Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2024

NHÁT ĐỤC CUỐI CÙNG

 NHÁT ĐỤC CUỐI CÙNG

Ông sống tận cuối làng, cô đơn và khó tính. Không giao du qua lại với ai.
Ngày lại ngày, có việc thì cặm cụi đục đẽo, không việc thì lúi húi chăm sóc miếng vườn nhỏ, trồng dăm bụi sắn, vài luống rau và ít bụi hoa.
Người trong làng thỉnh thoảng ghé đến nhưng thấy bản tính ông ghẻ lạnh nên cũng chẳng ai muốn chơi.
Nguồn thu nhập chính của ông là khắc tượng gỗ. Danh tiếng ông khá lẫy lừng , nhiều ngôi chùa ở những nơi xa tìm ông để đặt hàng. Từ những bức tượng Phật Thích Ca uy nghi, to lớn cho đến những pho tượng chỉ bằng nắm tay, ông đều nhận cả.
Một ngày kia có vị Linh Mục đến đặt hàng làm ông ngỡ ngàng. Đây là lần đầu tiên trong đời điêu khắc của ông có một “ông Cha” giao tiếp với ông, Thứ đến là loại hàng này ông chưa từng bao giờ thử qua! Ông Cha này rất điềm đạm và bình dân, cho ông một cảm giác gần gũi, thân thiện.
Hàng đặt là một tượng Thánh Giá cao tới hai mét rưỡi và chiều ngang một mét chín, nằm trên Thánh Giá này là tượng Chúa Giêsu cao một mét bảy. - Nhưng thưa ông, Chúa Giêsu là ai, tôi không biết rõ, làm sao tôi có thể khắc đúng như ông đòi hỏi? Vị Linh Mục thoáng ngẩn người, ông mau chóng lục chiếc cặp đang mang theo người, lấy ra một bức ảnh chịu nạn đưa cho người thợ, ông này cầm lấy ngắm nghía với cặp mắt nhà nghề, giọng đầy phân vân: -Thú thật với ông, tôi chưa từng khắc tượng… Chúa! Từ trước đến nay tôi chỉ khắc tượng Phật, tượng Thần. Đối với Chúa, tôi cảm thấy xa lạ lắm. Ông có cái gì về Chúa nữa không để tôi nghiên cứu thêm, chứ bức ảnh này tôi e chưa đủ để giúp tôi có thể lột tả được cái Thần. Ông biết đấy, tôi đặt cao lương tâm nghề nghiệp…
Vị Linh Mục nhìn ông thợ điêu khắc đầy thiện cảm, ông trao cho người thợ một cuốn sách: - Đây là cuốn Kinh Thánh của Đạo chúng tôi, hy vọng ông sẽ biết đầy đủ về Ngài.
Suốt cả tháng trời, ông thợ miệt mài đọc kỹ cuốn Thánh Kinh và ngắm nghía bức ảnh chịu nạn. Không giống vẻ oai nghiêm của các tượng Thần ông từng khắc, cũng không có vẻ an nhiên tự tại của tượng Phật với những đường nét bệ vệ, tròn trĩnh. Tượng Chúa là những lồi lõm của một người gầy gầy, với những thương tích khắp người, một người trần truồng để lộ ra những xương sườn và cái bụng lép kẹp, nhất là gương mặt hốc hác, đau đớn của người chịu khổ hình. Một gương mặt đang trong tư thế ngước lên mà ánh mắt vừa chịu đựng lại vừa khẩn khoản, đầy tin tưởng và hiền lành, không thấy có chút nào của sự oán trách, thù hận! Ông cứ vừa nghiền ngẫm vừa dò dẫm chạm khắc, ngày làm đêm nghiên cứu. Ngay cả trong giấc mơ ông cũng thấy gương mặt Người Chịu Nạn bê bết mồ hôi và máu, những thớ thịt co giật trong cơn đau đớn, đôi môi khô nứt tím tái hẳn đi. hai cánh mũi phập phồng trong cơn khó thở!
Ngày qua ngày, ông làm việc miệt mài nhưng rất chậm. Đôi chân xương xẩu xếp chồng lên nhau của Người Chịu Nạn, bị đóng dính vào Thập Giá tương đối dễ khắc. Lồng ngực bức tượng nhô cao hiển lộ toàn bộ xương sườn như đang cố hớp lấy không khí khiến cho phần bụng thót lại làm ông thấy khó khắc hơn! Ngay cả hai bàn tay với những ngón gầy guộc co quắp khiến những sợi gân căng trên cổ tay cũng khiến ông hình dung được sự đau đớn của Người Chịu Nạn! Hình như không có vị Giáo Chủ của Đạo nào lại khốn khổ như vị này! Hầu hết các vị đều được vinh quang ngay khi tại thế, Đạo của các vị ấy cũng được truyền bá dễ dàng chứ không bị bách hại như Đạo này! Mỗi nhát đục ông đều đắn đo cẩn thận. Độ khó của bức tượng kích thích ông mãnh liệt. Ông say mê làm việc như chưa bao giờ ông say mê đến thế! Thỉnh thoảng, ông dừng tay, giở Kinh Thánh ra nghiền ngẫm về Con Người Trên Thánh Giá. Cứ như trong sách ghi chép lại thì Con Người này có lẽ là Chúa thật rồi! Ông ta làm phép lạ mà chẳng tốn một tí hơi sức nào cả! Chỉ một Lời, thế là thành sự! Như thể ông ta là chủ tể của vũ trụ, là Ông Trời vậy! Hình như các vị Giáo chủ khác không làm phép lạ nào thì phải? Các Ngài chỉ dạy dỗ thôi, mà ông này thì dạy dỗ như kẻ có quyền thật sự! cái điệp khúc “ Phần Ta, Ta bảo các ngươi…” cứ lặp lại mãi. Mà những Lời dạy bảo của Người mới cao đẹp, mới thánh thiện làm sao! Mỗi ngày qua, tác phẩm dần lộ hình, thì trong lòng ông thợ lại càng xốn xang, khắc khoải. Có một điều gì đó làm ông băn khoăn. Ông thường hay bỏ dở công việc để đi thăm một người trong làng bị đau ốm, có khi ông nghỉ nguyên một buổi để đi đưa đám một người chết chẳng liên hệ gì với ông! Những đồng tiền làm ra được ông cất kỹ, nay cũng cạn dần theo những lần ông âm thầm đến nhà này, nhà nọ. Dân làng cũng thấy được sự thay đổi này, họ xầm xì bàn tán đủ điều về ông, có người còn độc miệng cho rằng ông sắp chết, nhưng nhìn chung họ dần có cảm tình với ông.
