ĐỂ ĐÀO SÂU
Kinh Thánh và Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ ở Việt Nam
Nguyên tác : Đỗ Mạnh Tri
POUR APPROFONDIR
La Bible et le groupe des traducteurs
de la Liturgie des Heures au Vietnam
Nguồn : Asie du Sub-Est- Vietnam
22/03/2013
Bản dịch tiếng Việt của : Nt Nguyễn Thị Sang CND
Sở dĩ Công Đồng Vaticanô II bãi bỏ tiếng La-tinh để dùng các tiếng bản xứ trong phụng tự là vì Công Đồng quan tâm sao cho tất cả mọi người hiểu được Lời Chúa dễ dàng hơn. Các nghị phụ mong ước việc này sẽ giúp mọi người khám phá trở lại Sách Thánh, bởi lẽ, như lời xác quyết của thánh Giê-rô-ni-mô, “Không biết Sách Thánh là không biết Đức Ki-tô” …
… Mà làm sao với tới Sách Thánh, nếu không nghe đọc hay tự mình đọc được trong tiếng mẹ đẻ của mình ? Ngay tại các nước phương tây, đó đã là một cuộc đổi mới gây chấn động rồi. Phương chi đối với các nước thuộc những vùng văn hóa khác, như Việt Nam.
Cử hành phụng vụ, đọc và nghe đọc Kinh Thánh tiếng Việt… Chính trong khuôn khổ này mà “Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ” (Nhóm CGKPV) có vai trò đáng kể. Từ bốn mươi năm qua, Nhóm đã chuyên lo việc phiên dịch các bản văn phụng vụ dưới những hình thức đa dạng. Lịch sử nhóm này đã được ghi lại trong tác phẩm tập thể : 40 Năm Hiện Diện (khổ 17/24, 330 trang). Trong tác phẩm này, Lm. Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, người điều hành chính và thường trực của Nhóm cho tới ngày nay, mô tả chi tiết sự hình thành, các sinh hoạt và nhất là sức sống của Nhóm. Bài của cha được bổ sung và tăng cường bởi các lời chứng mà các thành viên trong Nhóm cũng như các bạn hữu của Nhóm đã viết. Qua tác phẩm này, có thể khám phá một khoảng không gian thiêng liêng được hình thành qua năm tháng giữa lòng Giáo Hội Việt Nam, phía Nam, trong cương vị là tư nhân, độc lập một cách nào đó đối với cơ cấu hàng giáo phẩm. Nhưng cuối cùng phải coi đó là một thực thể không tránh né được. Trong bài này, chúng tôi nhắc lại cách ngắn gọn sự hình thành và các sinh hoạt của Nhóm, những khó khăn Nhóm đã phải vượt qua, và những hỗ trợ không hề thiếu vắng. (Quý độc giả Việt Nam có thể tham khảo trên trang mạng rất phong phú của Nhóm : www.ktcgkpv.org, để tìm tài liệu về Nhóm cũng như các bản văn phụng vụ hằng ngày).
Bối cảnh lịch sử
Nhóm đã khai sinh vào năm 1971, nhưng thực tế đã hiện diện trong tâm trí của nhiều người ngay từ Công Đồng Vaticanô II, cụ thể là khi tiếng La-tinh không được sử dụng nữa. Xin nghe Lm. Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh : “Vào mùa hè năm 1964, tôi được gặp anh Hoàng Kim và anh Đỗ Xuân Quế lần đầu tiên tại trại hè Liên Tu sĩ Châu Âu tổ chức tại Soleure, Thụy Sĩ, và được nghe các bậc đàn anh nói đến việc sẽ phải cùng nhau cố gắng thực hiện công việc đưa đức tin vào văn hóa dân tộc trong lãnh vực mục vụ, một khi trở về nước. Khi ấy, tôi vừa mãn thần học năm thứ hai cho nên đó không phải là mối bận tâm của tôi.” Thì ra, ba vị ấy –Lm. Tỉnh, ofm, Lm. Quế, op, và Lm Hoàng Kim, thuộc giáo phận Sàigòn– sau này sẽ nằm trong số các thành viên quan trọng nhất của Nhóm CGKPV.
Năm 1964, Công Đồng còn đang tiếp diễn, và nếu như công đồng là một biến cố hệ trọng đối với Giáo Hội và thế giới, thì nó càng hệ trọng hơn biết bao đối với người công giáo Việt Nam, vốn đang sống trong một hoàn cảnh lịch sử đầy khí thế. Đất nước đã bị chia đôi sau Điện Biên Phủ và Hòa Ước Genève (1954). Tuy nhiên, miền Nam Việt Nam lúc ấy tương đối thịnh vượng và phát triển mạnh. Cuộc canh tân Giáo Hội trùng hợp với thời điểm nhiều nước thuộc thế giới thứ ba đang giành lại độc lập, và được áp dụng cho Việt Nam một cách rất cụ thể. Quả nhiên, ngày 24 tháng 11 năm 1960, sắc lệnh Venerabilium Nostrorum của Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã thiết lập hàng giáo phẩm công giáo Việt Nam, và từ đó, Giáo Hội Việt Nam. Một mảnh đất truyền giáo đã trở thành một Giáo Hội địa phương. Thật ra như vậy cũng đã hơi trễ cho một cộng đoàn công giáo đã kỳ cựu (hơn bốn thế kỷ) và có tỷ lệ Công Giáo đông đảo nhất sau Phi Luật Tân, vẫn tiếp tục tự khẳng định mình và phát triển mặc dù phải chịu những cuộc bắt đạo tàn khốc. Nhưng Giáo Hội mới này đã đón nhận sự kiện ấy trong niềm tự hào trang nghiêm : điều phải nhắm tới bây giờ là vươn lên cho đúng tầm với luồng gió mới đang thổi trên Giáo Hội.
Hội nhập văn hóa, “hữu thực” trước “hữu danh”
Trước khi cứu xét việc canh tân trong trường hợp Việt Nam, cần lưu ý một điểm. Tin Mừng phải nghe được trong mọi ngôn ngữ, ở mọi trình độ. Có thể nói đức tin hội nhập vào các nền văn hóa là sự kiện nghiễm nhiên, vượt qua rào cản các ngôn ngữ [được nói tới trong câu truyện tháp Baben]. Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, với văn hóa của họ, những thành kiến và suy luận tiên nghiệm của họ, có thể công bố thông điệp Tin Mừng trong bất cứ ngôn ngữ nào, từ bất cứ nền văn hóa nào, nếu họ được tràn đầy Thánh Thần, và ai ai cũng đều nghe được trong tiếng mẹ đẻ của mình (Cv 2,8). Thiên Chúa nói vào lòng con người, trong cuộc sống cụ thể của mỗi người. Ví dụ một nhà nông xứ Bắc đã từng được ơn đức tin, tất nhiên có cách nói lên niềm tin của mình trong ngôn ngữ riêng của mình. Không thể lấy cái thước đo nhận thức của người trí thức hoặc nhà thần học để đo chiều sâu đức tin. Cha ông chúng ta trong đức tin, đặc biệt hơn một trăm ngàn vị tử đạo Việt Nam, là chứng nhân của sự kiện ấy. Dĩ nhiên điều này không miễn chúng ta phải đọc ra “các dấu chỉ của thời đại”. Mỗi thế hệ có trách nhiệm quan sát cho kỹ các đổi thay để đào sâu những gì vẫn còn tồn tại, và thích ứng cung cách diễn đạt lòng tin với các thực tại luôn biến chuyển trên thế giới.
Chính từ quan điểm này mà chúng ta phải đề cập đến công việc của Nhóm CGKPV. Mục tiêu tối hậu của Nhóm là sống và giúp sống, cách khiêm tốn, thông điệp Tin Mừng với tất cả tính thâm nghiêm của nó. Đối với Nhóm, phiên dịch không phải chỉ đơn giản phết lên trên tiếng mẹ bản văn phải dịch, như thường thấy trong các bản dịch Việt ngữ, đọc lên nghe rất “Tây”. Tiếng Việt là một ngôn ngữ có nhiều thanh điệu. Từ thanh điệu toát ra giọng điệu của lời nói, như trong mọi ngôn ngữ. Nhưng còn hơn thế nữa, thanh điệu làm ra từ ngữ. Có sáu thanh điệu, chia làm hai nhóm : bằng và trắc… Nghe êm tai hay không là tùy theo các thanh điệu được xếp đặt nối tiếp nhau. Câu nói nhịp nhàng đòi hỏi các từ nối tiếp nhau theo một cung điệu nào đó. Chuỗi từ xếp không khéo sẽ nghe chói tai. Một bản dịch nghiêm túc phải tính đến tất cả những đòi hỏi đó của tiếng Việt.
Thêm vào đó, nếu bản văn phải dịch có tính thi ca, như các Thánh vịnh chẳng hạn, thì công việc còn vất vả hơn nữa. Không phải là không có lý do những khi các thành viên trong Nhóm ngồi hàng giờ trước một Thánh vịnh mà không nhất trí với nhau được về một cách dịch nào cả. Bởi vì, ở đây, dịch có nghĩa chính xác là phối hợp cho đúng Lời Chúa với ngôn ngữ, tức là với những giá trị của nền văn hóa nước nhà ; không phải để đặt Lời Chúa ở một cấp độ văn hóa nhất định, cho dù là thanh cao, nhưng là nhằm cho Lời Chúa như ở nhà mình trong ngôn ngữ mới, với âm điệu, nhịp điệu, cảm tính của nó. Tóm lại, vấn đề là hòa hợp Lời Chúa với hồn Việt. Traduttore, traditore (‘Phiên dịch là phản nghịch’), người tây phương nói vậy về việc dịch qua lại giữa các ngôn ngữ Tây phương. Phải nói sao đây khi mà việc phiên dịch sải bước băng qua những đại dương, những nền văn hóa ! Có phản nghịch hay không, rõ ràng là trong phiên dịch có sáng tạo, sáng chế. Chỉ có sáng chế mới giúp chúng ta có cơ may trung thành với mạch ý mà không phản lại mặt chữ.
Các bản dịch
Trước Nhóm, thậm chí trước Công Đồng Vaticanô II, bên công giáo, đã có nhiều người dịch Kinh Thánh. “Ngay từ 1913, nhà in Nazareth của Hội MEP tại Hồng Kong đã ấn hành bốn bộ các bản dịch của Lm. Albert Schlicklin, nhà truyền giáo ở Bắc Việt, có kèm theo bản La-tinh Vulgata và phần bình giải.” [ND : Eglises d’Asie, số 238, 01.03.1997. EDA đã báo cáo rộng rãi công trình của Nhóm CGKPV cho tới năm 2000. Xem EDA 179, 183, 203, 238, 317]. Từ những năm 1960 trở đi, số các tác giả biên dịch trọn bộ hay từng phần cuốn Kinh Thánh ngày càng thêm đông. Có thể liệt kê : Lm. Gagnon Nhân, CSSR người Canađa ; các Lm. Trần Đức Huân, An Sơn Vị ; Ô. Mai Lâm Đoàn Văn Thăng, Lm. Nguyễn Thế Thuấn, Hồng Y Trịnh Văn Căn.
Nhưng về mặt số lượng và thời gian, không có công trình nào tương đương với công trình đã được Nhóm CGKPV thực hiện. Trong thời gian bốn mươi năm, có trên ba mươi lần ấn hành dưới dạng quay ronêô hoặc in ấn, khi công khai khi bí mật, tùy theo hoàn cảnh đầy bấp bênh và các biến động chính trị. Nhóm đã thật sự nghĩ đến tất cả mọi người. Nhắm các trẻ em và giới thiếu niên, có Kể chuyện Kinh Thánh cho trẻ em (6-9 tuổi), Kể chuyện Kinh Thánh cho thiếu niên (10-15 tuổi). Xin đặc biệt nêu lên các cuốn bằng chữ Braille là Bốn sách Tin Mừng, Công Vụ các Tông Đồ, 150 Thánh vịnh và Các bài đọc trong Thánh Lễ, được một người khiếm thị của Dòng Don Bosco là Nguyễn Quốc Phong thực hiện. Các sản phẩm bằng Braille được Nhóm đem tặng cho các trung tâm người khiếm thị tại Sài Gòn và những thành phố khác.
Về mặt phẩm chất, đây thật là lần đầu tiên tại Việt Nam, trong Giáo Hội –ngay cả ngoài Giáo Hội-, có một nhóm dịch thuật chuyên môn có trình độ, có tổ chức và nhất là làm việc trường kỳ như vậy. Các sách đã được Nhóm ấn hành, từ cuốn Các Giờ Kinh Phụng Vụ cho tới Nghi Thức Thánh Lễ, tuy không được một số các giám mục vui lòng đón nhận, mà vẫn được sự chào đón nhiệt liệt của các dòng tu (từ đó xuất thân số đông các thành viên của Nhóm) và các cộng đoàn giáo dân. Hơn nữa, công trình của Nhóm đã được những thẩm cấp quốc tế cao nhất, Công Giáo cũng như Tin Lành, thừa nhận là có giá trị.
Kinh Thánh ấn bản 2011 của Nhóm là bản dịch hoàn chỉnh nhất - điều không chối cãi được. Không có –và sẽ không bao giờ có- chuyện dịch thuật hoàn hảo và dứt điểm, bởi vì ngôn ngữ thì biến chuyển, khoa Kinh Thánh ngày càng đi vào chiều sâu. Tuy nhiên, cho dù không vào chi tiết nội dung của bộ sách tầm cỡ có đến 2800 trang này, người ta có thể khẳng định không sợ sai lầm rằng, cho đến giờ này, đây là bản dịch Kinh Thánh Việt ngữ hay nhất. Bởi hai lý do : đây là tác phẩm của những người có trình độ và của cả một tập thể.
Trong Nhóm, có nhiều nhà Kinh Thánh chuyên về những ngành chuyên biệt, những giáo sư dạy Híp-ri và Hy-lạp, những nhà thần học, những vị chuyên về phụng vụ, về văn chương, những nhà thơ…
Kinh Thánh là một khu rừng cổ mấy ngàn năm tuổi. Để khảo sát và phiên dịch, thì bao nhiêu người cũng không đủ. Nét son đứng đầu của Nhóm là có chuyên môn cao. Thứ đến là tính tập thể của việc phiên dịch, bởi tất cả mọi thành viên trong Nhóm đều được tham khảo ý kiến để cứu xét rồi lại cứu xét, cho đến khi mọi người đồng thuận.
Xin nói thêm rằng bản dịch Kinh Thánh này nhắm đến sứ mạng mục vụ. Đó là Lời Chúa cho mọi người, như tựa đề một ấn bản khác của Nhóm. Vả lại, trang mạng của Nhóm lấy tựa là , tương tự trang mạng của AELF (Association épiscopale liturgique pour les pays francophones – Hiệp Hội các giám mục lo về phụng vụ cho các nước nói tiếng Pháp).
Nhóm không quên công việc nghiên cứu. Đã bắt đầu thực hiện một bản dịch mang tính khoa học, dành cho việc dạy những học viên môn Kinh Thánh. Đã làm xong Tân Ước, các sách Ngũ Thư và Lịch sử. Lý tưởng là hoàn thành được bản dịch này vào năm 2021, khi Nhóm sẽ mừng 50 năm hiện diện.
Một nhà điều hành ngoại hạng
Người khởi xướng Nhóm là Lm. Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh. Trước đây, cha đâu có chia sẻ ưu tư của các bậc đàn anh, như đã thấy trên đây, nhưng một khi đã hồi hương, cha bị ưu tư ấy đuổi bắt lại. Ví dụ, về sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ, cha nhận thấy rằng “tìm ra một bản dịch các Thánh vịnh đọc lên nghe hay là chuyện rất khó”. Một ngày kia, cha tình cờ thấy một bản dịch Tv 42, không phải bằng văn xuôi mà bằng văn thơ. Vốn không phải là nhà chú giải Kinh Thánh, nên cha không biết bản dịch trung thành đến mức nào, nhưng nơi cha đã hiện lên một xác tín : “Nếu Thánh vịnh được viết dưới dạng thi ca, thì đây là lần đầu tiên trong đời, tôi gặp được một bản dịch tiếng Việt giữ được chất thơ của Thánh vịnh, nên suy nghĩ của tôi là nếu muốn có một bản dịch Thánh vịnh cho hay thì nhất thiết phải có bàn tay thi sĩ giúp vào.”
Nói là làm. Đầu năm 1971, cha gặp một linh mục kiêm thi sĩ, Xuân Ly Băng, và đem vấn đề ra chia sẻ. Mùa hè cùng năm ấy, cha nhận được một vài bài dịch của nhà thơ, đem trình lên Lm. Nguyễn Văn Vi, tổng thư ký Ủy ban Phụng Vụ của Hội Đồng Giám Mục, và xin cho phổ biến trong tập san Phụng Vụ. Sau đó, cha đến gặp Lm. Đỗ Xuân Quế, tổng biên tập tập san Nhà Chúa, cũng nhằm mục đích tương tự. C. Quế cho biết tin rằng, nhân dịp một cuộc gặp mặt các linh mục trẻ tại Nha Trang, có một số người đã lên dự án dịch sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ, và bản thân cha đã được chỉ định làm người điều hành, nhưng lại sắp phải đi Pháp. Vì vậy, C. Quế khuyên C. Tỉnh nên tìm gặp Lm. Trần Phúc Nhân, giáo sư môn chú giải Kinh Thánh, tiếng Híp-ri và Hy-lạp tại chủng viện. C. Tỉnh liền làm theo.
Vậy kể từ nay, thêm vào vị linh mục kiêm thi sĩ Xuân Ly Băng, Lm. Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh lại tiếp xúc với nhóm có ý định dịch sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ và với Lm. Trần Phúc Nhân.
Vào dịp lễ Các Thánh năm 1971, cha Pascal mời được tất cả những vị trên cùng làm việc với nhau tại Nữ đan viện Biển Đức ở Thủ Đức. Cha đưa ra cho mọi người xem một số các bài dịch của Xuân Ly Băng, nghĩ một cách ngây thơ rằng trong một ngày làm việc, có thể chỉnh sửa chí ít hai chục bài. Thật ra, cuối ngày, chỉ nhất trí với nhau trên hai hoặc ba bài thôi. Nhưng điều quan trọng là mỗi người đã có một kinh nghiệm đầu tiên về việc làm tập thể ; và mọi người đồng ý sẽ gặp lại nhau.
Vào dịp Tết năm 1972, một khóa làm việc thật sự đã được tổ chức lần đầu tiên tại chủng viện Phan-xi-cô Thủ Đức : mỗi ngày mười tiếng đồng hồ, Nhóm hăng say bắt tay vào việc dịch sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Công việc phải ngừng cuối kỳ nghỉ Tết để tiếp tục vào kỳ nghỉ lễ Phục Sinh cùng năm. Thành quả là ấn hành được Tuần I của sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Cuốn sách đầu tay này đã được đón nhận với nhiều thiện cảm. Những ai quan tâm đến giá trị ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam vui mừng có được một bản dịch như thế. Nói chung, các dòng tu đã dùng liền bởi không có bản nào khác. Nhờ vậy mà Nhóm bắt đầu được người ta biết đến. Công trình đã được phát động. Nó sẽ không dừng lại nữa.
Hè năm 1973, sau một tháng làm việc tại đan viện Xi-tô ở Đơn Dương, giữa miền đồng quê, Tuần II sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ đã hoàn tất. Chính cha Quế, vừa từ Pháp trở về, lo việc ấn hành. Bản dịch Tuần III và IV sẽ được thực hiện trong mùa hè 1974. Như vậy, phần chính yếu của sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ đã hoàn thành đầy đủ.
Tháng 3 năm 1974, Thánh Kinh Hội tổ chức một hội nghị tại Đà Lạt về việc phiên dịch Kinh Thánh. Ba thành viên của Nhóm đã tham dự : Các Lm. Nguyễn Ngọc Tỉnh, Trần Phúc Nhân và Đỗ Xuân Quế. Ngoài việc trao đổi về các nguyên tắc dịch thuật, đây là lần đầu tiên Nhóm bắt liên lạc với một tổ chức Kinh Thánh toàn cầu và gặp gỡ các anh em Tin Lành Việt Nam. Các cuộc thảo luận đi đến một dự án quan trọng : thực hiện một bản dịch Tân Ước chung của Tin Lành và Công Giáo. Dự án tốt đẹp này đã bị biến cố năm 1975 quét bay đi mất.
