TRỐNG CƠM .... KHÔNG PHẢI TRỐNG CƠM
Trên mạng xã hội, tôi từng có lần hỏi 500 anh em Facebooker rằng “con xít là con gì?”. Các bạn đã trả lời rất nghiêm túc, để biết trên đời có con xít/sít thật. Rất cám ơn các bạn, nhưng dường như nhiều bạn không chú ý tôi hỏi “con xít” là cái con xít trong bài dân ca quan họ Trống cơm cơ (trừ có 2-3 bạn bảo bài hát phải là “con nít”).
Về bài hát Trống cơm, xin thưa thế này: Tôi sinh ra và lớn lên ở đồng bằng sông Hồng, gần xứ Kinh Bắc. Thuở nhỏ, toàn thấy người lớn hát và dạy hát là “con nít” chứ không phải là “con xít”. Các bậc cao niên thì bảo: Hát trống cơm nhưng không phải là nói cái trống cơm.
Toàn bộ bài thơ dân ca như sau:
“Trống cơm ai vỗ nên bông
Một bầy con nít lội sông đi tìm
Thương ai con mắt lim dim
Một bầy con nhện đi tìm giăng tơ
Duyên nợ khách tang bồng”.
Chỉ có đúng một câu đầu nói về cái trống cơm. Còn lại toàn nói chuyện tính chuyện tình. Chuyện tình duyên này là “duyên nợ khách tang bồng”. Muốn phân tích để hiểu bài thơ dân gian này, phải đi từ cuối lên đầu, đi từ kết quả lần về nguyên nhân. Điển cố văn học cả dân gian và bác học khi nói đến “con nhện giăng tơ”, thì rõ không phải tơ nhện, mà là tơ duyên.
Vậy chuyện tơ duyên ở đây cụ thể là cái gì? Hồi còn nhỏ, tôi thấy các vị cao niên bảo rằng: Bài hát trống cơm là diễu vui người đàn bà chửa (miền Nam gọi là mang bầu). Cái trống cơm khi sử dụng thì đeo trước bụng, còn cái trống cơm do “tình bằng” mà có thì là cái trống người đàn bà đeo nó suốt 9 tháng 10 ngày. Khi nghe hát “một bầy (tang tình) con nít, (nó mới lội, lội…) lội sông (nó mới) đi tìm” thì hầu hết người ta hiểu rằng đám con nít này lội sông tìm về nơi có tiếng trống. Và chính sự hiểu này dẫn đến người ta thay từ “con nít” bằng “con xít/sít”, một loài chim lội nước. Không đơn giản thế. Đám con nít này xuất phát từ hư vô, chúng lội qua con sông đời để đi tìm về cái trống của người đàn bà. Thế đấy.
Đến lượt con nhện, thì chúng giăng tơ tìm về đôi mắt người đàn bà, khiến nó lim dim. Cái tơ con nhện giăng ở đây cũng là cái tơ duyên ảo diệu. Ai sung sướng cũng lim dim, thông thường là thế. Bài hát còn chỉ rõ hơn là bài thơ nguyên bản: “em nhớ thương ai, con mắt (nó mới) lim dim”. Toàn bộ bài thơ cũng như bài hát không hề có câu nào thừa. Câu nào cũng có công dụng của nó. Kể cả những từ đệm vào theo truyền thống quan họ: Tình bằng, khen ai, ấy mới, tang tình, thương ai… khiến cho âm nhạc biểu cảm sự châm chích vui vẻ mà rộn ràng. Nếu ai đó bảo bài hát nói về trống cơm thì vô lý. Loại nhạc cụ này dùng cơm căng mặt trống, dùng trong lễ tiết, kể cả việc tang ma. Nhưng bài trống cơm quan họ lại tinh nghịch, vui vẻ, dí dỏm. Đi xa hơn giai thoại nói bài Trống cơm là chế người đàn bà chửa, có ông còn bảo đó là người đàn bà chửa hoang ngày xưa. Cho nên mới có câu “duyên nợ khách tang bồng”. Cái trống mà người đàn bà mang đây là cái duyên nợ của một người đã đi đâu rồi, là “khách tang bồng”, tức là khách đi xa rồi không biết ở đâu.
Nguồn gốc dân ca quan họ còn tranh cãi nhiều, nhưng rõ ràng ca từ của các bài ca đầy tính bác học. Tu từ rất chỉnh. Mẫu mực về thể loại giao duyên. Dân ca đồng bằng sông Hồng và miền núi phía bắc phần lớn là vui tươi, giao duyên (không như miền Trung, miền Nam còn có âm hưởng oán thán, buồn bã). Nhiều bài quan họ nói chuyện tình duyên đầy ý nhị, kín đáo, như cái duyên thầm phụ nữ mà người xưa từng tôn thờ. Xe chỉ luồn kim, không chỉ là chuyện kim chỉ. Ngồi tựa mạn thuyền không chỉ là mạn thuyền, bèo dạt mây trôi đâu chỉ là chuyện bèo mây…
Chuyện trống cơm không phải phát kiến của tôi. Chỉ là nhớ lại một giai thoại về một bài hát. Dường như đang có một sự đứt gãy về tinh thần nào đó (điều này không dám lạm bàn)…
Nguyễn Xuân Hưng (nhà văn)
(Chuyển bài từ FB Thầy Lê Văn Thông)
ảnh: thuhuong st
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét