Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2024

CHUYẾN VIẾNG THĂM CỦA HOÀNG ĐẾ BẢO ĐẠI TỚI KONTUM

 CHUYẾN VIẾNG THĂM CỦA HOÀNG ĐẾ BẢO ĐẠI TỚI KONTUM

(Visite de l’Empereur d’Annam à Kontum)
------------------
Vào khoảng giữa tháng Giêng năm 1933, Kontum được chính thức thông báo rằng thị xã sắp đón chuyến viếng thăm của Hoàng đế Bảo Đại, đó là một niềm vui lớn và cũng là… một tin chấn động lớn. Người dân, theo chỉ dẫn của chính quyền địa phương, háo hức bắt đầu tô điểm cho thành phố một cách tốt nhất có thể.
Đoàn rước hoàng đế, trong trường hợp này là hàng chục chiếc xe sang trọng, rời Qui Nhơn vào rạng sáng thứ Tư ngày 15 tháng 2, đến Pleiku, thủ phủ của tỉnh mới vừa được thành lập trên cao nguyên Jơrai vào khoảng 11 giờ trưa. Tại đây, trong buổi chiêu đãi chính thức, Hoàng đế đã trao tặng Cha Corompt (cố Hiển) huy chương Nam Việt Long Bội Tinh (L’Ordre du Dragon d’Annam) và trao tặng Cha Phan huân chương Kim Tiền (L’Ordre du Kimtien), cả hai đều là những người tiên phong truyền giáo và mở rộng miền trung Việt Nam ở những vùng xa xôi này.
Sáng hôm sau đến lượt Kontum. Một ngai vàng được dựng lên trong hội trường danh dự của tỉnh. Hoàng đế vào vị trí ở đó, bên phải là các quan chức cao cấp trong triều đình, bên trái là các quan chức Pháp và các thành viên của Hội truyền giáo Kontum. Sau đó các nghi lễ chào mừng diễn ra, với nghi thức nghiêm ngặt theo lối xưa. Nghi lễ kết thúc, Hoàng đế bước xuống khỏi ngai vàng và lui vào một lúc để cởi bỏ những đồ trang sức của hoàng gia: áo dài và khăn xếp bằng lụa màu vàng được trang trí bằng vàng và đá quý; ngai vàng được dỡ bỏ và thay thế bằng ghế ngồi. Bệ hạ trở lại trong bộ trang phục đơn giản hơn và sau đó đón nhận lời chào mừng từ những người tham dự. Ông đáp lại bằng lời ân cần cảm ơn, bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với những gì đã được thực hiện ở vùng đất này và đảm bảo rằng triều đình sẽ luôn luôn đồng ý với quan điểm của Chính phủ bảo hộ trong mọi việc liên quan đến phúc lợi của người dân.
Sau phần trình bày chính thức, đích thân vua đã ban thưởng một số huân chương, trong đó có huân chương Đệ nhất Kim khánh cho Đức Cha Jannin, Đại diện Tông tòa Kontum.
Buổi lễ này kết thúc, vua Bảo Đại muốn dành cho Giáo phận truyền giáo Kontum niềm vinh dự lớn lao bằng một chuyến viếng thăm long trọng. Vào lúc 10 giờ sáng, hàng dài ô tô từ đoàn rước hoàng gia đã đến Trường Yao phu Cuénot. Ở mỗi bên của con đường chính, một bộ phận lớn dân cư đã tập trung; một số dàn cồng chiêng của người Thượng tấu lên những giai điệu vui tươi nhất của họ.
Đức Cha Jannin và các Cha của Địa phận Kontum tiếp đón những vị khách quý tại cổng chào, nơi người ta có thể đọc được những chữ lớn: “Bệ hạ vạn tuế”, trong khi một ban hát gồm hơn một trăm ca viên người sắc tộc biểu diễn một màn chào đón đầy trân trọng.
Buổi chiêu đãi long trọng diễn ra trong phòng học của Trường được trang hoàng lộng lẫy. Một ngai vàng được đặt trên bệ; Hoàng đế ngự ở đó, các quan chức cấp cao xếp hàng bên trái và bên phải của ông, học sinh và những đại biểu người Thượng tập trung trước mặt ông. Sau khi các học viên trình diễn xuất sắc một bài hát tiếng Bahnar cùng với chiêng trống, được sáng tác cho dịp này, Đức Cha Jannin đứng dậy và trình bày với Hoàng đế bài diễn văn sau đây.
“Thưa ngài,
Hôm nay Bệ hạ đã vinh danh chúng tôi bằng chuyến viếng thăm đánh dấu một ngày đáng nhớ trong lịch sử Địa phận Kontum của chúng tôi. Xin Bệ hạ cho phép tôi, nhân danh các đồng nghiệp người Pháp, Việt và Bahnar, nhân danh hai mươi ngàn giáo dân, nhân danh các học viên người sắc tộc, rất tự hào về sự hiện diện của phái đoàn triều đình giữa họ; và nhân danh cá nhân, tôi xin gửi đến ngài lòng biết ơn và tình cảm tôn trọng sâu sắc mà tất cả chúng tôi dành cho vị hoàng đế uy nghiêm.
Tôi đã nói rằng chuyến thăm của ngài sẽ đánh dấu một ngày khó quên đối với chúng tôi. Quả thực, trong hơn 80 năm tồn tại của mình, chưa bao giờ Miền truyền giáo Kontum được vinh dự và ưu ái như vậy. Và chúng tôi càng cảm động hơn vì chúng tôi biết rằng Bệ hạ, với tinh thần công bằng và nhân từ cao cả, mong muốn ghi nhận những đóng góp cho sự nghiệp chung của những người đi trước, những người phải trả giá bằng bao nhiêu thiếu thốn và đau khổ, ở những vùng đất gần như không thể kham nổi này, và đã là những người tiên phong không chỉ về loan báo Phúc âm mà còn về việc mở rộng miền đất Trung kỳ nữa.
Thực ra, thưa ngài, nếu chúng ta quay lại những năm giữa thế kỷ trước, trong không gian bao la kéo dài từ dãy Trường Sơn đến bờ sông Mê Kông, chúng ta sẽ tìm kiếm một cách vô ích, tôi không nói là một ngôi làng, nhưng ngay cả một túp lều nhỏ của người An Nam cũng không thể tìm thấy ở đó.
Năm 1851, những cộng sự đầu tiên của chúng tôi, các Cha can dảm Combes, Fontaine, Dourisboure và Degoûts, những người mà người Thượng gọi là “người An Nam da trắng”, đã thành công trong việc đặt chân vào những vùng này. Trong cuốn sách mà tôi cho phép mình dâng lên Bệ hạ, ngài sẽ thấy họ đã phải vượt qua những khó khăn gì để đến được đó.
Vì vậy, con đường đã rộng mở cho người Kinh, một con đường lúc đầu rất bấp bênh, nhưng ngày càng trở nên thuận lợi hơn cho sự bành trướng của họ. Dưới ảnh hưởng của Hội truyền giáo, các thôn, làng dần dần được hình thành. Đây là lý do tại sao, vào khoảng năm 1874, Cha Hugon đã thành lập, dọc theo sông Bla, ngôi làng người Kinh đầu tiên trong toàn vùng: ngôi làng sau này trở thành xã Tân Hương. Sau Cha Hugon, cha Vialleton là người thành lập làng Phương Nghĩa; cha Poyet lập làng Phương Hòa. Tóm lại, toàn bộ nhóm làng xinh đẹp tạo thành như một vương miện bao quanh thị xã Kontum.
Trong thời gian gần đây, Địa phận tiếp tục thành lập những vùng đất mới của người Kinh, trở nên những trung tâm văn minh cho những người sắc tộc và cho chúng tôi, những nhà truyền giáo, những trung tâm nâng cao đạo đức cho con người, đó là mục tiêu lớn lao của chúng tôi ở xứ chưa văn minh này.
Không quá lời khi nói rằng Miền Truyền giáo Thượng luôn đi đầu trong mọi hoạt động hỗ trợ về tinh thần, thậm chí cả vật chất, có lợi cho người Kinh. Thậm chí không đề cập đến những lợi ích cao hơn mà đạo Công giáo mang lại cho những người có may mắn thực hành nó, cho phép tôi nhắc nhở ngài, thưa ngài, về những nỗ lực lâu dài và tốn kém mà Miền truyền giáo đã thực hiện để giải thoát hàng trăm người khỏi chế độ nô lệ khắc nghiệt, những người Kinh bị bắt cóc làm nô lệ dọc theo khắp biên giới các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Và khi, khoảng hai mươi năm trước, Chính quyền Pháp đã được thành lập vững chắc ở nước này, Miền truyền giáo đã hỗ trợ tinh thần và hợp tác hiệu quả để xóa bỏ hoàn toàn chế độ nô lệ ở những khu vực này.
Tâu bệ hạ, đây là bản tóm tắt ngắn gọn về những gì các bậc tiền bối anh hùng của chúng ta đã làm vì lợi ích của đất nước này, điều mà chúng ta vui mừng được thấy ngày càng mở ra sự văn minh. Đây là điều mà Bệ hạ muốn ghi nhận một cách tuyệt vời qua chuyến thăm long trọng của ngài và bằng việc trao huân chương cho người đứng đầu hiện tại của Địa phận này. Nếu những người đi trước dũng cảm của chúng ta có thể xuất hiện ngay lập tức từ ngôi mộ gần đó của họ, họ sẽ bày tỏ lòng biết ơn tới Bệ hạ với sự nhiệt tình biết bao!
Xin Bệ Hạ cho phép tôi, để kết thúc, khẳng định trước ngài rằng tất cả thần dân của ngài ở những vùng đất này, để chứng tỏ lòng trung thành, sự tôn trọng và lòng biết ơn của họ, sẽ tiếp tục cầu xin Vị Vua vĩ đại của trời đất ban cho ngài những gì chính ngài đã nói rằng ngài mong muốn, và điều mà tất cả chúng tôi đều mong muốn một cách tha thiết, đó là triều đại của Chúa được trị đến bằng dấu hiệu của trật tự, hòa bình và thịnh vượng!”.
Hoàng đế chăm chú lắng nghe bài phát biểu này. Khi kết thúc, ông đứng dậy, bước xuống khỏi bục và đến cảm ơn Đức Cha bằng cách bắt tay ngài với vẻ xúc động chân thành. Đúng lúc này, một cậu học sinh người Thượng nhỏ bé đứng lên trước ngai vàng và quỳ xuống dâng lên Bệ hạ một chiếc khay đẹp đẽ, trên đó đặt cuốn sách nổi tiếng của Cha Dourisboure: “Les Sauvages Bahnars” (Dân Làng Hồ), được đóng bìa rất đẹp, bọc lụa màu vàng hoàng gia, và dòng chữ khắc bằng bạc. Một bản sao của tác phẩm tương tự cũng đã được trao tặng cho quan Tể tướng và vị Khâm sứ.
Một màn ròn chiêng sôi động tuyệt vời đã kết thúc buổi lễ.
Rời trường Cuénot, đoàn rước nhà vua đi ngang qua hang đá Đức Mẹ Lộ Đức Phương Nghĩa do Cha Louison mới xây dựng gần đây, và sau đó đi tham quan thành phố.
Ngày hôm sau, Hoàng đế đi vãn cảnh thác Ya Li nổi tiếng, cách Kontum 40 km, nơi nước đổ xuống từ độ cao 42 mét. Vào buổi tối, một bữa tiệc lớn diễn ra và chính Bệ hạ đã đốt lửa trại xung quanh để những người Thượng thân yêu của chúng ta say mê thể hiện niềm vui náo động của họ.
Ngày hôm sau, hoàng đế và đoàn tùy tùng rời Kontum. Những ngày nghỉ lễ đã qua nhưng ký ức sẽ còn đọng lại rất lâu.
-------------------
Visite de l’Empereur d’Annam à Kontum,
Annales des MEP, 1933, tr. 159-163.
Lý Tân phỏng dịch
12.01.2024



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét