Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

Chúa nhật XIII Thường niên năm C

Thánh Kinh bằng hình: Chúa nhật XIII Thường niên năm C


Ngày 26 tháng 06 năm 2016
PHÚC ÂM:  Lc 9, 51-62

"Đừng ngoảnh lại"
Suy niệm
Chúa Giêsu đang trên hành trình tiến về Giêrusalem, cho dù Ngài trong giai đoạn bị nghi ngờ, thậm chí bị lùng bắt. Sự quyết liệt của Chúa Giêsu không nhằm chứng minh điều gì ngoài ý chí thực hiện kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Con đường theo Chúa thật bấp bênh: “Chim có tổ, chồn có hang, con người không có chỗ tựa đầu” đã là thách độ cho nhu cầu tìm an toàn của con người. Vì thế, người môn đệ gặp không ít níu kéo cũng như cản trở từ hoàn cảnh, người thân, bạn bè, công danh… Đã tra tay vào cày thì đừng ngoảnh lại, người môn đệ phải tuyệt đối xác tín vào giá trị mình đang theo đuổi. Chỉ cần một chút do dự, một chút tính toán cũng đủ níu chân kẻ lữ khách. Sự quyết liệt của Chúa Giêsu cho thấy con đường vào Nước Trời là con đường hẹp, ai quyết tâm, ai cố gắng mới đủ sức vào.
Sứ điệp
Mặt trời đẹp, nhưng chói chang. Khi quay mình đối nghịch với mặt trời, con người chỉ thấy cái bóng đen của chính mình và của luật lệ. Còn khi xoay lại đối diện với mặt trời, bạn thưởng thức được vẻ rạng ngời của chân lý. Lý tưởng theo Chúa rất đẹp, nhưng nhiều đòi hỏi. Bạn đừng sợ đòi hỏi mà ngoảnh mặt về phía sau: sự nuối tiếc sẽ ghìm bước chân ban. Hãy nhớ, chỉ khi vượt qua những níu kéo, cản trở và khó khăn để hoàn toàn hết mình cho lý tưởng, bạn mới có thể đạt đến đích điểm cao vời.
Nguồn: Tin Mừng Chúa Nhật số 07 (06.2016)
Xem Video clip
Thánh Kinh bằng tiếng Việt


Thánh Kinh bằng tiếng Anh

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016

Chúa nhật XII Thường Niên năm C

Thánh Kinh bằng hình: Chúa nhật XII Thường Niên năm C


Ngày 19 tháng 06 năm 2016
PHÚC ÂM:  Lc 9, 18-24

"Con Người phải chịu nhiều đau khổ và bị giết chết nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại ".
Suy niệm
Chẳng ai làm kinh doanh mà lại hờ hững với việc tính toán “được – mất” trong công việc. Còn hơn cả kinh doanh, đời sống luôn được mỗi người đặt trên bàn cân để lượng định những “được – mất” trong cuộc đời. Tuy nhiên, không phải ai cũng có những lượng định khôn ngoan và đúng đắn bởi cái cho là “được – mất” đôi khi không thực sự có giá trị. Theo tường thuật của Thánh sử Luca, Chúa Giêsu đã đưa ra một tiêu chuẩn rỏ ràng cho giá trị “được – mất”: “Muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, liều mất mạng sống vì tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. Như thế, cái “được – mất” thực sự hệ tại ở việc “vì Chúa”. Suy nghĩ này thật khác xa với những “được – mất” mà con người ngày nay tìm kiếm, nhưng chúng ta cần có sự nghiêm túc trong chọn lựa, bởi cái “được – mất” này thuộc về đời sống đời đời. Người Kitô hữu đặt cược toàn bộ đời sống mình trong việc đặt Thiên Chúa là cùng đích của đời sống và có Thiên Chúa trong cuộc đời mình.
Sứ điệp
Có những điều chúng ta tưởng chừng là lẽ sống của mình và loay hoay bỏ cả thời gian, sức lực, tiền bạc để đầu tư, tìm kiếm, nhưng chúng ta không biết rằng mình đã bỏ ra bao năm tháng, có khi cả cuộc đời để chăm chút cho một điều vô nghĩa, trong khi tưởng rằng đó là một lý tưởng vĩ đại. Điều quan trọng là tìm biết ý nghĩa thực sự của cái mà ta đang làm, và xét xem nó phục vụ thế nào cho hạnh phúc của nhân loại, nhất là hạnh phúc đời đời của chúng ta. Ước gì chúng biết tìm những điều thuộc về Thiên Chúa, để cho dù tưởng là mất, chúng ta lại được vui hưởng niềm hạnh phúc Chúa hứa ban.
Nguồn: Tin Mừng Chúa Nhật số 07 (06.2016)
Xem Video clip
Thánh Kinh bằng tiếng Việt







Thánh Kinh bằng tiếng Anh

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2016

THÁNH ANTÔN PAĐUA

THÁNH ANTÔN PAĐUA, (St. Anthony of Padua)
Linh mục, tiến sĩ Hội Thánh, ngày 13/6
         

 “ Muôn dân tường thuật sự khôn ngoan của các thánh, và Giáo Hội loan truyền lời ca tụng các Ngài: tên tuổi các Ngài sẽ muôn đời tồn tại”( Hc 44, 14-15 ).Thánh Antôn Pađua qua đời mới có 36 tuổi, nhưng Ngài đã nổi tiếng về nhân đức ,phép lạ và những tư tưởng của Ngài.

MỘT LÝ TƯỞNG. MỘT CUỘC ĐỜI :
Thánh Antôn Pađua được sinh ra trong một gia đình quyền quí, đạo đức và thánh thiện tại Lisbone thủ đô nước Bồ Đào Nha vào năm 1195. Thánh nhân được hấp  thụ một nền giáo dục đạo đức và đầy bác ái, nên Ngài sớm nhận ra tiếng Chúa mời gọi. Thánh nhân xin gia nhập Dòng thánh Augustinô và được nhà Dòng, Bề Trên cho lãnh nhận sứ vụ linh mục. Tuy nhiên, thánh nhân thích sống chiêm niệm, sống khắc khổ, khiêm tốn, Ngài ước muốn được đi truyền giáo cho dân ngoại và mong muốn được chết tử vì  đạo, chính vì thế thánh nhân xin gia nhập Dòng anh em hèn mọn Phanxicô vào năm 1220. Thánh nhân cầu được ước thấy vì các Bề Trên chấp nhận lời cầu xin của Ngài, sai Ngài đi truyền giáo cho thổ dân Sarrasins bên Phi Châu. Nhưng ý Chúa thật nhiệm mầu, thánh nhân khi vừa tới Phi Châu đã ngã bệnh nặng và phải quay trở về chữa bệnh. Trên đường về lại quê hương, tầu của Ngài bị bão đánh dạt vào đảo Sicile thuộc nước Ý Đại Lợi, Ngài tới cư ngụ tại nhà Dòng ở Monte Paulo.

CÁI TÀI CHÚA BAN CHO THÁNH NHÂN:
Nhờ tài lợi khẩu, nhờ gương sáng đạo đức và thánh thiện, Ngài được các Bề Trên tin tưởng, tín nhiệm sai đi giảng khắp nơi và lo công việc đào tạo, giáo dục các tu sĩ trong Dòng. Chúa ban sức mạnh cho thánh nhân, Chúa Thánh Thần luôn tác động tâm hồn thánh nhân, nên lời giảng của Ngài luôn luôn có sức thu hút, lôi cuốn nhiều người. Chúa củng cố lời giảng của thánh Antôn Pađua bằng nhiều phép lạ kèm theo. Thánh nhân đã có ảnh hưởng rất lớn tại Ý, tại Pháp, thánh nhân làm việc không mệt mỏi, không ngơi nghỉ. Ngài được đặt tên là “ Hòm Bia Giao Ước” và “ Cái búa của bọn lạc giáo” đúng như lời  sách thánh:” Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho muôn người nên công chính, sẽ chiếu sáng như những vì sao, đến muôn thuở muôn đời”( Đn 12, 3 ).

CHÚA THƯỞNG CÔNG THÁNH ANTÔN PAĐUA:
Bông hoa tươi đẹp, Chúa ngắt về với Ngài để thánh nhân sống bên Chúa ngày 13 tháng 6 năm 1231. Thánh nhân ra đi trong an bình, trở về với Chúa khi Ngài mới tròn 36 tuổi. Thánh nhân rất nổi tiếng về các nhân đức và các phép lạ Ngài đã làm. Năm 1946, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn phong thánh Antôn Pađua làm tiến sĩ Hội Thánh.

 “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã ban cho dân Chúa một nhà giảng thuyết lừng danh và cũng là người cứu giúp những ai nghèo khổ, đó là thánh linh mục Antôn. Xin nhận lời thánh nhân chuyển cầu, cho chúng con biết trung thành tuân giữ giáo huấn của Đức Kitô, để được nâng đỡ trong những lúc ngặt nghèo”
 ( Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Antôn Pađua ).

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT             

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

Chúa nhật XI Thường Niên năm C

Thánh Kinh bằng hình: Chúa nhật XI Thường Niên năm C

Ngày 12 tháng 06 năm 2016
PHÚC ÂM:  Lc 7, 36  -  8, 3

"Tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều".
Suy niệm
Một người bị gọi là tội lỗi và một người được gọi là thánh thiện đứng trước Chúa Giêsu, cho dù được người đời “định nghĩa” thế nào đi nữa, thì  Chúa Giêsu vẫn nhìn con người đó trong hiện tại của họ. Ngài đọc ra từng chi tiết và ghi nhận hành vi yêu thương chân thật của người phụ nữ bị gọi là tội lỗi: đến đến chiếc bình bạch ngọc đựng dầu thơm, đứng ở đàng sau, khóc, tưới ướt chân Ngài bằng nước mắt, lấy tóc lau, hôn chân Ngài, đổ dầu thơm lên. Ngược lại, ông Simon thì không. Với ánh nhìn như thế, Chúa Giêsu nói lên rằng cách nhìn của Thiên Chúa khác xa con người. Ngài nhìn từ bên trong.
Thiên Chúa yêu thương con người từ tấm lòng thành của họ, và Ngài yêu thương con người khi họ còn là một tội nhân. Tình yêu nhỏ nhoi của con người được chìm ngập trong tình yêu vô bờ của Thiên Chúa, và tha thứ là định nghĩa tận căn của yêu thương. Thiên Chúa yêu thương con người, và tình yêu ấy có tên gọi là tha thứ. Về phía con người, họ cảm nhận được tình yêu dựa trên mức độ được tha thứ. Người được tha nhiều sẽ yêu nhiều hơn. Và đó chính là động lực để họ vượt qua tội lỗi và thay đổi bản thân.
Sứ điệp
Lòng tha thứ đã cho người ta thoáng thấy một thế giới khác: thế giới sự sống không bạo lực của tình yêu. Đối với chúng ta, không ít lần con tim nặng trĩu dưới sức đè nặng của thù hận, của tổn thương do bị xúc phạm. Tha thứ là phương tiện hữu hiệu nhất để lấy đi khỏi tâm hồn chúng ta sức nặng không thể chịu nổi khi đứng trước kẻ xúc phạm ta. Sự tha thứ luôn là một cái gì đó nhưng không, cho không, biếu không. Nhưng tha thứ không thực sự dễ dàng vì nó đâu chỉ là sự bỏ qua không màng đến mà là lời công bố: “Bạn đã làm điều xấu cho tôi, bạn đã làm tổn thương tôi, nhưng không phải vì thế mà tôi không thương bạn nữa.” Tha thứ là tình yêu thật, là một hành vi anh hùng nối kết giữa nhân tính và thần tính. Trong một bối cảnh ngập tràn bạo lực, hận thù thì sự tha thứ là bài học mà mỗi người chúng ta phải cố học cho được. Chỉ có lòng xót thương mới có thể làm thay đổi thế giới và con người hôm nay. Đây chẳng phải là sự cống hiến đắt giá mà Ki-tô hữu có thể đem lại cho đời sao?
Nguồn: Tin Mừng Chúa Nhật số 07 (06.2016)
Xem Video clip
Thánh Kinh bằng tiếng Việt

Thánh Kinh bằng tiếng Anh