Thánh Kinh bằng hình: Chúa nhật III Mùa Chay – năm A
Chúa nhật, 15 tháng 03 năm 2020
Phúc Âm Ga 4, 5-42
“Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: ‘Xin cho tôi uống nước’, thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống“.
Nhớ lại Phụng vụ Lời Chúa từ hôm Chúa Nhật 1 Mùa Chay, chúng ta đã chiêm ngắm Đấng Cứu Thế với tư cách là Israel Mới, vượt thắng các cám dỗ của satan – hôm Chúa Nhật thứ hai, chiêm ngắm Ngài với tư cách Người Con Chí Ái tùng phục Chúa Cha. Hôm nay, chúng ta được tiếp tục chiêm ngắm Ngài trong vai trò Đấng ban Nước Trường Sinh.
Nói đến nước, chúng ta nghĩ ngay đến một điều kiện tối cần cho cuộc sống con người, một yếu tố không thể thiếu. Để sống, con người cần phải ăn và uống. Ngày nay, nhân loại đang lo ngại về tình trạng thiếu nước sạch, về hạn hán, về cuộc tranh dành nguồn nước.
Thế nhưng nói đến nước hoặc nói đến sự khát nước, chúng ta không chỉ dừng lại ở chuyện thuộc lãnh vực thể lý. Tuy rằng, theo bài sách Xuất Hành, Thiên Chúa đã ban nước uống cho đoàn dân đi trong sa mạc khô cháy. Tuy rằng, Đức Giêsu đã thật sự khát nước và phải xin nước uống, nhưng Lời Chúa muốn hướng chúng ta tới một thứ nước khác cần thiết cho ta hơn, nhưng tới những nỗi khát nghiêm trọng hơn cần được giải quyết.
– Cuộc trò chuyện giữa Đức Giêsu và chị phụ nữ xứ Samaria đã có một diễn tiến hấp dẫn. Qua trao đổi, dần dần nhiều vấn đề lộ ra. Chị phụ nữ được dẫn đi từ chuyện nước giếng và sự khát nước, đến sự khát tình yêu đang khiến chị tìm “bến đỗ” nhất thời nơi một cuộc tình bất chính và đang khiến chị còn bất an về lương tâm, rồi đến sự khát chân lý, tức là: mong muốn được soi sáng thêm về đức tin, về Giáo lý về thần linh và cách thức tôn thờ, vì chị vẫn con hoang mang về những khác biệt giữa dân chị và dân Do thái. Như thế, nơi câu chuyện của chị có 3 sự khát: khát nước, khát tình yêu, khát chân lý. Nhưng ba sự khát ấy chỉ tượng trưng cho những sự khát sâu xa hơn nơi con người mọi thời đại.
– Đó là nỗi khát khao sự bình an.
– Nỗi khát khao tìm được chân lý
– Và nỗi khát khao đạt được ơn cứu độ.
Lm. Antôn Trần Thế Phiệt, DCCT
Thánh Kinh bằng tiếng Việt
Thánh Kinh bằng tiếng Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét