NHÀ THỜ GIÁO XỨ PHÚ THƯỢNG-GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG.
Giáo xứ Phú Thượng nằm trên địa bàn xã Hòa sơn, Quận Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng, được phân chia làm 5 giáo xóm với 2 giáo họ Lộc Hòa và Tùng Sơn. Lễ Quan Thầy là Đức Mẹ Mân Côi, được mừng vào Chúa Nhật đầu tháng 10 hằng năm.
Phước viện Mến Thánh Giá hiện diện phục vụ tại Phú Thượng từ những ngày đầu tiên được thành lập, nay còn sót lại ngôi nhà nguyện rất cổ kính. Dòng Thánh Phaolô đến sau, nhưng khá phát triển.
II. HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN.
Không ai biết chính xác năm thành lập của giáo xứ Phú Thượng. Nhưng chắc chắn, cộng đoàn đức tin tại Phú thượng đã ra đời rất sớm, ngay từ đầu thế kỷ thứ 17, khi các vị thừa sai dòng Tên đặt chân đến Cửa Hàn và Hội An vào ngày 18/01/1615. Sau đó, các linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris tiếp tục ổn định và phát triển trong những thế kỷ dài.
Đức Cha Lambert de la Motte, Giám quản Tông Tòa Đàng Trong thuộc Hội Thừa sai Paris, đã ngược dòng sông Cu-đê, còn có tên là Trường định, tiến lên thượng nguồn vùng tây để viếng thăm mục vụ. Lúc trở về, ngài đã đặt chân đến Phú Thượng, An Ngãi và Tùng Sơn.
Ngày 26 tháng 3 năm 1670, giáo sĩ Haingues từ Hội An đến Bàu Nghè, tức là An Ngãi, lưu lại với giáo dân 4 tháng, ngài đã vào Phường Trạc, tên gọi Phú Thượng ngày xưa, rửa tội cho 500 người.
Kể từ đó đến nay, cộng đoàn đức tin của Phú Thượng luôn được củng cố và phát triển.
I. Giai đoạn 1870 -1945 : Thời kỳ các Cố thuộc Hội Thừa sai Paris coi sóc:
Năm 1870, Cố Tân được sai về chăm sóc Phú Thượng. Trong thời gian 14 năm, (1870 – 1884), Ngài đã xây dựng Phú Thượng thành trung tâm sinh hoạt đạo trong vùng. Từ đây, ngài coi sóc luôn cả các cộng đoàn chung quanh như An Ngãi, Tùng Sơn, Phước Đông, Phú Trung, Cao Sơn, Mỹ Hòa, Hòa Mỹ, Hội Yên, Phú Hạ, Lộc Hòa, Cồn Sõi, Bửu Châu, đến tận Lệ Sơn, Thạch Nham, Cửa Hàn (Đà Nẵng), Cồn Dầu.
Tiếp nối công việc của Ngài là Cố Thiên, (1884 – 1907), nguyên Phó xứ Gia Hựu Phải chăng đây là thời điểm giáo xứ Phú Thượng được chính thức thành lập với Cố Thiên là quản xứ tiên khởi(?). Trong 23 năm phục vụ tại Phú Thượng, Thiên Chúa đã làm qua ngài biết bao nhiêu điều trọng đại. Ngôi nhà thờ sừng sững với hai tháp chuông cao tồn tại đến hôm nay được xây dựng dưới thời của Ngài. Ngài cũng xây dựng nhà dòng Mến Thánh Giá tại Phú Thượng, mở con đường mới từ Tùng Sơn đi Đại La qua Phú Thượng mà người đương thời gọi là “đường Ông Cố”. Chính Ngài cúng là người tiên phong đưa cây chè từ Trung Quốc về ươm trồng trên vùng đất Phú Thượng và nhanh chóng phủ kín toàn vùng, trở thành đặc sản nổi tiếng trên thị trường, cải thiện đời sống cho người dân nơi đây.
Nhưng đặc biệt hơn hết, là Ngài đã hướng dẫn cộng đoàn đức tin Phú Thượng vượt qua muôn thử thách bách hại đức tin rất cam go, nhất là vào thời kỳ Văn Thân.
Năm 1907, Cố Thiên qua đời và được an táng trong lòng nhà thờ Phú Thượng, như một dấu chỉ của tình liên đới và lòng yêu mến của cộng đoàn nơi đây đối với Ngài.
Trong thời kỳ của Cố Thiên, nhiều đời linh mục phó liên tiếp phụ giúp Ngài, Cha Nguyễn Văn Triết (1885-1905), Cha Phanxicô X Hương (1905 -1906), Cha Tôma Tín (1906 – 1907).
Cố Thiên qua đời, Giáo xứ Phú Thương liên tiếp được các Cha thuộc Hội Thừa sai đến chăm sóc:
- Cố Yên (1907 -1911) với 2 Cha Phó là Phanxicô Nhì và Tôma Yến.
- Cố Ngân (1911 -1920) với 2 Cha Phó là Simon Phiên và Tôma Từ.
- Cố Khâm đến Phú Thượng được 2 năm thì được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám mục Kontum. Trong thời kỳ này, có 2 linh mục phó: Simon Thọ và Phaolô Cần.
- Cố Ân ( 1922 – 1930). Sau đó ngài đã về làm Giám đốc Đại chủng viện Qui Nhơn.
- Cố Dõng (1930 – 1945).
- Cố Hảo (1935 -1945). Năm 1945 do thời cuộc, Ngài bị quản thúc tại Hội an và đưa về Pháp. Dưới thời của ngài có cha Hoàng Liên Mầu làm phó xứ.
II. Giai đoạn 1945 – 1975 : Thời kỳ chuyển giao cho các linh mục Việt Nam:
Năm 1945 khi Pháp đổ bộ vào Đà Nẵng, chiến tranh lan rộng. Cha Hoàng Liên Mầu tiếp tục coi sóc Giáo xứ Phú Thượng một thời gian ngắn (1945 -1946). Giáo dân Phú Thượng phải tản cư lên Cao Sơn, Mỹ Hòa, dưới chân núi Bà Nà để lánh nạn, lương thực chính để nuôi sống đoàn người lánh nạn lúc này là những cây quả, rau củ trong rừng. Xa xứ, thiếu vắng chủ chăn nhưng đức tin vẫn được bảo toàn nhờ vào việc duy trì những giờ kinh sáng tối mỗi ngày trong gia đình.
Năm 1947 tình hình bắt đầu ổn định, giáo dân từ hang hố núi rừng về vườn cũ nhà xưa, chấm dứt những tháng ngày lánh nạn đói rét. Qua đau khổ vật chất đến đau khổ tinh thần, Cha Mầu đã bị bắt tập trung về Tiên Lãnh. Giáo xứ thiếu vắng chủ chăn.
Năm 1948 – 1949, Cha Giuse Lê Văn Ấn làm quản xứ An Ngãi kiêm luôn Phú Thượng. Năm 1949, cha Nguyễn Tưởng về làm quản xứ Phú Thượng. Nhưng chỉ được 01 năm, vì tình hình an ninh, cha rời Phú Thượng để về Hội An, chuyển giao Phú Thượng cho Cha Phêrô Huỳnh Quang Sinh, quản xứ Phước Đông và Tùng Sơn kiêm nhiệm (1950–1952).
Năm 1955–1960, Cha Matthêô Trịnh Hoài Đại được Bề trên sai về làm quản xứ Phú Thượng. Ngaòi việc mục vụ, Ngài xây đập Phước Hưng để giúp dân chủ động nước trong sản xuất nông nghiệp. Phụ tá ngài, có cha Trương Đắc Cần, nay đang hưu dưỡng tại Qui Nhơn. Từ năm 1960 cha Phêrô Huỳnh Quang Sinh từ Tùng Sơn về làm quản xứ Phú Thượng thay Cha Matthêô Đại. Ngài cho xây dựng nhà xứ mới, chỉnh trang trường học và làm hang đá Đức Mẹ. Đến năm 1966, ngài về lại Tùng Sơn nghỉ hưu và qua đời vào năm 1975.
Từ năm 1966 đến năm 1972, do chiến tranh khốc liệt, giáo dân vùng Quảng Nam đa số phải tản cư về Đà Nẵng, nên các vị chủ chăn lần lượt đến rồi đi trong thời gian ngắn: Cha Tôma Trần Ngọc Huờn (1966-1968), Cha Phê rô Nguyễn Đức Mân (1968 -1970), Cha Anrê Tôn Thất Phái (1971–1972). Cha Giuse Vũ Dần đến Phú Thượng vào năm 1972. Trong thời gian 3 năm làm quản xứ, Ngài đã tái thiết thánh đường cổ kính đã xuống cấp trầm trọng. Cộng tác với ngài trong công việc mục vụ lúc này có cha Tabor Dương Tấn Bằng, một linh mục người Mỹ, làm phó. Tháng 3 năm 1975, thời cuộc đổi thay, theo đề fnghị của Đức Cha Phêrô Maria, Giám mục Giáo phận, Cha tiếp nhận Đại Chủng viện Hòa Bình từ Hòa Khánh chuyển về Phú Thượng để vừa học hành vừa lao động sản xuất, với 3 Cha giáo sư và 42 đại chủng sinh. Công việc vừa ổn định, thì Cha phải từ biệt đoàn chiên và chủng viện đi học tập cải tạo suốt 13 năm ròng rã tại Tiên Lãnh.
III. Giai đoạn sau 1975:
Sau biến cố lịch sử năm 1975, Đại chủng viên Hòa Bình tại Hòa Khánh giải thể, Giáo xứ Phú Thượng lại có cơ may đón tiếp các Cha giáo sư thuộc Tu hội Xuân Bích và trên 40 đại chủng sinh về nương náu. Cha Giuse Nguyễn Chính Duyên, Giám đốc Chủng viện kiêm quản xứ, hai Cha G.B. Nguyễn Văn Đán và F. X Nguyễn Tiến Cát, làm giáo sư Chủng viện kiêm Phó xứ. Các thầy vừa học hành, vừa sản xuất, và cũng một tay đắc lực phụ giúp các Cha lo việc mục vụ trong xứ đạo. Vì thế, giữa một hoàn cảnh xã hội tế nhị và kinh tế đầy khó khăn, nhưng đời sống đức tin của cộng đoàn Phú Thượng vẫn luôn vững vàng và sống động. Năm 1982, các thầy mãn chương trình thần học, đại chủng viện giải thể, các thầy về gia đình, nhưng 3 Cha vẫn tiếp tục ở lại chăm sóc mục vụ cho giáo xứ.
Trong số các thầy được Giáo xứ cưu mang trong thời gian này, có 13 vị đã trở thành linh mục, trong đó, có Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng.
Năm 1985, Cha Giuse Nguyễn Chính Duyên lâm bệnh nặng và qua đời trong sự tiếc thương của mọi người. Cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Đán lên làm quản xứ, Cha F.X Nguyễn Tiến Cát làm phó. Ngài là Quản xứ thứ 19 kể từ cha Cố Thiên. Vốn là Cha giáo phụng vụ, Cha đã cho chỉnh trang lại cung thánh, gác đàn và mặt tiền nhà thờ, làm cho nhà thờ khang trang đẹp đẽ hơn nhưng vẫn giữ được nét cổ kính vốn có của nó. Năm 1992, Cha G.B Nguyễn Văn Đán được chuyển về làm Quản xứ An Ngãi, sau đó được Đức Cha Phanxicô Xaviê đặt làm Tổng Đại diện Giáo phận, và năm 1994, Ngài ra Huế làm giáo sư Đại Chủng viện vừa được mở cửa lại.
Cha Vinh-sơn Hoàng Quang Hải được bổ nhiệm về Phú Thượng làm quản xứ. Trong vòng 6 năm phục vụ, bản tính âm thầm, cha đã miệt mài ổn định việc mục vụ trong giáo xứ, củng cố hạ tầng cơ sở, tu sửa nhà thờ Tùng Sơn, làm mới nhà thờ Lộc Hòa, khuyến khích và góp phần mở rộng đường giao thông nông thôn. Đặc biệt, cha quan tâm rất nhiều đến vấn đề văn hóa của con em trong giáo xứ.
Năm 1998, Cha Giuse Cao Văn Cường về làm quản xứ thay cha Hoàng Quang Hải. Cha cải tạo khuôn viên nhà thờ, bê tông hóa các lối đi quanh nhà thờ, xây dựng đài Đức Mẹ thay thế hang đá Lộ Đức cũ, dựng đài Thánh Giuse. Công trình lớn lao nhất trong thời gian này chính là việc đại tu Nhà thờ và xây dựng thêm các phóng giáo lý. Thánh đường Phú Thượng ngày nay được lột xác nhưng vẫn trên nền móng và kiểu dáng xưa. Nhà thờ được nâng cao thông thoáng, cung thánh được làm mới hoàn toàn. Ngoài ra, Nhà thờ, nhà xứ họ nhánh Phú Hạ cũng được xây dựng mới trên nền đất mới, với khuông viên rộng rãi khang trang trên một ngọn đồi.
Cộng tác với Cha sở Giuse Cường trong thời gian này có quí Cha phó Gabriel Nguyễn Ngọc Tuấn, rồi đến Cha Antôn Trương Gia Ninh.
