Thứ Bảy, 22 tháng 5, 2021

CN lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. 23.5.2021

 Bài 109. CN lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. 23.5.2021

Bài Tin Mừng : Ga 20, 19-23. “ . . . nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông SỢ người Do Thái. “ ( Ga 20,19)
Nếu có ai đó chịu khó lên “mạng” về lễ Chúa Thánh Thần thì sẽ đọc được rất nhiều bài viết của nhiều tác giả khác nhau về lễ quan trọng này. Tuy nhiên mình cũng muốn mạo muội chia sẻ về 7 ơn CTT như mình hay dạy giáo lý cho giáo dân ở thôn quê, đặc biệt là các em thiếu nhi Kinh cũng như Thượng. Xin thêm chút nữa là mình dùng những từ của 7 ơn khi còn bé mình học.
1. Ơn thứ nhất : Ơn KHÔN NGOAN .
Trong dụ ngôn mười người trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể của Chúa Giêsu, thì có tới 5 cô “khờ” và được có 5 cô “khôn” ! Khôn là biết đèn phải có dầu thì mới thắp sáng được và chuẩn bị dầu. Các cô khờ thì lại không biết điều này, nên không chuẩn bị dầu ! Kết quả chuyện này thì chúng ta đều biết ! Theo mình nghĩ dầu ở đây là đời sống đạo đức. Không sống đạo đức là không khôn ngoan. Chúa Giêsu cũng bảo là : Thầy sai chúng con đi như những con chiên con ở giữa sói rừng, nên chúng con phải khôn ngoan . . . Nếu không là mất mạng ! (Mt 10,16-23). Hãy xin cùng CTT ban cho ta ơn Khôn Ngoan.
Cha mẹ nào cũng muốn cho con cái mình 2 điều quý giá đó là Khôn và Ngoan. Chắc chắn là như vậy ! Con cái khờ dại là nỗi đau của bậc cha mẹ. Thiên Chúa cũng muốn con cái Người như vậy. Thật mà !


2. Ơn thứ hai : Ơn HIỂU BIẾT .
Chúng ta cũng hay nghe câu này : Vô tri, bất mộ; vô mộ, bất hành. Đó là kinh nghiệm của người đời : Không biết thì không mến, không thương; không thương, không mến thì không ra tay hành động. Không hiểu, không biết Lời Chúa thì không yêu mến Chúa. Không biết ý nghĩa và giá trị của Thánh Lễ thì không đến tham dự hoặc tham dự một cách hời hợt lấy lệ ! Biết giá trị của việc lần hạt Mân Côi thì ta mới siêng năng lần hạt mà thôi ! Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolo 2 nói không biết giáo lý thì rất dễ mất đức tin. Chúa Giêsu nói khi Thần Khí đến thì Người sẽ làm cho anh em “hiểu” lời của Thầy.
Vậy hãy xin CTT đến soi sáng lòng trí u mê tăm tối của chúng ta, để chúng ta được ơn Hiểu Biết.


3. Ơn thứ ba : Ơn biết LO LIỆU
Trong công việc làm ăn, ai cũng phải tính toán kỹ lưỡng . . .
Cuộc sống chúng ta hôm nay là một cuộc hành trình tiến về một cõi khác ! Nói cách khác cuộc sống này là mùa gieo. Gieo cái gì thì gặt cái đó. Gieo ít thì gặt ít, gieo nhiều thì gặt nhiều. Người làm nông cũng “lo liệu” sao cho thu hoạch được tốt. Chuyện Nước Trời cũng thế ! Có nhiều người chỉ biết lo cho đời này mà không nghĩ phải lo cho đời sau ! Bỏ lễ vì không “sắp xếp” được thì giờ . Đi lễ trễ vì không thu xếp kịp !
Xin CTT và đổi mới lòng trí chúng ta để chúng ta biết “lo liệu” sao cho đời này và đời sau của ta đều tốt.


4. Ơn thứ bốn : Ơn SỨC MẠNH.
Sức mạnh đây chủ ý nói là sức mạnh tinh thần.
Chúa Giêsu bảo ai muốn theo tôi thì phải vác thập giá hằng ngày và đi theo tôi. Chưa có ai làm cây thập giá vác đi ngoài đường hằng ngày triền miên đâu. Ơn Sức Mạnh đây là sức mạnh tinh thần để sống đời sống đức tin ! Có bài hát : Lạy Chúa, xin cho con cùng vác với Ngài, thập giá trên đường đời con đi ! Ơn Cứu Độ dành cho những người có sức mạnh. Khi CTT đến đã làm cho Phêro có “sức mạnh” tinh thần, không còn “sợ hãi” và mở cửa ra ngoài rồi ăn nói mạnh mẽ ngày hôm đó ! Tác dụng ngay tức thì ! Khỏi phải chờ thuốc thấm !
Xin CTT ngự đến trong con để con có Sức Mạnh sống “khoẻ” đời sống Đức Tin của con.


5. Ơn thứ năm : Ơn THÔNG MINH
Sách Thi thiên 14:1 và 53:1 nói rằng :” Kẻ ngu dại nói trong lòng mình rằng, chẳng có Đức Chúa Trời !
Chúa ban cho con người có trí khôn để thấy rằng trời đất muôn vật, muôn loài xinh đẹp, là phải có Đấng Tạo Dựng.
Không có gì tự nhiên mà có được.
Con loài vật không có trí khôn nên không biết được điều này.
Bản thân đời sống. của mỗi người chúng ta , sao mà cũng có lúc thật u muội, tối dạ không nhận ra Chúa trong từng chặng đường của cuộc đời !
Xin CTT ngự đến đem Ánh Sáng của Ngài chiếu vào tâm trí đôi khi bị bóng tối tham lam làm lu mờ lòng trí chúng con.


6. Ơn thứ sáu : Ơn ĐẠO ĐỨC
Phải xác nhận rằng người ta vẫn thích sống gần người đạo đức hơn . Giàu mà ích kỷ bần tiện, bằng cấp cao mà kiêu ngạo, người đẹp bề ngoài mà không đẹp tâm hồn . . . thì không người nào thích sống gần. Vì họ không có Đạo Đức.
Đạo Đức theo Chúa dạy là Mến Chúa là Yêu Người. Mến Chúa và yêu người là đôi cánh để “bay” vào Thiên Đàng. Hai cánh mới bay được, một cánh thì làm sao mà bay được.
Xin CTT ban cho con lòng đạo đức biết mến Chúa và yêu người anh em mình. Xin cho con được 2 cánh để con bay được !


7. Ơn thứ bảy : Ơn KÍNH SỢ CHÚA
Ơn này nghe ngồ ngộ ! Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu mà sao phải sợ ?
Khổng Tử ngày xưa dạy : Kính nhi viễn chi. Mặc dù ông Trời thì ở xa lắm, nhưng không được vì thế mà khinh thường ông Trời. Người ta cũng hay nói : không ai bẻ nạng chống Trời !
Vậy mà bây giờ có nhiều người coi thường Chúa, không mảy may kính sợ Chúa Trời. Không tin Chúa, thì vẫn có Chúa ! Không kính sợ Chúa, thì Chúa vẫn đầy Uy Quyền, không hề sút giảm chút nào. Không tin có Chúa thì đâu có sợ Chúa.
Con cái hiếu thảo là không những yêu mến cha mẹ, mà còn phải kính trọng cha mẹ trong lời ăn tiếng nói, trong cử chỉ hành vi khi đối xử. Là người tin Chúa cũng thế ! Nghêm túc trong việc thờ phượng từ ăn mặc cho tới giờ giấc . Từ cử chỉ bên ngoài cho tới tấm lòng bên trong vì Chúa nhìn thấu suốt tâm hồn con người !
Xin CTT giúp con để con biết Chúa là Đấng Cao Cả và con chỉ là vật mọn phàm hèn !


8. Nói thêm một chút về hoa trái của CTT theo thánh Phaolo, trong thư gửi cho giáo đoàn Galat 5:22.
“ Hoa quả của Thần Khí là : bác ái, hoan lạc, bình an, đại lượng, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ.” Không biết thánh Phaolo hái làm sao mà được tới 9 trái luôn. Không trái nào giống trái nào! Mà trái nào cũng ngon tuyệt vời ! Ai mà được 9 trái ngon ngọt này thì đời chỉ có hạnh phúc mà thôi.
Xin CTT ban cho con được những HOA TRÁI của Ngài. AMEN

Nguồn bài viết: Lm. Phê rô Nguyễn Văn Đông.



Thứ Hai, 17 tháng 5, 2021

HIỆN TƯỢNG GIAO THOA NGÔN NGỮ VĂN HÓA RẤT ĐẶC BIỆT:

 Nội dung bài dưới đây được tham chiếu từ một khảo luận của Nguyễn Cung Thông (Melbourne, Úc)

HIỆN TƯỢNG GIAO THOA NGÔN NGỮ VĂN HÓA RẤT ĐẶC BIỆT: (*)
* Gọi "thứ Hai", "thứ Ba", "thứ Tư"..., sao không thấy "thứ Nhứt (nhất)"?
* Gọi "CHỦ nhựt (nhật)" hay gọi "CHÚA nhựt (nhật)"?
1/ Trong ngôn ngữ phương Tây như tiếng Anh, tiếng Pháp, rồi tiếng Nhựt ở Đông Á họ gọi tên cho các ngày trong tuần như sau:
Monday (Anh) / lundi (Pháp) / Getsu-yō-bi (Nhựt Bổn) tức "Nguyệt diệu nhựt": ngày Mặt Trăng;
Tuesday / mardi / Ka-yō-bi: ngày sao Hỏa;
Wednesday / mercredi / Sui-yō-bi: ngày sao Thủy;
Thursday / jeudi / Moku-yō-bi: ngày sao Mộc;
Friday / vendredi / Kin-yō-bi: ngày sao Kim;
Saturday / samedi / Do-yō-bi: ngày sao Thổ;
Sunday / dimanche / Nichi-yō-bi: ngày Mặt Trời.
Không chỉ Anh, Pháp mà cả Ý, Tây Ban Nha, Đức...- các nước phương Tây, và kể luôn Nhựt Bổn đều dùng tên gọi của các thiên thể để đặt tên cho các ngày trong tuần (gắn liền với các sự tích thần thoại bên phương Tây; stt này không đề cập những sự tích cũng như vì sao Nhựt Bổn lại gọi y như phương Tây).
Không nước nào dùng số thứ tự để gọi các ngày trong tuần, như người Việt chúng ta.
2/ Từ đâu mà người Việt lại dùng số thứ tự để gọi - thứ Hai, thứ Ba,..., thứ Bảy?
2a) "Tuần gồm 7 ngày" là sự sắp đặt thời gian theo dương lịch. Trước kia, khi người Việt chưa biết đến dương lịch mà chỉ dùng âm lịch thì "tuần" 旬 có nghĩa là 10 ngày - trong một tháng 30 ngày chia ra "thượng tuần", "trung tuần", "hạ tuần".
Người Việt biết đến dương lịch của phương Tây, lúc nào? Đó là vào đầu thế kỷ 17, khi các tu sĩ Dòng Tên đến Đàng Trong để truyền đạo Công giáo (sau đó, mở rộng địa hạt truyền giáo ra Đàng Ngoài). Ở đây, chúng ta cần hiểu cho tỏ một vài dữ kiện lịch sử, để đừng ngộ nhận ở mức sơ đẳng nữa:
* Trong suốt thời kỳ đầu của truyền giáo, nhứt là - xin nhấn mạnh - trong buổi bình minh của việc xây dựng chữ Quốc ngữ, đa số các tu sĩ là người Bồ Đào Nha, một số ít là người Ý đều thuộc Dòng Tên. Trong số đó, đặc biệt phải kể đến tu sĩ Francisco de Pina, ngài là người khởi tạo nên hệ thống ký âm tiếng Việt dựa trên bộ chữ Bồ Đào Nha (vì chữ Bồ Đào Nha có gốc từ hệ thống văn tự biểu âm Latinh, thành thử chúng ta quen nói là dựa trên bộ chữ cái Latinh).
* Linh mục Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ, 1591-1660) cũng thuộc Dòng Tên, ngài đã tiếp nhận công trình ký âm tiếng Việt của Francisco de Pina để hoàn thiện hơn. Lm Đắc Lộ biên soạn cuốn "Từ điển Việt - Bồ - La" (VBL), ủa, tại sao ngài không soạn "tự điển Việt - Pháp - La"?
Bởi vì, xin chú ý, Lm Đắc Lộ đâu phải là công dân nước Pháp mà biểu ngài viết tiếng Pháp!
Quê quán của ngài là Avignon thuộc lãnh thổ của quốc gia bấy giờ mang tên "Stato della Chiesa" ("Quốc gia Giáo hội"), đâu phải là nước Pháp mà nói ngài là công dân Pháp?
Avignon chỉ thuộc về nước Pháp vào năm 1791, tức sau khi Lm Đắc Lộ đã qua đời những 130 năm, hơn một thế kỷ về sau lận!
Thêm nữa, rất đáng chú ý, "ngôn ngữ phương Tây" thịnh nhứt ở nước Việt, trong thế kỷ 17, là tiếng Bồ Đào Nha (ngôn ngữ mẹ đẻ của đa số các giáo sĩ). Tiếng Pháp, người Pháp thì mãi về sau lận, họ mới có mặt trên nước Việt.
2b) Ngày đầu tuần "Monday" (tiếng Anh đang phổ dụng hiện nay, cho tiện đối chiếu), trong tiếng Bồ là "segunda feira". Cứ vậy nối tiếp: "terça" (Tuesday), "quarta" (Wednesday), "quinta" (Thursday), "sexta" (Friday)... Mà quí bạn biết không, "segunda", "terça", "quarta", "quinta", "sexta"... có nghĩa là "thứ hai", "thứ ba", "thứ tư", "thứ năm", "thứ sáu"... đó đa!
Tiếng Bồ Đào Nha là ngôn ngữ duy nhứt ở phương Tây gọi tên ngày trong tuần THEO SỐ THỨ TỰ, không đặt tên theo các thiên thể / sự tích thần thoại (như Pháp, Tây Ban Nha, Anh...). Thành thử các giáo sĩ Dòng Tên (với sự cộng tác của những tín hữu Công giáo người Việt), vào thế kỷ 17, đã dịch nghĩa từ tiếng Bồ sang tiếng Việt mà gọi các ngày trong tuần cũng theo số thứ tự: thứ Hai (segunda), thứ Ba (terça), thứ Tư (quarta), thứ Năm (quinta), thứ Sáu (sexta), thứ Bảy (septima)!
[riêng thứ Bảy, ngoài chữ "septima" thì người Bồ còn dùng chữ "sábado" và "sábado" được dùng phổ biến hơn hẳn; "sábado" nghĩa là ngày sabbath, ngày thứ bảy theo lối nói của người Do Thái]
3/ Còn "ngày thứ nhứt (nhất)"? Cách gọi "Chúa nhựt" / "Chủ nhựt" từ đâu ra?
3a) Trong cuốn "Phép giảng tám ngày" (PGTN) và trong Tự điển VBL của Lm Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), có ghi: "ngày thứ nhứt" (dịch nghĩa "prima" trong tiếng Bồ), còn gọi là "ngày Dominh", ngày kế tiếp là "thứ Hai" (segunda)... Vào thời kỳ đầu định danh bằng tiếng Việt cho các ngày trong tuần theo dương lịch, CHƯA XUẤT HIỆN cách gọi "Chúa nhựt / Chủ nhựt".
"Ngày Dominh"? "Dominh" (có nơi ghi "Duminh") phiên âm từ tiếng Bồ "domingo", danh từ này lại có gốc từ tiếng Latinh "dominīcus" nghĩa là "ngày của Thượng đế".
"Ngày Dominh" và "ngày thứ nhứt" là một, nhưng lối gọi "ngày Dominh" phổ biến hơn.
3b) Trong cuốn Tự điển của Lm Taberd, vào thế kỷ 19, không còn xuất hiện lối gọi "ngày Dominh" nữa mà thay vào đó là "ngày Chúa nhựt". Trong cuốn "Tiểu tự điển Pháp - Việt" của học giả Trương Vĩnh Ký, thế kỷ 19, ghi "Dimanche : ngày chúa nhựt".
Như vậy, "Chúa nhựt" là lối gọi có thể xuất hiện SAU thế kỷ 17 (nhưng chính xác vào lúc nào thì không rõ) và, dĩ nhiên, là TRƯỚC khi có Từ điển của Lm Taberd & Trương Vĩnh Ký trong thế kỷ 19 (từ điển ghi lại những gì đã xuất hiện trước đó trong ngôn ngữ).
Còn "Chủ nhựt"? Theo từ điển của Trương Vĩnh Ký, năm 1886, ông vẫn còn ghi: "dimanche: ngày chúa nhựt". Vậy, lối gọi "chủ nhựt" không thể xuất hiện trước năm 1886 cuối thế kỷ 19, mà xuất hiện vào thời điểm nào đó trong thế kỷ 20.
Tóm lại, để gọi tên cho "Sunday", trong tiếng Việt đã lần lượt trải qua các lối gọi theo dòng lịch sử: "ngày thứ nhứt" => "ngày Dominh" => "Chúa nhựt" => "Chủ nhựt".
Trong thực tế hiện nay lối gọi "Chúa nhựt" vẫn còn hiện diện, bên cạnh lối gọi "Chủ nhựt".
4/ "CHÚA", trong "Chúa nhựt", đây là hiện tượng bản địa hóa ngôn ngữ (chỉ có trong tiếng Việt)!
Từ việc phiên âm "ngày Dominh" (domingo), chuyển sang dịch đúng nghĩa là "ngày của Thượng Đế". Nhưng tại sao Thượng Đế, trong tiếng Việt, lại có cách gọi là "CHÚA" / "ngày của CHÚA" (Chúa nhựt)?
Kitô giáo bên Trung Hoa lẫn bên Nhựt Bổn, họ xưng tụng Đấng Tạo hóa bằng hai chữ: 天主 - tiếng Tàu đọc /tiān zhǔ/, tiếng Nhựt đọc /ten shu/, âm Việt của hai chữ này là "Thiên Chủ".
Sao, Kitô giáo ở VN không gọi "Thiên Chủ" mà lại gọi thành "Thiên Chúa"?
Ở đây, cách gọi "Chúa" (trong "Thiên Chúa") cho thấy hiện tượng bản địa hóa ngôn ngữ hết sức đặc biệt, dựa theo dấu ấn lịch sử của nước Việt, như sau:
Thời kỳ các giáo sĩ Bồ Đào Nha đến truyền giáo, nước Việt phân chia thành Đàng Trong và Đàng Ngoài. Nắm giữ quyền lực cao nhứt, được gọi là: "Chúa" 主. Ở Đàng Trong có chúa Nguyễn, còn Đàng Ngoài là chúa Trịnh (vua Lê chỉ có hư danh, không thực quyền).
Thành thử Đấng Tạo hóa, nắm giữ quyền bính cao nhứt khắp trời đất, được diễn giải trong tiếng Việt là: "Chúa (Trời)" (Thiên Chúa).
Nhắc lại: bên Nhựt, bên Tàu họ đều gọi "Thiên Chủ" 天主; NHƯNG cũng ký tự này, ở VN, "Chủ" được chuyển thành "Chúa", và chỉ ở VN mới có cách gọi là "Thiên Chúa" mà thôi.
Phiên âm "ngày Dominh" được chuyển nghĩa sang cách gọi "ngày của Chúa" (Chúa nhựt) là vì vậy.
Nhắc lại: cùng một ký tự 主, ở tiếng Việt có hai cách đọc: "chúa" / "chủ". Thành thử "Chúa nhựt" hay "Chủ nhựt" thì cũng cùng một cách viết (trong Hán tự): 主日.
THAY LỜI KẾT:
Nước Việt và nước Bồ xa xôi cách trở, một đàng ở Đông Nam Á còn một đàng ở tuốt Nam Âu, nhưng trên thế giới chỉ có 2 ngôn ngữ này - TIẾNG VIỆT và TIẾNG BỒ - là có sự gặp gỡ, giống nhau trong cách gọi!
* Tên các ngày trong tuần được đặt theo số thứ tự; đầu tuần làm việc là thứ Hai ("Segunda");
* Ngày thứ nhứt được gọi là "Chúa nhựt" (tiếng Bồ "Domingo" mang nghĩa tương tự).
--------------------------------------------------------
Phụ chú: Tiếng Tàu có nhiều cách thức để gọi tên cho các ngày trong tuần; trong đó cũng có cách dùng số thứ tự để đặt tên. NHƯNG khác về cách thức đếm số: đầu tuần làm việc được gọi là "tinh kỳ nhứt" (ngày thứ nhứt), trong khi tiếng Việt & tiếng Bồ là "thứ Hai" (segunda); ngày cuối tuần gọi là "tinh kỳ lục" (ngày thứ sáu) trong khi tiếng Việt là "thứ Bảy".
Chúa nhựt (Chủ nhựt) trong tiếng Việt, bên tiếng Hoa gọi "Tinh kỳ thiên" (ngày của Trời).
------------------------------------------------
Hình ảnh một giáo đường tại Lisbon (Bồ Đào Nha), Nhà thờ Đức Bà tại Sài Gòn (Việt Nam)
Nguồn bài viết:

Chương Dương




Thứ Năm, 13 tháng 5, 2021

NGHE TIẾNG "Dạ" sao mà thương đến lạ.

 NGHE TIẾNG

"Dạ" sao mà thương đến lạ. Người Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, có thói quen dùng từ "dạ" khi nói chuyện, khác với người miền Bắc lại dùng từ "vâng".
Để ý sẽ thấy ít có người Sài Gòn nào nói từ "vâng".
Khi có ai gọi, một người Sài Gòn nói "vâng!" là trong dáng dấp của câu nói đó có giọng đùa, cười cợt.
Khi nói chuyện với người lớn hơn mình, người dưới thường đệm từ "dạ" vào mỗi câu nói:
''Mày ăn cơm chưa con ?
- Dạ, chưa!"
"Mới dìa/dzề hả nhóc?
- Dạ, con mới!"…
Cái tiếng "dạ" đó, không biết sao trong cảm giác nghe của một người Sài Gòn với một người Sài Gòn thấy nó "thương" lạ...dễ chịu mà gần gũi,
nhẹ nhàng mà tình cảm lắm lắm.
Cảm giác nó thật riêng so với những nơi khác.
Nghe một tiếng "dạ" là biết ngay tên này là dân miền Nam cái đã rồi hẵng hay...
Một người miền khác, có thể là Bắc hoặc Trung, diễn tả một khoảng thời gian ngắn vài ngày thì nói:
"Từ bữa đó đến bữa nay",
còn người Sài Gòn thì nói: "Hổm rày", "dạo này"…
Người khác nghe sẽ không hiểu,
vì nói chi mà ngắn gọn ghê.
(Lại phát hiện thêm một điều là người Sài Gòn hay dùng từ "ghê" phía sau câu nói để diễn tả một sắc thái tình cảm riêng.
Tiếng "ghê" đó chẳng hàm ý gì nhiều, nó mang ý nghĩa là "nhiều" là "lắm". Nói ''Nhỏ đó xinh ghê!", nghĩa là khen cô bé đó xinh lắm vậy.
Lại so sánh từ "hổm nay"
với "hổm rày" hay nghe ở các vùng quê Nam Bộ, cũng một ý nghĩa như nhau, nhưng lại không hoàn toàn giống nhau.
Nghe người Sài Gòn dùng một số từ "hổm rày, miết…" là người Sài Gòn bắt chước người miền sông nước vậy. Nhưng nghe vẫn không trái tai,
không cảm thấy gượng, vì trong người Sài Gòn vẫn còn cái chất miền Nam chung mà.
Nghe một đứa con trai Sài Gòn nói về đứa bạn gái nào đó của mình xem… "Nhỏ đó dễ thương ghê!",
"Nhỏ đó ngoan!"…
Tiếng "nhỏ" mang ý nghĩa như tiếng "cái" của người Hà Nội.
Người Sài Gòn gọi
"nhỏ Thuý, nhỏ Lý, nhỏ Uyên"
thì cũng như
"cái Thuý, cái Uyên, cái Lý"
của người Hà Nội thôi.
Nói một ai đó chậm chạp,
người Sài Gòn kêu
"Thằng đó làm gì mà cứ cà rề cà rề… nhìn phát bực!"
Nghe cứ như là đùa,
chẳng làm câu nói nặng nề lắm.
Một người lớn hơn gọi:
"Ê, nhóc lại nói nghe!"
Hay gọi người bán hàng rong:
"Ê, cho chén chè nhiều nhiều tiền ít coi!"…
"Ê" là tiếng Sài Gòn đó, coi gọi trổng không vậy mà chẳng có ý gì đâu,
có thể nói đó là thói quen trong cách nói của người SàiGòn.
Mà người Sài Gòn cũng lạ,
mua hàng gì đó, thường quên mất từ "bán", chỉ nói là:
"Cho chén chè, cho tô phở"…
"Cho" ở đây là mua đó nghen.
Nghe người Sài Gòn nói chuyện với nhau, thường bắt gặp thế này:
"Lấy cái tay ra coi!"
"Ngon làm thử coi!"
"Cho miếng coi!"
"Nói nghe coi!"…
"Làm thử" thì còn "coi" được,
chứ "nói" thì làm sao mà "coi" cho được nè ?
Vậy mà người Sài Gòn lại nói, từ "coi", cũng chỉ như là một từ đệm,
dân Sài Gòn nói dzậy mà.
Ngồi mà nghe người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau thì quái lắm, lạ lắm, không ít người sẽ hỏi:
"Mấy từ đó nghĩa là gì dzậy ta ?"
– Mà "dzậy ta" cũng là một thứ
"tiếng địa phương" của người Sài Gòn à.
Người Sài Gòn có thói quen hay nói:
"Sao kỳ dzậy ta?"
"Sao rồi ta?"
"Được hông ta?"…
Nghe như là hỏi chính mình vậy đó, mà...hổng phải dzậy đâu nghen,
kiểu như là nửa hỏi người, nửa đùa đùa vậy mà.
Tiếng Sài Gòn là thế đó, nếu bạn giả giọng Sài Gòn nói chuyện, dù có giống cách mấy mà bỏ quên mấy tiếng đệm, mấy tiếng Sài Gòn riêng riêng này thì đúng là…
"bạn hông biết gì hết chơn hết chọi!" Mà giọng Sài Gòn đã thế,
cách người Sài Gòn xưng hô, gọi nhau cũng có phần mang "màu sắc" riêng.
Người Sài Gòn có cái kiểu gọi "Mày" xưng "Tao" rất "ngọt".
Một vài lần gặp nhau, nói chuyện ý hợp tâm đầu một cái là người Saigon mày tao liền.
Nếu đúng là dân Sài Gòn,
hiểu người Sài Gòn,
yêu người Sài Gòn sẽ thấy cách xưng hô ấy chẳng những không có gì là thô mà còn rất ư là thân thiện và gần gũi. Mày-tao là kiểu xưng hô hay thấy trong mối quan hệ bạn bè của người Sài Gòn.
Cách xưng hô này thấy dàn trải từ đủ các mối quan hệ bạn bè; từ bạn học giữa mấy đứa nhóc chút xíu,
cho đến mấy bác mấy anh lớn lớn tuổi.
Hổng biết cái máu dân Sài Gòn nó chảy mạnh quá hay sao mà thấy mấy cách gọi này nó... tự nhiên và dễ nói hơn là mấy từ như
"cậu cậu - tớ tớ" của miền Bắc.
Nói chuyện bạn bè với nhau, thân thiết mà gọi mấy tiếng mày mày tao tao thì nghe thật sướng, thật thoải mái tự nhiên, và khoai khoái làm sao ấy.
Gọi thế thì mới thiệt là dân Sài Gòn.
Đấy là ngang hàng, ngang vai vế mà gọi nhau, chứ còn như đám nho nhỏ mà gặp người lớn tuổi hơn, đáng bậc cha, chú thì khác.
Khi ấy "tụi nhỏ" sẽ gọi là chú, thím, cô, dì, hay bác và xưng "con" ngọt xớt.
Có vẻ như người Sài Gòn "ưa" tiếng chú, thím, dì, cô hơn;
cũng như đa phần dân miền Nam khác vậy mà. Mà có lẽ cách gọi này cũng còn tuỳ vào việc ước lượng tuổi của người đối diện.
Gặp một người phụ nữ mà mình nhắm chừng tuổi nhỏ hơn mẹ mình ở nhà thì:
“Dì ơi dì...cho con hỏi chút...!" -
Còn lớn hơn thì dĩ nhiên là
"Bác ơi bác..." rồi.
Những tiếng mợ, thím, cậu,... cũng tuỳ vào vai vế và người đối diện mà gọi.
Có người chẳng bà con thân thuộc gì, nhưng là bạn của ba mình, lại nhỏ tuổi hơn, thế là gọi là chú và vợ của chú đó cứ thế gọi luôn là thím.
Gọi thì gọi thế, còn xưng thì xưng "con" chứ không phải "cháu cháu" như một số vùng khác.
Cái tiếng "con" cất lên nó tạo cho người nghe cảm giác khoảng cách giữa mình với đứa nhỏ đang nói kia tự dưng… gần xịt lại.
Nghe sao mà quen thuộc, và gần gũi đến lạ lùng.
Tự dưng là thấy có cảm tình liền.
Nói tiếp chuyện xưng hô, người Sài Gòn có kiểu gọi thế này :
Ông đó = Ổng
Bà đó = Bả
Dì đó = Dỉ
Anh đó = Ảnh
Chị đó = Chỉ
Cô đó = Cổ
Còn nữa:
Ở bên đó = Ở bển
Ở trong đó = Ở trỏng
Ở ngoài đó = Ở ngoải
Hôm đó = Hổm.
Nói chung, khi cần lược bỏ chữ "đó", người ta chuyển thanh ngang hoặc thanh huyền thành thanh hỏi.
Không hiểu sao mà dấu hỏi tự nhiên cái trở nên giữ vai trò quan trọng...
ngộ nghĩnh dzậy nữa.
Nhưng mà kêu lên nghe hay hay đúng hông?
Gọi vậy mới đúng là chất miền Nam - Sài Gòn á nghen.
Người Sài Gòn cũng có thói quen gọi các người trong họ theo... số.
Như anh Hai, chị Ba, thím Tư, cô Chín, dượng Bảy, mợ Năm...
Mà nếu anh chị em họ hàng đông đông, sợ gọi cùng là chị Hai, anh Ba mà hổng biết nói về ai thì dzậy nè, thêm tên người đó vào.
Thành ra có cách gọi:
Chị Hai Lý, chị Hai Uyên, anh Ba Long, anh Ba Hùng...
Thêm nữa, nếu mà anh chị em cùng nhà thì tiếng "anh-chị-em" đôi khi được...giản lược mất luôn, trở thành:
"Hai ơi Hai, em nói nghe nè..."
và "Gì dzạ Út ?"...
Tôi thích cách gọi này, đâm ra ở nhà gọi Dì Út tôi chỉ là một tiếng Út gọn lỏn.
Có chuyện nhờ là cứ "Út ơi...con nhờ chút!" hoặc với mấy chị tôi thì
"Hai ơi Hai... em nói nghe nè!".
Cách gọi này của người Sài Gòn nhiều khi làm người miền khác nghe hơi... rối.
Cách xưng hô của người Sài Gòn là vậy.
Nghe là thấy đặc trưng của cả một mảnh đất miền Nam sông nước.
Cứ thế, không sang trọng, điệu đà như giọng người dân đất Bắc, cũng chẳng trầm lắng, thanh thanh như tiếng Huế Kinh Thành, cái giọng Sài Gòn đi vào tai, vào lòng, vào cách cảm, và nỗi nhớ nhung của người Sài Gòn lẫn dân miền khác bằng sự ngọt ngào của sông nước miền Nam, bằng cái chân chất thật thà của truyền thống xa xưa,
và bằng cả cái "chất Sài Gòn" chảy mạnh trong từng mạch máu người dân Sài Gòn.
Đi đâu, xa xa Sài Gòn, bỗng dưng nghe một tiếng "Dạ!" cùng những tiếng "hen, nghen" lại thấy đất Sài Gòn như đang hiện ra trước mắt với những nhớ thương...
(Quý Nguyễn).


Thứ Tư, 12 tháng 5, 2021

CÁC BÀI THUỐC DÂN GIAN.

 CÁC BÀI THUỐC DÂN GIAN.

1.Ngủ chảy nước dãi do Tỳ Vị mất cân bằng
Tăng cường đi bộ, khoai lang ăn nhiều
2.Ngủ nghiến răng gan nóng uất đấy mà
Đỗ đen nấu cháo, ta hay ăn vào
3.Ngủ hay mộng mị chẳng yên yên
Tay đặt lên bụng, thế nằm thẳng ngay
4.Đi bơi chân bị chuột rút đừng lo
Tay bên không bị giơ cao lên trời
5.Vừa nôn vừa bị đi ngoài
Lá vối, vỏ quýt ta đem uống liền
6.Chỉ bị đau bụng nhẹ thui
Nước nóng, nước lạnh trộn cùng uống luôn
7.Yếu bóng vía sợ bị ma nhập
Củ tỏi giã nát ta mang theo người
8.Huyết áp bị tụt bất ngờ
Hít vào hóp bụng thế là nó lên
9.Trời lạnh huyết áp lên cao đột ngột
Ngâm chân nước nóng thế là xuống ngay
10.Đột nhiên quên béng thứ gì
Ngón tay gõ nhẹ " Ấn đường" nhớ ra
11. Lẹo mắt, đũa cả đánh cơm
Hơ nóng áp lẹo vài lần khỏi ngay.
12. Dính mưa dị ứng mề đay
Đồ khô, hơ nóng ta thay mặc vào.
13. Bị ong đốt phải làm sao
Tía tô bóp nát rịt vào chỗ đau.
14. Rết cắn lá Ớt lấy mau
Đem giã lấy nước bôi vào vết thương.
15. Độc rắn, nhựa Đu đủ xanh
Bôi, rồi thái quả sắc nhanh kịp thời.
16. Dạ đề trẻ khóc không ngơi,
Xác Ve sao, tán, uống bồi nước Cơm
17. Dị ứng Kinh giới, Đinh lăng
Rau má, Diếp cá đun cùng Tía tô.
18. Quai bị, muỗi đốt sưng u
Hạt Gấc nướng, ngâm giấm, từ từ xoa.
19. Bị sốt vi rút mùa Hè
Kinh giới, Diếp cá lấy về đun lên.
20.Trẻ em, Kiết lỵ mấy phen
Cỏ sữa đun uống, vài lần cầm luôn.
21. Lang ben dùng rượu ngâm riềng,
Hay Phá cố chỉ thường dùng mà bôi.
22. Muốn gan thải độc cấp thời
Phan tả diệp sắc uống thời độc ra.
23. Muốn cho hết bệnh vàng da
Nhân trần sắc uống thay trà sớm trưa.
24. Méo mồm khi gió lạnh về
Uống liền kinh giới, lâu thì khó cân.
25. Muốn cho hôi miệng hết dần
Lá Ổi sắc đặc ta cần súc luôn.
26. Khi nào mới bị sâu răng
Hạt Cau ngâm rượu ta dùng ngậm ngay.
27. Cẩu tích đun uống hằng ngày
Thận khỏe, răng chắc mặt mày tươi vui.
28. Mụn nhọt, mẩn ngứa muốn lui
Lá Đinh lăng sắc, uống chơi ngày ngày.
29. Mộc thông giúp Sữa thông ngay,
Lá Đinh lăng, lá Mít đem thay đun dùng.
30. Khi cai lại muốn sữa ngừng
Lá Dâu tươi sắc, nhẹ nhàng sữa lui.
31. Táo bón, có sữa Bò tươi
Thật nhiều theo sức ta thời uống ngay
Hoặc rau Diếp cá, rau Đay,
Mùng tơi, Dền đỏ, hàng ngày nấu ăn.
32. Tiêu chảy, có Hồng xiêm xanh
Cùng với lá Ổi, đun thành thuốc ngưng,
Hoặc riêng vỏ Măng cụt dùng
Sắc nước cho uống, bệnh cầm thảnh thơi.
33. Muốn gan mát, mắt sáng ngời
Có trà hoa Cúc ta mời bạn thân.
34. Áp huyết thấp muốn cho tăng
Trà Gừng pha uống dần dần lại lên.
35. Áp huyết cao muốn hạ luôn
Hoa Đại hãm uống vài bông nhẹ đầu.
36. Rôm sảy muốn trẻ hết mau
Nước Dừa tươi đó uống vào rất ngon.
37. Kỷ tử nếu ta thường dùng
Trẻ lâu, da đẹp sánh cùng thời gian.
38. Muốn cho béo đẹp mỡ màng
Sữa Ngô nếu có ta dùng thường xuyên.
39. Muốn mau tiêu mỡ giảm cân,
Táo mèo, vỏ Bưởi sắc dùng vui thay.
40. Muốn chân khỏe mạnh, dẻo dai
Ngũ gia bì đó sắc thời uống luôn.
41. Muốn cho khỏi bệnh đại tràng
Lá Mơ tam thể ta ăn thật nhiều.
42. Dạ dày muốn cho khỏi đau
Vỏ trứng Gà sấy, bột này ta chiêu.
43. Khô mắt, quáng gà về chiều
Ngày ngày Bí đỏ làm nhiều mà ăn.
44. Bụng lạnh muốn ấm từ trong
Củ Riềng sắc uống, vừa dùng lạnh tan.
45. Muốn cho mát ruột mát gan
Bột Sắn dây uống, nóng tan nhẹ liền.
46. Muốn cho phần ngực ấm êm
Gừng tươi giã nhuyễn nước đem uống dần.
47. Muốn cho phần ngực mát lành
Hạt Mã đề sắc nước dùng bệnh lui.
48. Đái đục, rễ cỏ tranh sao
Sắc đặc lấy nước uống vào tiểu trong.
49. Muốn cho vào giấc ngủ nhanh
Lạc tiên đun uống lại thành tiên ngay.
50. Da mặt trắng mịn, lá Dâu,
Vừng đen đun nước, cho vào mật Ong.
51. Muốn cho bệnh trĩ khỏi nhanh
Hoa Thiên lý đó ta ăn hằng ngày.
52. Nếu ta ăn uống không tiêu
Đun nước củ Sả uống nhiều cho thông.
53. Bị ho, ngực họng nhiều đờm
Vỏ Quýt đun nước uống thường tiêu tan.
54. Miệng nôn, trôn tháo bệnh nan
Hoắc hương, vỏ Quýt, ta đun uống liền.
55. Thời tiết mất giọng, tiếng khàn
Uống nước vỏ Quýt, giọng thanh hết rè.
56. Chanh leo đừng bỏ hạt đi
Đó là thần dược phòng ngừa ung thư.
57. Đám tang, bốc mộ nhớ ghi
Có Gừng, Tỏi nào sá chi hàn tà.
58. Cam tẩu mã, nào phải sợ
Cóc thiêu toàn tính lấy tro rắc vào.
59. Trẻ mồ hôi trộm, lá Dâu
Hái buổi sáng sớm, đun sau uống dần.
60. Hay bị mồ hôi tay chân
Lá Lốt vừa uống, vừa ngâm cũng lành.
61. Trời lạnh áp huyết vọt lên
Ngâm chân Gừng, Muối hoả liền thoái lui.
62. Rét run, tái mặt, thâm môi
Giã cho uống nước Gừng tươi ấm dần.
63. Gan nhiễm mỡ, bụng béo tròn
Sao vàng vỏ Bưởi, đun dùng rất hay.
64. Có Hp trong dạ dày
Đừng quên uống cạn trà Dây thường thường.
65. Lại hay bị bệnh đau lưng
Có củ Cẩu tích ta dùng chớ quên.
66. Xương khớp bị đau triền miên
Ngoài vườn có dây Đau xương trị lành.
67. Đau vai gáy, Dâu cả cành bỏ lá
Sao vàng, hạ thổ mà thành thuốc thang.
68. Rau Dền, rau Má, Cải xoong
Là món bổ máu ta dùng yên tâm.
69. Nhân sâm và củ Đinh lăng
Dùng vào bổ khí, lực tăng sức bền.
70. Bí trung tiện muốn thông nhanh
Có hạt Mít luộc, ăn liền gió đua
71. Bí đại, tiểu tiện Phèn chua
Đem phi, tán bột, rốn kia rắc vào.
72. Tiểu nhiều muốn giảm thì sao
Nấu cháo củ Súng ăn vào giảm ngay.
73. Muốn đi tiểu nhiều hàng ngày
Có rau Cải đó, ta nay ăn đều.
74. Nếu ai bị chứng giời leo
Nhựa cỏ Sữa đó bôi vào đừng quên.
75. Bản đồ bệnh lưỡi trẻ em
Cà tím cô đặc, lấy bông thấm vào.
76. Lá rau Ngót, bệnh lưỡi tưa
Giã vắt lấy nước, bôi thừa sức tan.
77. Mồ hôi muốn thoát dễ dàng
Có củ Khúc khắc ta mang ra dùng.
78. Đã lâu bị nhịn đói lòng
Chỉ nên ăn cháo loãng chớ dừng no cơm.
79. Khi bị ngộ độc thức ăn
Món ngon trước mặt chớ nên chào mời.
90. Bị đỉa chui vào trong người
Mật Ong đặc trị ta thời dùng ngay.
81. Mật Ong dẫu thật là hay
Trẻ dưới 01 tuổi ta nay tránh dùng.
822. Suy dinh dưỡng, Cao ban long
Dùng cho trẻ nhỏ thuốc thần chớ quên.
83. Đứt tay, chảy máu vết thương
Lấy tro giấy đốt ta đem rịt vào.
84. Lưu thông máu não làm sao
Dùng rau Ngải cứu ăn vào nhẹ thôi.
95. Sốt cao muốn hạ kịp thời
Diếp cá với cỏ Nhọ nồi đừng quên.
86. Mào gà trắng sao cháy đen
Tử cung ra máu đun dùng cầm ngay.
87. Tiêu sỏi gan, mật: Nghệ vàng
Lấy về làm thuốc ta đừng có quên.
88. Muốn tiêu sỏi thận: trái Thơm
Nướng trên than củi với cùng phèn chua.
99. Bệnh gout cần phải phòng ngừa
Đỗ xanh cả vỏ, ta cho ăn nhiều.
90. Trẻ ho có lá Hẹ tươi
Đường phèn cùng hấp ta rời kháng sinh.
91. Đau mắt đỏ Diếp cá tanh
Rửa sạch giã nhuyễn ta đem đắp vào.
92. Chẳng may bỏng lửa, nước sôi
Lá Bỏng giã nhuyễn, đắp vào vết thương
93. Viêm họng có quả Trám đen
Bỏ hạt, ninh kỹ thêm đường uống nhanh.
94. Bong gân lá Láng ta dùng
Hơ nóng, ngâm nước gạo xong đắp vào.
95. Mồ hôi trộm, lở, chốc đầu
Lá Bỏng vắt nước, uống vào thật hay.
96. Kiết lỵ nhăn nhó mặt mày
Rau Sam ( hoặc cỏ Sữa )đun nước uống ngay mau lành.
97. Xơ vữa động mạch để phòng
Rau Sam, Gừng sống ta cùng đun sôi.
98. Bắp cải viêm loét dạ dày
Trần qua, vắt nước, ta thay nước dùng.
99. Viêm loét dạ dày trên đường
Bột Sắn dây uống tạm hàn vết đau.
100. Bị bỏng do Ớt rát cay
Lá Ớt giã nát lấy ngay đắp vào.
101.Đi ngoài ra cả máu tươi
Hoa hòe sao cháy, đun sôi ta dùng.
102. Nóng quá mũi chảy máu cam
Nhọ nồi mát máu đun làm thuốc thôi.
103. Dạ dày xuất huyết, gấp rồi
Củ Bạch cập nướng cháy hơi mà dùng.
104. Đừng dại nghịch nhựa xương rồng
Nó có chất độc loét tung da dày.
105. Sốt xuất huyết, phải cấp thời
Mau tìm Diếp cá, Nhọ nồi trị ngay.
106. Trời lạnh, huyết áp lên cao
Ngâm chân nước ấm hạ rồi áp ơi.
107. Mưa lạnh xương nhức, khớp đau
Uống, ngâm lá lốt đã sao cho vàng.
108. Mùa Đông lạnh thấu tận xương
Củ gừng nướng cháy, ta đun uống liền.
109. Trời lạnh bị đau một bên
Gội đầu nước Quế ấy liền hết đau.
110. Quả dâu ta chín, thật hay
Bổ huyết, sáng mắt, tóc này thêm đen.
111. "Cam lồ" nước bọt chớ quên
Nuốt ực xuống bụng, tiêu tan bệnh mà.
112. Mụn thịt ( cơm ) nhìn chớ có buồn
Tía tô vò nát bôi vào rụng thui
113. Hóc xương , đọc thần chú câu này:
" Gần thì ra, xa thì vào" thế là nó trôi.
114. Trung tiện mà thấy khó khăn
Hạt mít đem luộc ăn vào thật hay
115. Tiểu tiện mà bí, bụng chướng thật nguy
Hành ta đem luộc uống vào hay ngay
116. Đại tiện mà gặp khó khăn
Phèn phi tán bột, rắc vào rốn thui.
117. Mồ hôi mà nó chẳng ra, nặng người
Lấy Hương Nhu tía , vừa uống vừa xông
118. Tác mũi , mà nó chẳng thông
Lấy máy sấy tóc hơ ngay ấn đường
119.Mùa Đông, trời lạnh ngủ chẳng ngon.
Đun gừng đã nướng, thêm đường cho ngon.
120. Bệnh Gout xin cũng chẳng có gì lo..
Tía tô, lá Vối, đỗ Xanh dùng lâu khỏi liền
121.Đi lạnh, đưa đám.. sợ nhiễm hàn tà
Về xông bồ hết, vỏ bưởi..trục hàn tà ra
122. Nắng nóng sợ nhiễm nhiệt tà
Vỏ quả dưa hấu uống vào bạn ơi
123. Trúng phong méo miệng thật lo
Kinh giới đun rượu uống cho sớm vào
Nguồn:Sưu tầm