Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

LINH ĐỊA TÀ PAO – NƠI ĐỨC MẸ CHỌN

LINH ĐỊA TÀ PAO – NƠI ĐỨC MẸ CHỌN
1. NGUỒN GỐC THÁNH TƯỢNG ĐỨC MẸ TÀ PAO
Tượng Đức Mẹ trên núi Tàpao (gọi tắt là tượng Đức Mẹ Tàpao) nằm ở xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Tượng Đức Mẹ này đúc bằng xi măng trắng cao 3m, đặt trên một bệ vuông cao 2m. Quần thể công trình tượng đài, lễ đài Đức Mẹ Tàpao hiện đang là một trong những trung tâm hành hương lớn của người Công giáo Việt Nam.
Năm 1959, Lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội được tổ chức rất long trọng tại các Giáo phận miền Nam Việt Nam nhằm kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, được gọi là Đại hội Thánh Mẫu Toàn quốc. Dịp này, tổng thống Ngô Đình Diệm - một người theo đạo Công giáo - chỉ thị cho Phủ Tổng uy dinh điền xây dựng năm tượng đài Đức Mẹ ở Miền Trung, Miền Nam và Cao nguyên Trung phần trong các năm 1959, 1960 và 1961 bao gồm:
Đức Mẹ Tà Pao (Bình Tuy nay thuộc Bình Thuận).
Đức Mẹ Giang Sơn (Darlac),
Đức Mẹ Thác Mơ (Phước Long),
Đức Mẹ Phượng Hoàng (Kom Tum) và
Đức Mẹ Trinh Phong (Ninh Thuận).
Thánh tượng Đức Mẹ Tàpao được đánh số thứ tự I (số một La Mã) sau lưng nhưng sau khi trùng tu đã không còn.
Ngày 8 tháng 12 năm 1959, lễ Cung hiến và khánh thành tượng Đức Mẹ Tà Pao do Giám mục Marcello Piquet (Piquet Lợi) (giám mục giáo phận Nha Trang bấy giờ) cử hành, với sự chứng kiến của đông đảo linh mục, tu sĩ và hàng chục ngàn giáo dân phần lớn gốc di cư từ Huế, Nha Trang, Buôn Mê Thuột, Đồng bằng sông Cửu Long... Có thể nói Lễ Cung hiến và khánh thành tượng Đức Mẹ Tà Pao là một Đại lễ tôn giáo tầm cỡ quốc gia lúc bấy giờ ở miền Nam Việt Nam.
Từ năm 1964 đến năm 1975, toàn bộ vùng Bắc Ruộng (bắc sông La Ngà) thuộc quyền kiểm soát của Chính Quyền cách mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam. Hầu hết bà con giáo dân sơ tán về vùng Nam Ruộng (Nam sông La Ngà) và những nơi khác, nên Tượng đài Đức Mẹ Tàpao không ai chăm sóc và dường như bị lãng quên…
Sau biến cố 1975, vào khoảng tháng 10 năm 1980, một số bà con giáo dân thuộc vùng Kinh tế mới xã Đức Tân và xã Huy Khiêm đã tiến hành việc kiếm tìm lại Tượng Đài Đức Mẹ Tàpao. Năm 1984 có 3 gia đình giáo dân về sống dưới chân núi Tàpao. Trong mưu sinh họ đã lên núi chặt cây, tìm trầm và bẫy thú đã thấy thánh tượng Đức Mẹ.
Chuyền miệng kể rằng khoảng năm 1985 - 1990, có người đi chặt cây và tìm trầm đã tìm thấy thánh tượng Mẹ. Ông ta phát hiện trên thánh tượng có đôi mắt sáng như được làm bằng đá quý, thánh giá trên dây tràng hạt được làm bằng bạc và móng chân - móng tay cũng được cẩn đã quý nên đã đục lấy đi hết. Ông ta về bán và trở nên giầu có, nhưng sau đó ông ta bị tan gia bại sản và chết sau đó thời gian ngắn.
Cũng chuyền miệng kể rằng cùng thời gian đó, có 1 người đi tìm trầm nhiều năm liền đến nỗi sắp tan gia bại sản, mệt mỏi và cùng kiệt. Khi thấy thánh tượng Đức Mẹ trên núi đã thành tâm cầu xin và Mẹ đã ban cho anh ta tìm được 1 cây có trầm trị giá rất lớn. Sau khi lấy trầm bán, anh ta đã giữ đúng lời hứa trở lại cảm tạ và phát quang xung quanh thánh tượng mẹ.
Thánh tượng mẹ lúc này không còn nguyên vẹn do chiến tranh, và cũng có thể do con người tàn phá. Hai mắt bị mất, hai bàn tay không còn, mười ngón chân bị đục và trên thân tượng có rất nhiều dâu vế của đạn bom.
Năm 1991, khoảng 100 giáo dân từ Định Quán, Phương Lâm, Duy Cần (Gia an hiện nay) Đức Tân, Huy Khiêm và Đồng Kho hiện nay (lúc đó thuộc xứ Huy Khiêm) cũng với Đức Giám Mục Phan Thiết bấy giờ là Đức Cha Nicolas Huỳnh văn Nghi, đã tổ chức tu sửa lại Thánh Tượng Mẹ (thời điểm này chính quyền chưa cho giao dân công khai lên viếng thánh tượng mẹ cũng như trung tu). Sau thời gian dài chuẩn bị và công việc tu sửa đã diễn ra trong 1 đêm và đã tu sửa gần như hoàn chỉnh ngoại trừ đôi chân mẹ không đủ thời gian làm vì đã trời sáng.
2. HIỆN TƯỢNG ĐỨC MẸ TÀ PAO
Sự việc bắt đầu bằng câu chuyện ba em học sinh Phương Lâm thấy Đức Mẹ hiện ra và bay về phía bên kia núi. Ngày 29.9.1999, lễ kính các Tổng Lãnh Thiên Thần, một nhóm giáo dân vùng Phương Lâm và phụ cận, rồi sau đó các vùng Dốc mơ, Gia kiệm, Hố nai, rồi Sàigòn… tuôn đổ về vùng giáp ranh giữa Phương lâm và Tánh linh với ước mơ được nhìn thấy Mẹ.
Nhiều người biết có tượng đài Đức Mẹ trên núi Tàpao thuộc huyện Tánh Linh, Tỉnh Bình thuận và đoàn người đã đổ xô về Đức Mẹ Tàpao để chiêm ngắm, cầu nguyện và xin ơn… Khi đến chân núi Tàpao họ đã nhờ người địa phương chỉ giúp đường lên thánh tượng vì thời điểm này chưa có đường nào dẫn lên thánh tượng mẹ ngoài một số đường mòn của giáo dân sống dưới chân núi làm để đi bẫy thú. Những người đến với Đức Mẹ Tà Pao đầu tiên đều đi theo đường này. Sau này khi người hành hương đến đông hơn, nhiều gia đình dưới chân núi cả bên giáo và bên lương đã mở nhiều đường lên Thánh Tượng Mẹ.
Dưới chân bục thánh tượng mẹ lúc này chưa có nền bê tông bao quanh nên khi có nhiều người đến đã làm sạt lở rất nguy hiểm. Cũng những giáo dân đến từ Định Quán, Phương Lâm, Gia An, Đức Tân, Huy Khiêm và Đồng Kho đã tổ chức đổ nền bê tông để khỏi bị sát lở. Thời điểm này chính quyền địa phương vẫn chưa cho phép nên công việc cũng được làm xong trong 1 đêm sau nhiều tháng chuẩn bị. Vì việc tu sửa này mà một số anh em giáo dân đã bị bắt, bị phạt tiền và đi tù.
Và rồi từ đó, biết bao câu chuyện lạ và ơn lạ được tường thuật lại như những chứng nhân ân sủng Thiên Chúa ban qua trung gian cầu bầu của Đức Mẹ Tàpao. Ơn lạ cụ thể nhất không ai có thể chối cãi, đó là: nhờ lòng kính mến và thành tâm khẩn nguyện cùng Mẹ Tàpao mà bao linh hồn được ơn sám hối ăn năn, đổi mới cuộc đời quay về nẻo chính đường ngay, bao gia đình tan vỡ được hàn gắn hoà thuận, bao kẻ âu lo thất vọng được an ủi và lấy lại niềm tin yêu cho cuộc sống…
Chẳng đáng ngạc nhiên lắm sao! khi sau bao năm tháng hầu như bị lãng quên, ngày nay Đức Mẹ Tàpao trở thành nơi hội tụ của những người con dân Việt khắp ba miền, trong cũng như ngoài nước; trở thành điểm quy chiếu để mỗi người có thể trở về lại với chính mình và nhận ra được con người đích thực của mình. Và cũng chính nhờ đó mới có thể khám phá ra được dung mạo đích thực của Thiên Chúa tình yêu qua dung nhan dịu hiền yêu thương của Đức Maria trong đời thường của mỗi người!
Ban đầu người ta còn bán tín bán nghi, nhưng dần dần nhiều người đến đây cầu nguyện và họ được những điều sở nguyện. Niềm tin Mẹ đang hiện diện và sẵn sàng nâng đỡ ủi an con cái Mẹ giữa cuộc đời gian nan đau khổ. Và cho đến nay, địa danh linh thiêng này đã thành quen thuộc với khách hành hương từ thập phương đổ về.
Năm 2006, thánh tượng mẹ được đại trùng tu và xây dựng thêm 2 hạng mục là lễ đài rộng 200m2 và đường bậc tam cấp hơn 400 bậc dẫn lên thánh tượng mẹ. Công trình được khánh thành vào ngày 13 tháng 5, 2007 (ngày 13 hàng tháng vẫn thường có thánh lễ do giám mục giáo phận Phan Thiết cử hành trên núi hoặc dưới chân núi) và chính thức có tên gọi Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Tà Pao.
Năm 2010 tiến hành xây dựng lại quản trường trung tâm thánh mẫu Tà Pao dưới chân núi và đường bậc tam cấp lên Thánh tượng mẹ phía bên phải theo tượng mẹ. Công trình đã xây dựng hoàn thành cuối năm 2011.
3. Tàpao, điểm hẹn của tình thương Mẹ
Từ trên thập giá nhìn xuống Mẹ hiền yêu qúy đang can trường chia sẻ sự đau thương tột độ của Người, Chúa Giêsu đã muốn nhường Mẹ lại cho Giáo Hội. Và bên cạnh Me, còn có cả người môn đệ tâm phúc nhất của đời mình, Chúa Giêsu nói với Mẹ: “Hỡi Bà, đây là con bà”, Chúa cũng nói với thánh Gioan: “Đây là Mẹ Con”.
Thế là Con của Mẹ từ đây sẽ là Giáo Hội là cả nhân lọai. Từ ngày Mẹ cùng các tông đồ nhận lãnh Chúa Thánh Linh, nhất là từ ngày Mẹ được tôn vinh trên trời, được Chúa Phục sinh cũng là Vua Vũ Trụ ban cho Mẹ tước vị Nữ vương trời đất đầy quyền uy trước mặt Chúa, thì Mẹ không ngừng gắn bó và hết tình thương yêu Giáo Hội. Suốt hơn hai nghìn năm lịch sử Giáo Hội, Mẹ không ngừng ban phát muôn vàn hồng ân, giúp Giáo Hội trên đường lữ hành trần thế.
Thỉnh thỏang, Mẹ lại chọn một địa điểm đặc biệt để làm nơi Mẹ nâng đỡ ủi an những con cái đầy khồ đau của Mẹ, hoặc để ban một sứ điệp quan trọng.
- Tháng 2-1858, ở Lộ Đức với “sứ điệp Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội”.
- Tháng 10-1917, ở Fatima với “Sứ Điệp Cầu Cho Hòa Bình Thế Giới”.
Chúa phán: “Hỡi những ai mang gáng nặng nề, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Bây giờ chính Mẹ tiếp tục tình thương đó. Ngày nay, giữa lúc nhân loại đang đối mặt với không biết bao biến cố vô cùng nguy hiểm cho vận mạng nhân lọai, Mẹ lại thường xuất hiện, có khi đầy nước mắt hòa trong máu.
Điều đặc biệt của tình thương của Mẹ là biểu lộ chính tình thương của Thiên Chúa. Đó là tình thương dành cho những người đau khổ, đói khát, bệnh tật, những cuộc đời đầy bất hạnh gian truân và những người khiêm cung bé nhỏ. Lời tạ ơn của Đức Mẹ muốn nhấn mạnh đến tình thương đó của Thiên Chúa.
Có thể nói giấc mơ của 80% nhân lọai trong thiếu thốn đói khát được gói trọn trong lới tạ ơn của Đức Mẹ. Ngày nay, người ta đã thấy rõ 80% của cải trái đất lại nằm trong tay 20% nhân lọai giàu có. 80% của nhân lọai trở nên nghèo khổ. Sự nghèo khổ ngày càng gia tăng, cùng với bệnh tật, bao nhiêu sự bất công và thiệt thòi khác. Lời kinh của Mẹ như một thông điệp tiên tri kêu gọi phải có công bằng xã hội, không thể có phân biệt đối xử.
Ta thấy tình trạng ngày nay người giàu gạt người nghèo ra một bên để tự do hưởng thụ của cải trái đất. Nước giàu lấn át nước nghèo để tranh thủ phần ưu tiên cho họ. Đó là sự bất công mà Thiên Chúa không thể tha thứ được.
Thiên Chúa sẽ lọai bỏ họ, đánh đổ kẻ kiêu căng, xô sập những ngai vàng ích kỷ, bắt người giàu có bất lương trở thành hai bàn tay trắng.
Thiên Chúa sẽ nâng đỡ người bất hạnh, người nghèo đói, người đau khổ bị áp bức. Họ sẽ trở thành Dân riêng của Người. Đây không phải là những lời ru ngủ mà là ý định muôn đời của Thiên Chúa.
Tại những điểm hành hương, Đức Mẹ đang chữa lành, đang an ủi, đang thay lòng đổi dạ con người tội lỗi….Đó là thông điệp của Trời Mới - Đất Mới. Lịch sử mới đang hình thành cách nhiệm mầu và Thiên Chúa sẽ đến xét xử thế giới để cho con người nhận lại được giá trị cao qúy của mình.
Và ở Tàpao, Đức Mẹ cũng đang làm như vậy!
4. Tàpao, trường học Đức Tin của Mẹ
Đứng trước bao tại họa đang dôn dập trên mặt đất, tai họa từ môi trường thiên nhiên, từ lòng dạ đầy hận thù và ích kỷ của con người, từ sự kiêu căng của những người mạnh thế, liệu nhân lọai có thóat khỏi cảnh tuyệt vọng đó được không?
Đức Mẹ muốn nói với chúng ta: Hãy tin vào quyền năng vô biên và lòng yêu thương của Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới viết được dòng chữ thẳng trên những đường cong của lịch sử. Đó là kinh nghiệm của một người tù thoát chết nhờ có lòng tin.
Một người Việt kiều ở Mỹ bị ung thư và bác sĩ cho biết đã đến giai đọan cuối. Phương thế của khoa học đã đầu hàng. Bệnh nhân chỉ còn một chút hi vọng ở Đức Mẹ Tàpao. Người ấy về Việt Nam, nhờ bạn bè giúp đỡ đưa đến bên Mẹ Tàpao, tha thiết sám hối và xin Mẹ chữa lành. Rồi trở về Mỹ, thấy trong người càng ngày càng khỏe. Đến bác sĩ cũ khám bệnh lại. Bác sĩ vô cùng ngạc nhiên, không hiểu tại sao bệnh tình của bà không còn nữa. Trường học Đức Tin của Mẹ là thế đó.
Có một cặp vợ chồng ở Tư Tề, Đức Linh, chồng lương vợ giáo. Người chồng rất ghét khi vợ đi dự lễ đọc kinh, có khi phê phán ra mặt. Nhưng đến lúc ông bị bệnh xơ gan cổ trướng, hết đường chữa chạy, ông nói với vợ đi cầu với Đức Mẹ Tàpao cho ông. Quả thật Đức Mẹ đã nhậm lời và cho ông lành bệnh, ông đã học giáo lý và trở lại đạo. Trường học Đức Tin của Mẹ là như vậy đó!.
Thế giới hôm nay với kiến thức khoa học tiến bộ tột bậc, nhiều người tưởng rằng tôn giáo đang tàn lụi, con người đang làm chủ vận mạng mình, cần gì đến thần thiêng nữa. Thực ra, đó chỉ là cường điệu, là ảo tưởng của khoa học. Cả một trời bí ẩn đang bao quanh cuộc sống này. Và những tai ương khủng khiếp đầy thách thức của chúng đang là một thông điệp lớn thức tỉnh con người. Trước những biến chuyển lớn lao đó, con người không phải chỉ biết thống kê, chỉ biết tìm cách phòng tránh mà thôi, mà còn chỉ biết đọc, biết lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa, phải tin Ngài mới là chủ tể nắm trong tay vận mệnh con người.
Cách đây hơn hai ngàn năm, chẳng phải chính Đức Giêsu đã từng nói: “Anh em sẽ nghe có giặc gĩa và tin đồn giặc giã, coi chừng đừng khiếp sợ, vì những việc đó phải xảy ra, nhưng không phải là chung cuộc. Quả thế, dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, nước này chống lại nước nọ. Sẽ có những cơn đói rét và những trận động đất ở nhiều nơi. Nhưng tất cả những sự việc ấy chỉ là sự khởi đầu các cơn đau đớn”. Đó là những lời ghi nhận của Thánh Matthêu khi Chúa đã nói về tương lai của lịch sử vũ trụ và nhân lọai. Thánh Luca còn ghi nhận thêm: “ Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các sức mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Lc 21,25-26).
Đây là một Tin mừng, vì Chúa không đe dọa nhân lọai, nhưng Chúa chỉ cho thấy sự suy thoái của thiên nhiên đi về đâu và lòng dạ con người xa rời Thiên Chúa sẽ làm cho cuỗc sống nhân loại xảy ra như thế nào. Chúa là tình thương, khi thấy trước Giêrusalem sẽ bị tàn phá - Chúa chỉ khóc, khóc cảnh thảm thương não nề vì dân Chúa không biết tin và trông cậy vào Chúa. Thảm họa đến với họ, vì họ đã bỏ Chúa là thành lũy che chở họ.
Về phần Mẹ, với con tim từ mẫu bao la, giữa thời đại con người tìm cách gạt Thiên Chúa ra khỏi sinh họat của mình và chỉ biết tin vào chính mình, Mẹ đã dùng những địa điểm gặp gỡ để chữa lành bệnh tật, an ủi kẻ âu lo và tỏ cho người ta biết Đất Trời còn có thể gặp gỡ nhau, sự hiện hữu của Thiên Chúa với Đức Mẹ và các Thần Thánh vinh quang của Ngài là có thật. Nhất là Thiên Chúa chỉ muốn cho con người nhận biết tình Ngài là bao la vĩnh cửu của một người Cha khôn sánh. Quyền năng Ngài là tuyệt đối trên mọi tạo vật. Ngài giơ tay ra là sóng yên biển lặng. Ngài đứng lên là toàn bộ vũ trụ vâng nghe. Chỉ cần nhân lọai biết tìm về Ngài, tin vào Ngài là nhân loại tìm thấy Trời Mới Đất Mới.
Thống kê lại một số chứng từ được ơn Mẹ thì chúng tôi thấy ơn trở lại cùng Chúa thì nhiều hơn ơn chữa lành. Các Thánh đã từng nói: “Qua Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu”. Không phải ở Tàpao này mà thôi, như ở Mễ Du, khách hành hương chỉ mới đến đây thôi, đã thay đổi ngay tâm hồn và muốn đi xưng tội. Cho nên Đức Mẹ có điểm hẹn nơi nào là nơi đó tăng thêm lòng tin, ở đó thành nơi linh địa. Chính các linh mục quanh đây gặp rất nhiều người sám hối. Gần nửa đêm còn có khách hành hương xin xưng tội.
Quả thực, ta có thể nói : Tàpao là bàn tiệc mừng của những con chiên lạc trở về mà Đức Mẹ đang dọn sẵn cho chúng ta.
Chúng ta không biết ơn Chúa sao được!
Chúng ta không biết ơn Mẹ sao được!
Tàpao ơi hãy vui mừng, hãy hãnh diện vì có Mẹ Thiên Chúa đang ngự nơi đây.
Từ hơn 5 năm qua, khách hành hương đến với Mẹ Tàpao ngày một đông thêm. Điều đó chứng tỏ đã có biết bao người, lương cũng như giáo, trong nước cũng như ngoài nước được Mẹ Tàpao nhậm lời và cầu bầu cho ơn hồn - xác. Nhiều chứng nhân đã được kể lại, những lời khấn, những lời tạ ơn và những lời chân thành được viết trên những trang giấy đơn sơ mộc mạc gởi vào các thùng xin khấn.
Đường hành hương là đường thánh giá. Từ chân núi lên tượng Mẹ biết bao là khó khăn vất vả. Đường lên dốc, đất đá trơn trượt phải bám từng bước mà leo. Đường xuống núi trơn tuột phải ghì từng bước chân mà bước. Dù mưa gió, dù tối tăm khách hành hương vẫn đến với Mẹ nguyện cầu.
Một trung tâm hành hương là nơi Đức Mẹ đã chọn để gặp gỡ con cái Mẹ cách đặc biệt. Chính nơi đây, tình thương Chúa được tỏ bày qua bàn tay dịu hiền của Mẹ. Nơi đây, Đức Mẹ tiếp tục sứ vụ của Con Mẹ là “Loan báo Tin mừng cho người nghèo” (Lc 4,18), Đức Mẹ tiếp nối thông điệp tình thương “ Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghĩ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).
Tàpao không phải là địa điểm do con người tạo ra. Tàpao là nơi Mẹ chọn để mọi người từ muôn phương đến được Mẹ bồi dưỡng bằng ơn lành hồn xác. Một khi đã đón nhận những ân ban, người ta được Mẹ mời gọi cải thiện đời sống, sống theo Tin mừng.
Đến với Mẹ Tàpao, hãy tin tưởng và noi gương Mẹ, sống bác ái yêu thương.
Đến với Mẹ Tàpao, hãy siêng năng lần hạt như Mẹ dạy.
Đến với Mẹ Tàpao, sau khi đã thực hiện lời Mẹ dạy, sẽ không về không.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét