Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh - hình ảnh người Công giáo Việt Nam "Sống phúc âm giữa lòng dân tộc" | ||
Cuối năm 2007, Giáo hội Công giáo Việt Nam đón nhận sự kiện quan trọng là Giáo hoàng Bênêđictô XVI phong tước Hiệp sĩ Đại Thánh Giá cho giáo dân Lê Đức Thịnh - người Công giáo Việt Nam và cũng là người châu Á đầu tiên được nhận danh hiệu cao quý này.
Tước hiệu Hiệp sĩ Đại Thánh giá được Giáo hoàng Gregoreo XVI xác lập từ năm 1831 nhằm tuyên dương các tín đồ trên thế giới có nhiều công trạng đối với giáo hội và xã hội. Cùng với tước hiệu là Thanh gươm Hiệp sĩ được Giáo hoàng ban thể hiện niềm tin, đức hy sinh đối với những gì thiêng liêng cao quý nhất.
Giáo dân Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh sinh năm 1961, tại giáo xứ Phúc Nhạc, xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Anh là con thứ 2 trong gia đình 10 người con, sống bằng nghề nông với một tuổi thơ nghèo và thiếu thốn. Cũng chính vì vậy mà lòng trắc ẩn và tinh thần vì cộng đồng đã hun đúc và lớn dần lên trong con người anh. Từ khi còn nhỏ mặc dù gia đình rất nghèo nhưng anh vẫn chia sẻ, giúp đỡ bà con lối xóm, nhất là với người già và trẻ nhỏ. Học xong lớp 9 anh thi vào trung học sư phạm với ước mơ trở thành “ông giáo làng” dạy học và giúp trẻ trong vùng biết thêm con chữ. Khi ước mơ đã thành hiện thực, nhưng xuất thân từ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đông anh em, cha mẹ ốm đau bệnh tật nên anh đã phải chia tay với học trò, với ước mơ làm thầy giáo để tìm kiếm công việc khác có thêm thu nhập giúp đỡ mọi người. Anh lên Sài Gòn vừa tiếp tục học hết cấp III, một số chuyên ngành ngắn hạn; vừa đi làm lấy tiền trang trải cuộc sống và gửi về hỗ trợ mẹ lo cho các em. Khi cha mẹ qua đời anh lại tiếp tục lo chu toàn phần mộ và nuôi các em trưởng thành. Nhờ sự cần cù, chịu khó anh đã tạo dựng cơ sở kinh doanh cà phê bột và sau đó mở rộng kinh doanh các lĩnh vực khác.
Điều đáng nói là hơn 20 năm gây dựng sự nghiệp, cũng là từng ấy thời gian anh luôn gắn bó với các hoạt động từ thiện xã hội của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc địa phương và hoạt động bác ái của Giáo hội Công giáo. Chỉ tính từ năm 2004 đến nay anh là người đã giúp Giám mục giáo phận Xuân Lộc vận động chức sắc, đồng bào Công giáo đóng góp hàng trăm tỷ đồng làm công việc bác ái như: làm đường giao thông thôn, xã tạo thuận lợi cho bà con đi lại; cùng với chính quyền các cấp xây nhà tình thương để người nghèo đỡ khó khăn hơn. Bên cạnh đó còn giúp cho người nghèo được mổ mắt, trẻ em bị bệnh tim được mổ tim, chăm sóc người già neo đơn, tàn tật nhằm giúp người có hoàn cảnh khó khăn được khỏi bệnh, trở về với cuộc sống đời thường. Trong giáo dục thì lập quỹ khuyến học, phát học bổng nhằm giúp trẻ em nghèo được đi học, được đến trường. Trong các lĩnh vực này anh vừa là người khởi xướng, vừa là người đề xuất phương án, vừa là người trực tiếp tham gia công tác bác ái xã hội.
Những việc làm của anh không chỉ là giúp đỡ về mặt vật chất mà còn làm chuyển biến trong nhận thức của người Công giáo trong việc coi trọng sự học và học cao cho con em, biết bảo vệ sức khoẻ và biết cách phòng chống bệnh tật. Những việc làm âm thầm đó đã góp phần cùng toàn xã hội lo cho người nghèo.
Không chỉ ở lĩnh vực từ thiện bác ái, mà trong đời sống sinh hoạt đạo anh vừa là tấm gương thực hiện, vừa vận động chức sắc, bà con giáo dân chấp hành chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đồng thời tham gia và hưởng ứng tích cực phong trào thi đua toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo. Anh cũng là người dám đấu tranh chống mọi biểu hiện, hành vi lợi dụng tôn giáo để gây chia rẽ Giáo hội Công giáo và Nhà nước, chia rẽ đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo của một số phần tử cực đoan. Chính những việc làm này góp phần tạo sự đồng thuận trong quan hệ giữa chính quyền và Giáo hội Công giáo các cấp. Việc làm của anh đã tạo sự cảm kích trước những vị Giám mục Việt Nam; tạo được sự đồng thuận của Hội đồng Giám mục Việt Nam khi Giám mục giáo phận Xuân Lộc thỉnh nguyện lên Giáo hoàng phong tước hiệu Hiệp sĩ Đại Thánh giá cho anh.
Giám mục Nguyễn Chu Trinh, giáo phận Xuân Lộc đã nói về những đóng góp của anh tuy âm thầm nhưng có ý nghĩa quan trọng đối với sứ mạng của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Trong lễ phong tước, Giám mục Nguyễn Chu Trinh đã nói anh đã có công phụng dưỡng ba người Mẹ: Mẹ thứ nhất là người đã sinh thành ra anh; Mẹ thứ hai là Tổ quốc Việt Nam đã cưu mang anh và người Mẹ thứ ba là Giáo hội đã nuôi dưỡng anh bằng Lời Chúa. Nghĩa là trong anh luôn thấm đẫm tình yêu của một người con hiếu thảo với cha mẹ; người công dân với trách nhiệm và bổn phận đối với đất nước; một con chiên chu toàn bổn phận với Chúa. Hơn ai hết anh chính là hình ảnh của một người giáo dân tốt đồng thời là người công dân tốt, và chính hình ảnh đó đã góp phần làm cho Giáo hội Công giáo ngày càng tỏ rạng hơn trong lòng dân tộc. Là một người giáo dân bình thường nhưng anh đã đứng ở trong lòng xã hội với những việc làm cụ thể, thiết thực đem lại lợi ích cho người dân, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn của xã hội. Anh không đứng ở ngoài, đứng trên xã hội với những lời lẽ tế nhị, văn hoa để phán xét, chỉ trích những vấn đề mà cả xã hội và đất nước đang quan tâm.
Với những đóng góp to lớn đó giáo dân Lê Đức Thịnh thật xứng đáng được vinh dự nhận tước hiệu Đại Hiệp sĩ. Bà Nguyễn Thị Kim Yến - vợ của giáo dân Lê Đức Thịnh cũng được Giáo hoàng sắc phong tước hiệu Phu nhân Hiệp sĩ Đại Thánh giá được quyền mang huy hiệu loại lớn nhất bằng bạc gắn trên ngực trái và được hưởng mọi đặc ân đi kèm theo tước hiệu này, do thường xuyên hết lòng giúp chồng tham gia các hoạt động bác ái, từ thiện. Ơn của Giáo hoàng là bất khả ngộ, vì vậy tước hiệu này là một hồng ân mà Chúa đã chọn và ban riêng cho anh và gia đình.
Với vinh dự này anh luôn ý thức mình phải luôn nỗ lực để xứng đáng vừa là người giáo dân tốt đồng thời là công dân tốt trong lòng giáo hội và xã hội. Khi trở thành một chủ doanh nhân anh càng có điều kiện mở rộng phạm vi hoạt động bác ái, không chỉ ở Đồng Nai mà còn ở nhiều nơi như thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Bình Dương và một số tỉnh phía Bắc. Lĩnh vực hoạt động cũng đa dạng từ hoạt động bác ái từ thiện trong lĩnh vực giáo dục, y tế, giúp đỡ người nghèo đến việc dạy nghề, hướng nghiệp cho các bạn trẻ. Anh có một đội ngũ nhân viên đông đảo, mà phần lớn họ là người nghèo được anh tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định nuôi sống bản thân và gia đình. Anh kêu gọi mọi người lập quỹ và giúp đỡ những người khó khăn, Anh tâm sự mình từ tay trắng làm nên, nên càng thông cảm và gắng giúp những người nghèo; chỉ mong muốn góp phần chia sẻ với tha nhân, chung tay với giáo hội làm đẹp hơn gương mặt của Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Ngoài công việc bác ái từ thiện anh cũng rất có duyên với công tác hoà giải những bất đồng, hiểu lầm trong dân hay giữa giáo dân với chính quyền phường, xã. Khi xẩy ra những vụ việc như vậy, anh thường đi gặp gỡ các bên để giải thích, giúp các bên gặp nhau trong ý tưởng và hành động để cùng nhau giải quyết bằng đối thoại, bằng hoá giải gìn giữ tình làng, nghĩa xóm. Từ việc làm đó đã dần dần tác động đến nhận thức của cả chính quyền địa phương, tổ chức giáo hội và cả người giáo dân về cách ứng xử với nhau trong việc giải quyết các vụ việc liên quan đến tôn giáo và cả trong quan hệ đạo - đời.
Với những cống hiến của anh không những đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác bác ái xã hội, mà còn nâng cao thêm nhận thức và trách nhiệm của người Công giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Góp phần thực hiện đường hướng mục vụ của Thư Chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam "Sống phúc âm giữa lòng dân tộc". Anh chính là hình ảnh truyền giáo sống động nhất của Giáo hội Công giáo trong xã hội Việt Nam hôm nay./.
Phương Liên
|
Thứ Hai, 6 tháng 6, 2016
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét