Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021

BÀI 1: VỀ TÊN ĐỊA DANH BMT ( Lịch sử và con người xứ Thượng )




 BÀI 1: VỀ TÊN ĐỊA DANH BMT

Bài này sẽ trả lời các câu hỏi:
- Vì sao người Pháp ghi địa danh này là “Ban Mé Thuot”?
- “Ban Mé Thuot” nghĩa là gì
- Địa danh “Buon Ma Thuot” xuất hiện khi nào?
- Cách gọi địa danh BMT của người Kinh
- Nguồn tham khảo
Để hiểu vùng đất người BMT với nhiều điều huyền bí, ta thử bắt đầu bằng cái tên, và vì sao gọi tên ấy.
Theo thống kê sơ bộ hiện có gần 30 cách gọi/ghi chép về địa danh BMT, tùy theo người ghi chép/gọi tên địa danh này là người vùng nào, nước nào, văn hóa gì, ngôn ngữ ra sao, trình độ và cách tiếp cận địa phương này theo hướng nào… Nhưng qui tụ có 3 cách hướng gọi/ghi chép về địa danh này như sau:
- Cách gọi/ghi chép theo phát âm/hiểu của người Lào/Siêm
- Cách gọi/ghi chép theo phát âm/hiểu của người bản địa Rhadé
- Cách gọi/ghi chép theo phát âm/hiểu của người người kinh
Vùng đất người Thượng này đã có người Rhadé cư ngụ từ lâu và đã có những cái tên ban đầu, tuy nhiên địa danh này bắt đầu được ghi chép chính thức từ năm 1897 trong Báo cáo tình hình Đông Dương của chính phủ Pháp [1], và trên tờ Bản đồ Indochina Phương Đông 1902 [2] (trước tờ bản đồ 1905 của BMT), với cái tên “Ban Mé Thuot”. Trước đó Yersin đã đi từ hướng nam mới biết đến địa danh MePleut (MéP'lơi/Ama B'lơi - Buôn Ea Kosier hiện nay), Darlac (Tac-lac) vào năm 1892-1894 [3].
Vì sao người Pháp ghi địa danh này là “Ban Mé Thuot”?
Vùng đất BMT của người Rhadé này đã biết từ lâu với nhiều ghi chép trên bản đồ của Đại Nam, An Nam, nhưng ghi chung cho cả vùng đất. Chỉ khi người Pháp, cụ thể là Đại úy Cupet thám hiểm vùng đất này từ hướng tây từ hạ nguồn sông Serépok thì địa danh này mới hiện hữu chính thức trên văn bản, và để khám phá các vùng đất mới họ phải cần sự hỗ trợ của người bản địa dẫn đường và đủ uy tính để thu phục các vùng đất mới. Và “người dẫn đường” đó không ai khác chính là Khunjonob (Mé Thôou-N'Thu) một người Lào-M’nông, sau khi Cupet đến Ban-Don và thu phục ông ta. Và cũng nên nhớ rằng trước năm 1904 vùng đất này thuộc tỉnh Stung Treng của nước Lào. Do đó, các địa danh hành chính đều gọi theo cách của người Lào dù đó là vùng đất của người Rhadé, M’nông (Po Nong), Banar.. và cũng có sự hỗ trợ từ “người dẫn đường“ Khunjonob này mà các địa danh/tên người người Pháp ghi chép đều là cách phát âm/cách hiểu và đặt tên của người Lào như Mé-Sao, Mé-Wal, Mé- Kheune,…
Vậy chữ “Mé” có nghĩa là gì?
- Trong tiếng Lào: ແມ່: “Mé” ngoài nghĩa thông thường là: mẹ; đàn bà, nữ, con gái. Từ “mé” còn có nghĩa là: người đứng đầu, tổng tư lệnh, thủ lĩnh.
- Trong tiếng Lào: ບ້ານ: “Ban”: bản, làng, thôn
- Link tra cứu: vtudien[.com]/lao-viet
Như vậy
- Ban Mé Thuot: là đơn vị hành chính/ban/làng/buôn của thủ lĩnh Thuot (Mé Thuot/Ama Thuot)
- Ban Mé Sao: là đơn vị hành chính/ban/làng/buôn của thủ lĩnh Sao (Mé Sao/Ama Jhiao)
- Ban Mé-Wal: : là đơn vị hành chính/ban/làng/buôn của thủ lĩnh Wal (Mé Wal/nữ thủ lĩnh Wan, Wăm, Val…tùy theo chủ thể nghe và ghi chép lại là ai)
Tên địa danh “Buon Ma Thuot” xuất hiện khi nào?
Nhiều người (trong đó có tôi trước đây) đều nghĩ là tên địa danh “Buon Ma Thuot”(cách gọi địa danh BMT của người Ê-đê) này chỉ xuất hiện sau năm 1975 vì sự ưu tú của người Ê-đê trong công cuộc thống nhất đất nước, và vì người Ê-đe thật sự là người làm chủ của vùng đất này. Nhưng tôi đã sai, địa danh “Buon Ma Thuot” xuất hiện đầu tiên vào năm 1921 trong Bản tin của viện Nông học thuộc địa [4].
Vì sao gọi là “Buon Ma Thuot” ?
Cách gọi này thì quá rõ ràng cho những ai đã ở và yêu quí vùng đất và con người vùng này :
- Trong tiếng Ê-đe, Buon : buôn, bản, làng
- Trong tiếng Ê-đe, Ma, Ama : cha, bố. Tôi cũng có nghi vấn trong tiếng Ê-đê cổ nghĩa Ama có nghĩa là thủ lĩnh/thống lĩnh không?
Như vậy : Buon Ma Thuot : Buôn/Bản/làng của Cha anh Thuot
Vì sao năm 1921 đã xuất hiện cách gọi này?
Dưới thời công sứ Pháp – L. Sabatier, người Ê-đê được ghi nhận nhiều và có những đóng góp lớn cho sự phát triễn của BMT, họ là người chiếm dân số đông nhất ở đây, tiếng nói của các vị thủ lĩnh lớn, và đặc biệt là họ đã được học hành (trường học cho người Ê-đê đã được mở từ nămh 1915) và có chữ viết cho riêng mình, nên họ đã giúp người Pháp ghi chép lại các thông tin bản địa nơi đây. Và như một lẽ tự nhiên cũng như tính tự tôn dân tộc, cách gọi của họ (người Rhades bản địa) cũng được phát ra và được ghi chép lại bởi chính những người Pháp, người mà đã được cộng đồng Ê-đê ngày ấy nuôi dưỡng đóng góp cho sự thực dân hóa (cũng như văn minh hóa) vùng đất này.
Cách gọi địa danh BMT của người Kinh
Như dòng chảy lịch sử, người Kinh xuất hiện sau cùng ở vùng đất này, sau người Lào/Siêm và Pháp nên cách gọi của người Kinh cũng đến sau. Từ cuối những năm 1910 đầu những năm 1920, khi người Kinh có mặt ở vùng đất này với khoảng hơn chục người đến gần triệu người hiện nay, thì địa danh này cũng mang dấu ấn của người Kinh bằng chữ quốc ngữ cũng xuất hiện. Đầu tiên đó là sự Việt hóa cách viết của người Pháp/Lào rồi đến Việt hóa cách phát âm của người Ê-đê. Từ cách gọi Ban Mê Thuột/Ban Mê Thuật đến Buôn Ma Thuột hiện nay.
Thống kê các tên gọi của BMT : Ban Mé Thuot, Ban Méthuot, Buon Ma Thuot, Ban Ma Thuot, Ban Mé Truot, Ban Mê Thuật, Ban Mê Thuộc, Ban Mê Thuột, Buôn Ma Thuật, Buôn Ma Thuột, Ban Ma Thuột, Буон Ма Туот, 邦美蜀, バンメトート, บ้านแม่ทวด, ບ້ານແມ່ທວດ...
Nguồn:
[1] Situation de l'Indochine française de 1897-1901, trang 455
[2] Bản đồ đính kèm
[3] Le Constitutionnel 1 jullet 1894, trang 1
[4] NuméroL'Agronomie coloniale : bulletin mensuel du Jardin colonial, trang 112
Sư tầm trên net (Dương An).

Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2021

 KINH NGHIỆM DÂN GIAN

1. Ăn no không gội đầu, đói không tắm. Rửa mặt nước lạnh, vừa đẹp vừa khỏe. Mồ hôi chưa khô, đừng tắm nước lạnh. Đánh răng nước ấm, chống ê chắc răng.
2. Ăn gạo có trấu, thức ăn có chất xơ . Nam không thể thiếu rau hẹ, nữ không thể thiếu ngó sen. Củ cải trắng, sống không tốt nhưng chín thì bổ. Ăn không quá no, no không nên nằm.
3. Dưỡng sinh là động, dưỡng tâm là tĩnh. Tâm không thanh tịnh, ưu tư vọng tưởng dễ nảy sinh. Tâm thần an bình, bệnh sao đến được. Nhắm mắt dưỡng thần, tĩnh tâm ích trí.
4. Dược bổ thực bổ, đừng quên tâm bổ. Coi tiền như cỏ, coi thân như bảo. khói hun cháy lửa, tốt nhất không ăn. Chiên dầu ngâm ướp, ít ăn thì tốt.
5. Cá thối tôm rữa, lấy mạng oan gia. Ăn mặc giữ ấm, nhất thân là xuân. Lạnh chớ chạm răng, nóng chớ chạm môi. Đồ chín mới ăn, nước chín mới uống.
6. Ăn nhiều rau quả, ít ăn đồ thịt. Ăn uống chừng mực, ngủ dậy đúng giờ. Đầu nên để lạnh, chân nên giữ ấm. Vui chơi biết đủ, không cầu an dật.
7. Dưỡng sinh là cần cù, dưỡng tâm là tĩnh tại.
8. Người đến tuổi già, thì phải rèn luyện, đi bộ chạy chậm, luyện công múa kiếm; đừng sợ giá lạnh, quét sạch sân nhà, hội họa thêm vui, tấm lòng rộng mở.
9. Nghe tiếng gà gáy, đừng cố nằm thêm, trồng hoa nuôi chim, đọc sách ngâm thơ; chơi cờ hát kịch, không ham phòng the, việc tư không nhớ, không chiếm lợi riêng.
10. Ẩm thực không tham, bữa tối ăn ít, khi ăn không nói, không nên hút thuốc; ít muối ít đường, không ăn quá mặn, ít ăn chất béo, cơm không quá nhiều.
11. Mỗi ngày ba bữa, thức ăn phù hợp, rau xanh hoa quả, ăn nhiều không sợ; đúng giờ đi ngủ, đến giờ thì dậy, nằm dậy nhẹ nhàng, không gấp không vội.
12. Uống rượu có độ, danh lợi chớ tham, chuyện thường không giận, tấm lòng phải rộng.
13. Tâm không bệnh, nên phòng trước, tâm lý tốt thân thể khỏe mạnh; tâm cân bằng, phải hiểu biết, cảm xúc ổn định bệnh tật ít.
14. Luyện thân thể, động cùng tĩnh, cuộc sống hài hòa tâm khỏe mạnh; phải thực dưỡng, no tám phần, tạng phủ nhẹ nhõm tự khai thông.
15. Người nóng giận, dễ già yếu, thổ lộ thích hợp người người vui; thưởng thức thư họa, bên suối thả câu, lựa chọn sở thích tự do chơi.
16. Dùng đầu óc, không mệt nhọc, bớt lo dưỡng tâm ít náo nhiệt; có quy luật, sức khỏe tốt, cuộc sống thường ngày phải hài hòa.
17. Tay vận động, tốt cho não, phòng ngừa bị lạnh và cảm cúm.
18. Mùa hè không ngủ trên đá, mùa thu không ngủ trên phản. Mùa xuân không hở rốn, mùa đông không che đầu. Ban ngày hoạt động, tối ngủ ít mơ.
19. Tối ngủ rửa chân, hơn uống thuốc bổ. Buổi tối mở cửa, hễ ngủ là say. Tham mát không chăn, không bệnh mới lạ.
20. Ngủ sớm dậy sớm, tinh thần sảng khoái, tham ngủ tham lạc, thêm bệnh giảm thọ. Tranh cãi buổi tối, ruột như sát muối.
21. Một ngày ăn một đầu heo, không bằng nằm ngủ ngáy trên giường.
22. Ba ngày ăn một con dê, không bằng rửa chân rồi mới lên giường.
23. Gối đầu chọn không đúng, càng ngủ người càng mệt. Tâm ngủ trước, người ngủ sau, ngủ vậy sẽ thành mỹ nhân.
24. Đầu hướng gió thổi, ấm áp dễ chịu, chân hướng gió thổi, hãy mời thầy lang.
25. Không ngủ nơi ngõ hẻm, độc nhất khi gió lùa.
26. Đi ngủ không thắp đèn, sáng dậy không chóng mặt.
27. Muốn ngủ để tấm thân nhẹ nhõm, chân không hướng tây đầu không hướng đông.
Phong Sương

























Sưu tầm.

Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021

3 MẸO NHỎ CÓ THỂ CỨU SỐNG MẠNG NGƯỜI.

 Nghẹn cổ, sái cổ, chuột rút, tê chân… thi thoảng những biến cố này đột nhiên xuất hiện, nhưng nếu xử trí không kịp thời cũng có thể gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, thực ra chỉ cần một vài mẹo nhỏ là bạn có thể “thoát nạn” trong gang tấc, còn chờ gì mà không xem thử nhỉ?
Dưới đây là chia sẻ một số mẹo nhỏ để xử trí rắc rối trong cuộc sống. Nó hoàn toàn là tri thức để có thể cứu người.
1. Phương thức xử lý khi bị nghẹn đồ vật – Chỉ cần “giơ tay lên”
Tại nước Mỹ, một cậu bé 5 tuổi đã cứu sống bà ngoại mình khỏi nghẹn bằng cách thức rất đơn giản, đó là “giơ tay lên”.
Bà của Michelle Stewart, 56 tuổi, vừa xem tivi vừa ăn thạch, khi quay đầu lại, một mảnh thạch bị mắc kẹt trong cổ họng. Bà cố gắng bóp bụng để tự giúp mình, nhưng không có kết quả.
Sau đó cậu cháu hỏi: “Bà ơi, bà nghẹn à?”. Bà vẫn nói không ra lời: “Chắc là bà đang nghẹt thở, bà ơi, giơ hai tay lên, giơ hai tay đi”. Bà cậu đành nghe theo, kết quả thật sự nhổ được cục thạch ra. Cậu bé lúc ấy rất bình tĩnh, cậu còn khoe với bà rằng đây là điều mình được học trong trường.
2. Bị sái cổ
Bạn thỉnh thoảng có bị cứng cổ khi thức dậy buổi sáng không? Là sái cổ.
Một khi bị sái cổ, bạn xử lý như thế nào?
Đơn giản thôi, bạn chỉ cần nhấc chân lên!
Kéo ngón chân cái ra, lấy tay xoay tròn từ từ theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược chiều kim đồng hồ.
3. Chuột rút ở chân
Khi chân trái bị chuột rút thì giơ tay phải lên, ngược lại thì giơ tay trái trong khi chuột rút chân phải của mình, ngay lập tức nhẹ nhàng.
4. Tê chân
Nếu tê chân trái, dùng sức vung tay phải của bạn. Nếu chân phải bị tê thì dùng sức vung tay trái.
5. Chiếc kim khâu gia dụng cũng có thể trở thành dụng cụ hữu ích trong việc cứu người. Vì cha mẹ già, ta cần nhất định nhớ kỹ 3 phép cứu mạng dùng kim khâu quần áo.
• Đầu tiên, liệt nửa người hay bán thân bất toại (không phân biệt xuất huyết não hay tắc máu), mắt miệng nghiêng lệch, ngay lập tức lấy kim khâu quần áo châm vào điểm thấp nhất dái tai bệnh nhân, đến khi nhỏ ra một giọt máu, bệnh nhân ngay lập tức được phục hồi, hơn nữa có thể không để lại bất kỳ di chứng nào.
• Thứ hai, bệnh tim đột tử phát sinh, lập tức cởi bít tất người bệnh, tương tự lấy kim châm lên mười ngón chân, ra một giọt máu, lần lượt bóp hết mười ngón chân, người bệnh có thể lập tức tỉnh táo lại.
• Thứ ba, dù là hen suyễn thở khò khè hay viêm thanh quản cấp tính các loại… phát hiện người bệnh thở không ra hơi, đến mức mặt đỏ tía tai, hãy nhanh chóng dùng kim châm lên chóp mũi, rồi thì có thể bóp ra hai giọt máu đen (máu độc).
Ba phương pháp “hồi dương cứu nghịch” trên không có bất kỳ nguy hiểm gì, hãy yên tâm là có hiệu quả trong vòng 10 giây.
Một lòng hiếu thảo mà chia sẻ. Hãy ghi nhớ! Đừng chỉ lưu trong điện thoại, trong tình thế cấp bách đừng ngại lấy ra thử một lần!
St.

Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2021

Quy tắc dấu Hỏi – Ngã trong Tiếng Việt hiện nay

 *Quy tắc Hỏi – Ngã trong Tiếng Việt hiện nay.

(Hoài Nguyễn biên soạn)
Hiện nay cứ ra khỏi nhà là chúng ta được “đập” vào mắt vô vàn khẩu hiệu và không ít nhiều khẩu hiệu viết sai … chính tả một cách ấu trĩ!
Trên cái “làng Facebook” này cũng không ngoại lệ!
Trên cơ sở Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên do Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản năm 1985, và một số từ điển chính tả Tiếng Việt khác, chúng ta cần tham khảo để những bài viết của mình ít bị sai sót một cách vô tình về mặt chính tả Tiếng Việt đang lưu hành hiện nay ở Việt Nam. (Có một số ít khác biệt so với chính tả thời VNCH trước đây)
Trong tiếng Việt chúng ta sử dụng tất cả 1270 âm tiết với dấu hỏi hoặc với dấu ngã, trong đó có 793 âm tiết (chiếm 62%) viết dấu hỏi, 477 âm tiết (38%) viết dấu ngã. Việc nắm được quy luật dấu hỏi và dấu ngã của lớp từ láy và lớp từ Hán Việt sẽ giúp ta giảm được nhiều lỗi chính tả.
I. Từ láy và từ có dạng láy:
• Các thanh ngang (viết không có dấu) và sắc đi với thanh hỏi, ví dụ như: dư dả, lửng lơ, nóng nảy, vất vả...
• Các thanh huyền và nặng đi với thanh ngã, ví dụ như: tầm tã, lững lờ, vội vã, gọn ghẽ...
Quy tắc từ láy chỉ cho phép viết đúng chính tả 44 âm tiết dấu ngã sau đây:
ã - ầm ã, ồn ã
sã - suồng sã
thãi - thừa thãi
vãnh - vặt vãnh
đẵng - đằng đẵng
ẫm - ẫm ờ
dẫm - dựa dẫm, dọa dẫm, dò dẫm
gẫm - gạ gẫm
rẫm - rờ rẫm
đẫn - đờ đẫn
thẫn - thờ thẫn
đẽ - đẹp đẽ
ghẽ - gọn ghẽ
quẽ - quạnh quẽ
kẽo - kẽo kẹt
nghẽo - ngặt nghẽo
nghễ - ngạo nghễ
nhễ - nhễ nhại
chễm - chiễm chệ
khiễng - khập khiễng
tễnh - tập tễnh
nghễu - nghễu nghện
hĩ - hậu hĩ
ĩ - ầm ĩ
rĩ - rầu rĩ, rầm rĩ
hĩnh - hậu hĩnh, hợm hĩnh
nghĩnh - ngộ nghĩnh
trĩnh - tròn trĩnh
xĩnh - xoàng xĩnh
kĩu - kĩu kịt
tĩu - tục tĩu
nhõm - nhẹ nhõm
lõng - lạc lõng
õng - õng ẹo
ngỗ - ngỗ nghịch, ngỗ ngược
sỗ - sỗ sàng
chỗm - chồm chỗm
sỡ - sặc sỡ, sàm sỡ
cỡm - kệch cỡm
ỡm - ỡm ờ
phỡn - phè phỡn
phũ - phũ phàng
gũi - gần gũi
hững - hờ hững
Ngoài ra còn có 19 âm tiết dấu ngã khác dùng như từ đơn tiết mà có dạng láy ví dụ như:
cãi cọ
giãy giụa
sẵn sàng
nẫu nà
đẫy đà
vẫy vùng
bẽ bàng
dễ dàng
nghĩ ngợi
khập khiễng
rõ ràng
nõn nà
thõng thượt
ngỡ ngàng
cũ kỹ
nũng nịu
sững sờ
sừng sững
vững vàng
ưỡn ẹo
* Cần phải nhớ cãi cọ khác với củ cải, nghĩ ngợi khác với nghỉ ngơi, nghỉ học.
Như vậy quy tắc hài thanh cho phép viết đúng chính tả 63 âm tiết dấu ngã. Ngoài ra còn có 81 âm tiết dấu ngã dưới đây thuộc loại ít dùng:
Ngãi, tãi, giãn (dãn), ngão, bẵm, đẵm (đẫm), giẵm (giẫm), gẵng, nhẵng, trẫm, nẫng, dẫy (dãy), gẫy (gãy), nẫy (nãy), dẽ, nhẽ (lẽ), thẽ, trẽ, hẽm (hẻm), trẽn, ẽo, xẽo, chễng, lĩ, nhĩ, quĩ, thĩ, miễu, hĩm, dĩnh, đĩnh, phĩnh, đõ, ngoã, choãi,doãi, doãn, noãn, hoãng, hoẵng, ngoẵng, chõm, tõm, trõm, bõng, ngõng, sõng, chỗi (trỗi), giỗi (dỗi), thỗn, nỗng, hỡ, xỡ, lỡi, lỡm, nỡm, nhỡn, rỡn (giỡn), xũ, lũa, rũa (rữa), chũi, lũi, hũm, tũm, vũm, lũn (nhũn), cuỗm, muỗm, đuỗn, luỗng, thưỡi, đưỡn, phưỡn, thưỡn, chưỡng, gưỡng, khưỡng, trưỡng, mưỡu (Hoàng Phê, 3).
Tôi để ý thấy rất nhiều lỗi chính tả ở những âm tiết rất thường dùng sau đây: đã (đã rồi), sẽ (mai sẽ đi), cũng (cũng thế), vẫn (vẫn thế), dẫu (dẫu sao), mãi (mãi mãi), mỗi, những, hễ (hễ nói là lam), hỡi (hỡi ai), hãy, hẵng.
* Cũng có những trường hợp ngoại lệ như:
1. Dấu ngã: đối đãi (từ Hán Việt), sư sãi (từ Hán Việt), vung vãi (từ ghép), hung hãn (từ Hán Việt), than vãn, ve vãn, nhão nhoét (so sánh: nhão nhẹt), minh mẫn (từ Hán Việt), khe khẽ (so sánh: khẽ khàng), riêng rẽ, ễng ương, ngoan ngoãn, nông nỗi, rảnh rỗi, ủ rũ . .
2. Dấu hỏi: sàng sảy (từ ghép), lẳng lặng, mình mẩy, vẻn vẹn, bền bỉ, nài nỉ, viển vông, chò hỏ, nhỏ nhặt, nhỏ nhẹ, sừng sỏ, học hỏi, luồn lỏi, sành sỏi, vỏn vẹn, mềm mỏng, bồi bỏ, chồm hổm, niềm nở, hồ hởi . . .
II. Từ Hán Việt:
a) Dùng dấu hỏi khi có phụ âm đầu là:
• Ch-: chuẩn, chỉ, chỉnh, chủ, chuẩn, chủng, chuyển, chưởng.
• Gi-: giả, giải, giảm, giản, giảng, giảo.
• Kh-: khả, khải, khảm, khảng, khảo, khẳng, khẩn, khẩu, khiển, khoả, khoản, khoảnh, khổ, khổng, khởi, khuẩn, khủng, khuyển, khử.
• Và các từ không có phụ âm đầu như: ải, ảm, ảnh, ảo, ẩm, ấn, ẩu, ổn, uẩn, ủng, uổng, uỷ, uyển, ỷ, yểm, yểu.
b) Dùng dấu ngã khi có phụ âm đầu là:
• D-: dã, dẫn, dĩ, diễm, diễn, diễu, dĩnh, doãn, dõng, dũng, dữ, dưỡng.
• L-: lãm, lãn, lãng, lãnh, lão, lẫm, lễ, liễm, liễu, lĩnh, lõa, lỗi, lỗ, lũ, lũng, luỹ, lữ, lưỡng.
• M-: mã, mãi, mãn, mãng, mãnh, mão, mẫn, mẫu, mỹ, miễn.
• N-(kể cả NH-NG): nã, não, ngã, ngãi, ngẫu, nghĩa, nghiễm, ngỗ, ngũ, ngữ, ngưỡng, nhã, nhãn, nhẫn, nhĩ, nhiễm, nhiễu, nhỡn, nhũ, nhũng, nhuyễn, nhưỡng, noãn, nỗ, nữ.
• V-: vãn, vãng, vẫn, vĩ, viễn, vĩnh, võ, võng, vũ.
c) 33 từ tố Hán-Việt có dấu ngã cần ghi nhớ (đối chiếu với bản dấu hỏi bên cạnh):
Bãi: bãi công, bãi miễn.
Bảo: bảo quản, bảo thủ. - Bão: hoài bão, bão ho
Bỉ: bỉ ổi, thô bỉ - Bĩ: vận bĩ, bĩ cực thái lai
Cưỡng: cưỡng bức, miễn cưỡng
Cửu: cửu trùnh, vĩnh cửu - Cữu: linh cữu
Đãi: đối đãi, đãi ngộ
Đảng: đảng phái - Đãng: quang đãng, dâm đãng
Để: đại để, đáo để, triệt để Đễ: hiếu đễ
Đỗ: đỗ quyên
Hải: hải cảng, hàng hải - Hãi: kinh hãi
Hãm: kìm hãm, hãm hại
Hãn: hãn hữu, hung hãn
Hãnh: hãnh diện, kiêu hãnh
Hoãn: hoãn binh, hoà hoãn
Hổ: hổ cốt, hổ phách - Hỗ: hỗ trợ
Hỗn: hỗn hợp, hỗn độn
Huyễn: huyễn hoặc
Hữu: tả hữu, hữu ích
Kỷ: kỷ luật, kỷ niệm, ích kỷ, thế kỷ - Kỹ: kỹ thuật, kỹ nữ
Phẫn: phẫn nộ
Phẫu: giải phẫu
Quẫn: quẫn bách, quẫn trí
Quỷ: quỷ quái, quỷ quyệt - Quỹ: công quỹ, quỹ đạo
Sỉ: sỉ nhục, liêm sỉ - Sĩ: sĩ diện, chiến sĩ, nghệ sĩ
Tể: tể tướng, chúa tể, đồ tể - Tễ: dịch tễ
Thuẫn: hậu thuẫn, mâu thuẫn
Tiễn: tiễn biệt, thực tiễn, hoả tiễn
Tiểu: tiểu đội, tiểu học - Tiễu: tuần tiễu, tiễu phỉ
Tỉnh: tỉnh ngộ, tỉnh thành Tĩnh: bình tĩnh, yên tĩnh
Trĩ: ấu trĩ
Trữ: tích trữ, trữ tình
Tuẫn: tuẫn nạn, tuẫn tiết
Xả: xả thân Xã: xã hội, xã giao, thị xã
III. Tóm lại:
1. Từ láy: Các thanh ngang và sắc đi với thanh hỏi. Các thanh huyền và nặng đi với thanh ngã. Để cho dễ nhớ chúng ta có thể tóm gọn trong hai câu thơ sau:
Chị Huyền vác nặng ngã đau
Anh Sắc không hỏi một câu được là (Hoàng Anh Tuấn).
2. Từ Hán Việt phần lớn viết với dấu hỏi (trong tổng số yếu tố Hán-Việt, có 176 yếu tố viết dấu hỏi, chiếm 62%; 107 yếu tố viết dấu ngã, chiếm 38%), (Hoàng Phê, 6).
• Dùng dấu hỏi khi có phụ âm đầu là CH, GI, KH và các từ khởi đầu bằng nguyên âm hoặc bán nguyên âm như ải, ảm, ảnh, ảo, ẩm, ấn, ẩu, ổn, uẩn, ủng, uổng, uỷ, uyển, ỷ, yểm, yểu.
• Dùng dấu ngã khi có phụ âm đầu là M, N(NH-NG), V, L, D, N (cho dễ nhớ tôi viết thành Mình Nên Viết Là Dấu Ngã) (Hoàng Anh Tuấn).
Như vậy chỉ cần nắm các qui tắc trên và nhớ 33 trường hợp đặc biệt viết với dấu ngã là có thể viết đúng chính tả toàn bộ 283 yếu tố Hán-Việt có vấn đề hỏi ngã cũng coi như nắm được căn bản chính tả DẤU HỎI HAY DẤU NGÃ trong tiếng Việt (Hoàng Phê, 1).
*Theo Tự điển Tiếng Việt - Hoàng Phê

Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2021

CN 10 TN NĂM B. Lễ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ.


 

Bài 113. CN 10 TN NĂM B. Lễ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ.

Tin Mừng : Mc 14,12-16.22-26
1. Bí Tích là gì ?
Lễ Mình Máu thánh Chúa Kito là nói về Bí Tích Thánh Thể. Có tất cả 7 Bí Tích. Bí Tích là từ chỉ nghe trong giáo lý đạo Công giáo. Hồi xưa còn bé mình được học về bí tích như thế này : Hỏi Bí Tích là gì ? Thưa là : Dấu bên ngoài; Ơn bên trong; Đức Chúa Giêsu lập, cho ta được nên thánh. Vậy Bí Tích Thánh Thể : Dấu bên ngoài là bánh và rượu. Ơn bên trong là mỗi khi chúng ta rước Chúa vào lòng, ta nhận được ân sủng. Chính Chúa Giêsu đã lập ra Bí Tích Thánh Thể trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ.
Bảy Bí Tích là đều như vậy cả ! Ta phải hiểu ÂN SỦNG ta nhận qua các Bí Tích là do công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu mà thôi. Khi mình dạy giáo lý cho trẻ em thì phải nói đơn sơ cho các em hiểu : Ví dụ trên chỗ cao trong nhà chúng con có bồn nước. Chúng ta ai cũng cần nước để sống. Nước trong bồn là do công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu. Ống dẫn nước là Hội Thánh, Hội thánh là máng thông ơn. Cha Đông là người giữ robine. Ai khác nước là cha phải mở cho người ta uống, nếu không là có tội với Chúa : đi xức dầu bệnh nhân cũng là Bí Tích, giải tội cho người yêu cầu cũng là Bí Tích, dâng lễ mỗi ngày cũng là Bí Tích . . . Cha Đông là thừa tác viên thôi ! Thừa tác viên thường là linh mục, giám mục . . . Da trắng hay da đen, đẹp trai xấu trai, đạo đức hay bê bối, không thành vấn đề, miễn là mở robine cho người cần uống là được. Làm biếng không mở nước cho người khát uống là có tội với Chúa. “Nước” đó là do công nghiệp của Chúa Giêsu, chứ không phải do công sức của thừa tác viên ! Còn Á bí tích là khác, không có giờ để nói ở đây.
2. Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể như thế nào ?
* Chúng ta ai cũng biết câu : Giơ cao, đánh sẽ ! Để chuẩn bị Chúa Giêsu đã nói rất nhiều lần : Ai ăn bánh này sẽ được sống, bánh Ta sẽ ban chính là thịt Ta, ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì sẽ được sống đời đời ! Có một số môn đệ nghe thế cũng bỏ cuộc luôn ! Lời gì mà nghe ghê thế ! Thấy vậy, Chúa hỏi các môn đệ đứng đó : Còn các anh có bỏ Thầy không ? Phêro nhanh nhẩu nói thay : Bỏ Thầy thì con đi với ai ? Vì Thầy có Lời ban sự sống đời đời ! Đúng là Phêro có Thần Khí khi nói lời đó.
* Nhưng lúc chính thức thiết lập Bí Tích Thánh Thể thì lại rất nhẹ nhàng, rất đơn giản. Lập vào thời điểm rất ý nghĩa : Giờ phút chót ! Chúa Giêsu cầm lấy bánh, cầm lấy chén rượu ngay trong bữa tiệc ly hôm đó, đọc lời chúc tụng và nói với các môn đệ mình : Anh em hãy cầm lấy mà ăn, anh em hãy cầm lấy mà uống, vì này là Mình Thầy, vì này là Máu Thầy . . . Anh em hãy làm việc này đển nhớ đến Thầy . Ôi việc Chúa làm ! Lạ lùng thật ! (Mc 14,22-26). “Thầy sẽ ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế “ (Mt 28,20) là qua Bí Tích Thánh Thể. Mỗi lần chúng ta rước Chúa là Chúa ở với chúng ta. Nhà thờ có Mình Thánh Chúa là có sự hiện diện của Chúa. Mỗi khi điểm danh đúng tên ta là ta hô “Có mặt” . Mỗi lần vào nhà thờ có Mình Thánh Chúa và chúng ta kêu “Giêsu !” Thì Chúa Giêsu cũng đáp : “Có mặt” ! Chúa Giêsu rất thích chúng ta đến với Ngài và tâm sự với Ngài chuyện vui, chuyện buồn, chuyện thành công, chuyện thất bại . .
* Trong lịch sử Hội Thánh Công giáo hai ngàn năm nay, phép lạ về Thánh thể là nhiều vô kể. Cứ mở gu gồ ra, gõ về Thánh Thể, đọc không hết đâu ! Nhiều lắm ! Bằng chứng đàng hoàng. Không nói ngoa đâu nhé !
* Nói thêm một chút : Ngày 10.10.2020, Hội Thánh phong Chân Phước cho cậu bé 15 tuổi, tên là Carlo Acutis người Ý. Cậu sinh 3.5.1991. Mất ngày 12.10.2006. Rất giỏi tin học. Cậu có công gom các phép lạ về Thánh Thể vì cậu rất yêu mến Thánh Thể. 14 năm sau, chuẩn bị phong chân phước, khi khai quật mộ, lạ thay, xác cậu vẫn đẹp, mặc quần jean,dày Nike . . . Như đang ngủ vậy ! Chúa Giêsu Thánh Thể cho cậu điều này chăng ?
Nếu được phong Thánh, đó là vị Thánh đầu tiên của thế kỷ 21, chỉ vì yêu mến Thánh Thể.
3. Chuyện bên Đông- Chuyện bên Tây về Bí Tích Thánh Thể.
Mình nghe được giáo sư nói chuyện này khi còn học Thần học. Chuyện là khi chuẩn bị cho Công Đồng Vatican 2, khoảng năm 1959. Các nhà Thần học, các nhà Triết học bên Đông phương, bên Tây phương được mời đến, thường là các giám mục, linh mục nổi tiếng thông thái, về Roma họp để chuẩn bị các văn kiện cho Công Đồng. Hôm đó soạn bài về Bí Tích Thánh Thể :
* Các ngài Tây Phương thì theo triết học Phương Tây, lý sự kiểu mà họ được học xưa nay : nào là vật thể (materia), nào là bản thể (substantia), nào là biến thể (trans-substantiatio) ! Như thế là để giải thích từ bánh mì, từ rượu nho rồi trở thành Mình và Máu Chúa như thế nào. Chuyện dài và phức tạp lắm, cái đầu rặc đông phương của mình cũng chịu thua.
* Hôm đó có một giám mục Đông Phương người Hàn Quốc là đức cha Tephano Kim, sau này làm hồng y giáo chủ đầu tiên của Giáo hội Hàn Quốc, qua đời 2009. Ngài bảo : Chúng ta không thể lý giải được việc Chúa làm. Chúng ta chỉ tin Chúa vì Người nói : Đây là Mình Thầy, đây là Máu Thầy, thì đó là Mình, là Máu Chúa. Khi con còn bé, cha mẹ bảo sao thì nó làm thế vì nó tin cha mẹ mình ! Vậy cho nên, sau Công Đồng, trong thánh lễ, sau khi “truyền phép” bánh và rượu có thêm câu mà trước Công Đồng không có, đó là câu : ĐÂY LÀ MẦU NHIỆM ĐỨC TIN. Phải chăng là ý của giám mục Tephano Kim người Đông Phương ?
* Nói thêm chuyện này cho vui, để dễ hiểu hơn về mầu nhiệm Thánh Thể : chuyện con “nhộng” dưới đất mấy năm trời rồi bò lên gốc cây thành con ve, kêu ve ve trong mùa hè; chuyện con nòng nọc thành con ếch; chuyện con sâu dễ sợ, thành con bướm đầy sắc màu xinh tươi. Hoá kiếp làm sao mà 2 hình thể khác hoắc luôn ! Mình tin chỉ có Chúa làm được thế thôi ! Chúa làm được những sự mà trí khôn loài người không thể hiểu được, trong đó có mầu nhiệm Bí Tích Thánh Thể !
4. Thánh Lễ là một bữa ăn nuôi linh hồn !
Chúa Giêsu nói hãy cầm lấy mà ăn, hãy cầm lấy mà uống, chứ không nói hãy cầm lấy mà coi. Thánh lễ cũng được gọi là Tiệc thánh. Bữa tiệc này có 2 món ăn : một là Lời Chúa, hai là Mình Chúa. Bất cứ thứ gì mà đụng tới chuyện “sống” là cần phải “ăn” ! Cây cỏ thảo mộc, muôn con loài vật, kể cả con người đều phải ăn, nếu muốn sống. Linh hồn ta cũng được Chúa Giêsu sắm cho của ăn là bí tích Thánh Thể và Lời hằng sống của Ngài.
5. “Rước lễ thiêng liêng” là sao ?
Trong thời buổi cô vít : tín hữu không được đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ và không rước lễ được. Hồi mình còn bé chưa được rước Chúa, thì được dạy rước lễ thiêng liêng. Rước lễ thiêng liêng là mình ao ước, mình mời Chúa đến ngự trong lòng mình “cách thiêng liêng” ! Mình mời, mình ao ước là Chúa đến “nhà” mình ngay ! Mình được dạy như vậy và mình cũng tin như vậy. Mình yêu mến Chúa thì mình mới mời Chúa và Chúa yêu thương mình hơn là mình yêu thương Chúa. Và Chúa đến nhà linh hồn mình và ban cho mình ơn lành thôi ! Nhất định thế !
6. Xin Chúa cứu chúng con khỏi nạn cô vít vô hình. Xin đem lại bình an cho cuộc sống chúng con. Amen
Copyright by

Van Dong Nguyen.

GIÁO XỨ PHÚ THƯỢNG-GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG.

 NHÀ THỜ GIÁO XỨ PHÚ THƯỢNG-GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG.

Giáo xứ Phú Thượng nằm trên địa bàn xã Hòa sơn, Quận Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng, được phân chia làm 5 giáo xóm với 2 giáo họ Lộc Hòa và Tùng Sơn. Lễ Quan Thầy là Đức Mẹ Mân Côi, được mừng vào Chúa Nhật đầu tháng 10 hằng năm.
Phước viện Mến Thánh Giá hiện diện phục vụ tại Phú Thượng từ những ngày đầu tiên được thành lập, nay còn sót lại ngôi nhà nguyện rất cổ kính. Dòng Thánh Phaolô đến sau, nhưng khá phát triển.
II. HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN.
Không ai biết chính xác năm thành lập của giáo xứ Phú Thượng. Nhưng chắc chắn, cộng đoàn đức tin tại Phú thượng đã ra đời rất sớm, ngay từ đầu thế kỷ thứ 17, khi các vị thừa sai dòng Tên đặt chân đến Cửa Hàn và Hội An vào ngày 18/01/1615. Sau đó, các linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris tiếp tục ổn định và phát triển trong những thế kỷ dài.
Đức Cha Lambert de la Motte, Giám quản Tông Tòa Đàng Trong thuộc Hội Thừa sai Paris, đã ngược dòng sông Cu-đê, còn có tên là Trường định, tiến lên thượng nguồn vùng tây để viếng thăm mục vụ. Lúc trở về, ngài đã đặt chân đến Phú Thượng, An Ngãi và Tùng Sơn.
Ngày 26 tháng 3 năm 1670, giáo sĩ Haingues từ Hội An đến Bàu Nghè, tức là An Ngãi, lưu lại với giáo dân 4 tháng, ngài đã vào Phường Trạc, tên gọi Phú Thượng ngày xưa, rửa tội cho 500 người.
Kể từ đó đến nay, cộng đoàn đức tin của Phú Thượng luôn được củng cố và phát triển.
I. Giai đoạn 1870 -1945 : Thời kỳ các Cố thuộc Hội Thừa sai Paris coi sóc:
Năm 1870, Cố Tân được sai về chăm sóc Phú Thượng. Trong thời gian 14 năm, (1870 – 1884), Ngài đã xây dựng Phú Thượng thành trung tâm sinh hoạt đạo trong vùng. Từ đây, ngài coi sóc luôn cả các cộng đoàn chung quanh như An Ngãi, Tùng Sơn, Phước Đông, Phú Trung, Cao Sơn, Mỹ Hòa, Hòa Mỹ, Hội Yên, Phú Hạ, Lộc Hòa, Cồn Sõi, Bửu Châu, đến tận Lệ Sơn, Thạch Nham, Cửa Hàn (Đà Nẵng), Cồn Dầu.
Tiếp nối công việc của Ngài là Cố Thiên, (1884 – 1907), nguyên Phó xứ Gia Hựu Phải chăng đây là thời điểm giáo xứ Phú Thượng được chính thức thành lập với Cố Thiên là quản xứ tiên khởi(?). Trong 23 năm phục vụ tại Phú Thượng, Thiên Chúa đã làm qua ngài biết bao nhiêu điều trọng đại. Ngôi nhà thờ sừng sững với hai tháp chuông cao tồn tại đến hôm nay được xây dựng dưới thời của Ngài. Ngài cũng xây dựng nhà dòng Mến Thánh Giá tại Phú Thượng, mở con đường mới từ Tùng Sơn đi Đại La qua Phú Thượng mà người đương thời gọi là “đường Ông Cố”. Chính Ngài cúng là người tiên phong đưa cây chè từ Trung Quốc về ươm trồng trên vùng đất Phú Thượng và nhanh chóng phủ kín toàn vùng, trở thành đặc sản nổi tiếng trên thị trường, cải thiện đời sống cho người dân nơi đây.
Nhưng đặc biệt hơn hết, là Ngài đã hướng dẫn cộng đoàn đức tin Phú Thượng vượt qua muôn thử thách bách hại đức tin rất cam go, nhất là vào thời kỳ Văn Thân.
Năm 1907, Cố Thiên qua đời và được an táng trong lòng nhà thờ Phú Thượng, như một dấu chỉ của tình liên đới và lòng yêu mến của cộng đoàn nơi đây đối với Ngài.
Trong thời kỳ của Cố Thiên, nhiều đời linh mục phó liên tiếp phụ giúp Ngài, Cha Nguyễn Văn Triết (1885-1905), Cha Phanxicô X Hương (1905 -1906), Cha Tôma Tín (1906 – 1907).
Cố Thiên qua đời, Giáo xứ Phú Thương liên tiếp được các Cha thuộc Hội Thừa sai đến chăm sóc:
- Cố Yên (1907 -1911) với 2 Cha Phó là Phanxicô Nhì và Tôma Yến.
- Cố Ngân (1911 -1920) với 2 Cha Phó là Simon Phiên và Tôma Từ.
- Cố Khâm đến Phú Thượng được 2 năm thì được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám mục Kontum. Trong thời kỳ này, có 2 linh mục phó: Simon Thọ và Phaolô Cần.
- Cố Ân ( 1922 – 1930). Sau đó ngài đã về làm Giám đốc Đại chủng viện Qui Nhơn.
- Cố Dõng (1930 – 1945).
- Cố Hảo (1935 -1945). Năm 1945 do thời cuộc, Ngài bị quản thúc tại Hội an và đưa về Pháp. Dưới thời của ngài có cha Hoàng Liên Mầu làm phó xứ.
II. Giai đoạn 1945 – 1975 : Thời kỳ chuyển giao cho các linh mục Việt Nam:
Năm 1945 khi Pháp đổ bộ vào Đà Nẵng, chiến tranh lan rộng. Cha Hoàng Liên Mầu tiếp tục coi sóc Giáo xứ Phú Thượng một thời gian ngắn (1945 -1946). Giáo dân Phú Thượng phải tản cư lên Cao Sơn, Mỹ Hòa, dưới chân núi Bà Nà để lánh nạn, lương thực chính để nuôi sống đoàn người lánh nạn lúc này là những cây quả, rau củ trong rừng. Xa xứ, thiếu vắng chủ chăn nhưng đức tin vẫn được bảo toàn nhờ vào việc duy trì những giờ kinh sáng tối mỗi ngày trong gia đình.
Năm 1947 tình hình bắt đầu ổn định, giáo dân từ hang hố núi rừng về vườn cũ nhà xưa, chấm dứt những tháng ngày lánh nạn đói rét. Qua đau khổ vật chất đến đau khổ tinh thần, Cha Mầu đã bị bắt tập trung về Tiên Lãnh. Giáo xứ thiếu vắng chủ chăn.
Năm 1948 – 1949, Cha Giuse Lê Văn Ấn làm quản xứ An Ngãi kiêm luôn Phú Thượng. Năm 1949, cha Nguyễn Tưởng về làm quản xứ Phú Thượng. Nhưng chỉ được 01 năm, vì tình hình an ninh, cha rời Phú Thượng để về Hội An, chuyển giao Phú Thượng cho Cha Phêrô Huỳnh Quang Sinh, quản xứ Phước Đông và Tùng Sơn kiêm nhiệm (1950–1952).
Năm 1955–1960, Cha Matthêô Trịnh Hoài Đại được Bề trên sai về làm quản xứ Phú Thượng. Ngaòi việc mục vụ, Ngài xây đập Phước Hưng để giúp dân chủ động nước trong sản xuất nông nghiệp. Phụ tá ngài, có cha Trương Đắc Cần, nay đang hưu dưỡng tại Qui Nhơn. Từ năm 1960 cha Phêrô Huỳnh Quang Sinh từ Tùng Sơn về làm quản xứ Phú Thượng thay Cha Matthêô Đại. Ngài cho xây dựng nhà xứ mới, chỉnh trang trường học và làm hang đá Đức Mẹ. Đến năm 1966, ngài về lại Tùng Sơn nghỉ hưu và qua đời vào năm 1975.
Từ năm 1966 đến năm 1972, do chiến tranh khốc liệt, giáo dân vùng Quảng Nam đa số phải tản cư về Đà Nẵng, nên các vị chủ chăn lần lượt đến rồi đi trong thời gian ngắn: Cha Tôma Trần Ngọc Huờn (1966-1968), Cha Phê rô Nguyễn Đức Mân (1968 -1970), Cha Anrê Tôn Thất Phái (1971–1972). Cha Giuse Vũ Dần đến Phú Thượng vào năm 1972. Trong thời gian 3 năm làm quản xứ, Ngài đã tái thiết thánh đường cổ kính đã xuống cấp trầm trọng. Cộng tác với ngài trong công việc mục vụ lúc này có cha Tabor Dương Tấn Bằng, một linh mục người Mỹ, làm phó. Tháng 3 năm 1975, thời cuộc đổi thay, theo đề fnghị của Đức Cha Phêrô Maria, Giám mục Giáo phận, Cha tiếp nhận Đại Chủng viện Hòa Bình từ Hòa Khánh chuyển về Phú Thượng để vừa học hành vừa lao động sản xuất, với 3 Cha giáo sư và 42 đại chủng sinh. Công việc vừa ổn định, thì Cha phải từ biệt đoàn chiên và chủng viện đi học tập cải tạo suốt 13 năm ròng rã tại Tiên Lãnh.
III. Giai đoạn sau 1975:
Sau biến cố lịch sử năm 1975, Đại chủng viên Hòa Bình tại Hòa Khánh giải thể, Giáo xứ Phú Thượng lại có cơ may đón tiếp các Cha giáo sư thuộc Tu hội Xuân Bích và trên 40 đại chủng sinh về nương náu. Cha Giuse Nguyễn Chính Duyên, Giám đốc Chủng viện kiêm quản xứ, hai Cha G.B. Nguyễn Văn Đán và F. X Nguyễn Tiến Cát, làm giáo sư Chủng viện kiêm Phó xứ. Các thầy vừa học hành, vừa sản xuất, và cũng một tay đắc lực phụ giúp các Cha lo việc mục vụ trong xứ đạo. Vì thế, giữa một hoàn cảnh xã hội tế nhị và kinh tế đầy khó khăn, nhưng đời sống đức tin của cộng đoàn Phú Thượng vẫn luôn vững vàng và sống động. Năm 1982, các thầy mãn chương trình thần học, đại chủng viện giải thể, các thầy về gia đình, nhưng 3 Cha vẫn tiếp tục ở lại chăm sóc mục vụ cho giáo xứ.
Trong số các thầy được Giáo xứ cưu mang trong thời gian này, có 13 vị đã trở thành linh mục, trong đó, có Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng.
Năm 1985, Cha Giuse Nguyễn Chính Duyên lâm bệnh nặng và qua đời trong sự tiếc thương của mọi người. Cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Đán lên làm quản xứ, Cha F.X Nguyễn Tiến Cát làm phó. Ngài là Quản xứ thứ 19 kể từ cha Cố Thiên. Vốn là Cha giáo phụng vụ, Cha đã cho chỉnh trang lại cung thánh, gác đàn và mặt tiền nhà thờ, làm cho nhà thờ khang trang đẹp đẽ hơn nhưng vẫn giữ được nét cổ kính vốn có của nó. Năm 1992, Cha G.B Nguyễn Văn Đán được chuyển về làm Quản xứ An Ngãi, sau đó được Đức Cha Phanxicô Xaviê đặt làm Tổng Đại diện Giáo phận, và năm 1994, Ngài ra Huế làm giáo sư Đại Chủng viện vừa được mở cửa lại.
Cha Vinh-sơn Hoàng Quang Hải được bổ nhiệm về Phú Thượng làm quản xứ. Trong vòng 6 năm phục vụ, bản tính âm thầm, cha đã miệt mài ổn định việc mục vụ trong giáo xứ, củng cố hạ tầng cơ sở, tu sửa nhà thờ Tùng Sơn, làm mới nhà thờ Lộc Hòa, khuyến khích và góp phần mở rộng đường giao thông nông thôn. Đặc biệt, cha quan tâm rất nhiều đến vấn đề văn hóa của con em trong giáo xứ.
Năm 1998, Cha Giuse Cao Văn Cường về làm quản xứ thay cha Hoàng Quang Hải. Cha cải tạo khuôn viên nhà thờ, bê tông hóa các lối đi quanh nhà thờ, xây dựng đài Đức Mẹ thay thế hang đá Lộ Đức cũ, dựng đài Thánh Giuse. Công trình lớn lao nhất trong thời gian này chính là việc đại tu Nhà thờ và xây dựng thêm các phóng giáo lý. Thánh đường Phú Thượng ngày nay được lột xác nhưng vẫn trên nền móng và kiểu dáng xưa. Nhà thờ được nâng cao thông thoáng, cung thánh được làm mới hoàn toàn. Ngoài ra, Nhà thờ, nhà xứ họ nhánh Phú Hạ cũng được xây dựng mới trên nền đất mới, với khuông viên rộng rãi khang trang trên một ngọn đồi.
Cộng tác với Cha sở Giuse Cường trong thời gian này có quí Cha phó Gabriel Nguyễn Ngọc Tuấn, rồi đến Cha Antôn Trương Gia Ninh.
Như hoàn thành sứ mạng Chúa và Giáo Hội trao phó, ngày 06.11.2006, Cha Giuse Cao Văn Cường từ giã Phú Thượng về làm Quản xứ Tam Tòa và Hạt trưởng Hạt Đà Nẵng, Cha Gioan Nguyễn Văn Hoàng từ Xuân Thạnh ra thay ngài cai quản giáo xứ. Tân Quản xứ Phú Thượng là một linh mục thuộc thế hệ mới, tốt nghiệp khóa I Đại Chủng viện Huế sau khi được tái lập, sự hiện diện của Ngài mở ra cho Giáo xứ Phú Thượng một trang sử mới, thoạt đi từ những nét cổ kính của mình.
Biến cố quan trọng đầu tiên dưới thời của Cha Gioan Nguyễn Văn Hoàng là việc tách xứ Phú Hạ từ Phú Thượng. Với sự phát triển của giáo dân, sinh hoạt độc lập và trưởng thành, cùng với những cơ sở sinh hoạt đầy đủ, Giáo họ Phú hạ đã được Đức Cha Giuse, Giám mục Giáo phận nâng lên thành Giáo xứ ngày 08.9.2008, dịp lễ sinh nhật Đức Maria, Quan Thầy Giáo xứ, và đặt Cha G.B Võ Quang Khải, Phó xứ Phú Thượng làm Quản xứ Tiên khởi. Cha Giuse Bùi Ngọc Nam được bổ nhiệm thay Cha G.B. Khải. Một thời gian sau, Cha Nam nhập Tu Hội Xuân Bích và xuất dương tu nghiệp.
III. HIỆN TÌNH GIÁO XỨ.
Cha Gioan Nguyễn Văn Hoàng tiếp nối công trình các bậc tiền nhiệm. Ngài cho mở rộng mặt bằng, củng cố và qui hoạch khuôn viên thánh đường thoáng mát, sạch sẽ, thuận lợi sinh hoạt, nhất là tạo bầu khí cầu nguyện.
Ngài cũng đặc biệt chăm lo đời sống thiêng liêng, củng cố nếp sống đạo, khuyến khích tinh thần hiệp nhất, cộng tác và đoàn kết các thành phần dân Chúa giữa các cá nhân, họ đạo trong Giáo xứ, và với lương dân. Xây dựng và củng cố các đoàn thể của giáo xứ như Hội Hiền mẫu, Giới trẻ, Ca đoàn Trẻ, Nhóm Song nguyền, lớp Ơn Gọi và đang dự kiến thành lập Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể cho Thiếu nhi. Mong sao Giới Gia trưởng cũng chóng được hoàn thành để nâng đỡ các bậc cha ông giữa những thay đổi lớn lao của xã hội ngày nay liên hệ đến đời sống gia đình.
Hiện tại, số giáo dân trong toàn giáo xứ là 2800 người, chia làm 5 Giáo Xóm tại Phú Thượng và 2 Giáo họ Lộc Hòa và Tùng Sơn. Giáo dân đông, nhưng Phú Thượng vốn nề nếp, nên các sinh hoạt mục vụ trong giáo xứ tương đối ổn định. Các hội đoàn ban ngành đoàn thể đông đúc và sinh hoạt đều đặn, nên bầu khí trong giáo xứ khá sinh động. Giáo lý Thiếu nhi trên 600 em học vào sáng Chúa Nhật hằng tuần với Thánh lễ dành riêng, được sự hướng dẫn của 6 nữ tu Phaolô, 38 giảng viên giáo lý trực tiếp cùng 4 ủy viên giáo lý lo việc tổ chức. Điểm son của vấn đề giáo lý là hàng ngũ giáo lý viên rất tích cực, lại được đa số các bậc phụ huynh quan tâm cộng tác. Phòng học còn thiếu và khá sơ sài, nên hiệu quả chưa cao. Sau gần 2 năm chuẩn bị, dự kiến mùa hè tới, Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể của Giáo xứ sẽ chính thức ra mắt. Rất mong nhận được sự hổ trợ của mọi người.
Nếu không nói là thất bại, thì Giới Trẻ hiện nay là quan tâm lớn nhất của Giáo xứ. Dù đã nhiều cố gắng, nhưng việc qui tụ thành đoàn thể để giáo dục kết quả rất chắt chiu, trong khi nguy cơ thì mỗi ngày một lớn, với sự đô thị hóa ồ ạt ngày nay của Thành phố Đà Nẵng. Hơn ai hết, chính người trẻ phải có ý thức kết đoàn.
Ngoài ra, Giáo xứ còn có Nhóm Hồn Nhỏ, Nhóm Song Nguyền, Hội Legio Mariae khá hùng hậu với 7 tiểu đội, 4 senior và 3 junior. Họ chính là cánh ta nối dài của Cha Quản xứ trong mục vụ bệnh nhân, thăm viếng lương dân và những người nguội lạnh.
Hội Đồng Giáo xứ có 06 vị và 38 quí chức ở các xóm, với sự trợ giúp của các ban ngành như Phụng vụ, 3 Ca đoàn, Âm thanh Ánh sáng, Khánh tiết. Không thể không nhắc đến sự phục vụ tận tụy và nhẫn nại âm thầm của 2 Cộng đoàn nữ tu Mến Thánh Giá Qui Nhơn và Thánh Phaolô. Từ khi Phú Hạ được thành lập, Cộng đoàn Mến Thánh Giá phục vụ cho Giáo xứ mới Phú Hạ. Cộng đoàn Phaolô hoạt động trong nhiều lãnh vực như y tế, giáo dục, xã hội, giáo lý thiếu nhi các lứa tuổi, giáo lý dự tòng, hôn nhân, phòng thánh và đồng hành với các đoàn thể.
Giáo xứ đóng góp cho Giáo Hội được 02 linh mục: Cha Bê-nê-dic-tô Nguyễn Tấn Khóa đương kim Quản Hạt Tam Kỳ, và cha Phê-rô Nguyễn Đệ, Quản xứ La Nang, 03 thầy dòng và 07 nữ tu. Thế hệ sau vẫn còn tiếp nối với 02 chủng sinh đang học tại ĐCV Huế, 02 tập sinh các dòng, 04 em tiền dự tu và dự tu giáo phận. Tại Giáo xứ còn có lớp ơn gọi cả nam lẫn nữ đã hình thành được 3 năm là 20 em sinh hoạt hằng tuần. Ước mong vườn nho Chúa có thêm nhiều thợ gặt.
Là một giáo xứ toàn tòng 99% là người Công giáo. Đây cũng là thế mạnh trong nhiều sinh hoạt của giáo xứ, song cũng là mặt hạn chế, khi cộng đoàn dễ rơi vào tâm thức thiếu cởi mở với người khác. Vì thế, Giáo xứ tận dụng khuôn viên rộng rãi của giáo xứ, tạo mặt bằng cho những sinh hoạt chung, cấp điện nước, làm nhà vệ sinh công cộng, để những hội đoàn và tổ chức ngoài giáo xứ có thể đến sinh hoạt và giao lưu.
Việc bác ái xã hội cũng đang được khơi dậy và thúc đẩy mạnh. Giáo xứ đã giúp xây dựng hơn 40 ngôi nhà cho nạn nhân bão và người nghèo trong chương trình Căn Nhà Đồng Tâm của Giáo phận. Những công cuộc bác ái khác cũng được quan tâm và cổ võ trong các hội đoàn, trong sinh hoạt chung Giáo xứ, để tiếp cận với người nghèo, với anh chị em lương dân thiểu số đang sống quanh mình.
Phú Thương cổ kính ngày xưa nay đã nhiều đổi thay cùng với xã hội chung quanh mình. Sự đổi thay này có nhiều mặt tích cực, đem lại những tiện ích, nhưng cũng không thiếu những mặt tiêu cực, nhiều khi xót xa. Cuộc sống gia đình dễ rạn nứt, sự hiệp nhất gặp nhiều thách đố, tính cách cạnh tranh ngày càng khốc liệt, không phải chỉ trong công ăn việc làm, mà cả trong những mối quan hệ đạo đời tế nhị.
Kính xin Đức Cha, quí Cha và mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận cầu nguyện cho Giáo xứ Phú Thượng chúng con biết sống tinh thần Năm Thánh, cơ hội của Sám Hối, Canh Tân và Hòa Giải, trước hết là giữa chúng con với nhau, sau đó là đưa chúng con đến với mọi người.
Kính chúc mọi người ơn bình an của Đức Kitô Phục Sinh.
Phú Thượng
Mùa Hành Hương Năm Thánh 2010
Chúa Nhật 18/4/2010
(Hình chụp tháng 11 năm 2017. Bài viết copy từ trang nhà Giáo phận Đà Nẵng)
Nguồn bài viết :
Nguyên Hưng










































Copyright by Nguyên Hưng.