Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2023

Tâm sự cuối năm

 Tâm sự cuối năm cũ- đầu năm mới !

Hôm nay ngày 31.12.2023, mấy tiếng đồng hồ nữa là cả thế giới bước vào năm mới 2024 ! Mỗi người lại có thêm một tuổi nữa cho đời mình. Vậy là mình bước vào tuổi 84 ! Cả thế giới đều được nghỉ ngày đầu năm ! Chỉ trừ bệnh tật là không chịu nghỉ và ăn uống cũng vậy !
Là linh mục ở nhà hưu dưỡng nên có trọn thời giờ lo cho người nghèo. Vì lo cho người nghèo nên có nhiều ân nhân trong nước và nước ngoài. Và hôm nay ngày cuối năm nên mình nói lời cảm ơn các ân nhân xa gần đã giúp đỡ người Thượng nghèo Kontum qua trung gian của mình. Không những là cảm ơn bằng lời mà còn cả tâm tình biết ơn sâu đậm. Các bạn lương có, giáo có, quen có, lạ có, gần có, xa có . . . đã gửi từ hiện vật đến tiền bạc đủ mọi loại đến tận nhà, hoặc đến tài khoản. . . Mình đã chuyển đến tận tay người nghèo. Đặc biệt cảm ơn bà Bạch Hố Nai, Sơ Thanh Bà Rịa, Dũng-Thủy Saigon, Vy-Vinh Mỹ, anh Phong Mỹ, cô Thanh Na Uy, gia đình Thụ Nhân cựu học viên Đại Học Đàlat ở Mỹ và Canada, cô Bùi Anh Thơ Mỹ cựu sinh viên Đại Học Đalat . . . Cảm ơn chúng con cựu Nội Trú giáo xứ Đức An xưa . . . Ôi ! Cảm ơn nhóm Thăm Viếng của 17 làng. Cảm ơn các người cộng tác trực tiếp với mình tại Kontum. Nhiều lắm , còn có thể kể nữa. . . Thật tình mà nói : Tiền vô nhà khó như gió vô nhà trống ! Nghèo thì hay bệnh mà bệnh thì phải uống thuốc, các tiệm bán thuốc đâu có phát không ?! Nghèo đói lại sinh nhiều, mẹ không sữa mà không có tiền mua sữa ! Phải giúp chứ ! Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ ! Thấy rồi sao không đổ lệ ?
Sang năm mới mong quý ân nhân xa gần tiếp tục giúp đỡ. Mình ở tuổi 84, quỹ thời gian còn ít lắm thôi. Qua được thế giới bên kia, mình sẽ không quên các bạn, mà giả như mình có quên thì Chúa không bao giờ quên được vì “ khi Ta đói các ngươi cho ăn . . . “ ! Chúng ta nên khắc ghi trong lòng những nguyên tắc này :
- Cho người nghèo là cho chính Chúa .( Mt 25,31-46).
- Cho người nghèo là tích trữ kho tàng trên trời . (Mt 19, 16-22).
- Cho người nghèo là cho chính mình mà lãi suất lại rất cao. ( Mt 25,40).
Lạy Chúa , chúng con sắp bước vào năm mới 2024, xin Chúa ban cho các ân nhân của người Thượng nghèo Kontum một năm mới An Khang, Thịnh Vượng; xin Chúa ban cho gia đình họ suốt năm Bình An và Hạnh Phúc ; xin Chúa cho công việc làm ăn của họ luôn được tốt đẹp.
Xin Chúa nhận lời con xin. Amen
Linh mục Phêro Nguyễn Vân Đông
Nhà hưu dưỡng gp Kontum.

Thứ Năm, 28 tháng 12, 2023

 TẠI SAO

GỌI NGƯỜI BÌNH ĐỊNH LÀ "DÂN NẪU" ?
Đã bao giờ bạn tự hỏi rằng tại sao bạn bè lại gọi mình là "Dân nẫu"không?...có thể nghe thấy quen thuộc nhưng ai biết được tại sao lại có từ "Nẫu" này??
Năm 1578, chúa Nguyễn Hoàng cử Phù nghĩa hầu Lương Công Chánh làm Trấn biên quan có bổn phận đưa lưu dân nghèo không sản nghiệp khai khẩn vùng đất mới từ nam đèo Cù Mông đến đèo Cả (tỉnh Phú yên bây giờ). Sau 33 năm khai phá vùng đất mới, hình thành làng mạc, năm 1611 chúa Nguyễn Hoàng thành lập phủ Phú Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. Năm 1629, chúa Nguyễn Phúc Nguyên nâng cấp phủ Phú Yên thành dinh Trấn Biên . Do đặc điểm của vùng đất mới còn hoang hóa, dân cư thưa thớt nên các đơn vị hành chính của vùng biên viễn có những nét đặc thù. Dưới cấp Huyện có cấp Thuộc, dưới Thuộc là các đơn vị hành chính nhỏ hơn như Phường, Nậu, Man.
Phường là các làng nghề có quy mô như phường Lụa, phường Sông Nhiễu. Nậu là tổ chức quản lý một nhóm nhỏ cùng làm một nghề, người đứng đầu gọi là đầu Nậu.
Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm...
Do sự phát triển của xã hội Đàng Trong, năm 1726, chúa Nguyễn Phúc Chu (1697-1738) cử Đại ký lục chính danh Nguyễn Đăng Đệ quy định phạm vi, chức năng của các đơn vị hành chính. Các đơn vị hành chính như “Thuộc”, “Nậu” bị xóa bỏ.
Khái niệm thành tố chung cấp hành chính “Nậu” được biến nghĩa dùng để gọi người đứng đầu trong đám người nào đó và sau này dùng để gọi đại từ nhân xưng ngôi thứ ba.
Từ “Nậu” không xuất hiện độc lập mà chỉ có mặt trong các tổ hợp danh ngữ. Ví dụ:
Mất chồng như nậu mất trâu
Chạy lên chạy xuống cái đầu chôm bơm.
Tiếc công anh đào ao thả cá
Năm bảy tháng trời nậu lạ tới câu.
Ai về nhắn với nậu nguồn
Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên.
Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên - Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng”, “bả”. Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh”, “chỉ”.
Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẫu”.
Nẫu đã đi vào ca dao Bình Định, Phú Yên khá mượt mà, chân chất:
Ai về sông núi Phú Yên
Cho nẫu nhắn gở nỗi niềm nhớ quê
Phương ngữ Thuận Quảng (Thuận Hóa - Quảng Nam) với “mô, tề, răng, rứa, chừ”, vượt qua đèo Bình Đê (ranh giới Bình Định - Quảng Ngãi) được đổi thành “đâu, kia, sao, vậy, giờ”.
Và đặc trưng ngữ âm của vùng Nam Trung bộ (Bình Định - Phú Yên) không phân biệt rạch ròi cách phát âm dấu hỏi và dấu ngã. Đặc biệt, bà con vùng biển từ Hoài Nhơn (Bình Định) đến Gành Đỏ (Sông Cầu-Phú Yên), các âm dấu ngã đều phát âm thành dấu hỏi.
Riêng đồng bằng Tuy Hòa, khi phát âm không phân biệt được dấu hỏi và dấu ngã. Bởi vậy, “Nẩu” hay được phát âm là “Nẫu”.
Đồng bằng Tuy Hòa trù phú, nhiều nhà giàu trong vùng cho con cái đi học chữ phương xa. Các vị có chữ nghĩa viết chữ “Nẩu” theo phát âm quen miệng thành chữ “Nẫu”.
Nói nôm na, tiếng Nẫu là tiếng địa phương của vùng Bình Định và Phú Yên có nghĩa là họ, hay người ta, vì là “đại từ nhân xưng” nó nằm ở vị trí ngôi thứ ba vừa số ít mà cũng vừa số nhiều. Ví dụ thay vì hỏi “Hôm nay người ta đi đâu mà nhiều vậy? ” thì người dân Bình Định và Phú Yên hỏi là “Hôm nay nẫu đi đâu mà nhiều dậy?” hay “Cái nhà này là của họ” thì dân Nẫu sẽ nói là “Cái nhà này là của nẫu”.
Chính vì vậy mà khi hòa cùng tất cả tiếng nói của mọi miền đất nước thì tiếng nẫu sẽ không lạc vào đâu được, thậm chí còn dùng những từ hoàn toàn khác với những từ thông dụng, ví dụ thay vì nói “Vào tận trong đó” thì nói là “Dô tuốt trỏng” hay hỏi "vậy hả?” thì hỏi là “dẫy na?”, “dẫy ngheng” (vậy nghen hay thế nhé), “dẫy á” (vậy đó), “chu cha wơi” (trời đất ơi) v.v...
Người Việt mình từ văn minh lúa nước mấy ngàn năm đến giờ đã nổi tiếng là “nhà quê”, cho dù có ở thành thị thì vẫn là “dân nhà quê” so với các nước khác. Vậy thử hỏi trong đất Việt Nam mình, xứ nào là “nhà quê” nhứt? Đó chính là “xứ Nẫu”. Tôi đi khắp Việt Nam , ai hỏi tôi quê đâu? Tôi thưa rằng quê tôi xứ Nẫu, tôi dân Nẫu, Nẫu nè, Nẫu ơi…
Vì sao “quê”, vì ngay cái chữ “Nẫu” nghe nó đã quê rồi. Nó khởi thủy là chữ “nậu” ở miền Nam Trung Bộ. Từ “nậu” để chỉ một nhóm người theo ngành nghề hoặc theo nơi ở: ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người trên rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... mãi sau, bằng nguyên lý tăng âm đặc trưng của dân Việt mình: “ông + ấy = ổng”, “chị + ấy = chỉ”, thì cái “nậu + ấy= Nẫu”.
Xứ Nẫu bắt đầu từ Bình Định, Phú Yên và một phần của Khánh Hòa. Cũng như các vùng miền khác, mà gần nhất là xứ Quảng, giọng nói người xứ nẫu không lẫn vào đâu được. Người xứ Nẫu luôn nói lớn tiếng, giọng nặng và hầu hết các âm tiết đều bị biến dạng theo hướng nặng hơn, khó phát âm hơn…khó đến nỗi chỉ người xứ Nẫu mới nói được, làm như cái cấu tạo thanh quản của dân xứ Nẫu đã khác đi so với người xứ khác. Nẫu (người ta), rầu (rồi), cái đầu gấu (gối), trời tấu (tối), cái xỉ (muỗng), tộ (chén)…người xứ Nẫu nói cho người xứ Nẫu nghe, cho nên từ ngữ quê mùa cục mịch, đến mức câu ca dao mẹ hát ru con cũng nặng trình trịch, nhưng mà nặng nhất là cái tình:
Thương chi cho uổng công tình
Nẫu dzìa xứ nẫu, bỏ mình bơ vơ
Khi còn nhỏ, mỗi lần làm điều gì không đúng cha, mẹ, hay ông bà thường nói: “đửng làm dẫy, nẫu cừ” (đừng làm vậy, người ta cười). Dân Nẫu đúng như giọng xứ Nẫu, hiền nhưng cộc cằn, phóng khoáng nhưng ngang ngạnh, tình cảm nhưng hơi thô kệch…
Dân Nẫu đi đến đâu cũng là “dân nhà quê”, học hành đến mấy vẫn không trút được cái gốc “nẫu” của mình. Nẫu không khôn ngoan, khéo léo như người Bắc. Nẫu không dịu dàng, lịch lãm như người xứ Huế. Nẫu cũng chẳng rộng rãi, vô tư như người Nam. Nẫu là Nẫu. “Nẫu dzẫy” (nậu vậy), Dân Nẫu không quan tâm người khác nghĩ gì về mình, tốt xấu gì cũng mặc, “kệ nẫu”. Cho nên dân Nẫu đi xứ khác làm ăn bị thiệt thòi nhiều.
(Bình Định Xưa).


Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2023

MỪNG CHÚA GIÁNG SINH

 MỪNG CHÚA GIÁNG SINH

Giáng Sinh…Lễ đạo hay lễ đời? Máng cỏ,hang đá…hay giường nệm?
1/ Giáng Sinh: Lễ của NIỀM VUI
2/ Giáng Sinh: Lễ của sự khiêm nhường
3/ Máng cỏ: Bài học hạ mình,yêu thương và sẻ chia
1/ Giáng Sinh: Lễ của NIỀM VUI. Tại sao vui?
+Vui vì quà bánh? No! Vui vì là dịp để tiêu xài,mua sắm,ăn mặc bảnh bao,thời trang? NO!
+Vui là vì: “Một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta”
+Lễ Giáng Sinh nhắc cho chúng ta” “Loài người dù phải chết,nhưng không phải sinh ra để chết,mà là để bắt đầu sống,sự sống lại của Chúa,sự sống thần linh” (Arendt,triết gia Do Thái).
+Vui vì Ngôi Lời đã trở thành người phàm và CƯ NGỤ giữa chúng ta, “dựng lều trại” nơi ta,đứng về phía con người như một người BẠN, và là ĐỒNG MINH chống lại cái ác. Việc “cư ngụ” biến thành tên riêng của Chúa: Quí Ông Emmanuen. Xin chào ông Emmanuen. (Is 7,14)
+Thánh Augustino nói: “Nếu Chúa không sinh ra,bạn sẽ chết muôn đời…vì bạn mà Thiên Chúa làm người”.
+Như vậy: Ngài là Hoàng Tử,yêu và cưới “cô bé lọ lem” là chúng ta.
+Chuyện đời là vậy: Hoàng tử lấy thường dân. Hay như truyện cổ tích thần tiên cô bé lọ lem;truyện Việt Nam cô Tấm lấy vua.Hoàng tử,ông vua si tình đó chính là Ngôi Hai TC làm người chung sống kiếp người.
+Một Thiên Chúa làm người. Kinh khủng! Incroyable!
2/Giáng Sinh là Lễ của sự KHIÊM NHƯỜNG
+Một TC hạ mình,tự hủy (kenosis)
+TC là Tình Yêu…do đó khiêm ngường
Tình yêu tạo ra sự phụ thuộc vào người mình yêu.Sự phụ thuộc không làm mất mặt,nhưng thăng hoa. Và sự khiêm nhường làm mình trở nên EM BÉ, hài nhi…để người yêu được lớn lên,nổi lên. “Thiên Chúa làm người để ta được làm thần linh” (Irene).
+Khiêm nhường tạo thành PHÉP LẠ: giữa vợ chồng,con cái,giữa mọi mối quan hệ đạo đời.
+Noen thời tiết lạnh. Điều đáng nói là cái lạnh bên ngoài gợi nhớ cái lạnh bên trong:
-TÂM HỒN LẠNH-LINH HỒN LẠNH-TÂM LINH LẠNH
Và khủng khiếp,giá băng (!) dẫn đến bạo lực gia đình,ngoài xã hội:
Cái lạnh của những người cô đơn,đơn độc,mồ côi,neo đơn,thất vọng,bị xa lánh,bị ghen ghét,không được ai chia sẻ,quan tâm…
Cái lạnh khô đạo,tội lỗi,niềm tin lung lay,bước chân chao đảo,mất phương hướng…THẬT ĐÁNG THƯƠNG!
3/ Giáng Sinh:Lễ của những MÁNG CỎ
+”Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…Trong HANG BÊLEM” (Hải Linh)
+Noen, hang đá Bê lem: xấu xí,hôi tanh,tăm tối
+Hang đá ngày nay: hiện đại, đắt tiền,“bất thường”,không nói lên CHẤT NGHÈO !
+Hang đá ngày nay đồ sộ,cầu kỳ,tốn kém…có cái bạc tỉ! cạnh tranh giữa các giáo xứ: anh xấu,tôi đẹp. Càng to càng hãnh diện,chơi nổi,lãng phí!
+Thiển nghĩ: Làm sao khi nhìn vào hang đá,ta học được bài học tự hủy,hạ mình,khiêm nhường,khó nghèo,giản dị,đơn sơ…và THƯƠNG NGƯỜI.
+Nhìn vào hang đá ta nhớ đến những người cần được ta chia sẻ
+ĐGH Phanxico nói: “Máng cỏ là để dạy đức tin cho dân Chúa. Máng cỏ là một bài giáo lý đức tin tuyệt vời: người đau khổ là Chúa Giesu trong máng cỏ. Cái nôi, máng cỏ là chỗ mà ta phải đi đến.Đó chính là tình liên đới,sẻ chia. Chúng ta gặp được Chúa Giáng Sinh,Chúa Cứu Thế trong cảnh quẫn bách
+ĐGH Phanxico không hài lòng và chán ngán với cảnh Chúa Giáng Sinh trong máng cỏ hiện đại. Ngài nói: “Chủ nghĩa tiêu dùng đã bắt cóc Lễ Giáng Sinh của chúng ta.Nơi hang đá phải là thực tế,nghèo đói và tình yêu…Nếu Lễ Giáng Sinh không chạm đến cuộc sống thì Lễ Giáng Sinh trải qua VÔ ÍCH!”
CHÚC MỌI NGƯỜI LỄ CHÚA GIÁNG SINH ĐẦY NIỀM VUI
CHÚC MỌI NGƯỜI LỄ CHÚA GIÁNG SINH ĐẦY SỰ KHIÊM NHƯỜNG CHÚC MỌI NGƯỜI TRỞ THÀNH “MÁNG CỎ,CÁI NÔI” CHO NGƯỜI ĐAU KHỔ NẰM – tqt29
Tâm sự với Chúa Hài Đồng bên Máng Cỏ
Lạy Chúa,
Giáng Sinh về hồn con thấy xôn xao
Giữa cuộc sống bao vây bởi ồn ào
Bởi bao tiếng ào ào bao huyên náo
Của lòng trí,của lo toan xào xáo!
Ôi Giesu cúi xuống,HẠ MÌNH,xin loan báo
Vua BÌNH AN,KHIÊM NHƯỜNG,cứu nhân sinh
Thế gian xưa và nay lắm tội tình
Giữa gió rét mùa Đông,thương hạ đáo
Bé Giesu,QUÀ TẶNG,ơn trời cao
Bé Giesu,sự DỊU DÀNG,Chúa ân trao
Bé trình bày: một Thiên Chúa MỀM YẾU
Bé trình bày một Tình Yêu HẠ CỐ
Bé trình bày một Thiên Chúa CỨU ĐỘ
Bé nằm ngủ trong Máng Cỏ thô sơ
Bé không thích nằm nệm ấm người mơ
Bé làm gương: SỐNG NGHÈO HÈN, trơ trụi
Giữa gió rét mùa đông nơi trần thế
Xin cho con được ơn Chúa Cứu Thế
Giữa bấp bênh cuộc đời luôn vẫn thế
Xin cho con gần Chúa mãi như thế
Giữa nghèo khổ của tâm hồn trần thế
Xin cho con thấy Chúa đỡ nâng con
Giữa cuộc đời phiền não,tin hao mòn
Xin cho con gặp Chúa,vẹn tình son
Giữa bao điều hoàn toàn không như ý
Xin cho con dám sống.dù nghịch lý
Sống “ngược đời”,dù cho là phi lý
Sống yêu thương,dù thiệt thòi, Thiên Ý.
Maranatha…Mara-natha. Lạy Đấng Emmanuel. (tqt29)
Nguồn bài viết : Lm.Trần Quang Truyền.



Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2023

MỪNG KÍNH CÁC CÁC THÁNH TỬ ĐẠO TẠI VIỆT NAM - 24/11.

 MỪNG KÍNH CÁC CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM - 24/11.

Trong lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam, ước tính có đến hàng trăm ngàn người đã làm chứng đức tin Kitô Giáo, trong số đó có 118 Thánh Tử đạo, với 117 vị được Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong Thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988 và Á Thánh An-rê Phú Yên, phong Chân phước ngày 5 tháng 3 năm 2000.
Trong số các vị tử đạo được Giáo hội Công giáo tuyên thánh và tôn kính, có 117 vị Thánh tử đạo tại Việt Nam. Giai đoạn lịch sử thời 117 thánh Tử đạo Việt Nam kéo dài đúng 117 năm, tính từ hai vị thánh tử đạo đầu tiên là Phanxicô Federich Tế và Matthêu Leciniana Đậu (tử đạo năm 1745) đến vị cuối cùng là Phêrô Phan Hữu Đa (tử đạo năm 1862), qua các triều đại vua Lê - chúa Trịnh, Tây Sơn và triều Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức).
Xét về thành phần tử đạo, ngoài các giám mục, linh mục, còn có các giáo dân thuộc mọi tầng lớp như quan trường có thánh Micae Hồ Đình Hy, quan án có thánh Đaminh Phạm Trọng Khảm, quân ngũ có những cai đội hoặc chưởng vệ, xuống đến những binh sĩ tầm thường, hương chức có những chánh tổng, lý trưởng. Xét về nghề nghiệp ta thấy có lang y, thương gia, có thợ may, thợ dệt, thợ mộc, cả dân chài, nhưng đông đảo nhất vẫn là giới nông dân.
Theo ước lượng, cho tới cuối thế kỷ XIX, ở Việt Nam đã có khoảng 100.000 người bỏ mình cho đức tin Công giáo. Trong con số rất lớn đó đã có 117 vị đượcTòa thánh chấp nhận phong chân phước qua 4 lần: Năm 1900: dưới thời Giáo hoàng Lêo XIII 64 vị; Năm 1906: thời Giáo hoàng Piô X 8 vị; Năm 1909: thời Giáo hoàng Piô X 20 vị; Năm 1951: thời Giáo hoàng Piô XII 25 vị.
Chia ra như sau: 11 vị người Tây Ban Nha: 6 giám mục, 5 linh mục; 10 vị người Pháp: 2 giám mục, 8 linh mục; 96 vị người Việt Nam: 37 linh mục (23 Bắc, 10 Trung, 1 Nam); 16 thầy giảng (14 Bắc, 1 Trung, 1 Nam); 1 chủng sinh (Trung) và 42 giáo dân (31 người ở miền Bắc, trong đó có 1 phụ nữ; 8 ở miền Trung; 3 ở miền Nam) thuộc các thành phần xã hội như quan án, cai đội, viên chức, y sĩ, binh lính, nông dân, ngư dân...
Nếu theo thời điểm “tử vì đạo”: 2 vị dưới thời Trịnh Doanh (1740-1767); 2 vị dưới thời Trịnh Sâm (1767-1782); 2 vị dưới thời Cảnh Thịnh (1782-1802); 58 vị dưới thời Minh Mạng (1820-1840); 3 vị dưới thời Thiệu Trị (1840-1847); 50 vị dưới thời Tự Đức (1847-1883).
Hồ sơ xin phong thánh còn chi tiết chia theo các hình thức tử hình khác nhau của những người đã hy sinh để làm chứng cho Chúa: 75 chém đầu (trảm quyết), 22 án xử giảo (thắt cổ), 9 án tra tấn chết trong tù, 6 vị bị hỏa thiêu, 5 vị bị lăng trì hay tùng xẻo (xẻo từng miếng thịt cho cái chết diễn ra dần dần)...
Phân loại theo nguyên quán: quê Nam Định 19 vị; quê Thái Bình 8 vị; quê Bình Trị Thiên - Huế 7 vị; quê Nam Bộ 4 vị; quê nơi khác: Thanh Hóa, Hưng Yên, Bắc Giang, Bình Định...
Phân loại theo nơi chết: 42 người chết tại Nam Định; 56 người chết tại Thái Bình; 7 người chết tại Huế; 4 người chết tại Bắc Ninh; 4 người chết tại Nam Kỳ; 4 người chết không rõ tại đâu.
Qua những tổng hợp trên, có thể thấy các thánh tử đạo ở Việt Nam có 16 vị là người nước ngoài. Về thời điểm, chủ yếu các thánh tử vì đạo vào thời Minh Mạng và Tự Đức triều Nguyễn; về mặt địa lý, các vị này chủ yếu chết ở miền Bắc Việt Nam; về thành phần tử đạo, giáo dân và linh mục vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất, còn về giới tính chỉ có 1/117 vị là phụ nữ (thánh Anê Lê Thị Thành).
Vị thánh tử đạo cao tuổi nhất: 84 tuổi – Micae Vũ Ba Loan (1756-1840).
Vị thánh tử đạo nhỏ tuổi nhất: 19 tuổi – Giuse Phạm Quang Túc (1843-1862), Chân phước Anrê Phú Yên (1625 hay 1626-1644).
(Sưu tầm)
Có thể là hình ảnh về 1 người
Tất cả cảm xúc:
Bạn, Uyên Nguyễn Thị Thảo, Tran Hai và 22 người khác
Nguồn bài viết: Lê Minh Sơn.

Thứ Tư, 8 tháng 11, 2023

PHÁT BIỂU NGÀY KHÁNH THÀNH BIA TRI ÂN NGÀI ALEXANDRE DE RHODES, ISFHAN, IRAN, 5/11/2018.

 PHÁT BIỂU NGÀY KHÁNH THÀNH BIA TRI ÂN NGÀI ALEXANDRE DE RHODES, ISFHAN, IRAN, 5/11/2018

GS Nguyễn Đăng Hưng
Viện Trưởng Viện Vinh Danh Chữ Quốc Ngữ và Bảo tồn Tiếng Việt, Đại học Duy Tân Đà Nẵng
Kính thưa các vị khách quý,
Basalame khanoomha va agkayan
Thưa các bạn
Vẫn biết lúc ban đầu các giáo sỹ cơ đốc chỉ muốn tạo dựng một phương tiện hữu hiệu để truyền đạo, nhưng tính cách nghiêm túc và khoa học của công trình của họ đã cho ra đời một sản phẩm văn hóa tuyệt vời giúp cho người Việt có cơ hội nhanh chóng hòa nhập với thế giới văn minh, giúp các trẻ em Việt Nam có thể nhanh chóng biết đọc và biết viết, thoát ra những rối rắm của cách viết tượng hình vay mượn từ Trung Hoa.
Các chí sỹ yêu nước của các phong trào canh tân đất nước như Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục… đã sớm ý thức được lợi thế này và đã chọn chữ quốc ngữ làm phương tiện truyền bá những tư tưởng dân chủ tiến bộ, mưu cầu giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp.
Sự ra đời và phổ biến của chữ quốc ngữ có công sức của nhiều người: Các giáo sỹ Bồ Đào Nha, Pháp, Ý, các cộng tác viên người Việt, các học giả người Việt: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục…, các chí sỹ của phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục: Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Lương văn Can, Nguyễn Quyền, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng… các thành viên chủ chốt của Hội Truyền Bá Chữ Quốc Ngữ: Nguyễn Văn Tố, Hoàng Xuân Hãn, Bùi Kỷ, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Hữu Đang.... Họ đã là những nhân tố tích cực cho việc mở mang dân trí, phổ biến các tư tưởng tiến bộ cho toàn dân dẫn đến độc lập dân tộc và thông nhất đất nước Việt Nam.
Nhưng công đầu có lẽ thuộc về cha Alexandre de Rhodes.
Năm 1651 sau khi bổ sung và hoàn thiện các công trình tiếng Việt khởi đầu từ các công trình của các giáo sỹ Bồ Đào Nha (Francisco De Pina , Gaspar De Amaral, Antonio Barbosa) ngài cho ra đời tại Roma, quyển tự điển Từ điển Việt–Bồ–La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum), công bố khoa học đầu tiên về Tiếng Việt và cách viết dùng ký tự La Tinh.
Đây là cả một nỗ lực, khổ luyện cá nhân hiếm có. Cha ADR đã ghi lại:
"Khi tôi vừa đến đàng trong VN và nghe người dân bản xứ nói, đặc biệt là phụ nữ, tôi có cảm tưởng mình đang nghe chim hót líu lo, và tôi đâm ra ngã lòng, vì nghĩ rằng, có lẽ không bao giờ mình học nói được một ngôn ngữ như thế. Thêm vào đó, tôi thấy hai cha Emmanuel Fernandez và Buzomi, khi giảng, phải có người thông dịch lại. Chỉ có cha Francois Pina là hiểu và nói được tiếng Việt, nên các bài giảng của cha Pina thường đem lại nhiều lợi ích hơn là của hai cha Fernandez và Buzomi. Do đó tôi tự ép buộc mình phải dồn mọi khả năng để học cho được tiếng Việt. Mỗi ngày tôi chăm chỉ học tiếng Việt y như ngày xưa tôi học môn thần học ở Roma. Và nhờ ơn Chúa giúp, chỉ trong vòng 4 tháng, tôi học biết đủ tiếng Việt để có thể giải tội và sau 6 tháng, tôi có thể giảng được bằng tiếng Việt. .."
Cha ADR đã góp phần to lớn, giúp cho dân tộc Việt Nam hòa nhập với thế giới văn minh trước hơn 350 năm so với các nước khác tại Á Châu!
Đây cũng là thành quả giao lưu văn hóa Âu-Á trong sáng và trường tồn vào bậc nhất của nhân loại. Có công trình giao lưu văn hóa nào ngay thế kỷ 17 mà đã có hợp tác của đông đảo các quốc tịch: Bồ Đào Nha, Ý, Tây Ban Nha, Nhật, Trung Hoa, Pháp và Việt Nam... đế sáng tạo, hình thành và đạt kết quả mỹ mãn như chữ Quốc Ngữ mà ta có ngày nay?
Hôm nay, chúng tôi, những phó thường dân từ Việt Nam xa xôi, là hướng dẫn viên du lịch, là chuyên gia nhiếp ảnh, là nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nhà sử học, giáo sư đại học, đến từ Nam, Trung, Bắc, có người định cư ở nước ngoài hồi hương, chúng tôi vượt không gian trên 6000 km tụ tập về đây, nhân ngày giỗ thứ 358 của ngài.
Chúng tôi kính cẩn đặt bia tri ân, với tư cách là người Việt Nam, nói tiếng Việt và sử dụng mỗi ngày Chữ Quốc Ngữ.
Chúng tôi ghi rõ lòng biết ơn của chúng tôi lên bia đá:
“Tri ân Cha Alexandre de Rhodes đã đóng góp to lớn trong việc tạo tác Chữ Quốc Ngữ - chữ Việt viết theo ký tự Latinh” (We are very grateful to Father Alexandre de Rhodes who contributed greatly to the creation of Chữ Quốc Ngữ, Vietnamese script using the Latin alphabet).
Chúng tôi cũng mang sang đây một tấm bia ngắn, cho khắc in chân dung ngài và hình ảnh cuốn từ điển trứ danh của ngài.
Chúng tôi tin tưởng rằng từ nay, tấm bia đá lấy từ Quảng Nam này, nơi ngài lần đầu đặt chân đến học tiếng Việt, sẽ mãi mãi đứng dưới chân ngài, đem đến cho ngài hơi ấm của lòng biết ơn sâu sắc của người Việt chúng tôi!
Thật vậy, Chữ Quốc Ngữ đã quyện cùng tiếng Việt, thấm vào hồn người Việt và trong giai đoạn khó khăn đầy bất trắc hôm nay của đất nước, chúng tôi tin tưởng không gì có thể lay chuyển được được là
Vinh danh Chữ Quốc Ngữ chính là bảo tồn tiếng Việt, chính là bảo vệ đất nước Việt Nam!
Xin cám ơn quý vị…
Sepas gozaram
GS Nguyễn Đăng Hưng
Viện Trưởng Viện Vinh Danh Chữ Quốc Ngữ và Bảo tồn Tiếng Việt
Đại học Duy Tân Đà Nẵng
Nguồn (internet)


Thứ Ba, 31 tháng 10, 2023

100 CÂU THƠ VỀ LỊCH SỬ VN MÀ CHỈ CÓ HỌC SINH THỜI VNCH ĐƯỢC HỌC!

 HỌC SINH TIỂU HỌC THỜI VIỆT NAM CỘNG HÒA ĐÃ ĐƯỢC DẠY LỊCH SỬ.

100 CÂU THƠ VỀ LỊCH SỬ VN MÀ CHỈ CÓ HỌC SINH THỜI VNCH ĐƯỢC HỌC!
1. Vua nào mặt sắt đen sì?
2. Vua nào trong buổi hàn vi ở chùa?
3. Tướng nào bẻ gậy phò vua?
4. Tướng nào dùng bút đánh lừa Vương Thông?
5. Ngựa ai phun lửa đầy đồng?
6. Voi ai nhỏ lệ ở giòng Hóa Giang?
7. Kiếm ai trả lại rùa vàng?
8. Súng ai rền ở Vũ Quang thủa nào?
9. Còn ai đổi mặc hoàng bào?
10. Nữ lưu sánh với anh hào những ai?
11. Nhà thơ lên đoạn đầu đài?
12. Tướng Tàu chui ống chạy dài Bắc phương?
13. Tướng Nam chẳng thiết phong vương?
14. Rắc lông ngỗng, thiếp nghe chàng hại cha?
15. Anh hùng đại thắng Đống Đa?
16. Đông du khởi xướng bôn ba những ngày?
17. Lũy Thầy ai đắp, ai xây?
18. Hồng-Sơn Liệp-Hộ, triều Tây ẩn mình?
19. Vua Bà lừng lẫy uy danh?
20. Ấu nhi tập trận, cỏ tranh làm cờ?
21. Vua nào nguyên-súy hội thơ?
22. Hùng-Vương quốc-tổ đền thờ ở đâu?
23. Đại vương bẻ gẫy sừng trâu?
24. Rừng Lam khởi nghĩa áo nâu anh hùng?
25. Hại dân bán nước tên Cung?
26. Đục chìm thuyền địch dưới sông Bạch-Đằng?
27. Lý triều nổi tiếng cao tăng?
28. Bình-Ngô ai soạn bản văn lưu truyền?
29. Mười ba liệt sĩ thành Yên?
30. Bỏ quan treo ấn tu tiên thủa nào?
31. Ai sinh trăm trứng đồng bào?
32. Bình-Khôi chức hiệu được trao cho người?
33. Tây-Sơn có nữ tướng tài?
34. Cần-vương chống Pháp bị đầy xứ xa?
35. Tổ ngành hát bội nước ta?
36.. Khúc ngâm Chinh-Phụ ai là tác nhân?
37. Vua nào sát hại công thần?
38. Nhà văn viết truyện Tố-Tâm trữ tình?
39. Thái-Nguyên chống Pháp dấy binh?
40. Hà-Ninh tổng đốc vị thành vong thân?
41. Vua nào mở nghiệp nhà Trần?
42. Nêu gương hiếu tử diễn âm lưu truyền?
43. Công lao văn học Nguyễn-Thuyên?
44. Lừng danh duyên hải Dinh-Điền là ai?
45. Nhà thơ sông Vị, biệt tài?
46. Vua nào chống Pháp bị đầy đảo xa?
47. Ngày nào kỷ niệm Đống Đa?
48. Biên thùy tiễn biệt lời cha dặn dò?
49. Mê-Linh xây dựng cơ đồ?
50. Bến Hàm-Tử bắt quân thù xâm lăng?
51. Húy danh Hoàng-Đế Gia-Long?
52. Tướng nào hương khói Lăng-Ông thủa giờ?
53. Rồng thiêng kết nghĩa Âu-Cơ?
54.. Thánh Trần nay có bàn thờ ở đâu?
55. Đời nào có chức Lạc-Hầu?
56. Tướng Châu-Văn-Tiếp, ở đâu bỏ mình?
57. Danh nho thường gọi Trạng Trình?
58. Cha con cùng quyết hy sinh với thành?
59. Đầm Dạ-Trạch nức uy danh?
60. Sớ dâng chém nịnh không thành, từ quan?
61. Công thần vì rắn thác oan?
62. Ai mời bô lão dự bàn chiến chinh?
63. Vua nào dòng dõi Đế-Minh?
64.. Vĩnh-Long thất thủ, liều mình tiết trung?
65. Ngày nào trẩy hội Đền Hùng?
66. Ngày nào sông Hát, nhị Trưng trẫm mình?
67. Núi nào ngự trị Sơn-Tinh?
68. Sông nào ghép lại bút danh thi hào?
69. Gốc nguồn hai chữ đồng bào?
70. Bôn ba tổ chức phong trào Đông du?
71. Hùm Thiêng trấn đóng chiến khu?
72. Vua nào thành lập Hội Thơ Tao-Đàn?
73. Dẹp Thanh giữ vững giang san?
74. Thiết triều nằm lả khiến tàn nghiệp Lê?
75. Hóa-Giang giữ trọn lời thề?
76. Mười năm kháng chiến chẳng nề gian lao?
77. Móng rùa thần tặng vua nào?
78. Bình Chiêm, Dẹp Tống, Lý trào nổi danh?
79. Dâng vua sách lược “Trị-Bình”?
80. Trạng nguyên tướng xấu ví mình hoa sen?
81. Người Tàu dựng đất Hà-Tiên?
82. Họ Lương chống Pháp, Thái-Nguyên bỏ mình?
83. Quy-Nhơn thất thủ, quyên sinh?
84. Lê Triều sử ký soạn thành họ Ngô?
85. Công thần mà bị quật mồ?
86. “Vân-Tiên” tác giả lòa mù là ai?
87. Đại-Từ nổi tiếng tú tài?
88. Đem nghề in sách miệt mài dạy dân?
89. Dâng vua cải cách điều trần?
90. Sánh duyên công chúa Ngọc-Hân, vua nào?
91. Thi nhân nổi loạn họ Cao?
92. Xây thành đắp lũy, họ Đào là ai?
93. Họ Phan lãnh ấn khâm sai?
94. Phòng khuya vọng tiếng thuyền chài tương tư?
95. Đông y lừng tiếng danh sư?
96. Lời thề diệt địch trên bờ Hóa-Giang?
97. Vân-Đồn ai thắng danh vang?
98. Am mây ẩn dật chẳng màng lợi danh?
99. Mùa xuân nào phá quân Thanh?
100. Bao giờ trở lại thanh bình Việt Nam?
100 Câu Đố Lịch sử
(của Đào Hữu Dương)
Câu trả lời là
1- Mai Hắc Đế, mặt sắt đen sì
2- Lý Thái Tổ thuở hàn vi ở chùa
3- Hưng Đạo bẻ gậy phò vua
4- Nguyễn Trãi dùng bút, đánh lừa Vương Thông
5- Ngựa Thánh Gióng phun lửa đầy đồng
6- Voi Hưng Đạo khóc giữa dòng Hóa Giang!
7- Kiếm Lê Lợi trả rùa vàng
8- Súng Cao Thắng nổ Vũ Quang thuở nào.
9- Lê Lai cứu chúa đổi bào
10- Hai Bà Trưng sánh anh hào ra oai!
11- Cao Bá Quát lên đoạn đầu đài
12- Thoát Hoan chui ống chạy dài bắc phương.
13- Trần Bình Trọng khinh Bắc Vương
14- Mỵ Châu, lông ngỗng rắc đường hại cha!
15- Quang Trung đại thắng Đống Đa
16- Cụ Phan sang Nhật bôn ba tháng ngày! (Phan Bội Châu lập phong trào Đông Du)
17- Đào Duy Từ đắp Lũy Thầy
18- Nguyễn Du xử thế, triều Tây ẩn mình!
19- Bà Triệu lừng lẫy uy danh
20- Đinh Bộ Lĩnh lấy cỏ tranh làm cờ
21- Thánh Tông nguyên súy Hội thơ
22- Lâm Thao Nghĩa Lĩnh đền thờ Hùng Vương
23- Sừng trâu bẻ gẫy: Phùng Hưng
24- Lê Lợi khởi nghĩa, anh hùng Lam Sơn
25- Họ Hồ phản bội cha ông
26- Yết Kiêu, Dã Tượng, thần sông Bạch Đằng!
27- Vạn Hạnh, triều Lý cao tăng
28- “Bình Ngô”… Nguyễn Trãi hùng văn lưu truyền
29- Quốc Dân Đảng, (mười ba) Liệt Sĩ thành Yên
30- Từ Thức treo ấn tu tiên (động) Bích Đào.
31- Âu Cơ (sinh) trăm trứng đồng bào
32- Bình Khôi, Trưng Nhị được trao chúc này
33- Bùi Thị Xuân, nữ tướng tài
34- Hàm Nghi chống Pháp, bị đày xứ xa.
35- Đào Tấn, tổ hát bội nước ta
36- Đặng Trần Côn với khúc ca Chinh Phụ sầu…
37- Gia Long giết hại công hầu
38- Tố Tâm Ngọc Phách xiết bao trữ tình! (Hoàng Ngọc Phách tác giả tiểu thuyết Tố Tâm)
39- Đội Cấn chống Pháp, dấy binh
40- Hoàng Diệu tổng đốc, vị thành vong thân
41- Trần Cảnh mở nghiệp nhà Trần (Trần Cảnh tức Trần Thái Tông)
42- Chuyện Hiếu Văn Phức, diễn âm lưu truyền (Lý Văn Phức, tác giả Nhị Thập Tứ Hiếu diễn ca)
43- Chữ Nôm khai sáng, Nguyễn Thuyên
44- Công Trứ dựng nghiệp dinh điền chẳng sai!
45- Tú Xương thơ phú biệt tài
46- Duy Tân chống Phàp, bị đày đảo xa
47- Mùng Năm Tết, giỗ Đống Đa
48- Nam Quan, Nguyễn Trãi nghe cha dặn dò
49- Trưng Vương xây dựng cơ đồ
50- Quang Khải: Hàm Tử “cầm Hồ” hiên ngang (Trần Quan Khải: Đoạt sáo Chương Dương độ. cầm Hồ Hàm Tử quan
51- Nguyễn Ánh tên huý Gia Long
52- Tướng Lê Văn Duyệt, Lăng Ông phụng thờ
53- Lạc Long kết nghĩa Âu Cơ
54- Thánh Trần, Vạn Kiếp ngai thờ tử lâu
55- Đời Hùng: Lạc Tướng , Lạc Hầu
56- Long Hồ thủy chiến, tướng Châu bỏ mình (Châu Văn Tiếp)
57- Nguyễn Bỉnh Khiêm, tức Trạng Trình
58- Tri Phương, phò mã hy sinh thủ thường (Nguyễn Tri Phương và phò mã Nguyễn Lâm)
59- Triệu Quang Phục, Dạ Trạch Vương
60- Chu thần thảo sớ chém phường nịnh gian (Chu thần tức Chu Văn An)
61- Nguyễn Trãi vì rắn thác oan
62- Nhân Tông triệu tập Diên Hồng đánh Nguyên (Trần Nhân Tông)
63- Lộc Tục dòng dõi Đế Minh (Lộc Tộc tức Kinh Dương Vương)
64- Mất thành, Thanh Giản quyên sinh cùng đường! (Cụ Phan Thanh Giản để mất thành
Vĩnh Long)
65- Mười tháng ba, Giỗ Hùng Vương
66- Tháng hai mồng sáu Nhị Trưng trầm mình
67- Tản Viên ngự trị Sơn Tinh (Tản Viên thuộc dẫy núi Ba Vì ở Hà Tây).
68- Sông Đà núi Tản bút danh thi hào
69- Trăm con một bọc : Đồng Bào
70- Phan Bội Châu khởi phong trào Đông Du
71- Hoàng Hoa Thám lập chiến khu
72- Lê Thánh Tông mở Hội Thơ Tao Đàn
73- Quang Bình giữ nước đuổi Thanh (Nguyễn Quang Bình tức Nguyễn Huệ)
74- Ngọa triều Long Đĩnh khiến tàn Tiền Lê.
75- Hoá Giang Hưng Đạo hẹn thề
76- Mười năm Lê Lợi một bề đuổi Minh
77- Thục Phán được móng rùa thiêng (Thục Phán An Dương Vương)
78- Thường Kiệt đánh Tống bình Chiêm lẫy lừng (Lý Thường Kiệt tức Ngô Tuấn)
79- Lương Đắc Bằng dâng sách “Trị Bình”
80- Đĩnh Chi tướng xấu, ví mình hoa sen (Mạc Đĩnh Chi)
81- Mạc Cửu dựng đất Hà Tiên
82- Ngọc Quyến chống Pháp, Thái Nguyên bỏ mình (Lương Ngọc Quyến)
83- Quy Nhơn, Võ Tánh hy sinh
84- Đại Việt Sử Ký, công trình họ Ngô (Ngô Sĩ Liên soạn bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đời Lê)
85- Lê Văn Duyệt bị san mồ
86- Đồ Chiểu tác giả lòa mù “Vân Tiên” (Nguyễn Đình Chiểu)
87- Đại Từ nổi tiếng Hải Thần (Nguyễn Hải Thần,hoạt
động cách mạng chống Pháp)
88- Nhữ Học in sách, ân cần dạy dân. (Lương Nhữ Học)
89- Trường Tộ, cải cách điều trần. (Nguyễn Trường Tộ, thời vua Tự Đức)
90- Vua Quang Trung sánh Ngọc Hân chung tình
91- Cao Bá Quát chống Triều Đình
92- Duy Từ đắp lũy, đào kinh bậc thầy (Đào Duy Từ)
93- Phan Kế Toại lãnh ấn Khâm Sai
94- Trương Chi tiếng hát đọa đầy Mị Nương
95- Hải Thượng y thuật danh nhân
96- Lời thề sông Hóa thánh Trần diệt Mông (Trần Hưng Đạo)
97- Khánh Dư nổi tiếng Vân Đồn (Trần Khánh Dư)
98- Trạng Trình ẩn dât chẳng còn lợi danh
99- Mùa Xuân Kỷ Dậu đuổi Thanh
100- Dân quyền, dân chủ an lành Việt Nam.
-@Góc nhìn An-Nam
Nguyen Hien
Nguồn bài viết : Thu Hương.
Có thể là hình ảnh về con voi và văn bản cho biết 'SOẠN- GIẢ PHẠM VĂN- TRỌNG, HUỲNH VĂN ĐỒ QUỐC Sử LỚP TƯ huongmaitr BỘ QUỐC-GIA GIÁO- DỤC XUẤT-BẢN XUẤT- BẢN'
NTất cả cảm xú

Thứ Hai, 30 tháng 10, 2023

NHẠC XƯA

 NHẠC XƯA

ST
Quê em BIỂN MẶN dừa xanh
Sóng tình HOA BIỂN dổ dành người thương
KIẾP NGHÈO một nắng hai sương
LỐI VỀ XÓM NHỎ cuối đường cầu tre
Đượm nồng TÌNH THẮM DUYÊN QUÊ
Rung rinh GÁNH LÚA hẹn thề đêm trăng
NƯƠNG CHIỀU khói toả lều tranh
Vài con BƯỚM TRẮNG lượn quanh liếp cà
HƯƠNG THẦM còn mãi TÌNH XA
BUỒN VƯƠNG MÀU ÁO còn ra nổi này
CON THUYỀN KHÔNG BẾN có hay
THU SẦU, CHIỀU TÍM tháng ngày đơn côi
TRĂNG MỜ BÊN SUỐI ngàn đời
Sao MÙA THU CHẾT còn rơi rớt nhiều
ĐÈN KHUYA một bóng cô liêu
MÙA THU CÒN ĐÓ tình yêu ngỡ ngàng
ĐÒ CHIỀU chưa tiễn người sang
NỔI LÒNG sao biết THIÊN ĐÀNG ÁI ÂN
TRÚC ĐÀO rụng khắp đầy sân
DUYÊN QUÊ mong gặp một lần cho vơi
NỔI BUỒN HOA PHƯỢNG trong đời
DẤU CHÂN KỶ NIỆM một thời học sinh
Và TRANG NHẬT KÝ riêng mình
Làm sao có được chuyện TÌNH THIÊN THU
CÔ ĐƠN nhìn GIỌT MƯA THU
Nghe như TUYẾT LẠNH âm u sao đành
Lật từng LƯU BÚT NGÀY XANH
Thấy như LỆ ĐÁ vây quanh NỖI NIỀM
SẦU ĐÔNG chẳng phải của riêng
BÓNG CHIỀU TÀ nhạt, PHỐ ĐÊM hững hờ
ĐÒ CHIỀU chở mấy LÁ THƠ
KHUNG TRỜI TUỔI MỘNG, TÌNH BƠ VƠ sầu
Ôi NHỮNG ĐÓM MẮT HỎA CHÂU
NỬA ĐÊM NGOÀI PHỐ nhuốm màu thê lương
MONG NGƯỜI CHIẾN SĨ sa trường
Vào trong CÁT BỤI gíó sương không sờn
Để ai GIẤC NGỦ CÔ ĐƠN
NGƯỜI ĐẸP YÊU DẤU, DỖI HỜN phòng the
Từng đêm TRĂNG SÁNG VƯỜN CHÈ
TRĂNG MỜ BÊN SUỐI nghe se sắt lòng
CÔ ĐƠN, TÌNH NHỚ, phòng KHÔNG
NGHÌN TRÙNG XA CÁCH nhớ mong ngập trời
NẮNG CHIỀU giăng sợi đơn côi
GIỌT MƯA TRÊN LÁ khóc đời hợp tan
Bao giờ em bước SANG NGANG
GIỌT LỆ SẦU khóc CHIỀU HOANG VẮNG người
GA CHIỀU, NHƯ GIỌT SẦU RƠI,
TẦU ĐÊM NĂM CŨ biết NGƯỜI VỂ đâu
XÓM ĐÊM, TRĂNG RỤNG XUỐNG CẦU
TÌNH BUỒN biến SẮC HOA MÀU NHỚ thương
Cho em ĐÔI BÓNG bên đường
Chung HAI LỐI MỘNG một phương trời hồng
Sá gì ẢO ẢNH, ĐÊM ĐÔNG
NỔI BUỒN GÁC TRỌ chờ mong ngày về
NGĂN CÁCH, MẤY DẬM SƠN KHÊ
ĐƯỜNG XƯA LỐI CỦ trăng thề còn đây
Tình yêu CHIẾC LÁ THU PHAI
LÂU ĐÀI TÌNH ÁI không xây một mình
Từ ngày XẾP ÁO THƯ SINH
ANH ĐI CHIẾN DỊCH đăng trình nặng vai
NGẬM NGÙI cửa đóng then gài
NGƯỜI YÊU CỦA LÍNH không phai má đào
Lỡ khi BIẾT TRẢ LỜI SAO
TÌNH CHÀNG Ý THIÊP ai sầu hơn ai
Đượm nồng TIẾNG SÁO THIÊN THAI
KHÔNG BAO GIỜ CÁCH NGĂN hai mái đầu
Một lòng ĐỪNG NÓI XA NHAU
NGƯỜI YÊU LÝ TƯỞNG trọn câu vẹn thề
Rồi MỘT MAI QUA CƠN MÊ
HAI VÌ SAO LẠC đi về BẾN MƠ
VẮNG XA vẫn mãi ĐỢI CHỜ
Để em viết tiếp BÀI THƠ CUỐI CÙNG
Có ai THƯONG VỀ MIỀN TRUNG
QUÊ NGHÈO sỏi đá khốn cùng điêu linh
Lòng như KHÚC HÁT ÂN TÌNH
Trãi dài QUÊ MẸ nắng bình minh vui
MƯA TRÊN PHỐ HUẾ sụt sùi
CHO NGƯỜI TÌNH LỠ bùi ngùi vấn vương
VỀ ĐÂU MÁI TÓC NGƯỜI THƯƠNG
NƯẢ ĐÊM NGOÀI PHỐ lòng TƯƠNG TƯ sầu
Dẫu rằng HAI ĐỨA GIẬN NHAU
Vẫn không như thể QUA CẦU GIÓ BAY
Một lần TỪ GIÃ THƠ NGÂY
Là em NHƯ CÁNH VẠC BAY mất rồi
Dẫu cho CAY ĐẮNG, TÌNH ĐỜI
NGƯỜI EM SẦU MỘNG tuyệt vời yêu anh
Ân tình GẠO TRẮNG TRĂNG THANH
Làm sao NƯỚC MẮT LONG LANH cạn dòng
Bây giờ TRÊN ĐỈNH MÙA ĐÔNG
NGƯỜI EM XÓM ĐẠO chỉ mong một điều
Thương em HÃYNHỚ NHAU NHIỀU
Hãy xin LÝ LUẬN TÌNH YÊU thế nào
Cũng xin đừng VẪY TAY CHÀO
TÌNH YÊU TRẢ LẠI TRĂNG SAO thật buồn
MỘT LẦN DANG DỞ đau thương
THA LA XÓM ĐẠO thánh đường bơ vơ
Hằng đêm QUÁN NHỎ ĐỢI CHỜ
Ôm SẦU LẼ BÓNG vần thơ bẽ bàng
Còn đâu HOA SỨ NHÀ NÀNG
Gặp em trở lại CÔ HÀNG XÓM xưa
Còn đâu HUYỀN THOẠI CHIỀU MƯA
NHỮNG NGÀY THƠ MỘNG đón đưa hẹn thề
Em SAO KHÔNG THẤY ANH VỀ
MIỀN TRUNG THƯƠNG NHỚ tái tê lạnh nhiều
ĐÊM TÀN BẾN NGỰ cô liêu
AI RA XỨ HUẾ hắt hiu tháng ngày
Ôi chao THÀNH PHỐ MƯA BAY
KHÓC NGƯỜI TRINH NỬ đắng cay tình đời
HAI PHƯƠNG TRỜI CÁCH BIỆT rồi,
NGẬM NGÙI cắn chặt bờ MÔI TÍM màu
BAO GIỜ TA GẶP LẠI NHAU
NỔI BUỒN HOA PHƯỢNG giọt sầu ly tan
Anh XIN TRẢ LẠI THỜI GIAN
ĐƯA EM VÀO HẠ thênh thang vùng trời
THÔI thì ANH BIẾT EM ƠI
DƯ ÂM ngày MỘNG SẦU đời khó quên
CĂN NHÀ MÀU TÍM êm đềm
MỘT TRỜI THƯƠNG NHỚ làm nên CHUYỆN TÌNH
NÉT BUỒN THỜI CHIẾN điêu linh
Ráng đi em CHUYỆN CHÚNG MÌNH qua mau
TÌNH ANH LÍNH CHIẾN địa đầu
Trao em ÁO ĐẸP NÀNG DÂU mai này
CHIỀU MƯA BIÊN GIỚI có hay
ĐÊM BUỒN TỈNH LẺ tháng ngày héo hon
TÌNH YÊU CÁCH BIỆT mõi mòn
SAO ANH LỖI HẸN em còn đơn côi
Ngày MAI ANH ĐI XA RỒI
ĐÒ TÌNH LỠ CHUYẾN bờ môi nhạt nhoà
TÀU ĐÊM NĂM CŨ mấy toa
BIỆT LY như CHUYỆN TÌNH HOA TRẮNG tàn
NỔI LÒNG mang tận quan san
Là như vai nặng HÀNH TRANG GIÃ TỪ
Phương này VẦNG TRÁN SUY TƯ
Xem như PHÚT CUỐI, TẠ TỪ TRONG ĐÊM
Mà SAO EM NỞ ĐÀNH QUÊN
RỪNG CHƯA THAY LÁ, GỌI TÊN BỐN MÙA
Tiền đồn THÁNG SÁU TRỜI MƯA
Trọn tình thương nhớ CHO VỪA LÒNG EM
Trở về MỘT CHUYẾN BAY ĐÊM
VÙNG TRỜI NGÀY ĐÓ càng thêm mặn nồng
TẠ ƠN, TRĂNG SÁNG ĐỒI THÔNG
CƠN MÊ TÌNH ÁI phiêu bồng LÃNG DU
Ngõ hồn lạc lối VƯỜN THU
MỘT ĐÊM KHÔNG NGỦ ngục tù con tim
Ngày mai anh BIẾT ĐÂU TÌM
LINH HỒN TƯỢNG ĐÁ im lìm bơ vơ
Đắm chìm BIẾT ĐẾN BAO GIỜ
CHUYỆN NGƯỜI ĐAN ÁO đợi chờ đêm đông
Xin em ĐỪNG TRÁCH DIÊU BÔNG
BUỒN VƯƠNG MÀU ÁO má hồng chưa phai
Sao em NHƯ TIẾNG THỞ DÀI
NGHẸN NGÀO đắng GIỌT LỆ ĐÀI TRANG tuôn
Để cho TỪ ĐÓ EM BUỒN
NẾU MAI ANH CHẾT chim muôn gọi đàn
TÌNH YÊU VỖ CÁNH băng ngang
GA CHIỀU PHỐ NHỎ đèn vàng xót xa
TÌNH NGHÈO mang KIẾP CẦM CA
ĐIỆU RU NƯỚC MẮT phòng trà từng đêm
THỀM TRĂNG còn đọng môi mềm
GIỌNG CA DĨ VÃNG buồn thêm nản lòng
Cho em BẢY NGÀY ĐỢI MONG
SAO ANH KHÔNG ĐẾN phòng không cuối tuần
Anh còn VỌNG GÁC ĐÊM SƯƠNG
CHIỀU MƯA BIÊN GIỚI còn vương giặc thù
BỐN VÙNG CHIẾN THUẬT mật khu
Bên RỪNG LÁ THẤP sương mù giăng giăng
Trên đồi HOA TÍM BẰNG LĂNG
NHỚ MẦU HOA TÍM đêm trăng thuở náo
Chuyện tình HÒ HẸN trăng sao
PHÚT ĐẦU TIÊN ấy nghe xao xuyến lòng
LẶNG THẦM, HOA RỤNG VEN SÔNG
Ngập ngừng GÕ CỬA hằng mong trao nàng.
Nguồn: Quí Nguyễn.