Giai đoạn khó khăn nhất cuối cùng cũng đến: Đó là gương mặt Người Chịu Nạn. Ông đã bỏ nguyên hai ngày để đọc kỹ lại cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu trong cả bốn quyển Tin Mừng. So sánh, đối chiếu cả bốn quyển để tìm ra những điểm chung, điểm riêng, những nét đặc trưng khả dĩ giúp ông hình dung ra sự khốc liệt của cuộc hành hình mà Chúa Giêsu phải chịu. Ông mường tượng ra những cơn đau khiến gương mặt co giật. Răng nghiến lại? ừ, có thể nào răng nghiến lại khi cơn đau cùng cực không? Miệng có bị méo đi không? Còn mắt? Mắt nhắm nghiền hay trợn trừng hoặc lạc thần vì quá sức chịu đựng? Mồ hôi và máu thì dĩ nhiên rồi! Một gương mặt đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn. Tâm hồn dĩ nhiên đau đớn lắm khi Người thốt lên: “ Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con?” mà tâm hồn này cũng tin tưởng và bình an vì Người đã kêu lên: “ Con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Một gương mặt tội nhân mà sáng chói sự thánh thiện khi Người nguyện rằng: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Một gương mặt hài hòa bao nhiêu là trạng thái mà ông phải cô đọng lại! Từng nhát đục ông gọt đẽo trong hồn ông, tượng hình dần trên thân gỗ. Gương mặt Chúa Giêsu đau đớn với đôi mắt mở lớn đang ngước lên trời trong tâm tình phó thác vâng phục. Phải rồi, Người đã vâng phục cho đến chết và chết trên Thập Giá đang khi Người uy quyền phép tắc đến thế! Ai làm gì được Người nếu không phải chính Người tự nguyện chết thay cho nhân loại? Gương mặt Chúa Giêsu thánh thiện và khả ái làm ông hài lòng mặc dù mấy hôm nay một cơn đau cứ nhoi nhói trong ngực ông. Khi ông dừng nhát đục cuối cùng thì ánh sáng cuối ngày cũng vừa lịm tắt. Ông vui sướng cố dựng Thánh Giá gỗ nặng nề lên cho dựa vào tường rồi mệt mỏi lê bước vào giường. Đặt mình nằm xuống, ông thiếp đi rất nhanh, không hề mộng mị. Tiếng gà gáy sáng làm ông choàng tỉnh giấc, toàn thân khoan khoái sau một giấc ngủ dài làm ông có cảm giác trở lại thuở đôi mươi. Bên ngoài cửa sổ trời vẫn còn tối nhưng nơi cửa ra vào ánh sáng lại huy hoàng làm ông ngạc nhiên. Ông chợt nhớ ra chiều qua mình đã ngủ như chết, không tắm rửa, không ăn uống và không cả đóng cửa! Ông bước xuống giường đi ra cửa và bất chợt khựng lại vì trong sân đang chói loà toàn ánh sáng, một thứ ánh sáng mà ông chưa từng thấy, chính ánh sáng này đã chiếu sáng cửa lớn nhà ông. Toàn thân ông thấm đẫm thứ ánh sáng huyền diệu này. Một niềm hạnh phúc ngọt ngào dâng ngập hồn ông, trong mơ hồ ông nhận ra thân thể mình bỗng nhẹ tênh, ánh sáng đưa ông bay lên cao, lên cao mãi…
Phải đến hai ngày sau dân làng mới phát giác ra ông đã chết dưới chân cây Thánh Giá mà ông vừa hoàn thành, trong tư thế nửa ngồi nửa quỳ, mặt nhìn lên Thánh Giá
Sưu tầm
My Lan Phạm


Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2024

CHÚA NHẬT LỄ LÁ

 CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Ta bước vào Tuần Thánh với Lễ Lá: Có khởi đầu vui nhưng có cái kết buồn. Có sự tung hô hoành tráng, có sự đả đảo thay lòng đổi dạ của lòng người. Mới hân hoan tung hô đón tiếp, lập tức la ó kết án. Và sắp tới đây, có một Giuda chung bánh chung chén với Thầy thì vội vàng trở mặt bán Thầy. Có một Philato quyền bính trong tay lại hèn nhát kết án người mình biết vô tội. Có một Phêro vừa thề sống chết với Thầy thì vội chối Thầy như chối tà, run sợ trước một cô gái giúp việc. Có nhóm đệ tử ruột tưởng “ngon ăn”, ai ngờ “chạy mất dép” bỏ Thầy cô đơn một mình. “BỨC TRANH VÂN CẨU vẽ người tang thương” của cuộc đời, mây trắng biến thành chó mực!. Và đây rất có thể đó là chính ta: lừa thầy phản bạn!
1/ Có một buổi “RƯỚC KIỆU” hoành tráng tại Gierusalem cách đây hơn 2000 năm
+Chúa Giesu không đi xe “Quái thú – the Beat”, nhưng cưỡi lừa, phương tiện phổ biến thời đó: có người lớn, có trẻ em,có phất lá thay cờ,có trải áo,trải thảm.
+Vâng, dân chúng đón tiếp Giê-su và tung hô như đón một vị vua, nguyên thủ quốc gia
2/ Nhưng sai rồi, dân không hiểu. Họ không hiểu rằng:
+Chúa Giesu đang tự nguyện đi vào cuộc thương khó…chứ không làm vua trần thế
+Dân thì miệng tung hô: “chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”, tay phất lá,tay trải áo
+Nhưng chẳng mấy chốc lại tráo trở,xoay chiều đổi ý,thay lòng đổi dạ: tay nắm đấm, miệng đả đảo:
“Đem nó đi, đóng đinh vào thập giá”
3/ Hôm nay,chúng ta cũng rước kiệu, nhưng đừng bắt chước dân Do thái xưa:
+Đừng hùa theo đám đông,tráo trở,sa sút về đức tin:
-Thấy đám đông vào quán ăn không làm dấu…ta cũng không
-Thấy đám đông ghi “không tôn giáo” ta cũng ghi như họ
+Thấy đám đông “làm bậy” để hưởng lợi ta cũng theo
-Thấy đám đông nói dối, ta cũng nói: sống kiểu “tắc kè đổi màu”,lập trường đức tin không vững
4/ Ngày nay chúng ta cũng hiểu sai về một Thiên Chúa trừng phạt như cảnh sát,như thần Hy Lạp Jupiter để rồi sợ hãi; hoặc một Thiên Chúa ủy mỵ kiểu “mẹ gà chiều con – Mère-poule” để rồi nhu nhược”;hoặc một Chúa Kito vẻ vang để rồi hiếu thắng,lên mặt.
+Đức Kito đi vào cuộc thương khó để cứu độ, thì đời ta cũng cần đi vào cuộc thương khó như Chúa:
-Chịu thương chịu khó vì chồng
-Chịu thương chịu khó vì vợ
-Chịu thương chịu khó vì cha mẹ,vì con cái, vì người lân cận
-Chịu thương chịu khó vì giáo dân, vì cha sở.
5/ Hôm nay phụng vụ dưới đất dẫn ta đến phụng vụ Thiên Quốc
Khi cầm cành lá trong tay,ta muốn nói rằng:
+Nhờ ơn thánh hóa,ta thuộc thành phần được tuyển chọn “Mặc áo trắng dài,tay cầm cành lá.miệng tung hô Chiên Thiên Chúa
+Hãy đừng để tội lỗi làm ta xa Chúa,xa anh em,tách rời khỏi đoàn người được tuyển chọn
+Đức Kito, Đấng từ trời đến HIỀN LÀNH và KHIÊM NHƯỜNG “cưỡi lừa”. Ta cũng học với Chúa: SỐNG HIỀN,SỐNG LÀNH,SỐNG KHIÊM…đừng cưỡi đầu cưỡi cổ kẻ khác
6/ Hôm nay, chúng ta hãy “ĐI KIỆU”, kèn trống lọng loa, bắt chước dân Do thái phất lá,trảo áo:
+Nhưng: Không phải bằng những chiếc áo vô hồn,chiếc lá chẳng mấy chốc khô héo
+Nhưng: HÃY TRẢI TÂM HỒN KHIÊM TỐN xuống đường,xuống cuộc đời
+Hãy phất cao tinh thần ngay thẳng để sấp mình xuống đón nhận Đức Kito để áo tâm hồn mình, dù hoen ố vì tội, cũng được lòng thương xót Chúa thứ tha.
7/ LỄ LÁ nhắc cho chúng ta nhiều điều:
1.Tôi có nét Giuda không? Chúa chọn, Chúa yêu, nhưng phản bội. Tình Thầy trò tan vỡ bằng nụ hôn giả dối. Tình vợ chồng “hôn nhau ngày cưới”, giấy ly dị vội vã trao tay.
2.Tôi có giống Philato không? Dùng quyền, dùng tiền để bẻ cong chân lý, sợ mất bổng lộc, quyền lợi, rồi chà đạp người khác
3. Tôi có giống Phero hăng “tiết vịt”? Ào ào mạnh miệng tuyên bố dù chết cũng không bỏ Thầy, nhưng chẳng mấy chốc run sợ nuốt lời. Thề non hẹn biển với Chúa, với Hội Thánh, với chồng ,với vợ, với bạn bè...nhưng chỉ là “hứa lèo”! Linh mục cũng thế, giáo dân cũng thế, vợ chồng cũng thế!
4. Tôi có thấy mình giống Herode không? Tò mò, háo hức gặp một ông Giê-su mà ông mong ước, mong chờ Giê-su làm phép lạ...nhưng sau đó thất vọng vì thấy Chúa lặng thinh. Đời ta sao “nhạt như nước ốc” vì thấy Chúa không lên tiếng! Sao mình vẫn nghèo, vẫn bệnh dù theo đạo...Chúa vẫn mãi tít xa!
5. Lễ Lá, chúng ta được mời gọi nhìn lên Thánh Giá, thập giá của Chúa và của ta. Đừng nhìn vai Vua
6. Nhìn lên Thánh Giá để thấy tình yêu bao la của Chúa, tình yêu của ta mong manh
7. Nhìn lên thập giá đời thường của ta để không bao giờ thất vọng nản lòng vì tội, vì khó khăn
8. Nhìn lên Thánh Giá của Chúa để thưởng nếm ơn tha thứ của Chúa dành cho ta, và cũng được mời gọi ta cảm thông và tha cho anh em ta.
Chúa nói: “ HÔM NAY CÁC ANH CÁC CHỊ, CÁC ÔNG CÁC BÀ Ở TRÊN THIÊN ĐÀNG VỚI TA”
dù là trộm lành hay trộm dữ...nếu biết nhìn lên Thánh Giá, nếu biết hôn thập giá của mình. Nguồn bài viết :Tqt30


Thứ Hai, 18 tháng 3, 2024

TIẾNG VIỆT THỜI NAY

 TIẾNG VIỆT THỜI NAY

Tôi là người lớn lên với Tiếng Việt thời trước 1975, tức là Tiếng Việt trong Tự Lực Văn Đoàn của những Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam,... Đó cũng là tiếng Việt của các tiền bối như Hoàng Xuân Hãn, Phạm Quỳnh, và sau này là Mai Thảo và nhóm tạp chí Bách Khoa lừng danh một thời. Đó cũng chính là Tiếng Việt thời 1945 và sau này được gìn giữ ở trong Nam.
Thời đó, chúng tôi nói và viết Tiếng Việt theo thứ tự tự nhiên. Chẳng hạn như chúng tôi được dạy là 'hôi thúi' (hay 'hôi thối') vì một vật thể khi bị chết đi, nó đi từ 'hôi' mới đến 'thúi.' Chúng tôi nói 'khai triển' (khai trương rồi mới phát triển). Các thầy dạy cho biết đó là cách nói của người Việt được coi là thuận với thiên nhiên.
Do đó, ngày xưa, Tiếng Việt chúng ta được cấu trúc theo công thức tự nhiên đó. Có thể tìm thấy những chữ thường ngày như: bảo đảm, đơn giản, thành hình, khai triển, ít nhiều, v.v.
Thế nhưng sau 1975, những chữ đó đột nhiên bị đảo lộn thành: đảm bảo, giản đơn, hình thành, triển khai, nhiều ít, v.v. Những chữ này có cùng nghĩa như những chữ trên, nhưng nó chỉ đảo ngược cách nói/viết.
Tại sao có sự đảo ngược này?
Câu trả lời đơn giản là do Tàu hoá. Thật vậy, rất nhiều chữ sau này được dùng theo cách dùng của người Tàu. Chẳng hạn như người Tàu hay nói ngược với chúng ta. Thay vì nói 'bảo đảm', họ nói 'đảm bảo'. Chúng ta nói 'khai triển', họ thì 'triển khai'. Vân vân.
Thật ra, những chữ như 'bảo đảm', 'khai triển', 'đơn giản', v.v. đều xuất phát từ chữ Hán. Nhưng các vị tiền bối chúng ta nói ngược với họ, có lẽ một phần là theo lẽ tự nhiên, và quan trọng hơn là không bị Tàu hoá.
Tiếng Việt ngày nay rất ư là hỗn tạp và phức tạp. Hỗn tạp là thứ lai căng (như ‘tuổi teen’), và phức tạp là làm cho tối nghĩa (ví dụ như ‘một cá thể trâu’). Mới đây còn có 'topping' nữa chứ! Loại tiếng Việt này làm đau đầu những người thuộc thế hệ tôi, và làm nhói tim những ai còn quan tâm đến sự trong sáng của tiếng Việt.
Hôm qua, cô tiếp viên sau khi tính toán tiền ăn xong rồi nói:
"Dạ, phần của mình là 56 ngàn ạ"
Tôi muốn ghẹo cô ấy, nên giả bộ hỏi "'mình' là ai vậy con?" Cô ta bẽn lẽn nói "Dạ, con quen miệng ạ". Tôi lại chọc: người miền Nam không nói "ạ".
Rồi còn những cách dùng sai nghĩa nữa, mà tiêu biểu là 'liên hệ' và 'liên lạc'. Chẳng hiểu từ đâu mà ngày nay ở trong nước ai cũng dùng chữ 'liên hệ' theo ý nghĩa contact của tiếng Anh. "Anh cần thêm bất cứ điều gì, cứ liên hệ qua số điện thoại ...". Đáng lí ra phải là 'liên lạc'.
'Liên hệ' theo tôi hiểu là quan hệ huyết thống, máu mủ ruột thịt trong gia đình, tiếng Anh là 'relate'. Còn 'Liên lạc' có nghĩa là tiếp xúc giữa các cá nhân, tiếng Anh là 'contact'. Rõ ràng như vậy, mà chẳng hiểu sao đi đâu cũng thấy 'liên hệ'. Tôi nghi là cũng do Tàu hoá mà ra.
Lại nói đến chữ 'khả năng' cũng bị đổi nghĩa. 'Khả năng' có nghĩa là năng lực để làm một việc gì (tiếng anh là capacity). Vậy mà ngày nay người ta dùng chữ 'khả năng' theo cái nghĩa 'có thể' (probable): 'Chiều nay trời có khả năng mưa'. Trời ơi! Sao không nói "Chiều nay trời có thể mưa"? Lại một cách Tàu hoá?
Chói tai nhứt là nghe cách đánh vần ngày nay. Lúc nào cũng Bờ Cờ Sờ ... nghe thiệt khó vô. Đó là cách phát âm đánh vần thời Bình dân Học vụ (thời 1930-1940) để giúp cho người mù chữ làm quen với chữ cái trong tiếng Việt. Đâu có ai dùng nó để chỉ A Bê Xê đâu. Vậy mà ngày nay trên đài truyền hình, đài phát thanh oang oang Bờ Cờ Sờ!
Có lần tôi thấy sốc khi nghe một đồng nghiệp Pháp nói với tôi rằng tiếng Pháp ở Paris ngày nay là loại hỗn tạp, còn tiếng Pháp ở Québec (Canada) mới là ‘chuẩn’. Chẳng biết nhận xét đó đúng hay sai, nhưng tôi có cảm giác nó nó hợp với tiếng Việt ngày nay: tiếng Việt ở hải ngoại mới chuẩn hơn tiếng Việt ở trong nước.
Nguyễn Tuấn
Gia Nguyễn chia sẻ từ FB của GS Nguyễn Tuấn



Thứ Tư, 13 tháng 3, 2024

CVK là gì ? - KMF là cái gì ?

 Có thắc mắc :

- CVK là gì ?
- KMF là cái gì ?
Xin giải đáp :
- CVK là chữ viết tắt của Chủng Viện Kontum. Đó là anh em cựu chủng sinh đã từng học tại Chủng Viện Thừa Sai Kontum. Họ gồm CVK linh mục, CVK đã xuất tu sống đời sống gia đình. CVK sống khắp nơi trên thế giới. Liên lạc khá thường xuyên với giáo phận và với nhau như anh em, vì đã từng học cùng trường tại Kontum. Anh em CVK đã cùng nhau chung tay góp phần giúp đỡ giáo phận nghèo Kontum, đặc biệt là người Thượng. ( Giáo phận Kontum có gần 400 ngàn giáo dân, người Thượng là 280 gồm 9 thứ tiếng khác nhau !). Ví dụ cha Đông là CVK 55 (sinh 1941), tức là vào chủng viện năm 1955, đang ở nhà hưu dưỡng. Cũng đang ở hưu có cha Bình CVK 37, cha Sơn CVK 56, cha Hữu CVK55.
- KMF là chữ viết tắt bằng tiếng Anh
Kontum Missionary and Friendship . Tiếng Việt: Hội Ái Hữu Truyền Giáo Kontum. Mục đích của hội là để giúp người nghèo khổ giáo phận Kontum. Hội được thành lập tại Mỹ và có khai báo với nhà nước Mỹ để miễn thuế theo luật nước Mỹ. Anh em CVK nước ngoài đã thành lập KMF để kêu gọi các nhà hảo tâm không phải CVK cũng tham gia. Đức Ông CVK Giuse Hoàng Minh Thắng ở Roma là người đứng đầu hội KMF. Tất cả sự đóng góp của CVK nước ngoài đều gửi về giáo phận qua trung gian KMF.
Sự vận động của anh em CVK trong nước cũng như ở nước ngoài cho công việc bác ái của giáo phận Kontum cho người nghèo, nhất là người Thượng, là vô cùng to lớn và cần thiết không kể hết được.
Cảm ơn Đức Ông CVK Giuse Hoàng Minh Thắng thường xuyên kêu gọi, nhắc nhở vì là người đứng đầu !
Cảm ơn quý anh em CVK linh mục : Cha Tâm Dak Mil ở Mỹ, (thường về thăm Kontum), cha Hùng Châu Sơn cũng ở Mỹ(?), cha Thạch DCCT gốc Phương Quí ở Mỹ ; cha Thân (Dần), cha Tuyển Hà Lan ở Canada; cha Đích MEP, cha Giảng MEP ở Singapore; cha Hải, cha Huấn ở Úc, cha Quỳnh gx Tân Hương Kontum cũng ở Úc rất tích cực cho Kontum, nghe nói cha sẽ tài trợ cho 2 CVK qua tu học bên Úc; cha Tiến MEP gốc Phương Quí Kontum; cha Thắng MEP về Kontum thường xuyên, trong ban kinh tài giáo phận . Cần phải kể thêm các cha CVK thuộc giáo phận Banmethuoc khi chia địa phận 1967.
Còn về anh em CVK “tại thế” thì rất nhiều, kể không hết và rất đắc lực giúp giáo phận, mình thử kể như: CVK Võ-Khánh shipper của KMF; CVK Sỹ-Kim; CVK Lý-Chi; CVK Viễn55-Trí USA; CVK Khải-Giáo USA thường xuyên gửi giúp người nghèo qua cha Đông . . .Anh em CVK khắp nơi đã đồng hành với công việc của giáo phận từng km . . . Còn nhiều lắm kể vô đây là không thể !
Giáo phận Kontum biết ơn anh “chị” em CVK hết lòng. Rất mong được tiếp tục.
Người nghèo giáo phận Kontum vô cùng biết ơn quý ân nhân của KMF và rất mong được tiếp tục.
Xin Chúa chúc lành cho chúng ta.
(Xin gửi vài hình ảnh nhà Chủng Viện Kontum. Cái nôi sinh ra CVK)
NB : Nhờ CVK Lê Thành Thu chuyển làm sao để anh em CVK khắp nơi có thể đọc được. Cảm ơn Thu).
Nguồn bài viết: Lm. Nguyễn Văn Đông.