín chiều" hoặc " chín chiều ruột đau" - Vậy "chín chiều" có ý nghĩa gì và đó là những "chiều" nào?
Thực ra người Việt xưa khi nói đến "chín chiều" là ngầm ý nhớ đến công lao ơn nghĩa cha mẹ đã sinh ra và nuôi ta khôn lớn. Người xưa thường dùng “cửu tự cù lao - chín chữ cù lao” là chín điều khó nhọc khi làm cha mẹ sinh dưỡng con cái. Chín chữ đó là:
1. Sinh (sanh đẻ)
2. Cúc (nâng đỡ)
3. Phủ (vuốt ve, trìu mến)
4. Súc (cho bú mớm)
5. Trưởng (nuôi nấng khôn lớn)
6. Dục (dạy dỗ)
7. Cố (trông nom)
8. Phục (xem tính nết mà uốn nắn)
9. Phúc (bảo vệ)
Vì vậy mới có câu: Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều. Bài ca dao là tình cảm mẹ con, tình cảm gia đình sâu sắc trong tâm hồn mỗi chúng ta.
Tình thương nỗi nhớ gắn liền với tấm lòng biết ơn sâu nặng của những người con với tình cảm mẹ con, gia đình...
Ngày xưa là thế, khi người con gái sang sông đi lấy chồng làm dâu nhà người ta thì dặm đường cách trở, có nhớ thương cha mẹ và mái nhà thời thơ ấu thì cũng chỉ biết ra sau nhà chồng mà ngóng trông về quê mẹ...
Còn ngày nay thì có lẽ chẳng còn mấy người con còn nhớ đến câu ca dao trên... Có muốn nhắn gửi hỏi thăm gì thì chỉ cần chiếc smartphone, vuốt lướt màn hình trong nháy mắt là thấy mặt cha mẹ mình thôi mà... Tuy nhiên vẫn có những người con thật sự hiếu thảo với cha mẹ già, có những sự chăm sóc cha mẹ đúng nghĩa tinh thần chữ "hiếu" của ngày xưa...
Chữ "hiếu" ngày nay có lẽ khác nhiều với chữ "hiếu" ngày xưa... Và nói không ngoa thì trong thời đại với sự "vật chất hóa" trong mọi lĩnh vực thì chữ "hiếu" chắc cũng không ngoại lệ...
Hoài Nguyễn - 04/10/2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét