Người Khách Lạ Đêm Cuối Năm
Truyện ngắn
------------------------------------
Trời càng về khuya, quán café Vị Đắng càng thưa khách dần. Ngoài hiên một vài giọt mưa rơi bất chợt quyện trong làn gió bấc cái lạnh se cắt những ai mang tâm hồn cô lữ.
Bà chủ quán tầm ngoài bốn mươi, nhìn thoáng qua những người khách cuối cùng và chợt chú ý đến một người khách đơn độc, ngồi co ro có vẻ lạnh lùng trong một góc quán. Người khách cũng tầm tuổi bà chủ quán, ngồi lặng lẽ nhìn những giọt mưa rồi nhả những vòng khói thuốc đậm đặc lên khoảng không mờ ảo. Thi thoảng ông ta nhấm nháp vài giọt café đen sánh rồi lơ đễnh nhìn những người khách cuối cùng còn lại trong quán. Chiếc loa nhạc phát nhẹ nhàng bản “Ướt mi” càng làm cái không gian thêm lạnh lẽo “… Ngoài hiên mưa rơi rơi.. Lòng ai như chơi vơi…” - Bà chủ ơi! Có bản nhạc nào khác không thay đi. Nghe bản này buồn quá. Một người khách trẻ lên tiếng.
Bà chủ quán dường như hơi khó chịu. Bà nhỏ nhẹ đến gần người khách vừa lên tiếng yêu cầu thay bản nhạc, nhẹ nhàng nói.
- Anh thông cảm! Muốn thay nhạc thì cũng nên nghe cho hết bản nhạc chứ! Anh không thích mà người khác thích thì sao? Mà quán tôi chỉ có nhạc Trịnh không thôi hà! Anh có thấy người khách ngồi trong góc kia không? Ông ta có vẻ đang im lặng để nghe bản này đó! Nếu tôi thay theo yêu cầu của anh, thì ông ấy nghĩ thế nào…
- Thì thôi! Tùy bà chủ cho nghe gì thì tụi tui nghe nấy…
Bà chủ rời mấy “ông khách khó tính” này và đến bàn của người khách lớn tuổi.
- Dường như ông … đang có tâm sự gì buồn? Tôi thấy từ nãy giờ hình như ông uống đến phin thứ ba thì phải?
- Cũng gần như vậy! Người đàn ông trả lời. Tôi vừa mới từ Sài Gòn lên đây ba hôm, có ý tìm một người … quen cũ. Khổ một nỗi, lâu quá tôi quên mất địa chỉ, lại thời thế vật đổi sao dời nên tìm người ấy giống như … mò kim đáy bể . Ông ta nói và gượng cười buồn.
- Thế ông… anh ở Sài Gòn lên à? Ngày xưa. Khoảng hai mươi năm trước nhà tôi cũng ở Sài Gòn đó. Tôi lập gia đình và lên trên này cũng lâu rồi. Sài Gòn, với tôi là một … kỷ niệm buồn đau!
- Thế à? Người đàn ông ngạc nhiên. Nếu có thể bà chia sẻ … tâm sự buồn với tôi được không? Và có gì bất tiện cho bà khi tôi ngồi ở đây quá khuya không?
- Cũng không có gì bất tiện lắm đâu! Quán tôi thường đóng cửa hơi khuya. Tôi thì ở có một mình. Hai đứa con lớn đi làm và có gia đình riêng rồi. “Nhà tôi” mất cách đây hai năm vì tai nạn ô-tô… Vả lại tối nay Noel, chắc khách vẫn còn. Quán tôi chỉ có café và nhạc Trịnh thôi. Thành ra khách đa phần là những người … trạc như anh thôi.
Bà chủ cười cười. Nụ cười của một phụ nữ trung niên nhưng phảng phất của vẻ đẹp của một thời thiếu nữ. Bà đẹp, đẹp mặn mà của thiếu phụ về chiều, của những tinh túy còn sót lại của thời gian.
- Để tôi vào lấy cho anh cái áo lạnh. Năm nay trời Ban Mê này lạnh hơn mọi năm đó!
Rồi bà chủ quán vào nhà, lát sau trở ra khoác thêm chiếc áo len đen, tay đưa cho người đàn ông chiếc bluson đà sẩm.
- Chiếc áo này con gái tôi mua cho ba nó, chưa kịp mặc thì ổng mất … Anh khoác tạm kẻo lạnh.
Rồi bà chủ café Vị Đắng bắt đầu kể…
***
Ngày đó, tôi và anh ấy yêu nhau lắm nhưng do một sự ngộ nhận đáng tiếc và “ảnh” cũng quá nông nổi nên đã … bỏ tôi đi và đến giờ tôi cũng không biết anh ấy ở đâu, sống hay chết hoặc làm gì nữa…
Năm đó tôi mười tám và anh ấy hai mươi. Nhà tôi ở Phú Nhuận thuộc tầng lớp trung lưu, ba làm công chức còn mẹ tôi ở nhà nội trợ. Tôi lại là đứa con duy nhất trong nhà nên được ba má thương yêu lắm. Năm tôi chuẩn bị thi tú tài toàn phần, ba tôi đọc tin rao vặt trên báo, tìm được một anh chàng sinh viên bên “Khoa học” mang đến để “kèm” thêm cho tôi mấy môn Toán, Lý, Hóa. Ba má muốn tôi sau này làm bác sĩ mà tôi lại học yếu những môn này!
“Ảnh” quê miền Trung, nghe kể thì ở đâu Quảng Nam, Quảng Ngãi gì đó… Lúc bắt đầu dạy kèm tôi, thay vì nghe anh giảng bài, tôi chỉ bấm bụng ngồi cười khiến anh ấy bối rối và lúng túng một cách tội nghiệp...
- Tui… tui giảng … “bòi” có chỗ nào sai hỉ …? Rồi ảnh tự nhìn áo, nhìn quần rồi xoa xoa lên mặt cứ như là trên ấy có dính lọ nghẹ vậy…
- Hổng phải! Anh nói tiếng quê anh làm em mắc cười thôi!
- Ừ! À! - Anh đỏ mặt. Tiếng cha sanh mẹ đẻ nó như vậy đó. Từ từ tui rút kinh nghiệm. Tui mới ở Sài Gòn hai năm nên chưa quen với tiếng trong này….
Rồi buổi học đầu tiên anh kể về quê hương mình.
Đó là một miền quê yên bình bên dòng sông Trà mà những đêm hè, nghe anh kể tiếng bờ xe nước như một khúc nhạc giao hưởng vừa reo vui, vừa buồn man mác ...
Dần dần rồi tôi cũng quen và yêu cái tiếng của quê anh, một thứ tiếng mộc mạc và bình dị không cầu kỳ chải chuốt như những vùng khác.
Rồi tôi và anh ấy yêu nhau lúc nào cũng không biết nữa! Đó là mối tình đầu của tôi, của thời con gái và hình như anh ấy cũng vậy.
Nhà tôi có một gian bỏ trống nên ba tôi đề nghị anh ấy về ở cho tiện việc dạy kèm cho tôi, đồng thời cũng giảm bớt chi phí thuê phòng trọ của ảnh. Lúc đầu ảnh từ chối. Nhưng sau có tôi nói thêm nên anh ấy từ giã mấy người bạn cùng quê trọ học khu Võ Tánh về ở bên này. Ngày thường anh ấy và tôi cùng đến trường, ăn tối xong mới bắt đầu học. Ngày nào cũng vậy, từ bảy giờ đến chín giờ tối, chúng tôi kẻ dạy người học, chỉ trừ ngày chủ nhật.
Sự học của tôi có tiến bộ, ba má tôi mừng lắm, thi thoảng có tăng thù lao cho ảnh thêm ít tiền, năm đó nhân sinh nhật của tôi, tôi đã mua tặng cho ảnh một chiếc … nhẫn vàng tây. Ảnh nhận, cảm động lắm nhưng ngượng ngùng.
- Anh cảm ơn em, nhưng con trai đeo nhẫn… dị lắm! Tụi bạn nó lại ghẹo cho…
Rồi tôi làm bộ giận hờn, thuyết phục ảnh mới chịu đeo cho. Hôm đeo nhẫn cho ảnh, ngón tay hơi to hơn chiếc nhẫn nên chúng tôi phải lấy xà-phòng bôi trơn trông buồn cười lắm…
Bà chủ quán dừng lại và đôi mắt thoáng buồn như nhớ lại những kỷ niệm xưa. Người khách vẫn im lặng nghe, không cắt ngang câu chuyện, cũng không hỏi thêm điều gì…
Vài ngày sau, anh ấy cũng mua tặng lại tôi một chiếc nhẫn vàng tây bằng số tiền dành dụm được. Tôi mang nó vào tay vừa khít như là đã thử trước vậy. Đương nhiên là tôi cũng rất cảm động và không nói ra lúc đó, hai chúng tôi thầm như giao hẹn ước với nhau vậy.
Má tôi bắt gặp tôi đeo nhẫn cười trêu :
- Các anh chị bây giờ Tây nhỉ! Không như chúng tôi ngày xưa!
Tôi cũng hiểu là ba má tôi chưa mấy quan tâm chuyện này. Chỉ nhắc tôi cố gắng đỗ tú tài và vào trường Y thôi. Chuyện gia đình thì chắc chắn rồi ai cũng phải đến. Thời gian càng lâu thì tình càng mặn mà …
Năm đó tôi thi đỗ tú tài hạng ưu nhưng lại trượt vào trường Y. Ba má tôi an ủi rán thêm nữa để năm sau thi lại.
Anh ấy cũng buồn nhưng tôi an ủi anh ấy là tôi trượt không phải do những môn tôi học kèm của ảnh mà lại là môn Vạn vật, tôi chỉ thiếu có một điểm…
Rồi chiến tranh chấm dứt…
Ba tôi chỉ bị đi cải tạo hơn tháng rồi trở lại làm việc bình thường vì “ổng” không dính dáng gì về chính trị, ông ấy chuyên ngành Kiều Lộ của Công chánh mà…
Sau thời gian tạm ngừng, trường anh ấy trở lại hoạt động bình thường. Anh ấy không còn ở trọ chỗ tôi, hình như anh ấy về quê rồi sau đó đến ở với những người bạn cùng quê cũ. Đời sống có xáo trộn đôi chút nhưng trong gia đình tôi nhịp sống vẫn như ngày nào.
Một hôm, má tôi báo tin vui là cậu út tôi du học bên Pháp chuẩn bị về nước thăm quê. Cậu ấy học bên Pháp chuyên ngành Kiến trúc, ra trường có việc làm và đã lấy vợ “đầm”.
Trước đây cậu vẫn hay gửi mandat cho má và bà cũng dành dụm nên cuộc sống cũng khá tử tế, có phần dư dả nữa.
Má tôi vui lắm và làm một bữa tiệc nhỏ để đón cậu mợ tôi về nước. Chuyện cậu tôi du học nước ngoài, tôi chưa kể cho “gia sư” của tôi biết và đến tận bây giờ tôi vẫn ân hận về chuyện này. Cậu tôi do sống lâu ngày bên Pháp nên phong cách rất Tây!
Tôi vẫn nhớ và yêu anh ấy. Rất mong trong dịp vui đoàn tụ này của gia đình tôi, có sự hiện diện của anh ấy để tôi có thể mạnh dạn nói chuyện cùng ba má và với cả cậu mợ nữa.
Buổi xế chiều hôm đó cậu mợ tôi về đến gia đình và cũng buổi chiều “định mệnh”, anh ấy xuất hiện!
Vào nhà nghỉ ngơi xong, cậu tôi đến phòng tôi thăm cô cháu gái xem đã lớn chừng nào!
Cũng đúng lúc anh ấy vừa đến. Sau này tôi mới biết là anh ấy ở quê vô đến trọ học tiếp vì trường anh hoạt động trở lại. Anh đến để thăm gia đình và thăm tôi. Cái trớ trêu là ông cậu tôi khi thấy “cháu mình” thì cứ như Tây, ôm lấy cháu và “hôn lấy hôn để” như lúc cháu còn thơ dại lên ba lên năm vậy. Và cũng lúc ấy, tôi chợt nhìn ra ngoài khung cửa kính thấy anh đứng lặng người với bó hoa trên tay. Dường như anh không nói, không gõ cửa, không làm gì cả. Anh đặt bó hoa lên lan can hiên nhà và quay đi vội vã như trốn chạy.
Tôi giật mình, đẩy cậu tôi ra khỏi vòng tay của ông ấy, mở cửa chạy theo anh ấy nhưng bóng anh mất hút trong dòng người thành phố…
Buổi tối đoàn tụ ấy với tôi thật nặng nề! Mọi người trong gia đình nói chuyện ăn uống, kể chuyện cười đùa vui vẻ, riêng tôi cứ lặng thinh. Cậu tôi khi nghe má tôi kể câu chuyện tôi có bạn trai cũng vừa là “Thầy” của tôi, cậu có xin lỗi vì sự tự nhiên và vô ý quá! Má tôi thì khuyên là từ từ rồi gặp “nó” giải thích. Chắc nó “có học, có hiểu biết” không cố chấp đâu!
Hai hôm sau tôi đến tìm anh ấy ở căn gác trọ, không gặp anh nhưng những người bạn của anh kể chuyện lại, một câu chuyện khủng khiếp!
Khi anh ấy về đến căn gác, không nói không rằng, anh ấy ôm mặt và vùi đầu vào đống tài liệu, thường ngày mấy anh sinh viên này vẫn hay lấy làm gối, và khóc nức nở! Mấy người bạn hỏi gì, anh cũng chẳng nói!
Rồi anh loay hoay rút chiếc nhẫn mà tôi tặng ra khỏi tay nhưng chật quá không rút được! Anh lầm lì ra khỏi nhà hơn một tiếng đồng hồ sau trở lại. Bạn bè phát hoảng khi thấy ngón tay đeo nhẫn của anh đã bị cụt, quấn quanh là bông băng vẫn còn dính máu!
Anh đưa cho người bạn thân nhất một chiếc phong bì, có ghi địa chỉ nhà tôi cẩn thận và dặn là gửi cho cô ấy, cô có tên trên chiếc phong bì này… Chiếc phong bì vẫn dính tí máu của anh ấy! Người bạn chưa kịp gửi thì tôi đến.
Sau đó là anh dọn dẹp các đồ đạc ít ỏi và nói với những người bạn là anh về quê, chán học rồi và không thiết sống…
Nghe những người bạn vừa kể, tôi òa khóc nức nở. Thôi chết rồi! Anh ấy đã hiểu lầm và ghen tuông một cách khủng khiếp! Anh ấy muốn đoạn tuyệt tôi bằng cách trả lại chiếc nhẫn cho tôi và do cùng quẫn, không tháo được chiếc nhẫn, anh đã đành đoạn chặt đứt ngón tay đeo nhẫn của mình. Chiếc phong bì sau khi về nhà tôi mới dám mở ra, chỉ có một tờ lịch và mặt sau ghi vẻn vẹn một chữ nguệch ngoạc bằng … máu đã khô cứng “ Adieu ”.
Mấy tháng sau ngày anh ấy bỏ đi, tôi như người mất hồn. Thẫn thờ không nói, chẳng rằng với một ai kể cả ba má tôi! Cậu tôi sau đó qua lại Pháp và có gửi thư về bảo tôi xin qua đó, cậu tài trợ cho vào học Y khoa bên Pháp. Tôi đã từ chối một cơ hội vì yêu anh ấy, không muốn bỏ nơi này mà đi. Máu anh ấy đã đổ vì tình yêu của tôi. Tôi đau đớn, có lần lén ba má về quê anh ấy để tìm nhưng không gặp. Gia đình anh ấy chỉ còn những người em cho biết anh ấy có về và đã đi đâu rồi, không nghe tin tức gì. Không chừng đã vượt biên…?
Tuyệt vọng, hai năm sau đó, tôi lập gia đình. Và mộng làm bác sĩ của tôi cũng tiêu tan theo ngày tháng…
***
Bà chủ quán café Vị Đắng kể đến đó thì rơm rớm nước mắt. Người khách lạ nhìn vào mắt bà chủ quán, thoáng buồn bã.
- Chuyện tình của bà buồn thật đấy! Xin cảm ơn bà đã kể cho nghe một câu chuyện tình buồn. Tôi có biết anh ấy nhưng … Anh ấy …. chết rồi!
Người khách cởi chiếc bluson để trên thành ghế, đứng lên và chào bà chủ .
- Cảm ơn bà! Adieu!
Ông ta bước vội ra khỏi quán, rút một điếu thuốc ra châm. Bàn tay trái đưa lên che ngọn gió.
Loáng thoáng qua ngọn đèn mờ trước hiên, bà chủ Vị Đắng thấy bàn tay trái của người khách thiếu … ngón tay đeo nhẫn…
Hoài Nguyễn – 20.02.2011