Sự hình thành Nhóm
Từ hạt nhân ba vị đầu tiên, Nhóm được thêm đông theo thời gian, nhờ đón tiếp những thành viên khác. Những người cuối cùng đã đến trong năm 2010. Thật ra, Nhóm không đông lắm : chỉ non ba mươi người. Bởi vì ai nấy đều có trách nhiệm trong việc mục vụ hay dạy học, và hơn nữa đều ở những địa điểm cách xa nhau, nên họ phải hy sinh nhiều mới có thể gặp gỡ nhau, vào các dịp nghỉ. Một số chỉ làm việc với Nhóm trong một thời gian, sau đó được bề trên bổ nhiệm vào những công việc khác.
Hầu như tất cả đều là tu sĩ. Cũng có một vài linh mục giáo phận và một giáo dân. Trước 1975, số người trong Nhóm rất ít. Chỉ gồm các Lm. Nguyễn Ngọc Tỉnh, dòng Phan-xi-cô và là người khởi xướng Nhóm ; Trần Phúc Nhân, linh mục triều ; Thiện Cẩm, dòng Đa-minh ; Hoàng Kim, linh mục triều ; Trần Ngọc Thao, Dòng Chúa Cứu Thế ; Nguyễn Văn Hòa, dòng Đa-minh ; Nguyễn Thị Sang, dòng Đức Bà ; Nguyễn Công Đoan, dòng Tên.
Nữ tu Nguyễn Thị Sang chỉ đến với Nhóm vào cuối năm 1974, và Lm. Nguyễn Công Đoan vào giữa năm 1975. Với khoảng bảy, tám người, Nhóm đã hoàn thành toàn bộ phần Thường Niên của sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, các dịch giả đã làm việc rất tích cực.
Phải đặc biệt nói đến Lm. Hoàng Kim, qua đời năm 1985. Tất cả mọi người đều làm chứng rằng bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ đã mang dấu ấn của ngài. Ngài không phải là nhà chú giải Kinh Thánh, nhưng là một thi sĩ và nhạc sĩ. Ngài yêu con chữ đến nỗi có khi ngồi hàng giờ ngong ngóng một “duyên kỳ ngộ” với một từ nào đó. Văn xuôi của ngài đã là một ngữ điệu. Cho nên phần sáng tác âm nhạc làm cho nó biến thái chỉ là thuật khai triển những tiềm năng của ngôn ngữ thôi. Những ca khúc ngài sáng tác rất có hồn Việt, đồng thời toát lên âm hưởng của nguyện cầu.
Kể từ năm 1975, Nhóm thâu dụng những thành viên mới, ngày càng trẻ tuổi hơn. Đặc biệt họ là những tu sĩ. Xin kể tên các vị ấy, theo thứ tự thời gian gia nhập Nhóm : Nguyễn Hữu Phú, dòng Chúa Cứu Thế (1976) ; Hoàng Đắc Ánh , dòng Đa-minh (1977) ; Trịnh Văn Thậm, tu hội Xuân Bích (1984) ; Nguyễn Tất Trung, dòng Đa-minh (1984) ; Nguyễn Ngọc Rao, dòng Đa-minh (1986) ; Nguyễn Cao Luật, dòng Đa-minh (1990) ; Nguyễn Đạt Tam, dòng Thánh Thể (1990) ; Nguyễn Cao Siêu, dòng Tên (1992) ; Hoàng Ngọc Lễ, giáo dân (1992) ; Trần Hòa Hưng, dòng Don Bosco (1996) ; Lê Thị Thanh Nga, dòng Đức Bà (1996) ; Phạm Xuân Hưng, dòng Đa-minh (1997) ; Nguyễn Tiến Dũng, dòng Phan-xi-cô (2001) ; Lê Thị Vân Nga, dòng Mến Thánh Giá (2003) ; Vũ Anh Quốc, dòng Đa-minh (2006) ; Lê Minh Thông, dòng Đa-minh (2008) ; Nguyễn Thị Cảnh Tuyết, dòng Đa-minh (2008) ; Đỗ Thị Yến, dòng Đa-minh (2009) ; Vũ Văn Lượng, dòng Đa-minh (2010).
Tất cả đều là những người đầy bản lãnh, chuyên môn trong nhiều lãnh vực, không những về chú giải Kinh Thánh, mà còn về mục vụ, phụng vụ, văn chương, thi ca nữa… Họ cũng được biết tiếng vì kiến thức của họ về các ngôn ngữ cổ và hiện đại (Híp-ri, Hy-lạp, La-tinh, Trung Hoa, Đức, Pháp, Anh, Ý). Do vậy mà khó lòng có một bản dịch làm mọi người hài lòng. Lm Tỉnh, người điều hành khôn ngoan, đôi khi viết lên bảng những câu gây tranh cãi và mời gọi cứ tiếp tục đi tới. Nhờ vậy mà công việc không bị khựng lại vì một chi tiết, để rồi sau đó mọi người cứ lấy thì giờ mà nghiền ngẫm. Lm. Trần Phúc Nhân tóm lược trong vài câu tinh thần và phương pháp làm việc của Nhóm như sau : “Phần tôi, những ngày đến làm việc với Nhóm, tôi cảm thấy rất thoải mái, vì mặc dầu anh chị em đến từ những nơi khác nhau, tuổi tác và tính tình cũng khác nhau, nhưng hòa đồng với nhau và sẵn sàng đóng góp cho công việc chung. Có lẽ, cùng với khả năng trí thức của mỗi người, đây là một trong những yếu tố làm nên sức mạnh của Nhóm, giúp Nhóm vượt qua những khó khăn từ bên trong cũng như bên ngoài.”
Đó là nói về tinh thần, và bây giờ là về phương pháp làm việc : “Thường thì Nhóm phân công cho mỗi người một công việc, như phiên dịch hoặc chú giải một sách trong Kinh Thánh. Sau đó phần chú giải sẽ được giao cho người khác đọc lại và góp ý với tác giả. Còn bản dịch thì đưa ra cho một tổ gồm những người có khả năng khác nhau (về ngôn ngữ, văn chương, phụng vụ…) để duyệt lại. Tổ sẽ làm việc tập thể, mỗi người góp ý rồi tổ đưa ra một cách dịch chung. Như vậy thành quả là của tổ chứ không phải của một cá nhân. Tất nhiên, những sách quan trọng hơn sẽ được lưu ý làm kỹ hơn.
Riêng về bản dịch các Thánh vịnh, là công trình đầu tiên của Nhóm, thì đã được làm rất kỹ. Bản dịch được duyệt đi duyệt lại nhiều lần. Đặc biệt các Thánh vịnh là thơ và thường được đọc chung, lớn tiếng, nên phải liệu sao cho bản dịch giữ được chất thơ và đọc lên dễ nghe (…). Chúng tôi theo thể thơ tự do, nhưng vẫn cố gắng dịch sao để thay đổi âm điệu bằng trắc, nhất là ở cuối mỗi dòng, do đó thường không có quá bốn âm trắc liền nhau trong một dòng, cũng như không có quá hai dòng liền nhau tận bằng âm trắc (…).Nguyên tắc dịch này cũng được áp dụng, tất nhiên uyển chuyển hơn, đối với các phần văn xuôi. Ngoài ra, chúng tôi còn cố gắng dịch sao cho câu văn nghe xuôi tiếng Việt, không quá “tây”. Do đó, đặc biệt phải chuyển nhiều danh từ các tiếng tây phương thành động từ. Điều này có thể thấy rõ khi đối chiếu các bản dịch Lời Nguyện của chúng tôi với các bản dịch của những người khác.”
Những người không thể thiếu
Các dịch giả thì dịch. Nhưng để cho họ có thể tiếp tục làm việc, và công trình của họ có thể đến tay người tiêu dùng, nhất là trong những ngày đen tối nhất sau 1975, đã cần đến lòng dũng cảm và tận tụy của nhiều cộng tác viên ẩn danh và không thể thiếu. Theo bài tường thuật của Lm. Trịnh văn Thậm, thì lúc bấy giờ, các máy đánh chữ, máy quay rônêô phải được khai chi tiết cho nhà chức trách. Bí mật đánh máy và quay rônêô sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Sách Lễ Rô-ma, sách Các Bài Đọc các ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng là điều cực kỳ nguy hiểm. Vào thời ấy, các tác phẩm tôn giáo bị xếp vào loại văn hóa đồi trụy hoặc là tuyên truyền chống phá cách mạng. Phải nói lời cám ơn với anh Lành, cô Phương Liên và anh Tuấn, những người đã đánh máy trên giấy sáp tất cả những bản văn ấy. Rồi sau đó phải quay rônêô. Đây là công đoạn nguy hiểm nhất, bởi có thể bị phạt ít nhất mười năm tù, với tội danh là đội lốt tôn giáo in tài liệu chống phá cách mạng. Lm. Xaviô Nguyễn Chí Chức đã liều mạng nhận làm công việc ấy. “Người bạn liều lĩnh của chúng tôi lúc ấy không chịu bó tay, “để cho lời Chúa không bị xiềng xích” (2 Tm 2,9). Khi in, phải biết chọn thời gian thích hợp, hoàn cảnh chung quanh như “đồng thanh” với tiếng máy in, để cho “tiếng hát lấn át” tiếng rì rào của từng trang giấy chạy ra khỏi ổ máy.” Vào một thời kỳ nọ, công việc bí mật này đã trở nên nguy hiểm đến nỗi cha Xaviô được phép đưa máy vào nội vi các Chị dòng Kín Sài Gòn. Sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Sách Lễ Rô-ma, sách Các Bài Đọc các ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng, được quay với số lớn bằng cách ấy, có thể không phải là những sản phẩm tuyệt mỹ, nhưng chắc chắn là quý giá đối với các giáo dân.
Một khi đã in xong, còn phải đóng thành sách. Các đan sĩ dòng Xitô Phước Lý nhận làm khâu này. Dĩ nhiên là các chồng giấy đã in phải được bí mật vận tải, rồi một khi đã thành sách, phải trữ vào kho, ấn hành, đi kèm với tất cả mọi nguy cơ cho người lãnh phần việc này. Những người trẻ như Tuấn, Hưng, Hạnh, đã đem sử dụng đủ mọi bí quyết để che mắt các nhân viên kiểm soát có mặt khắp các nẻo đường lớn nhỏ.
Các khó khăn Nhóm đã gặp phải
Biến cố miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản ập xuống dân cư như một thiên tai. Nhóm cũng không thoát khỏi đại họa này, nhưng vẫn tiếp tục làm việc trong những hoàn cảnh vô cùng bấp bênh, y như mọi người. Tuy nhiên, chúng tôi xin để qua một bên những bách hại thảm khốc dưới đủ mọi hình thức mà chính quyền cộng sản đã gây ra sau 1975 (mà hiện nay vẫn còn mang tính thời sự).
Lại có một sự kiện nghịch thường : các khó khăn đâu chỉ đến từ phía chính quyền, mà còn đến từ chính bên trong Giáo Hội nữa. Vào thời ấy, nhà thờ trở thành địa điểm duy nhất để đào luyện đức tin của giáo dân, và thánh lễ ngày Chúa Nhật là thời điểm duy nhất có thể truyền đạt những hiểu biết về đạo. Ý thức tình cảnh như thế, ngoài công việc tiếp tục phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Nhóm dành một khoảng thời gian đáng kể cho việc hoàn thành một bản dịch mới cho Sách Lễ Rô-ma, bởi vì bản dịch bấy giờ đang dùng có rất nhiều chỗ bất toàn. Tuy nhiên, Đức Cha Nguyễn Sơn Lâm, giám mục Đà Lạt, chủ tịch Ủy Ban phụng tự của Hội Đồng Giám Mục, muốn giới hạn sinh hoạt của Nhóm trong khuôn khổ Các Giờ Kinh Phụng Vụ thôi. Ngài giao bản dịch mới của Sách Lễ Rô-ma cho một nhóm linh mục giáo phận. Khi bản dịch phần Nghi Thức đã hoàn thành và đem ra thử nghiệm, thì không được mọi người tán thành. Bấy giờ, Nhóm thấy có trách nhiệm can ngăn một công trình mà nếu để tiếp tục thì sẽ có nguy cơ kéo theo những hậu quả tai hại cho dân Thiên Chúa. Lm. Trần Phúc Nhân được trao nhiệm vụ soạn thảo một bài phúc trình khoảng bốn mươi trang. Sau khi được Nhóm đem ra thảo luận và điều chỉnh, bản phúc trình được gởi đến tất cả các giám mục nhân danh Nhóm. Mặc dù bản phúc trình của Nhóm đã dấy lên một ít phản cảm, nhưng nó cũng đình chỉ được việc phiên dịch đã ướm thử.
Một thử thách đau thương trong nội bộ của Nhóm
Kể từ giữa năm 1981, Nhóm được Đức Cha Nguyễn Văn Bình, tổng giám mục Sài gòn, tiếp đón tại toà giám mục. Bị một số người xem là quá mềm mỏng đối với chính quyền, ngài bị níu kéo qua nhiều phía, nhưng vẫn cố gắng giữ tay lái con thuyền giáo phận. Ngài không e ngại bảo vệ Nhóm đang bị chính quyền bám sát. Một thứ nhà kho phía dưới tòa giám mục với hai gian phòng nhỏ ở tầng trên được đề nghị cho Nhóm sử dụng : đây là nơi làm việc tương đối an toàn cho Nhóm suốt mười ba năm trời. Đức Cha cũng không quên tài trợ Nhóm : ngài trao cho Lm. Tỉnh ba lượng vàng. Dĩ nhiên với lời dặn đừng cho ai biết. Một số người khác trong tòa giám mục lại có những cái nhìn khác, thậm chí nhiều yêu sách khác. Trong thời gian mười ba năm, Đức Cha chỉ đến thăm Nhóm đôi ba lần thôi.
Năm 1984, Hội Đồng Giám Mục quyết định sử dụng sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ của Nhóm, với điều kiện sửa chữa một vài điểm thứ yếu. Năm 1986, Ủy Ban Phụng Tự, với Đức Cha Nguyễn Sơn Lâm làm chủ tịch, quyết định tái bản Sách Lễ Giáo Dân đã từng được ấn hành trước 1975. Lm. Nguyễn Ngọc Sơn, người được giao công việc ấy, đã viết và gửi cho Ủy Ban và một vài giám mục một bức thư dài để trả lời rằng có việc đáng làm hơn là tái bản một cuốn sách Lễ rất bất toàn và bất cập. Cha đề nghị nên dùng các bản dịch đã được Nhóm CGKPV thực hiện. Thế là Nhóm được mời gia nhập Ủy Ban Phụng Tự. Được vinh dự như thế là một niềm vui lớn, cũng như thấy tác phẩm mình đã dầy công xây dựng bấy lâu được đánh giá đúng mức. Kể từ nay, trong số mười bốn thành viên của Ủy Ban Phụng Tự, bảy là người được Đức Cha Lâm chọn, và bảy là của Nhóm chọn.
Vào thời ấy, hai thành viên của Nhóm thấy có mâu thuẫn với Nhóm nên đã xin rút lui. Một trong hai người đã đi đến chỗ đâm đơn khiếu nại lên tòa án dân sự. Đức Tổng Giám Mục đã phải can thiệp để dàn xếp. Cha Tỉnh nhìn nhận rằng “Điều không thể chối cãi là sự việc đáng tiếc nói trên đã gây nhiều hệ lụy cho mọi người liên hệ và tạo ra một sự đáng buồn trong Giáo Hội. Đây cũng là một trong những thử thách lớn nhất mà anh chị em phải vượt qua.”
Những thử thách khác
Huấn thị số 5 do Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, ban hành ngày 28-03-2001, có những quy định rất khắt khe, đặc biệt trong vấn đề phiên dịch. Chẳng hạn điều 6 viết : “Từ khi đã ban hành Hiến Chế về Phụng Vụ, công việc phiên dịch các bản văn phụng vụ ra các tiếng bản xứ, được Tòa Thánh khích lệ, đã được kèm theo việc ban hành những tiêu chuẩn và khuyến cáo gửi cho các giám mục. Tuy nhiên, rõ ràng là các bản dịch phụng vụ, ở nhiều nơi, cần được cải thiện, bằng cách phải chỉnh sửa lại hoặc bằng một đợt biên dịch hoàn toàn mới. Những chỗ bỏ sót hay dịch sai trong các bản dịch tiếng bản xứ được hoàn thành cho đến ngày nay đã tạo nên một trở ngại cho bước tiến của cuộc hội nhập văn hóa, đặc biệt là trường hợp một số ngôn ngữ. Sự việc này gây khó khăn, không giúp Giáo Hội chuẩn bị các yếu tố nền tảng cho một cuộc canh tân đầy đủ hơn, đồng thời lành mạnh hơn và đích xác hơn.” Các chỉ thị này từ Rô-ma đã cho một linh mục thành viên của Ủy Ban Phụng Tự cái cớ để khuyên các nữ tu học ở giảng đường ông ấy dạy không nên mua bản Các Giờ Kinh Phụng Vụ của Nhóm nữa, vì, ông nói, Ủy Ban sẽ ấn hành một bản dịch mới…
Phải nói rằng cả trước khi có Huấn Thị số 5 và mặc dù thấy dân Chúa đón nhận bản dịch của mình, chính các thành viên trong Nhóm vẫn chưa hài lòng với công việc họ làm vì thấy nó còn quá xa cách với bản gốc. Họ đã bắt đầu sửa chữa và cải thiện vài chỗ. Trong một bức thư riêng viết ngày 24-11-2012, Lm Đỗ Xuân Quế đã khẳng định : “Bản dịch đầu tiên đã được xét lại và sửa chữa bốn lần, mỗi lần với nhiều cố gắng và rất kỹ lưỡng, để cho nó sát hơn với bản gốc. Bản dịch áp chót (đang được sử dụng) được nhiều người xem là hay nhất về mặt văn chương, nhưng chúng tôi thấy nó còn nhiều yếu tố chưa được trung thành đủ với bản gốc. Vì thế mà chúng tôi đã cần cả một năm làm việc để chỉnh sửa lại.”
Trong nội bộ Ủy Ban Phụng Tự
Trong những năm hãy còn là thành phần của Ủy Ban Phụng Tự, chính Nhóm đã thực hiện phần chính của công việc, nhờ đã sẵn có phương pháp làm việc và chuyên môn. Trong một buổi họp của Ủy Ban, vào tháng 5 năm 1999, linh mục đại diện giám mục đặc trách đã tuyên bố, nhân danh vị này, rằng “đừng để Nhóm CGKPV khống chế Ủy Ban Phụng Tự”.
Đã đến lúc phải ra đi. Sẵn có tính thực tế và thông thạo nghề quản lý, Lm. Tỉnh đã nghĩ đến chuyện này từ lâu. Phải đi tìm một địa điểm làm việc thuộc quyền sở hữu của Nhóm. Ngay từ năm 1996, theo lời khuyên của Lm. Nguyễn Duy Lam, quản lý Dòng Phan-xi-cô, Lm. Tỉnh đã mua trả góp một khu rừng cao su 18 ha, sát bên thửa đất của Dòng. Cha Lam ý thức tầm quan trọng của Nhóm trong Giáo Hội và muốn giúp Nhóm có trong tay những tài sản vật chất cần thiết. Vả lại, cha cũng là người chịu trách nhiệm coi sóc và quản lý khu rừng. Năm 1998, với số tiền dành dụm được nhờ rừng cao su, bán sách và sự tài trợ của bạn hữu, cha Tỉnh đã mua được một lô đất có vị trí tốt. Nhưng xây lên một ngôi nhà đáp ứng được các nhu cầu của Nhóm tại vị trí đó, vào thời điểm đó, là chuyện gần như không thể làm được. Tuy vậy, gặp cha Tỉnh là người sẵn sàng làm mưa làm gió, nên về mặt pháp lý, bà phó giám đốc Ban Phát Triển và Xây Dựng của Quận 3, một Phật tử cựu học sinh các Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, đã giúp cha xin được giấy phép xây cất, thậm chí được phép cất cao hơn chiều cao hợp pháp nữa. Về mặt tài chánh, cha Tinh đã báo động anh em Phan-xi-cô và bạn hữu ở hải ngoại. Cuối cùng, ngoài phần đóng góp khiêm tốn của một nữ giáo dân và phần quan trọng hơn của một linh mục cao niên, Trung Tâm truyền giáo Phan-xi-cô Tỉnh Dòng Saxe (Đức), Missio (Đức) và Hội MEP (Pháp) đã cung ứng cho cha số tiền cần thiết. Mồng 1 tháng 11 năm 1998, sinh nhật của Nhóm, công trình xây dựng bắt đầu. Ngày 30 tháng 6 năm 1999, Lm. Tỉnh vào định cư tại đây, và đầu tháng 7, Nhóm rời tòa giám mục cách đó không xa để tụ tập về nhà mới.
Trở ngại mới
Bản dịch Kinh Thánh ấn hành năm 2006 đã sáp nhập phần bình giải trong bản “Kinh Thánh muôn dân” đã từng nổi tiếng của hai anh em linh mục Hurault, được dịch ra nhiều ngôn ngữ và phân bố đến 72 triệu bản. Nhóm đã dành năm năm để phiên dịch phần bình giải. Ngay khi công việc đã hoàn tất, Lm. Alberto Rossa, bề trên tổng quyền Dòng thánh Claret, đã đích thân xin Hội Đồng Giám Mục cho Imprimatur. Lời thỉnh cầu này được chấp thuận với một điều khoản hạn chế nghiêm nghị : “Sau khi hỏi ý kiến Đức Cha Phao-lô Bùi Văn Đọc, Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, và được ngài cho biết cuốn sách không có gì nguy hại (Nihil obstat), Hội Đồng Giám Mục Việt Nam sẵn sàng cho phép in (Imprimatur) cuốn Kinh Thánh này để phục vụ lợi ích thiêng liêng của Dân Chúa ngoài cuộc cử hành Phụng Vụ.” Bức thư, ghi ngày 7 tháng 9 năm 2006, mang chữ ký của Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Từ bao nhiêu năm qua, các bài dịch của Nhóm đã được sử dụng trong các vụ cử hành phụng vụ rồi, trong nước cũng như ngoài nước, trong các công đoàn Việt Nam. Vậy điều khoản hạn chế “ngoài cuộc cử hành Phụng Vụ” ấy có ý nghĩa gì ?
Các nguồn hỗ trợ
Ngay từ đầu, Nhóm đã tìm được một đồng minh nặng ký là Đức Cha André Jacq, Đại Diện Tông Toà tại Lạng Sơn và Cao Bằng. Vào lúc Nhóm chuẩn bị in ấn Tuần I Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Đức Cha Jacq, đặc trách các dòng tu tại Hội Đồng Giám Mục, đã tỏ ra e ngại, sợ rằng bản dịch này có thể trùng lắp với bản dịch mà, trên nguyên tắc, Ủy Ban Phụng Tự lẽ ra phải thực hiện. Lm. Tỉnh đi gặp Đức Cha Jacq, trình bày chi tiết các thành phần và phương pháp làm việc của Nhóm. Cha đã thuyết phục được Đức Cha, và Đức Cha đã trở thành người bảo vệ nhiệt tình của Nhóm tại Hội Đồng Giám Mục. Trước khi rời Việt Nam, ngài đã nói với cha Tỉnh : “Ở mỗi cuộc họp của Hội Đồng Giám Mục, tôi đều đứng ra bênh vực các anh.”
Bề trên các dòng tu hỗ trợ Nhóm về phần tinh thần và về phần vật chất. Phần đông các thành viên trong Nhóm xuất thân từ các dòng tu ấy, và nếu không có phép và sự hỗ trợ của các ngài thì đã không có Nhóm. Chính các ngài bênh vực cho các anh chị em trước mặt các giám mục. Vả lại, nhiều khóa làm việc đã diễn ra tại một đan viện hay một tu viện đó đây…, tại nhà các chị em Biển Đức ở Thủ Đức, nhà các anh em Phan-xi-cô ở Nha Trang, các anh em Xitô ở Đơn Dương, Học Viện Don Bosco ở Đà Lạt.
Các nguồn hỗ trợ ngày càng đáng kể hơn sau 1975. Điều nghịch lý là công trình của Nhóm, được thực hiện trong những điều kiện khó khăn -bí mật và thiếu thốn- lại sinh nhiều hoa trái. Mọi thứ đều bị tịch thu hoặc niêm phong. Lệnh cấm cứ nhân lên ngày càng nhiều. Các thành viên trong Nhóm vốn là những nhà giáo hoặc phụ trách giáo xứ (nhiều khi là cả hai) giờ đây được “giải thoát”. Họ cũng bị đưa đi vào các vùng kinh tế mới, nhưng, như mọi người, đều đã trở về nhà sau một thời gian, bởi không sống nổi ở những nơi ấy, hoàn toàn không có gì. Nhờ có chuyên môn, một số anh chị em được nhà cầm quyền giao việc biên soạn từ điển (Híp-ri/Việt ngữ, Hy-Lạp/Việt ngữ). Nhưng vì không thấy có một văn thư chính thức nào xác nhận sứ vụ được giao phó ấy, nên chẳng bao lâu họ đã không kèn trống trở về với công việc cũ của mình. Tình trạng thiếu trật tự trong nước không phải chỉ có những cái bất lợi ! Quả nhiên đó cũng là thời điểm mà Nhóm có thêm một số thành viên mới.
Tuy nhiên, để tiếp tục làm việc thì phải tay làm hàm nhai. Điều này, vào thời điểm ấy, đâu phải là chuyện nhỏ. Đầu năm 1976, trong một lần gặp mặt với Mẹ Bénédicte, bề trên chị em Dòng Biển Đức ở Thủ Đức và cũng là người bạn của Nhóm, Lm. Tỉnh đề cập đến hoàn cảnh kinh tế bấp bênh của Nhóm. Mẹ đem chuyện này nói với Lm. Collaudin, chính xứ Xóm Chùa và đang chuẩn bị rời Việt Nam vì bị trục xuất như tất cả các linh mục ngoại quốc. Lm. Tỉnh nói : “Cha Collaudin gom góp tất cả tài sản còn lại, được 4600 Mỹ Kim, giao cho tôi. Tôi mang xuống Chợ Lớn nhờ đổi được 46 lượng vàng, về đưa cho anh Nhân tìm chỗ chôn cạnh một bụi chuối. Đây là số tiền giúp anh em có phương tiện sinh hoạt suốt hơn mười năm trời.”
Kể từ năm 1989, tức sau lễ phong thánh các thánh tử đạo Việt Nam, đất nước đi vào giai đoạn gọi là mở cửa. Các dịp gặp gỡ trở nên dễ dàng hơn. Các nguồn hỗ trợ cũng vậy.
Trong nước : học viện Don Bosco ở Đà Lạt tiếp Nhóm mỗi năm hai lần cho hai khóa làm việc. Ở đó, Nhóm cảm thấy vô cùng sung sướng, đến đỗi coi đó như là quê hương thứ hai của mình. Anh em Don Bosco cũng quý mến Nhóm. Cha bề trên Phạm Đình Khơi, người đã đón tiếp Nhóm, làm chứng : “Vì trong chín năm trời liên tục, mỗi năm Nhóm tổ chức hai khóa làm việc tập trung, mỗi khóa kéo dài ba tuần lễ tại học viện Don Bosco Đà Lạt chúng tôi, nên chúng tôi biết khá rõ cách làm việc của Nhóm : rất khoa học, bài bản, cẩn thận cân nhắc từng câu, từng chữ. Có vị còn cho tôi biết là ở giai đoạn đầu, dịch Thánh vịnh gây go như thế nào : có khi cả ngày chỉ được dăm ba câu. Thấy các thành viên làm việc với nhau, cầu nguyện với nhau, giải trí với nhau, trong một bầu khí đơn sơ, chân tình, tôi chợt nghĩ đến cộng đoàn tín hữu đầu tiên trong sách Công vụ Tông Đồ.”
Ông-Già-Lã-Vọng là một biệt hiệu được sáng chế từ một cách biến âm khôi hài của “Phan-xi-cô Xa-vi-ê”, tên thánh của Hồng y Nguyễn Văn Thuận. Để giữ bí mật, ngài sử dụng biệt hiệu này khi liên lạc với Lm. Tỉnh. Hai người đã quen biết nhau từ lâu. Lm. Tỉnh nói : “Có lần ngài tự nhận là ông Áp-ra-ham (người làm trung gian cầu xin Thiên Chúa) và gọi tôi là ông Mai-sen (do biết tôi nóng tính)… Âm thầm, kín đáo nhưng vô cùng hữu hiệu, trong nhiều năm trời, sau khi ra khỏi tù (năm 1988), từ Tòa Tổng giám Mục Hà Nội, ngài đã gián tiếp hay trực tiếp giúp đỡ chúng tôi về mặt tài chính, đặc biệt vào giai đoạn khó khăn đầu thập niên 1990.”
Từ ngoại quốc, sau nhiều năm gặp gỡ và cứu xét, Liên Hiệp Thánh Kinh Hội Thế Giới đã đề nghị hỗ trợ Nhóm. Nhóm lo điều phối việc ấn hành sách, Liên Hiệp lo việc tài trợ. Ước mong của Nhóm (sao cho mỗi gia đình có được một cuốn Kinh Thánh) đã trở thành hiện thực. Dưới đây, cho tới ngày 28 tháng 11 năm 2012, là các đợt ấn hành kèm với các số lượng, mà Lm. Tỉnh cho biết :
– Kinh Thánh ấn bản 2011 : 10 000 bản ;
– Lời Chúa cho mọi người : 80 000 bản ;
– Kinh Thánh trọn bộ (với bình giải và chú thích ngắn gọn) : 200 000 bản ;
– Kinh Thánh cỡ lớn (đặt trên bàn thờ) : 500 bản ;
– Tân Ước : 2 100 000 bản.
“Qua rất nhiều cuộc tiếp xúc từ nhiều năm, Lm. Tỉnh viết, điều làm anh chị em trong Nhóm cảm phục là thái độ tế nhị của những người tận tình phục vụ Lời Chúa. Tinh thần đại kết của họ rất cao. Chẳng phải vì chúng tôi là Công Giáo mà những anh em tin lành đó có thái độ kỳ thị. Họ chỉ có một mối bận tâm duy nhất là làm sao Lời Chúa được phổ biến rộng rãi.”
Một năm sau khi bắt lại nhịp cầu với Liên Hiệp Thánh Kinh Hội Thế Giới, Nhóm được gặp gỡ hai đại diện của Liên Hiệp Kinh Thánh Công Giáo, là Đức Cha Alberto Ablondi, chủ tịch Liên Hiệp đồng thời là phó chủ tịch của Liên Hiệp Thánh Kinh Hội Thế Giới, và Cha Ludger Feldkamper, tổng thư ký. Cả hai đều tận tình giúp đỡ Nhóm và tạo điều kiện thuận lợi để Nhóm tiếp xúc với các cơ quan công giáo, và Nhóm đã trở thành thành viên của Liên Hiệp Kinh Thánh Công Giáo năm 1995.
Kết luận
Thay cho lời kết, xin trích dẫn lời chứng của hai nữ tu trẻ, thành viên mới của Nhóm. Nữ tu Thanh Nga : “Đi đến đâu thì cũng nghe thiên hạ bảo rằng ‘người Việt Nam khó làm việc chung’. Nhưng tôi đã được may mắn học hỏi cách liên đới làm việc chung từ các bậc tiền bối trong Nhóm. Mỗi người có một kho tàng mà người khác không thể có, từ kiến thức đến kinh nghiệm. Nhưng họ luôn sẵn sàng chia sẻ, chân thành bổ túc cho nhau.” Từ đâu mà có được cái khả năng hòa thuận ấy, có sức biến các dị biệt thành tinh thần bổ túc cho nhau, thành tình bằng hữu ? Nữ tu Vân Nga trả lời : “Các vị đã không chỉ đọc Lời Chúa, dịch Lời Chúa, mà còn để cho Lời Chúa thấm đượm vào trong cách sống của mình.”
Một nhận xét của nữ giới mà cũng là của giới nữ tu ! Không thể có cách nói hay hơn về sinh hoạt của Nhóm. Sẵn đây, tôi nghĩ đến các giáo dân Thái Hà, ở miền Bắc, những người đang vui sống lòng tin chất phác của họ. Hai cha Nguyễn Ngọc Tỉnh và Đỗ Xuân Quế đã hiệp thông với họ cách sâu sắc. Trong thâm tâm, tôi xác tín rằng các thành viên khác trong Nhóm cũng chia sẻ những tâm tình ấy. Nhiều người đã biết cuốn sách của Lm. Tỉnh : Thắp Một Ngọn Nến cho Thái Hà.
Một ngọn nến. Soi đường dẫn lối cho chúng ta.
Cũng như Lời Chúa.
Đỗ Mạnh Tri, 2012
Chú thích
* Ông Đỗ Mạnh Tri, 81 tuổi, nguyên giám đốc tập san Tin Nhà, là tác giả nhiều bài viết về tình hình Giáo Hội công giáo Việt Nam (trong đó có một bài phổ biến trong Eglises d’Asie năm 1993 : “Cha Chân Tín hay bổn phận phát biểu” – EDA 161).