Thứ Tư, 24 tháng 8, 2022

Một số từ ngữ liên quan đến tang lễ.

 Một số từ ngữ liên quan đến tang lễ.

Có người hỏi tôi: Khi có người từ trần thì người trong gia đình viết “cáo phó”. Vậy “cáo phó” nghĩa là gì? (Cáo phó còn có thể đọc là “phó cáo”).
Cáo có nghĩa là bảo, nói với, nói ra, báo cho biết, trình, thưa, gửi. Phó là báo tin có tang. Cáo phó là báo tang, thư báo tang.
Hiện nay trên trang thông tin của nhiều Giáo phận ở Việt Nam khi báo tin một người nào đó chết ghi là “ai tín” (tin buồn) chứ không ghi là “cáo phó”. Nếu người chết là cha mẹ của một linh mục hoặc tu sĩ đang sinh sống trong giáo xứ thì ở cuối ai tín về góc tay trái có ghi hai chữ “Hiệp thỉnh” và bên dưới ghi danh tính của linh mục chánh xứ của giáo xứ người qua đời. Thỉnh có nghĩa là mời. Thỉnh khách là mời khách. Người xưa nói: “Hữu thỉnh hữu lai, vô thỉnh bất đáo” (Có mời có đến, không mời không đến). Hiệp thỉnh có nghĩa là cùng mời, đồng mời. Ai tín khác với thiệp mời. Ai tín chỉ là cái thư báo tin cho nên ai có thể đến tang gia chia buồn thì đến, còn không đến được thì góp lời cầu nguyện cho linh hồn người quá cố mau về hưởng nhan thánh Chúa. Nếu linh mục chánh xứ muốn có tên trong ai tín để tăng thêm giá trị thì thay vì ghi “Hiệp thỉnh” thì ghi “Đồng kính báo” như vậy nó sẽ hợp lý hơn!
Cuối cáo phó nhiều gia đình ghi: “Tang gia đồng khấp báo”. Có người cho rằng dùng chữ “khấp” là sai , phải dùng “khóc” mới đúng. Trong tiếng Hán, “khấp” có nghĩa là khóc không ra tiếng (khóc trong lòng), còn “khốc” mới là khóc thành tiếng.
Thi hài người chết trước khi đặt vào quan tài được “khâm liệm”. Khâm là cái chăn đắp thi thể người chết. Liệm là bó thi thể người chết bằng vải. Sau đó là “tẫn liệm”. Xác người chết được đặt vào quan tài gọi là “tẫn liệm”. Nhiều nơi vẫn còn lẫn lộn gọi là “tẩm liệm”(Tẩm có nghĩa là ngâm, nhúng, tẩm. Thi hài người chết đâu có ướp, ngâm, tẩm dung dịch gì trước đặt vào quan tài mà gọi là “tẩm”?). Xác chết đã liệm nhưng chưa chôn gọi là “tẫn”, còn có thể đọc là “thấn; tấn”. Đem quan tài đi chôn gọi là “xuất tấn”. Xác chết nhập quan mà chưa đi chôn cũng được gọi là “yên cữu” (áo quan để xác chết gọi là “cữu”).
Trong lúc trò chuyện với anh chủ dịch vụ tang lễ tại một đám tang công giáo, tôi nói với anh ta là trong tờ cáo phó có ghi mục “Lễ động quan” kế đến là “Lễ di quan”, riêng với tín đồ công giáo không có nghi thức “động quan”. Đối với lương dân họ có nghi thức “động quan”. Trước khi “xuất tấn” khoảng vài ba giờ có lễ động quan, có nghĩa là xê dịch quan tài một chút, thường là xoay quan tài một vòng rồi để lại chỗ cũ.
Trước đây hơn chục năm, người công giáo vẫn tuân theo Thọ Mai gia lễ là sau khi nhập liệm mới tiến hành lễ thành phục hay còn gọi là phục tang. Hiện nay nhiều giáo xứ lại chuyển nghi thức phục tang trước lễ nhập liệm. Tang lễ của giáo dân ở Tổng Giáo phận Huế vẫn còn tuân giữ theo Thọ Mai gia lễ của dân tộc Việt Nam. Hiện nay Giáo hội Công giáo Việt Nam hô hào “hội nhập văn hóa dân tộc”, cho nên chúng ta không nên phá vỡ nghi lễ truyền thống bao đời của dân tộc ta.
Trong hai ba mươi năm trở lại đây, nhiều gia đình xin lễ giáp 49 ngày sau khi người thân mất. Tôi đã đặt câu hỏi với những người này: Tại sao ông/ bà không xin lễ vào ngày thứ 48 hoặc ngày thứ 50 mà lại phải xin lễ vào ngày thứ 49 sau khi người thân mất? Tôi đã nhận được câu trả lời: Thấy người ta xin lễ 49 ngày, tôi cũng thực hiện như vậy!
Đối với tín đồ Phật giáo họ tin rằng thời gian 49 ngày sau khi chết gọi là “thọ thân trung ấm” có nghĩa là nhiều người chưa được đầu thai cho nên linh hồn còn lẩn quẩn quanh quất đâu đó. Do đó ngày thứ 49 là ngày quyết định để linh hồn tái sinh vào lục đạo luân hồi (6 cõi luân hồi): Cõi trời; cõi thần; cõi người; cõi súc sinh; cõi ngạ quỷ; cõi địa ngục. Do đó ngày thứ 49 sau khi người thân trong gia đình mất, các gia đình Phật giáo thường mời chư tăng đến nhà cúng kinh cầu siêu cho người thân quá cố được tái sinh vào một trong 3 cõi đầu của 6 cõi.
Nếu chúng ta xin lễ cầu cho người quá cố vào ngày thứ 49 sau khi mất, thì tín đồ Phật giáo họ cũng nhầm tưởng bên Công giáo vẫn tin có thời gian gọi là “thọ thân trung ấm”. Giáo lý công giáo dạy không có luân hồi, có nghĩa là Thiên Chúa phán xét ngay lập tức sau khi linh hồn lìa khỏi xác: sống lành thì vào Thiên đàng; sống dữ thì vào Hỏa ngục; những người phạm lỗi nhẹ thì vào luyện ngục.
Giáo dân đến xin lễ giáp 49 ngày, các linh mục vẫn nhận bổng lễ mà không giải thích cho giáo dân hiểu rõ việc xin lễ giáp 49 ngày sau khi mất sẽ làm cho tín đồ Phật giáo hiểu nhầm về giáo lý công giáo. Do đó việc xin lễ giáp 49 ngày hiện vẫn còn tiếp diễn.
Theo Thọ Mai gia lễ sau khi chết được 100 ngày thì gia đình làm Lễ Tốt khốc, có nghĩa là đến ngày này thôi khóc, bớt nhớ thương. Ngày này tế lễ một tiệc, rồi thôi không cúng cơm nữa. Người công giáo Việt Nam cũng có thói quen xin lễ giáp 100 ngày sau khi mất. Việc làm này hợp với truyền thống văn hóa dân tộc
Hiện nay là thời đại thông tin toàn cầu, cho nên việc dùng từ ngữ cũng cần phải chính xác. Trong tang lễ người công giáo Việt Nam cần phải loại bỏ những nghi thức mê tín và tiếp tục duy trì những nghi thức của dân tộc hợp với giáo lý công giáo.
Nguyễn Văn Nghệ
Giáo xứ Cây Vông – Nha Trang
Có thể là hình ảnh về hoa và văn bản

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2022

Ý Lực Sống 59: HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG . . . “TRONG LÒNG”

 Ý Lực Sống 59 :

Lm. Phê rô Nguyễn Văn Đông.

HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG . . .
“TRONG LÒNG”
1. Chúa Giêsu đã phát biểu câu bất hủ này :
“Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng “. (Mt 11,29)
Sao Chúa không dạy con người làm phép lạ hay chữa bệnh ? Những việc này thì Chúa làm thành thạo quá chừng luôn mà ? Giá mà Chúa dạy ta biết làm phép lạ như Chúa thì hay biết mấy ! Sống hiền lành và khiêm nhường thì thiệt thòi lắm lận ! Rồi nếu như khi mình bị yếu thế hay bị lép vế thì mình “giả vờ” khiêm nhường hay hiền lành, “nín thở qua sông”, nhiều người làm như thế cho qua giai đoạn, thì Chúa cũng không chịu ! Chúa dạy là ta phải hiền lành và khiêm nhường thứ thiệt cơ, nghĩa là phải phát xuất tự đáy lòng mình. “Quia mitis et humilis corde “. Cor tiếng Latinh là trái tim, “CORDE” có nghĩa là từ trái tim.
2. Nghĩa thông thường của 2 từ Hiền Lành và Khiêm Nhường:
* Hiền Lành là Tốt Bụng , không có hành vi gây hại ai, hay giúp đỡ người khác. Cũng có người sống “hiền khô” luôn ! Nghĩa là hiền lắm, không biết giận, không đánh đập ai, không nặng lời với người khác.
* Khiêm Nhường ( Khiêm Tốn): Người Khiêm Tốn là người biết thừa nhận sự tầm thường của bản thân mình, chấp nhận mình như mình là , và, cũng chấp nhận điều hay mình có, để tạ ơn Chúa.
3. Kiêu Ngạo là ngược lại với Khiêm Nhường.
Kiêu ngạo (Kiêu căng) : Người kiêu căng luôn tự cho bản thân mình là giỏi hơn người khác và coi thường họ.
Trong giáo lý Công giáo có 7 tội được gọi là Bảy Tội Đầu. Tội đầu là tội “đầu sỏ” vì nó kéo theo nó nhiều tội khác. Tội đầu tiên của 7 tội “đầu sỏ” là tội kiêu ngạo ! Thế mới biết kiêu ngạo là nguy hiểm như thế nào.
Thế giới hiện nay có dư thừa người kiêu căng mà lại rất thiếu và rất cần người biết sống khiêm nhường.
Những người kiêu ngạo đã gây đau khổ cho nhân loại biết chừng nào. Người kiêu ngạo không bao giờ thấy mình có lỗi, họ luôn cho mình làm đúng mặc dù mọi người xung quanh đều thầy họ làm sai !
Cha ông mình xưa nay luôn quả quyết rằng : “Ác giả, ác báo !” Những điều như vậy ai cũng thấy được. “ Thiện ác đáo đầu chung hữu báo” là rõ như ban ngày.
4. Mình biết được nước Nga qua những con người vô cùng vĩ đại : Chẳng hạn như Tolstoy(1828-1910), cuốn sách nổi tiếng trên thế giới là Chiến Tranh và Hoà Bình; chẳng hạn như Dostoevsky (1821-1881); chẳng hạn như Gorky (1866-1936); chẳng hạn như Solzhenitsyn (1918-2008), giải Nobel 1970. . . Nước Nga bây giờ có một tổng thống tên là Putin ! Những việc ông tổng thống Putin làm chỉ làm hại cho nước Nga, gây chết chóc đau thương cho người dân Ucraine, gây đổ nát điêu tàn cho khắp nước Ucraine ! Người Pháp có câu này rất đúng : La guerre, c’est la faute des grands, Nghĩa là chiến tranh là do lỗi của những người làm lớn ! Những người nông dân chơn chât làm sao mà gây nên chiến tranh được ?
Người Nga cao tuổi Gorbacbev (1931) cựu tổng thống Liên bang Xô viết (1985-1991), Giải thưởng Nobel Hoà Bình 1990 đang sống tại Mỹ, vừa rồi có tuyên bố : Tổng thống Putin đã đánh mất nước Nga rồi. Và theo mình nghĩ thì đúng là nước Nga hùng vĩ, nước Nga vĩ đại ngày nào đã mất thật rồi ! Và giả như mà Nga thắng trong trận chiến này ,thì người Nga dùng cái nước Ucraine đổ nát điêu tàn đó để làm gì ? Rồi người dân Ucraine lòng đầy căm thù đó thì làm sao mà Putin “cải tạo” cho được ? Lịch sử nhân loại đã không thiếu những kinh nghiệm như thế ! Chỉ có những kẻ kiêu căng, những tay bạo chúa là không chịu thấy ! ! Tội kiêu ngạo là tội đầu sỏ kéo theo nhiều tội khác là chính xác.
Lạy Chúa , Chúa đã dạy chúng con bài học rất dễ học mà rất khó thực hiện là sống hiền lành và khiêm nhường. Xin cho chúng con biết khiêm nhường để học cùng Chúa bài học rất quý giá này. Amen
Có thể là hình ảnh về 2 người, mọi người đang đứng và ngoài trời

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2022

TỦ SÁCH TUỔI HOA - NGUYỄN TRƯỜNG SƠN.

 Ngày này cách đây 7 năm vào Mùa hè 2015, nhà văn Nguyễn Trường Sơn, người anh cả sáng lập, điều hành và cũng là tác giả Tủ sách Tuổi Hoa đã trút hơi thở cuối cùng và từ trần tại Pháp hưởng thọ 98 tuổi, và thật trùng lập cách đây 1 năm trước ad cũng đã từng viết về cuộc đời của ông ,hôm nay ad sẽ viết những gì còn sót lại về ông.

Hoa Đỏ, Hoa Tím, Hoa Xanh, những từ giản dị, không phải nói về những loại hoa nào đó mà là về một tủ sách, khi vang lên luôn nhắc nhớ về kỷ niệm hồi mới lớn của cả một thế hệ sống ở miền Nam trước 1975, lớp độc giả miền Nam yêu thích tủ sách này, nay đã bước sang tuổi 50, 60 vẫn còn nhớ những cái tựa gợi cảm, mang đầy âm hưởng gây háo hức, đó là Mật lệnh U đỏ, Chiếc lá thuộc bài, Khúc Nam Ai, Thiên Hương, Lữ quán giết người... và tên những tác giả Hoàng Đăng Cấp, Minh Quân, Bích Thủy, Kim Hài, Thùy An, Nguyễn Thái Hải... Khi tình cờ thấy lại được một cuốn sách cũ của tủ sách này, tất cả kỷ niệm đẹp đẽ như ùa về, cái thuở trong sáng đầy mơ ước hướng thiện.
Nhà xuất bản Tuổi Hoa với tủ sách Tuổi Hoa, chủ biên là ông Nguyễn Trường Sơn khai sinh, nuôi dưỡng và phát triển tủ sách này. Bước ban đầu, tủ sách này in vài quyển, “hình thức cố cho sạch sẽ, nội dung là để giải trí lành mạnh, các em tuổi 14 đến 16” (trả lời phỏng vấn của báo Bách Khoa), lúc đầu là sách của nhà văn Nguyễn Trường Sơn, cuốn Con tàu bí mật và sách của vài người bạn thân. Sau khi in được tám quyển đầu, tủ sách nhận được nhiều thư của các bậc phụ huynh khích lệ và được các độc giả nhỏ tuổi rất thích. Đến năm 1962, bán nguyệt san Tuổi Hoa được phép phát hành và sau đó Tủ sách Tuổi Hoa ra đời, tuy nhiên, lúc đầu tủ sách chỉ đủ sức cho ra rải rác một số quyển.
Theo nhà văn Nguyễn Trường Sơn trả lời trên báo Bách Khoa, đến năm 1966 - 1967, được sự hỗ trợ và khuyến khích của nhà văn Minh Quân, tủ sách ra sách đều đặn hơn, trung bình mỗi tháng một cuốn. Lúc đầu, mỗi cuốn in 3.000 bản bán không hết, sau in tới 5.000 bản/cuốn và bán ngon lành. Giá bán từ 30 đồng, cao nhất là 60 đồng. Nhiều người lấy làm lạ vì số trang nhiều, in đẹp, bìa offsette tươi rói mà sao bán giá rẻ vậy. Tuy vậy, người hưởng lợi nhiều nhất là nhà phát hành hưởng chiết khấu tới 45%, không khác chi hiện nay.
Sách Tuổi Hoa chia làm ba loại: Hoa Đỏ, Hoa Xanh và Hoa Tím. Hoa Đỏ là loại sách trinh thám, phiêu lưu, mạo hiểm. Hoa Xanh thuộc loại tình cảm nhẹ nhàng. Hoa Tím đã xuất hiện tình cảm giữa nam nữ một cách trong sáng dành cho tuổi từ 16 đến 18. Biểu trưng của tủ sách là bông hoa tám cánh do họa sĩ Vi Vi vẽ. Nhà văn Nguyễn Trường Sơn tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương, nên rất chú ý đến tính mỹ thuật của các ấn bản. Với “bút lực” của họa sĩ Vi Vi ngày càng phát triển, bìa các cuốn sách Tuổi Hoa ngày càng đẹp rực rỡ. Về nội dung, có sự hỗ trợ rất lớn của nhà văn Minh Quân từ việc quan trọng nhất là khai thác bản thảo, như giới thiệu nhà văn Nguyễn Hiến Lê viết cho tủ sách này (cuốn Bí mật dầu lửa) và mời một nhà phê bình kiếm hiệp viết truyện kiếm hiệp để “đả” loại kiếm hiệp hoang đường đang hoành hành lúc đó, lúc đầu, Tủ sách Tuổi Hoa có một số cuốn được viết theo dạng “phóng tác”, tức là dựa vào một cuốn tiểu thuyết nước ngoài và Việt hóa từ nhân vật cho đến bối cảnh trong truyện (Phải chăng đó là cách thức để hình thành những bản thảo khi đội ngũ viết cho tủ sách ban đầu hầu như không phải là nhà văn chuyên nghiệp?).
- Ví dụ như truyện Thiên Hương phỏng theo truyện Tombée du Ciel của Henry Winterfell, truyện Pho tượng rồng vàng phóng tác theo một truyện trinh thám của nước ngoài.
Nhà văn Kim Hài và nhà văn Thùy An (học chung một lớp tại Trường trung học Phan Chu Trinh, Đà Nẵng, sau đó cùng Khoa Địa chất, Đại học Khoa học Huế) cùng bắt đầu cộng tác với Tuổi Hoa cũng từ khâu “phóng tác” một tác phẩm của nước ngoài. Cuốn sách đầu tiên của hai chị ra đời mang tên Nắng lụa, ký tên Dạ Thanh, với bối cảnh xảy ra ở Huế. Nhuận bút cuốn đó trị giá ngang một lượng vàng. Sau đó, chị Kim Hài tiếp tục viết cuốn Khúc Nam Ai, lấy cảm hứng sau khi đọc một cuốn truyện dịch của chủ bút Nguyễn Trường Sơn đưa xem. Đó là lúc chị bắt đầu muốn viết những điều mình ấp ủ và trải nghiệm. Từ đó, ông Nguyễn Trường Sơn không đưa cho chị phóng tác bất cứ truyện dịch nào nữa mà chỉ nói “Kim Hài viết đi!”.
Nhà văn Thùy An trong năm 1970 viết cuốn truyện đầu tay là Vùng biển lặng (Tủ sách Hoa Xanh) và Hoa bâng khuâng (Hoa Tím). Từ đó, chị viết tất cả 9 cuốn sách cho tủ sách này cho đến năm 1975 như: Mây trên đỉnh núi, Hoa nắng (Hoa Xanh), Hoa bâng khuâng, Con đường lá me, Chân dung hạnh phúc, Như nắng xuân phai, Vườn cau nước dâng, Tiếng dương cầm. Nhà văn Kim Hài viết tổng cộng 7 cuốn cho tủ sách này, từ cuốn Khúc Nam Ai (1971), sau đó là Người dưng khác họ (Hoa Xanh), Cánh gió, Gợn sóng (Hoa Tím)...,khoảng đầu thập niên 1970, nhờ các tác giả trẻ xuất hiện trong tủ sách và có sự đóng góp của một số nhà văn nổi tiếng, uy tín tủ sách ngày càng vững vàng.
Tủ sách như một sân chơi tâm huyết cho những nhà văn, nhà giáo muốn dẫn dắt lứa độc giả nhỏ tuổi bước vào cuộc sống với lòng yêu thương dành cho cuộc sống, người thân, bạn bè và lớn hơn cả là tình yêu quê hương đang trong khói lửa chiến tranh.
Sài Gòn Xưa
===========
+3

MỘT NGƯỜI CHA VĨ ĐẠI

 MỘT NGƯỜI CHA VĨ ĐẠI

Cha tôi vốn là một người rất vui tính. Nhưng hôm đó, thái độ của ông rất lạ. Ông lặng lẽ gắp thức ăn và giục chúng tôi ăn. Chúng tôi biết ông có việc gì hệ trọng lắm.
Mẹ tôi sinh được ba anh em tôi: hai trai, một gái. Hiện nay, tất cả chúng tôi đã trưởng thành và đã có gia đình riêng. Tôi có thể tự hào rằng, anh em tôi đã biết sống cho nhau mặc dù cuộc sống của chúng tôi trước kia vô cùng khó khăn.
Tôi nhớ cách đây bảy năm, khi người em út của chúng tôi xây dựng gia đình riêng được một năm thì cha tôi làm một bữa cơm và gọi ba anh em chúng tôi đến. Cha tôi vốn là một người rất vui tính. Nhưng hôm đó, thái độ của ông rất lạ. Ông lặng lẽ gắp thức ăn và giục chúng tôi ăn. Chúng tôi biết ông có việc gì hệ trọng lắm.
Sau bữa cơm, ông bắt đầu câu chuyện. Ông hỏi chúng tôi lâu nay có nghe thiên hạ nói gì về gia đình mình không. Nhất là từ sau ngày mẹ chúng tôi qua đời. Chúng tôi thưa với ông là chúng tôi không nghe thấy điều gì cả. Ông im lặng rất lâu, sau đó cất tiếng hỏi: "Có bao giờ các con nghe ai đó nói bố không phải bố đẻ của các con không?". Khi nghe ông hỏi vậy, anh em chúng tôi hết sức ngạc nhiên. Hai đứa em tôi không hề biết gì về chuyện này. Nhưng tôi có nghe một người bạn nói rằng tôi không phải là con của ông. Ngày ấy, tôi đã hỏi mẹ tôi. Bà nhìn tôi ngỡ ngàng một lúc lâu rồi nói là không có chuyện như thế.
Rồi mẹ tôi mất sớm khi chưa đến năm mươi tuổi. Từ đó đến lúc này, bố tôi một mình nuôi dạy và lo chuyện nghề nghiệp cho đến dựng vợ gả chồng cho ba anh em tôi. Ba anh em tôi nói với ông đừng nghĩ gì về những lời đồn thổi không thiện chí của thiên hạ. Ông nhìn chúng tôi hết sức nghiêm nghị và nói: "Hôm nay là ngày quan trọng, bố cho gọi ba anh em đến đây để nói cho các con biết một điều vô cùng hệ trọng. Cả ba anh em con đều không phải do bố sinh ra".
Chưa bao giờ tôi lại gặp một câu chuyện bất ngờ đến như thế. Sau những phút bàng hoàng, cả ba anh em chúng tôi biết rằng điều ông nói hoàn toàn là sự thật. Lúc đó, anh em chúng tôi đều khóc. Ông cũng khóc. Ông nói, không biết việc ông giữ kín chuyện hệ trọng đó với chúng tôi cho tới ngày nay có tốt hay không: "Khi bố tin các con đã trưởng thành và có suy nghĩ chín chắn thì bố mới dám nói điều này cho các con biết. Dù thế nào thì trước sau bố cũng phải nói cho các con. Các con có quyền phán xét bố. Nhưng bố rất hạnh phúc vì đã được sống cùng các con, đã nuôi dạy các con thành những người tốt cho xã hội".
Rồi sau đó, ông cho chúng tôi biết ai là cha đẻ của chúng tôi. Đến lúc này chúng tôi mới biết ba anh em chúng tôi là ba anh em cùng mẹ khác cha. Chúng tôi thực sự bàng hoàng khi biết ba anh em chúng tôi có những người cha khác nhau. Lúc đó, chúng tôi vừa thấy đau đớn vừa thấy xấu hổ. Sau đó chúng tôi hỏi ông tại sao mẹ chúng tôi lại làm như thế. Ông nói với chúng tôi đừng nghĩ khác về mẹ chúng tôi. Rồi ông kể cho chúng tôi nghe toàn bộ câu chuyện.
Cha chúng tôi không có khả năng sinh con. Ông đã nhiều lần khuyên mẹ chúng tôi xây dựng gia đình với người khác. Mẹ tôi kiên quyết phản đối ông. Nhưng khát khao có một đứa con đã thúc đẩy bố mẹ tôi nuôi một người con nuôi. Song đứa bé đã không sống được vì một căn bệnh hiểm nghèo. Sau đó mẹ tôi đi xem bói. Thầy bói nói mẹ tôi không thể có con nuôi, vì nuôi con nuôi nếu con không chết thì mẹ chết. Sợ quá, mẹ tôi không dám tìm xin con nuôi nữa.
Đến một ngày, mẹ tôi quyết định xin một người đàn ông quen biết một đứa con. Thế là tôi được sinh ra. Khi có thai, mẹ tôi sợ hãi vô cùng vì đã phản bội bố tôi. Mẹ đã khóc và nhận lỗi trước bố tôi. Ông bàng hoàng. Những ngày sau đó ông nói với mẹ tôi là ông đã nhiều lần khuyên mẹ tôi đi xây dựng gia đình với người đàn ông khác, nay mẹ tôi có con với người khác thì cũng là mong muốn của ông cho mẹ tôi. Bố tôi còn nói với mẹ tôi, nếu mẹ tôi còn muốn ở với ông thì ông sẽ che chở cho hai mẹ con.
Thực ra, mẹ tôi yêu và kính trọng bố tôi vô cùng. Mẹ tôi đã không ra đi và hết sức chăm sóc, chiều chuộng ông như để trả ơn một phần những gì bố tôi đã đối với mẹ tôi.
Mấy năm sau, mẹ tôi lại có thai với một người đàn ông khác. Mẹ tôi sợ quá và tự tử. Nhưng bố tôi phát hiện và cứu mẹ tôi. Ông đã tát mẹ tôi và gầm lên: "Cô định giết chết đứa bé trong bụng hay sao? Chẳng lẽ cô lại độc ác như thế hay sao?".
Lần có thai này mẹ tôi vô cùng xấu hổ. Mẹ tôi bỏ về nhà ngoại. Bố tôi tìm đến, đưa mẹ tôi về nhà và nói: "Tất cả là tại tôi. Chỉ có hai vợ chồng mình mới hiểu được điều đó. Em hãy ở lại đây đến khi nào em muốn". Lần mang thai thứ hai, mẹ tôi sinh đôi. Đó chính là hai đứa em tôi bây giờ. Bố tôi đã yêu thương và chăm sóc chúng tôi hết lòng.
Khi chúng tôi tới tuổi cắp sách đến trường thì người đàn ông là bố đẻ của hai em tôi đến gặp bố tôi để xin lỗi và xin mang hai em tôi về nuôi. Bố tôi nói không nỡ xa hai đứa trẻ vì đã gắn bó với chúng khi còn trong bụng, nhưng quan trọng hơn là mẹ tôi không cho đồng ý. Cuối cùng, người đàn ông là bố đẻ của hai em tôi đành phải chấp nhận để bố tôi nuôi dạy. Bố tôi cũng nói với người đàn ông kia là khi chúng lớn sẽ cho chúng biết về cha đẻ và ủng hộ chúng trở về với bố đẻ của mình.
Sau khi kể cho chúng tôi nghe toàn bộ sự thật, ông khuyên chúng tôi hãy đến với những người bố đẻ của mình. Cả ba anh em chúng tôi đều khóc khi nghe điều ấy.
Chúng tôi yêu ông, mang ơn ông và thương ông vô hạn. Hiểu ý chúng tôi, ông nói: "Các con đừng giày vò về việc này. Bố nuôi dạy các con vì bố yêu các con và bố cần các con chứ không phải để chiếm hữu các con. Nay các con đã lớn, các con đủ lý trí và tư cách để biết sự thật. Bây giờ các con đi đâu, làm gì và ở đâu bố cũng yên tâm. Các con là con ai không phải là quan trọng. Quan trọng nhất là các con sống như thế nào với con người và với xã hội". Sau đó, ông đưa địa chỉ của những người bố đẻ của chúng tôi.
Chúng tôi đã gặp những người bố đẻ của mình. Nhưng chúng tôi phải thú thực rằng: Chúng tôi không thể nào sống xa người bố đã nuôi dạy và yêu thương chúng tôi. Ông quả là một người bố vĩ đại. Vì ông mà chúng tôi biết sống có nhân có đức với mọi người.
cauchuyennhanvan
*(Chép lại từ Fb:Gia Nguyễn)
Có thể là hình ảnh về 4 người và mọi người đang đứng

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2022

Ý Lực Sống 58 : LÒNG BIẾT ƠN LÀ TRÍ NHỚ CỦA CON TIM.

 Ý Lực Sống 58 :

LÒNG BIẾT ƠN LÀ TRÍ NHỚ CỦA CON TIM.
1. Đó là một câu ngạn ngữ của Pháp : “La Reconnaissance est la Mémoire du Coeur”. Hình như có một triết gia người Pháp Gabriel Marcel cũng nói câu :” Lòng biết ơn là một trí tuệ tuyệt vời nhất “. Có nhiều người bằng cấp rất cao, chức quyền rất lớn mà không hề có lòng biết ơn những người đã làm ơn cho mình !
2. Nói đến con tim là nói đến lòng yêu thương
Trang trí một tiệc cưới, thường thấy vẽ hai trái tim liền kề nhau, biểu tượng của tình yêu của đôi hôn nhân. Ai cũng hiểu như thế. Có một nhà thần học quả quyết dõng dạc với học trò, trong đó có mình nữa, rằng thì là Thiên Đàng là nơi có yêu thương, mọi người ở đó đều thương yêu nhau vì nơi đó có Chúa và vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Yêu nhau mà được sống với nhau là hạnh phúc. Hỏa ngục là nơi không ai thương ai , vì ở đó vắng bóng Thiên Chúa Tình Yêu, vì người ta đã đuổi Thiên Chúa ra khỏi nơi đó. Không thương nhau mà phải ở với nhau là đau khổ triền miên. Và như thế là hỏa ngục . Cuộc sống trên trần gian cũng vậy thôi. Ai cũng thấy được mà !
3. Chúng ta trở lại chuyện lòng biết ơn.
Thương thì mới nhớ. Không thương thì không nhớ! Đó là chuyện bình thường trong cuộc đời. Khi nhận được quà thì ít khi nhớ đến người cho. Khi cho ai quà thì mình nhớ dễ hơn. Đó cũng là chuyện “thường ngày ở huyện” !
Chuyện lâu lắm rồi, khi còn làm cha xứ các xứ đạo, mình hay giúp học bổng cho sinh viên nghèo, không phân biệt lương giáo, mỗi năm là 5 triệu đồng thôi. Bốn năm là 20 triệu. Không nhớ được là đã giúp cho bao nhiêu người. Gần đây có một anh người lương bây giờ là nhà giáo, mang đến cho mình 20 triệu đồng và tỉ tê tâm sự làm mình thật xúc động : Cha không thể nhớ con, nhưng con thì luôn nhớ cha. Nhờ sự giúp đỡ của cha con mới học được ở đại học. Cha có dặn dò con sau này hãy thương giúp người nghèo khổ. Bây giờ con là nhà giáo vợ con cũng vậy. Con luôn nhớ lời cha dặn dò. Nhưng con nhớ câu này nhất : Lòng biết ơn là trí nhớ của con tim. Hôm nay con đến gặp cha với 20 triệu này không phải để trả nợ nhưng là một cử chỉ của lòng con biết ơn cha. Giá trị tiền bạc hồi đó và bây giờ khác nhau xa. Cha nhận cho con vui. Hôm đó mình rất vui khi nhận số tiền, không phải vì tiền nhưng vì lòng biết ơn của người “ Samari “ ngoại đạo ! Đó thật sự là trí nhớ của con tim chân thành.
4. Mình có khoảng 40 năm làm cha xứ. Mình chú tâm nhất là dạy nhân bản cho trẻ em. Dạy từ Tin Mừng cho tới ca dao tục ngữ của dân mình. Kho tàng này vô cùng phong phú để đào tạo cho các em thành người tốt.
Về lòng Biết Ơn thì mình dặn dò các em những điều sau đây :
* Thứ nhứt là biết ơn Trời. Ở đây Trời là chính Thiên Chúa. Mình dạy các em bài ca dao xưa nhất của dân tộc mình, mà mình đã học từ bé trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư, bây giờ nhà nước là vô thần không còn dạy như thế nữa :
Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp
Đâu có gì không đúng ? Theo giáo lý Công giáo thì “tất cả là Hồng Ân”! Không tin Chúa thưởng phạt công minh thì không thể chống nổi tham nhũng đâu !
Chúa ban cho con người rất nhiều thứ. Chỉ một thoáng suy nghĩ nghiêm túc là thấy ngay. Bác sĩ Alexis Carrel, người Pháp (1873-1944), được giải thưởng Nobel về Khoa học (1912) một người vô thần thượng thặng, khi đã là người công giáo thì ông viết một quyển sách nổi tiếng có tựa đề là: L’Homme, Cet Inconnu (1935), có nghĩa: Con Người là một hữu thể không thể dò thấu được. Sách được dịch ra 18 thứ tiếng. Chúa dựng nên Con Người một cách lạ lùng không dò không thấu được ! Chúa dựng nên con người giống hình ảnh của Chúa. Chúa ban cho con người vô vàn ơn phúc mà mắt ta không chịu nhìn thấy, trí ta không chịu tìm hiểu, nên nhiều người đã sống vô ơn với Chúa. Lòng biết ơn là trí nhớ của con tim chứ không phải của bằng cấp. Có người không có bằng cấp, nhưng ai cũng có một trái tim. Vậy thì. . .
* Thứ hai là biết ơn Đời : Đây có nghĩa là lòng biết ơn người khác. Tự ta đâu có may được cái áo ta đang mặc; tự ta đâu có làm cái đồng hồ ta đang mang trên tay; tự ta đâu có phát minh ra điện ta dùng mỗi khi đêm về; tự ta đâu có làm ra những thức ăn mà ta ăn mỗi ngày; vân vân và vân vân . . . Kể sao cho hết ?! Phải biết ơn các nhà bác học, cảm ơn các bác nông dân, cảm ơn các thầy giáo đã dạy ta nên người, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư “ : một chữ cũng nhờ thầy mà nửa chữ cũng nhờ thầy. Trong đời nay đau mai yếu của mình, mình vô cùng biết ơn các bác sĩ đã chăm sóc sức khỏe của mình mỗi khi đau bệnh, mình sống được cho tới tuổi bác thập là cũng nhờ các bác sĩ mà.
* Thứ ba là biết ơn Mẹ Cha : Về chuyện này thì mình thao thao bất tận nhé. Ca dao tục ngữ dân mình là vô cùng phong phú về chữ HIẾU. Mình in ra những câu hay nhất, dễ nhớ nhất rồi nhắc nhở các em học thuộc lòng. Công Cha như núi Thái Sơn; nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra; một lòng thờ Mẹ kính Cha, cho trọn chữ Hiếu ấy là đạo (làm) con ! Nhiều lắm lận. Rồi mình thêm mắm thêm muối vô, gia vị là cần thiết mà ! Có thêm gia vị thì ăn mới thấy ngon, học mới dễ thuộc !
Trong xã hội bây giờ chữ Hiếu chỉ là lời răn dạy thôi. Luật xã hội không thấy bỏ tù những đứa con bất hiếu; người ta có thể khinh chê nó, thương hại cha mẹ nó. Vậy thôi; chứ tù đâu mà chứa cho hết ?!
Trong Kito giáo, chữ Hiếu là luật của Chúa Trời. Trong 10 Mười Điều Luật nổi tiếng của Chúa. 3 điều đầu tiên dạy con người phải ăn ở với Chúa làm sao ; 7 điều kia là Chúa dạy con người cư xử với nhau như thế nào. Điều đầu tiên trong 7 điều đó là phải : Thảo Kính Cha Mẹ mình. Ai vi phạm luật Chúa thì Chúa nghiêm trị nó. Nhất định là như thế.
Lòng biết ơn là trí nhớ của con tim. Xin cho con biết nhớ ơn TRỜI; xin cho con biết nhớ ơn ĐỜI; xin cho con biết nhớ ơn MẸ CHA. Amen
Nguồn: Lm. Phê rô Nguyễn Văn Đông.

TRỐNG CƠM .... KHÔNG PHẢI TRỐNG CƠM

 TRỐNG CƠM .... KHÔNG PHẢI TRỐNG CƠM

Trên mạng xã hội, tôi từng có lần hỏi 500 anh em Facebooker rằng “con xít là con gì?”. Các bạn đã trả lời rất nghiêm túc, để biết trên đời có con xít/sít thật. Rất cám ơn các bạn, nhưng dường như nhiều bạn không chú ý tôi hỏi “con xít” là cái con xít trong bài dân ca quan họ Trống cơm cơ (trừ có 2-3 bạn bảo bài hát phải là “con nít”).
Về bài hát Trống cơm, xin thưa thế này: Tôi sinh ra và lớn lên ở đồng bằng sông Hồng, gần xứ Kinh Bắc. Thuở nhỏ, toàn thấy người lớn hát và dạy hát là “con nít” chứ không phải là “con xít”. Các bậc cao niên thì bảo: Hát trống cơm nhưng không phải là nói cái trống cơm.
Toàn bộ bài thơ dân ca như sau:
“Trống cơm ai vỗ nên bông
Một bầy con nít lội sông đi tìm
Thương ai con mắt lim dim
Một bầy con nhện đi tìm giăng tơ
Duyên nợ khách tang bồng”.
Chỉ có đúng một câu đầu nói về cái trống cơm. Còn lại toàn nói chuyện tính chuyện tình. Chuyện tình duyên này là “duyên nợ khách tang bồng”. Muốn phân tích để hiểu bài thơ dân gian này, phải đi từ cuối lên đầu, đi từ kết quả lần về nguyên nhân. Điển cố văn học cả dân gian và bác học khi nói đến “con nhện giăng tơ”, thì rõ không phải tơ nhện, mà là tơ duyên.
Vậy chuyện tơ duyên ở đây cụ thể là cái gì? Hồi còn nhỏ, tôi thấy các vị cao niên bảo rằng: Bài hát trống cơm là diễu vui người đàn bà chửa (miền Nam gọi là mang bầu). Cái trống cơm khi sử dụng thì đeo trước bụng, còn cái trống cơm do “tình bằng” mà có thì là cái trống người đàn bà đeo nó suốt 9 tháng 10 ngày. Khi nghe hát “một bầy (tang tình) con nít, (nó mới lội, lội…) lội sông (nó mới) đi tìm” thì hầu hết người ta hiểu rằng đám con nít này lội sông tìm về nơi có tiếng trống. Và chính sự hiểu này dẫn đến người ta thay từ “con nít” bằng “con xít/sít”, một loài chim lội nước. Không đơn giản thế. Đám con nít này xuất phát từ hư vô, chúng lội qua con sông đời để đi tìm về cái trống của người đàn bà. Thế đấy.
Đến lượt con nhện, thì chúng giăng tơ tìm về đôi mắt người đàn bà, khiến nó lim dim. Cái tơ con nhện giăng ở đây cũng là cái tơ duyên ảo diệu. Ai sung sướng cũng lim dim, thông thường là thế. Bài hát còn chỉ rõ hơn là bài thơ nguyên bản: “em nhớ thương ai, con mắt (nó mới) lim dim”. Toàn bộ bài thơ cũng như bài hát không hề có câu nào thừa. Câu nào cũng có công dụng của nó. Kể cả những từ đệm vào theo truyền thống quan họ: Tình bằng, khen ai, ấy mới, tang tình, thương ai… khiến cho âm nhạc biểu cảm sự châm chích vui vẻ mà rộn ràng. Nếu ai đó bảo bài hát nói về trống cơm thì vô lý. Loại nhạc cụ này dùng cơm căng mặt trống, dùng trong lễ tiết, kể cả việc tang ma. Nhưng bài trống cơm quan họ lại tinh nghịch, vui vẻ, dí dỏm. Đi xa hơn giai thoại nói bài Trống cơm là chế người đàn bà chửa, có ông còn bảo đó là người đàn bà chửa hoang ngày xưa. Cho nên mới có câu “duyên nợ khách tang bồng”. Cái trống mà người đàn bà mang đây là cái duyên nợ của một người đã đi đâu rồi, là “khách tang bồng”, tức là khách đi xa rồi không biết ở đâu.
Nguồn gốc dân ca quan họ còn tranh cãi nhiều, nhưng rõ ràng ca từ của các bài ca đầy tính bác học. Tu từ rất chỉnh. Mẫu mực về thể loại giao duyên. Dân ca đồng bằng sông Hồng và miền núi phía bắc phần lớn là vui tươi, giao duyên (không như miền Trung, miền Nam còn có âm hưởng oán thán, buồn bã). Nhiều bài quan họ nói chuyện tình duyên đầy ý nhị, kín đáo, như cái duyên thầm phụ nữ mà người xưa từng tôn thờ. Xe chỉ luồn kim, không chỉ là chuyện kim chỉ. Ngồi tựa mạn thuyền không chỉ là mạn thuyền, bèo dạt mây trôi đâu chỉ là chuyện bèo mây…
Chuyện trống cơm không phải phát kiến của tôi. Chỉ là nhớ lại một giai thoại về một bài hát. Dường như đang có một sự đứt gãy về tinh thần nào đó (điều này không dám lạm bàn)…
Nguyễn Xuân Hưng (nhà văn)
(Chuyển bài từ FB Thầy Lê Văn Thông)
ảnh: thuhuong st
Có thể là hình ảnh về 3 người và thiên nhiênNguồn