Như hoàn thành sứ mạng Chúa và Giáo Hội trao phó, ngày 06.11.2006, Cha Giuse Cao Văn Cường từ giã Phú Thượng về làm Quản xứ Tam Tòa và Hạt trưởng Hạt Đà Nẵng, Cha Gioan Nguyễn Văn Hoàng từ Xuân Thạnh ra thay ngài cai quản giáo xứ. Tân Quản xứ Phú Thượng là một linh mục thuộc thế hệ mới, tốt nghiệp khóa I Đại Chủng viện Huế sau khi được tái lập, sự hiện diện của Ngài mở ra cho Giáo xứ Phú Thượng một trang sử mới, thoạt đi từ những nét cổ kính của mình.
Biến cố quan trọng đầu tiên dưới thời của Cha Gioan Nguyễn Văn Hoàng là việc tách xứ Phú Hạ từ Phú Thượng. Với sự phát triển của giáo dân, sinh hoạt độc lập và trưởng thành, cùng với những cơ sở sinh hoạt đầy đủ, Giáo họ Phú hạ đã được Đức Cha Giuse, Giám mục Giáo phận nâng lên thành Giáo xứ ngày 08.9.2008, dịp lễ sinh nhật Đức Maria, Quan Thầy Giáo xứ, và đặt Cha G.B Võ Quang Khải, Phó xứ Phú Thượng làm Quản xứ Tiên khởi. Cha Giuse Bùi Ngọc Nam được bổ nhiệm thay Cha G.B. Khải. Một thời gian sau, Cha Nam nhập Tu Hội Xuân Bích và xuất dương tu nghiệp.
III. HIỆN TÌNH GIÁO XỨ.
Cha Gioan Nguyễn Văn Hoàng tiếp nối công trình các bậc tiền nhiệm. Ngài cho mở rộng mặt bằng, củng cố và qui hoạch khuôn viên thánh đường thoáng mát, sạch sẽ, thuận lợi sinh hoạt, nhất là tạo bầu khí cầu nguyện.
Ngài cũng đặc biệt chăm lo đời sống thiêng liêng, củng cố nếp sống đạo, khuyến khích tinh thần hiệp nhất, cộng tác và đoàn kết các thành phần dân Chúa giữa các cá nhân, họ đạo trong Giáo xứ, và với lương dân. Xây dựng và củng cố các đoàn thể của giáo xứ như Hội Hiền mẫu, Giới trẻ, Ca đoàn Trẻ, Nhóm Song nguyền, lớp Ơn Gọi và đang dự kiến thành lập Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể cho Thiếu nhi. Mong sao Giới Gia trưởng cũng chóng được hoàn thành để nâng đỡ các bậc cha ông giữa những thay đổi lớn lao của xã hội ngày nay liên hệ đến đời sống gia đình.
Hiện tại, số giáo dân trong toàn giáo xứ là 2800 người, chia làm 5 Giáo Xóm tại Phú Thượng và 2 Giáo họ Lộc Hòa và Tùng Sơn. Giáo dân đông, nhưng Phú Thượng vốn nề nếp, nên các sinh hoạt mục vụ trong giáo xứ tương đối ổn định. Các hội đoàn ban ngành đoàn thể đông đúc và sinh hoạt đều đặn, nên bầu khí trong giáo xứ khá sinh động. Giáo lý Thiếu nhi trên 600 em học vào sáng Chúa Nhật hằng tuần với Thánh lễ dành riêng, được sự hướng dẫn của 6 nữ tu Phaolô, 38 giảng viên giáo lý trực tiếp cùng 4 ủy viên giáo lý lo việc tổ chức. Điểm son của vấn đề giáo lý là hàng ngũ giáo lý viên rất tích cực, lại được đa số các bậc phụ huynh quan tâm cộng tác. Phòng học còn thiếu và khá sơ sài, nên hiệu quả chưa cao. Sau gần 2 năm chuẩn bị, dự kiến mùa hè tới, Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể của Giáo xứ sẽ chính thức ra mắt. Rất mong nhận được sự hổ trợ của mọi người.
Nếu không nói là thất bại, thì Giới Trẻ hiện nay là quan tâm lớn nhất của Giáo xứ. Dù đã nhiều cố gắng, nhưng việc qui tụ thành đoàn thể để giáo dục kết quả rất chắt chiu, trong khi nguy cơ thì mỗi ngày một lớn, với sự đô thị hóa ồ ạt ngày nay của Thành phố Đà Nẵng. Hơn ai hết, chính người trẻ phải có ý thức kết đoàn.
Ngoài ra, Giáo xứ còn có Nhóm Hồn Nhỏ, Nhóm Song Nguyền, Hội Legio Mariae khá hùng hậu với 7 tiểu đội, 4 senior và 3 junior. Họ chính là cánh ta nối dài của Cha Quản xứ trong mục vụ bệnh nhân, thăm viếng lương dân và những người nguội lạnh.
Hội Đồng Giáo xứ có 06 vị và 38 quí chức ở các xóm, với sự trợ giúp của các ban ngành như Phụng vụ, 3 Ca đoàn, Âm thanh Ánh sáng, Khánh tiết. Không thể không nhắc đến sự phục vụ tận tụy và nhẫn nại âm thầm của 2 Cộng đoàn nữ tu Mến Thánh Giá Qui Nhơn và Thánh Phaolô. Từ khi Phú Hạ được thành lập, Cộng đoàn Mến Thánh Giá phục vụ cho Giáo xứ mới Phú Hạ. Cộng đoàn Phaolô hoạt động trong nhiều lãnh vực như y tế, giáo dục, xã hội, giáo lý thiếu nhi các lứa tuổi, giáo lý dự tòng, hôn nhân, phòng thánh và đồng hành với các đoàn thể.
Giáo xứ đóng góp cho Giáo Hội được 02 linh mục: Cha Bê-nê-dic-tô Nguyễn Tấn Khóa đương kim Quản Hạt Tam Kỳ, và cha Phê-rô Nguyễn Đệ, Quản xứ La Nang, 03 thầy dòng và 07 nữ tu. Thế hệ sau vẫn còn tiếp nối với 02 chủng sinh đang học tại ĐCV Huế, 02 tập sinh các dòng, 04 em tiền dự tu và dự tu giáo phận. Tại Giáo xứ còn có lớp ơn gọi cả nam lẫn nữ đã hình thành được 3 năm là 20 em sinh hoạt hằng tuần. Ước mong vườn nho Chúa có thêm nhiều thợ gặt.
Là một giáo xứ toàn tòng 99% là người Công giáo. Đây cũng là thế mạnh trong nhiều sinh hoạt của giáo xứ, song cũng là mặt hạn chế, khi cộng đoàn dễ rơi vào tâm thức thiếu cởi mở với người khác. Vì thế, Giáo xứ tận dụng khuôn viên rộng rãi của giáo xứ, tạo mặt bằng cho những sinh hoạt chung, cấp điện nước, làm nhà vệ sinh công cộng, để những hội đoàn và tổ chức ngoài giáo xứ có thể đến sinh hoạt và giao lưu.
Việc bác ái xã hội cũng đang được khơi dậy và thúc đẩy mạnh. Giáo xứ đã giúp xây dựng hơn 40 ngôi nhà cho nạn nhân bão và người nghèo trong chương trình Căn Nhà Đồng Tâm của Giáo phận. Những công cuộc bác ái khác cũng được quan tâm và cổ võ trong các hội đoàn, trong sinh hoạt chung Giáo xứ, để tiếp cận với người nghèo, với anh chị em lương dân thiểu số đang sống quanh mình.
Phú Thương cổ kính ngày xưa nay đã nhiều đổi thay cùng với xã hội chung quanh mình. Sự đổi thay này có nhiều mặt tích cực, đem lại những tiện ích, nhưng cũng không thiếu những mặt tiêu cực, nhiều khi xót xa. Cuộc sống gia đình dễ rạn nứt, sự hiệp nhất gặp nhiều thách đố, tính cách cạnh tranh ngày càng khốc liệt, không phải chỉ trong công ăn việc làm, mà cả trong những mối quan hệ đạo đời tế nhị.
Kính xin Đức Cha, quí Cha và mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận cầu nguyện cho Giáo xứ Phú Thượng chúng con biết sống tinh thần Năm Thánh, cơ hội của Sám Hối, Canh Tân và Hòa Giải, trước hết là giữa chúng con với nhau, sau đó là đưa chúng con đến với mọi người.
Kính chúc mọi người ơn bình an của Đức Kitô Phục Sinh.
Phú Thượng
Mùa Hành Hương Năm Thánh 2010
Chúa Nhật 18/4/2010
(Hình chụp tháng 11 năm 2017. Bài viết copy từ trang nhà Giáo phận Đà Nẵng)
Nguồn bài viết :
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét