Thứ Ba, 22 tháng 10, 2024

ĐƯA CON ĐI HỌC XA NHÀ - VỀ VỚI MẸ - BA NHỚ CON

 ĐƯA CON ĐI HỌC XA NHÀ

Nhà mình thừa một chỗ
Con đi học xa nhà
Vắng ánh đèn quen thuộc
Vắng tiếng đàn, tiếng ca.
Bữa cơm bớt một chén
Mẹ đỡ vất vả hơn
Nấu món ăn con thích
Nhưng mẹ lại rất buồn.
Ba làm về thấy vắng
Không còn gọi: Con ơi !
Thói quen giờ đã hết
Con gái ba vào đời.
Trời vào thu nhanh quá
Xa nhà một mình con
Chẳng có ai bên cạnh
Bữa cơm có còn ngon.
Mẹ - lo con canh cánh
Ăn ngủ có đều không
Ba - nỗi lo dằng dặc
Cạm bẫy đời sao không ?
Con bay ra trời rộng
Theo đuổi những ước mong
Sức người thì có hạn
Mà cuộc đời mênh mông.
Mong đá mềm chân cứng
Mọi ghềnh thác cuộc đời
Có mẹ ba nâng bước
Mong con vượt qua thôi.
Tiễn con vào đại học
Mỉm cười nén lệ rơi
Con mãi là nỗi nhớ
Cố học cho nên người.
Ba mẹ về con nhé
Giờ mọi thứ tự lo
Từ miếng ăn, giấc ngủ
Nhưng đừng quá tự do.
Xe bắt đầu chuyển bánh
Mẹ dụi mắt rưng rưng
Con vẫy tay tạm biệt
Mà lòng ba não nùng.
Cu Đủm - Bùi Đình Nhâm
03/09/2024
___________________________
VỀ VỚI MẸ
Mai con về với mẹ có được không ?
Nhớ con gái xa vòng tay đi học
Đất lạ xứ người sợ rằng con sốc
Thương rất nhiều mẹ cứ mãi ngóng trông.
Mai con về với mẹ có được không ?
Về căn nhà mà đi đâu cũng nhớ
Hình bóng con còn đâu đây cứ ngỡ
Ngồi học bài khuya khoắt vẫn chưa xong.
Mai con về với mẹ có được không ?
Mẹ nấu món ăn mà con thích nhất
Ở ngoài kia mắm muối nêm mặn nhạt
Có sao không ? mẹ sợ con đói lòng.
Mai con về với mẹ có được không ?
Nhớ nhà quá chẳng cần chi hè tết
Về với mẹ những lúc con mỏi mệt
Mẹ cũng nhớ con quay quắt thắt lòng.
Mai con về với mẹ có được không ?
Mẹ chở con lòng vòng đi quanh phố
Ghé mua cây kem như hồi còn nhỏ
Mẹ mắng yêu: Con gái thích long nhong.
Mai con về với mẹ có được không?
Nhà mình vắng một người buồn nhớ lắm
Không ba mẹ xung quanh toàn lạ lẫm
Con cô đơn, lạc lõng giữa đám đông.
Mai con về với mẹ có được không ?
Nhớ thương con một phần đời của mẹ
Mẹ mong ước con mãi hoài thơ bé
Được yên bình tựa khúc hát dòng sông.
Mai con về với mẹ có được không ?
Vẫn biết rằng thời gian đâu dừng được
Con đã lớn bay theo điều mơ ước
Nhưng trong lòng con bé bỏng mà thôi.
Cu Đủm - Bùi Đình Nhâm
27/09/2024
_____________________________
BA NHỚ CON
Cuối tuần rồi con có nhớ ba không ?
Sao ba lại nhớ con nhiều đến vậy
Thương con gái xa nhà nơi phương ấy
Xa mẹ ba lên thành phố học hành.
Tháng mười rồi mà Kon Tum nắng hanh
Vần thơ ba luôn chòng chành nỗi nhớ
Khi ra đường thấy áo “Trường Chuyên” trên phố
Nhớ về con, ba lại nhớ thật nhiều.
Nhớ quá chừng hồi nhỏ thật đáng yêu
Bập bẹ nói, đến khi bập bẹ hát
Chở ra quảng trường con chơi hóng mát
Hạnh phúc sao lần đầu đọc i, tờ…
Ráng làm sao để con không phải chờ
Đến cổng trường để đón cho sớm nhất
Con dang tay sà vào ba thích thật
Nhớ vòng xe đưa đón những sớm trưa.
Ba ước mong được trở lại ngày xưa
Ngồi sau xe con kể bao nhiêu chuyện
Ghé mua cho con vài ba quyển truyện
Nhớ làm sao tiếng con đọc trong ngần.
Ba nhớ lắm đêm khuya những bước chân
Ánh đèn phòng con lúc nào cũng sáng
Những áp lực nào: Hóa, Văn, Lý, Toán…
Thương rất nhiều mà chẳng biết làm sao.
Nhớ nhà mình tính văn nghệ rất cao
Ba hát - con đàn dở hay chi cũng được
Mà giờ đây đi làm về chỉ ước
Cất tiếng gọi to: “Con gái ba ơi !”…
Kon Tum mùa này hoa nắng nghiêng rơi.
Để lòng ba rối bời bao nỗi nhớ
Từng ngọn gió ghé vào tai nói nhỏ:
Con gái ơi, ba nhớ…nhớ thật nhiều… !
Cu Đủm – Bùi Đình Nhâm


Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2024

KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO – LOAN BÁO TIN MỪNG

 KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO – LOAN BÁO TIN MỪNG

Mc 10,46-52: Thưa Thầy,xin cho tôi được nhìn thấy
NGƯỜI MÙ GIERICO, NGƯỜI MÙ KHẮP THẾ GIỚI
1/ Gierico, một thành phố nổi tiếng vì thấp nhất thế giới, thấp hơn mặt biển 250m. Nó nằm gần Biển Chết. Gierico, tiếng Do Thái có nghĩa là thành phố “mặt trăng”, được dâng kính cho vị thần ban đêm
+Chúa Giesu đi từ Gierico lên Gierusalem và gặp anh mù
+Gierico nổi tiếng vì Đức Giesu làm phép lạ chữa anh Time khỏi mù. Ngài tháo cởi cõi tối tăm cho một người mù đáng thương.
+Đức Giesu đem lại ánh sáng đời thường và ánh sáng nội tâm cho anh mù
+Đức Giesu cũng đem lại ánh sáng cho cuộc đời tối tăm của chúng ta nữa
+Anh mù được sáng mắt sáng lòng và lập tức anh LOAN BÁO TIN MỪNG
+Còn chúng ta thì sao? Sáng đôi mắt nhưng lại KHÔNG loan báo Tin mừng!
2/ Đối với thánh Marco, việc chữa lành anh mù ăn xin ở Gierico mang một ý nghĩa sâu thẳm, chứ không chỉ là một hành động phi thường của Chúa Giesu mà thôi.
1.Con người này vừa MÙ vừa NGỒI bên vệ đường,tức là “trì trệ”, tượng trưng cho một nhân loại bị ĐUI CHỘT, sống trong TỐI TĂM không nhận ra Chúa Giesu, Đấng Cứu Thế
2.Tiếng anh mù KÊU, cũng là tiếng con người kêu cầu ơn cứu vớt… và khi mắt sáng thì bước theo Chúa Giesu
3. Đối với chúng ta: Tin là gặp gỡ Chúa. Chúa đi ngang qua, ta van xin, và Chúa gọi ta.
Tin là đi đến với Chúa, bất chấp trở ngại, bất chấp kẻ khác ngăn cản,đe dọa. Tin vào Chúa Giesu là bước theo Chúa tiến về Gierusalem, chết như vị ngôn sứ
3/ Tiến trình đức tin của anh mù và của ta:
+Anh mù NGHE nói về Đức Kito, DÒ HỎI, TRA CỨU, VAN XIN, có người quát nạt, cũng có người tốt bụng động viên giúp đỡ anh,Chúa GỌI, anh TRỖI DẬY, LIỆNG áo choàng, anh ĐẾN với Chúa, anh SÁNG MẮT, anh THEO Chúa lên Gierusalem
+Chúng ta, cách này cách khác,chúng ta cũng MÙ, vì tội lỗi,vì cứng lòng,vì bị đe dọa,vì áp lực xã hội,áp lực kinh tế, vì sợ
+Biến cố Chúa đi ngang qua cuộc đời ta nhưng có kẻ gặp được Chúa,có kẻ không. Có người mắt sáng lại mù, có người mù lại được sáng.
+Có những tư tế ,linh mục cũng “mù”, cần phải “dâng lễ đền tội cho dân và cho chính mình…vì chính mình cũng yếu đuối” (Dt 5,1-6)
+Đức Giesu là Thượng Tế từ muôn thuở làm cho “kẻ đui,người què,được an ủi và được dẫn đưa về” ( Gr 31,7-9)
+Anh mù Time kêu to: Lạy ông Giesu con vua Đavit XIN THƯƠNG XÓT tôi.
+Còn chúng ta,chúng ta lạy ai, kêu cứu ai? Lạy tiền tài danh vọng,đam mê?Lạy thế gian? Nếu vậy chúng ta sẽ tiếp tục mù, dù đôi mắt sáng: “Còn hai đôi mắt KHÓC người một con…còn hai đôi mắt một con khóc mình” (TCS)
4/ Trình thuật của thánh Marco đạt tới sự hoàn hảo khi Ngài đưa ra câu chữ, hình ảnh đầy ý nghĩa:
+Anh mù NGỒI vệ đường (ngồi là tư thế trì trệ -nặng nề),mù lòa,ăn xin.
+Anh Time, VỨT áo choàng (tức là từ bỏ nếp sống cũ đang choàng cuộc đời),ĐỨNG PHẮT dậy,được SÁNG mắt SÁNG lòng, ĐI trên đường Chúa đi, SỐNG kiếp ngôn sứ LOAN BÁO TIN MỪNG.
+Vâng, sau khi gặp được Thầy Giesu, anh Time được khỏi mù, anh được “giác ngộ”về đức tin, anh trở nên môn đệ đích thực của Thầy Giesu, anh hành động, anh cởi áo choàng, đứng dậy, theo Chúa,loan báo Tin Mừng.
+Chúa cũng mời gọi chúng ta như thế: MỞ TO ĐÔI MẮT TÂM HỒN đón nhận Thầy Giesu bằng cách: vứt bỏ áo choàng, nghĩa là vứt bỏ những thứ gì vướng bận,ràng buộc ngăn trở ta đến với Chúa, đến với anh chị em của mình, mở mắt mở lòng và đi trên đường Chúa đi, không theo con đường thế gian đi. Đi đâu? Đi lên Gierusalem, nghĩa là đi trong đau khổ đời thường, trong bổn phận mà LOAN BÁO TIN MỪNG , dù có khó khăn thậm chí bị đe dọa, bị giết chết. Gierusalem là điểm đến của mọi Kito hữu, và Thầy Giesu đang đợi ta ở đó.
+Nhiều người “quát nạt” anh mù, anh càng la to. Ta cũng hãy bắt chước anh mù mà la to đức tin của ta, không sợ hãi,không ngại ngùng, không che dấu “đợi ngày thong dong”. la to đức tin là LOAN BÁO TIN MỪNG
+Cũng có người động viên anh mù. Ta cũng bắt chước động viên nhau,giúp nhau đến với Chúa. Động viên nhau việc đời việc đạo là LOAN BÁO TIN MỪNG.
5/ Câu chuyện: Có anh mù ở giáo xứ An Lạc-Chí Hòa Saigon. Ngày nào anh cũng đi ăn xin, vai mang một máy hát. Anh hát trong micro trên đường khất thực bài của ns Oanh Sông Lam: “Biết lấy gì cảm mến,biết lấy chi báo đền,hồng ân Chúa cao vời,Chúa đã làm cho con”. Mù cả đời như anh mà anh vẫn cảm tạ Chúa như vậy được sao? Phàn nàn Chúa mới đúng anh mù ơi. À thì ra Chúa đã mở mắt tâm hồn anh để anh có thể cảm tạ Chúa trong hoàn cảnh đau thương của anh. Cảm ơn anh mù An Lạc. Anh đang LOAN BÁO TIN MỪNG. Amen.
tqt30.


Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2024

CN 28 TN B

 CN 28 TN B

Kn 7,7-11: Đức Khôn Ngoan(TC),tôi coi trọng hơn Vương Trượng. Tôi coi của cải chẳng là gì so với Đức Khôn Ngoan. Tôi coi trọng Đức Khôn Ngoan hơn sức khỏe,sắc đẹp. Vàng bạc cả thế giới so với Đức Khôn Ngoan thì chỉ là cát bụi,bùn đất
Dt 4,12-13: Lời Chúa sống động,hữu hiệu,bén hơn gươm hai lưỡi phê phán tư tưởng lòng người
Mc 10,17-27: Thưa Thầy nhân lành,tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?
Hãy bán những gì anh có mà cho người nghèo,rồi hãy đến theo tôiNghe lời đó,anh ta sa sầm nét mặt,buồn rầu,bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải Những người giàu của khó vào Nước Trời biết bao…lạc đà chui lỗ kim dễ hơn...Chúng con theo Thầy được gì? Được gấp trăm cùng sự ngược đãi
1/ TIỀN THẮNG TÌNH!
+ “Bỏ thì thương,vương thì tội” Tiền là thế đấy,tình là thế đấy!
+ Gà mái chọi nhau chỉ vì chút “tiền ảo”: Ngày 12.10.2018, kết thúc trận bóng giữa Than Quảng Ninh và đội Tp HCM, kết quả 0-2 , dứt tiếng còi, hai đội bóng nữ lao vào hỗn chiến,ăn thua đủ với nhau,đánh nhau hơn cả con trai nữa. Vì đâu nên nỗi? Vinh hoa? Tiền thưởng?
+Phương diện tâm linh cũng thế: người ta bán Chúa,bán nhau…rất “bèo”
2/ Trên thế giới
+Có một sự giàu sang,và tiền bạc gieo cái chết khắp nơi:Người ta buôn ma túy,buôn súng đạn,buôn người,buôn phụ nữ trẻ em
+Nhưng cũng có thứ giàu sang,và tiền bạc được chia sẻ… đem đến sự sống khắp nơi.Dịp cứu trợ giúp nạn nhân bão lụt vừa rồi là bằng chứng
3/Hôm nay Chúa nói nghe mà sợ: “Người giàu khó vào Nước Trời…khó hơn lạc đà chui lỗ kim”.
+Thật ra không phải cứ giàu là xuống hỏa ngục và không phải cứ nghèo là lên Thiên Đàng.
+Vấn đề là ta sử dụng của cải Chúa ban như thế nào. Vậy ta hãy xin cho ta được Đức Khôn Ngoan, tức là chính Thiên Chúa để ta ham Chúa hơn là ham của cải,vàng bạc,sức khỏe,sắc đẹp…
+Sách Khôn Ngôn nói: Vàng cả thế giới so với chính Thiên Chúa thì chỉ là cát bụi,bùn đất.
+Đúng vậy: Nhắm mắt xuôi tay là “rồi đời”, “xong phim”,”thu góp cọp ăn”
3/ Trước mặt Chúa, giàu hay nghèo không thể đo lường bằng tài sản có nhiều có ít. Người ta có thể giàu dù chỉ có một kim khâu áo, thánh Terexa nhỏ nói thế, là vì kẻ ấy không cho ai bất cứ gì cả.
+Có câu chuyện vui của người Ăng Lê : Có anh nhà giàu mà keo kiệt đuối nước. Có người cứu la lớn: “GIVE me your hand – cho tôi tay của anh”. Nghe nói đến chữ CHO,anh dị ứng,anh nói : NO! Người kia nhanh trí nói lại: “TAKE my hand – Nắm tay tôi đi”. OK. Chết đến nơi rồi mà con “hám của”!
4/ Người nào xem gia tài của mình, vàng bạc của mình như là những ơn lành Chúa ban, kẻ đó sẽ biết ơn Chúa bằng cách sẻ chia, giúp đỡ kẻ khác
+Cho kẻ khác điều gì đó là cách BIẾT ƠN CHÚA
+Ơn Chúa không thể đi vào một tâm hồn bề bộn,luôn nghĩ đến dola, tiền polime…mà không nghĩ đến chia sẻ phần nào cho người nghèo. Tâm hồn họ bị xâu xé bởi của cải
5/ Chúa nói với anh thanh niên trong Tin Mừng:
+Về đi,bán hết đi,rồi cho kẻ nghèo,rồi theo Chúa. Cho kẻ nghèo chứ không phải cho Chúa,cũng không phải cúng cho nhà dòng, cúng cho nhà thờ!
+Bán hết đi rồi theo Chúa. Theo Chúa ở đây không có nghĩa là đi tu đâu, nhưng là SỐNG NHƯ LỜI CHÚA DẠY, SỐNG CHIA SẺ.
+Bán hết rồi theo Chúa liệu có điên không? Quá điên…theo tính toán kiểu người đời. Người đời bảo: “Đồng tiền ngửi thì tanh mà ngậm thì ngọt”.
+Bán hết ở đây cần được hiểu cả nghĩa đen và nghĩa bóng đó là:
-Là tự giải phóng mình khỏi nô lệ của cải,rảnh tay mọi vướng bận để có được sự tự do đi theo con đường Chúa đi
-Là toàn tâm toàn ý dành cho người nghèo,trong đó có mình,có gia đình mình: Mọi người đang nghèo tình thương,đói khát tình yêu
-Bán hết để nghe theo lời Chúa dạy,theo sự khôn ngoan của Chúa
-MẤT HẾT NHƯNG ĐƯỢC GẤP BỘI, GẤP TRĂM…được chính Chúa làm gia nghiệp. Liều mọi sự để được mọi sự
6/ Người thanh niên trong Tin Mừng mới đầu rất phấn khởi,vui sướng bày tỏ ước muốn: “Lạy Thầy nhân lành…làm cách nào để nên trọn lành?” Chúa bảo “hãy bán hết!”. Chúa đụng đến khúc ruột của anh: “đồng tiền liền khúc ruột”. Chúa bảo cắt đi và chia sẻ cho người khác. Anh xụ mặt xuống,bỏ đi. Tội nghiệp!Ước muốn thánh thiện ban đầu phấn khởi bao nhiêu thì giờ đây tắt lịm !Phúc Âm nói: “vì anh ấy có nhiều của!”.Cần có tiền để sống và để giữ đạo nữa: “có thực mới vực được đạo”,nhưng sự ham mê tiền bạc làm lòng người đen bạc,khó vào Nước Thiên Chúa.
TIỀN ĐÃ THẮNG TÌNH !
KẾT: Xin cho Lời Chúa hữu hiệu,sắc bén giúp ta sống theo Lời Chúa dạy,biết sống yêu thương,sẻ chia
Có câu nói của người Đan Mạch rất hay: “Ở đâu vàng bạc chiếm tâm hồn thì yêu thương bị tống ra khỏi cửa”.
tqt30


Thứ Năm, 10 tháng 10, 2024

CÓ THẰNG CUỘI GIÀ ÔM MỘT MỐI MƠ…

 CÓ THẰNG CUỘI GIÀ ÔM MỘT MỐI MƠ…

Chỉ cần 3 Huyền sử ca “ Hòn vọng phu “ là nhạc sĩ Lê Thương đủ trở thành bất hủ nhưng cụ chưa chịu dừng sự bất hủ ở đấy. “ thằng Cuội “ ra đời , Lê Thương kể một câu chuyện cổ tích bằng âm nhạc pha thêm chút hài hước của tuổi thơ trong trẻo “ các em thích cười muốn lên cung trăng …cứ hỏi ông trời…cho mượn cái thang …” thằng Cuội ấy đi qua bao nhiêu thế hệ , những đứa trẻ từng nghe hát câu chuyện ấy thay nhau trở thành ông già bà lão, còn vầng trăng tuổi thơ vẫn mãi vằng vặc
Phạm Duy không chịu ngồi yên , ông là nhạc sĩ có máu “ cạnh tranh “ vào bậc hàng đầu của âm nhạc Việt Nam . Văn Cao có “ Thiên Thai “ thì Phạm Duy có “ Tiếng sáo Thiên Thai “ , Văn Cao có ‘ Trương Chi ‘ thì Phạm Duy có ‘ Khối tình Trương Chi “ . Lê Thương có “ Thằng Cuội “ thì Phạm Duy có “ Chú Cuội “ mà cô Hằng trong ca khúc không ai khác chính là Thái Hằng người vợ của ông. Nhiều năm sau nữa Phạm Duy dấn thêm một bước đi vào đề tài bất hủ Đồng dao tuổi thơ “ Ông Trăng xuống chơi “
ông Trăng xuống chơi cây cau thì cau sẽ cho mo
ông Trăng xuống chơi học trò thì học trò cho bút
ông Trăng xuống chơi ông Bụt thì ông Bụt cho chùa
ông Trăng xuống chơi nhà vua thì nhà vua cho lính...
ông Trăng xuống chơi cây bưởi thì cây bưởi cho hoa
ông Trăng xuống chơi vườn cà thì vườn cà cho trái...
cụ Phạm tinh quái lẫn tinh tế lắm . Bài " ông trăng xuống chơi ... " toàn bộ là từ " xuống chơi " nhưng tới câu " gái đẹp " thì PD đổi " ông trăng xuống CÔ GÁI ĐẸP . Và ông trăng xuống ANH ĐÀN ÔNG ..."
Duy 2 câu ấy cụ đổi động từ " chơi " thật hay , giữ nguyên vẹn tính chất ngây ngô , hồn nhiên của Đồng dao
ai có gì Phạm Duy có nấy không hề thua kém. Cuộc cạnh tranh công khai nhưng lành mạnh ấy mang lại cho âm nhạc những ca khúc trứ danh mà người thưởng thức âm nhạc VN được thừa hưởng .
2006 – nhân chuyến đi cùng ông lên Lạng Sơn thực hiện bộ phim tài liệu về con đường âm nhạc của Phạm Duy .buổi chiều nghỉ chân trên đèo Sài Hồ trò chuyện cùng ông bên bờ cỏ ven đường , hoa xuyến chi lấm tấm , cùng nhìn xuống thung lũng sâu nơi có con suối và bóng dáng những cô người Mường , Tày ...áo chàm vác mai từ nương rẫy ra suối rửa cuốc thuổng , chân tay . sườn núi thấp thoáng những mái nhà sàn nhả khói lam chiều . ca khúc “ Nương chiều " của Phạm Duy lại hiện ra mồn một
" chiều ơi ! lúc chiều về là lúc yên vui
trâu bò về giục mõ xa xôi...ới chiều !
Chiều ơi ! mái nhà sàn thở khói âm u
Cô nàng về để suối tương tư…ới chiều !..."
Một nét cười nhếch tinh quái rất nhanh thoáng qua khóe miệng của cụ Phạm
“ anh có biết cô nàng về để suối tương tư…nghĩa là gì không ?
“ thưa không ! “ Phạm Duy nhích gần thêm chút nói vừa đủ nghe “ anh nhìn xem , các cô Tày kéo váy tới đùi lội xuống suối rửa chân chỉ có con suối, duy nhất con suối nhìn ngược lên nó thấy cái ta không thể thấy..
Phạm Duy quả nhiên danh bất hư truyền , câu chuyện có vẻ dung tục nhưng ca từ ấy lại là một lời hát thượng thừa .
sẵn trớn Phạm Duy háy mắt , " anh có biết vì sao trên cung trăng lại có con Ngọc Thố ? " vẫn nét cười tinh quái “ khi chú Cuội chưa lên , chị Hằng ở một mình, lỡ trồng cà rốt trên cung trăng , để tránh dị nghị chị ấy nuôi một con Thỏ , tại sao cung trăng lại có một con Thỏ hiểu chưa ! “. Tôi cười sặc xin vái cụ ba vái !
Lê Thương , Phạm Duy giờ đã " xin mượn cái thang..." của ông Trời đi cả rồi …
Chỉ còn chú cuội , chị Hằng hàng năm vẫn nương vầng trăng sáng kể một câu chuyện Trung Thu.
Thế hệ khác sẽ kể lại câu chuyện này bằng hình ảnh, cảm thức khác…
Thằng nhóc ngày nào…
… giờ cũng thành ông lão lụ khụ ngồi gõ những dòng này
và hát nhỏ “ bóng trăng trắng ngà có cây đa to…có thằng Cuội già …ôm một mối mơ…”
Nguồn bài viết : Quí Nguyễn.


Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2024

Chiều chiều ra đứng ngõ sau...

 Chiều chiều ra đứng ngõ sau...

Người Việt có câu ca dao thể hiện sự nhớ thương cha mẹ khá hay và sâu sắc:
"Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều"
Hoặc:
"Vẳng nghe tiếng vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau"
Câu ca dao chứa chan niềm thương nỗi nhớ của cô gái vì đi lấy chồng mà phải xa nhà, xa cha mẹ. Để rồi mỗi buổi chiều ra ngõ sau lặng lẽ lau nước mắt, trông xa xăm về hướng quê mình mà lòng quặn thắt từng cơn.
Ngày xưa, nông thôn Việt Nam sống khép kín theo kiểu làng xã. Mỗi làng, mỗi xã là một thế giới riêng biệt. Có người suốt đời không bước chân ra khỏi lũy tre làng. Bởi vậy cho nên con gái lấy chồng làng khác có nghĩa là chấp nhận nỗi biệt ly dằng dặc, khó biết ngày trở lại.
Lúc trẻ dại chưa biết nghĩ đến tình cảm với cha mẹ, bây giờ lấy chồng xa mới thấy thương cha mẹ vô cùng. Bao nhiêu năm cha mẹ nuôi khôn lớn nên người mà chưa trả hiếu được gì, hôm nay lại là con gái của người ta…
Người phụ nữ ngày xưa không được phép quyết định cuộc đời của mình. Mà mọi chuyện phải nghe theo sắp xếp của cha mẹ, ngay cả việc mưu cầu hạnh phúc cho chính bản thân. Người có hiếu là tốt, nhưng đôi khi chữ "hiếu" lại được đánh đổi bằng một chữ "tình", thế nên khi nghĩ đến cũng buồn làm sao.
Có câu ca dao nghe mà nao lòng:
"Má ơi, đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu..."
Thời nào thì người ta vẫn thường chú trọng đến chữ "hiếu" của con cháu đối với cha mẹ, ông bà... Nhưng có lẽ ngày xưa ảnh hưởng tư tưởng của Lễ giáo phong kiến nên người ta thường đặt nặng chữ "hiếu" và ai bị mang tiếng "bất hiếu" thì có lẽ người đời nhìn bằng ... nửa con mắt!
Cái hay của câu ca dao là ở khả năng gợi cảm rất lớn, rất sâu của nó. Không gian của buổi chiều cộng hưởng với tâm hồn đang dâng đầy nỗi nhớ của cô gái lấy chồng xa khiến cho ta thấm thía và cảm động. Cách nói cường điệu "ruột đau chín chiều" có tác dụng nhấn mạnh và khắc sâu tâm trạng nhớ thương cha mẹ của cô gái này nhưng đành bất lực vì cách trở đường xa khó về...
Trong bài ca dao này có cụm từ “ruột đau chín chiều" hoặc " chín chiều ruột đau" - Vậy "chín chiều" có ý nghĩa gì và đó là những "chiều" nào?
Thực ra người Việt xưa khi nói đến "chín chiều" là ngầm ý nhớ đến công lao ơn nghĩa cha mẹ đã sinh ra và nuôi ta khôn lớn. Người xưa thường dùng “cửu tự cù lao - chín chữ cù lao” là chín điều khó nhọc khi làm cha mẹ sinh dưỡng con cái. Chín chữ đó là:
1. Sinh (sanh đẻ)
2. Cúc (nâng đỡ)
3. Phủ (vuốt ve, trìu mến)
4. Súc (cho bú mớm)
5. Trưởng (nuôi nấng khôn lớn)
6. Dục (dạy dỗ)
7. Cố (trông nom)
8. Phục (xem tính nết mà uốn nắn)
9. Phúc (bảo vệ)
Vì vậy mới có câu: Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều. Bài ca dao là tình cảm mẹ con, tình cảm gia đình sâu sắc trong tâm hồn mỗi chúng ta.
Tình thương nỗi nhớ gắn liền với tấm lòng biết ơn sâu nặng của những người con với tình cảm mẹ con, gia đình...
Ngày xưa là thế, khi người con gái sang sông đi lấy chồng làm dâu nhà người ta thì dặm đường cách trở, có nhớ thương cha mẹ và mái nhà thời thơ ấu thì cũng chỉ biết ra sau nhà chồng mà ngóng trông về quê mẹ...
Còn ngày nay thì có lẽ chẳng còn mấy người con còn nhớ đến câu ca dao trên... Có muốn nhắn gửi hỏi thăm gì thì chỉ cần chiếc smartphone, vuốt lướt màn hình trong nháy mắt là thấy mặt cha mẹ mình thôi mà... Tuy nhiên vẫn có những người con thật sự hiếu thảo với cha mẹ già, có những sự chăm sóc cha mẹ đúng nghĩa tinh thần chữ "hiếu" của ngày xưa...
Chữ "hiếu" ngày nay có lẽ khác nhiều với chữ "hiếu" ngày xưa... Và nói không ngoa thì trong thời đại với sự "vật chất hóa" trong mọi lĩnh vực thì chữ "hiếu" chắc cũng không ngoại lệ...
Hoài Nguyễn - 04/10/2024