Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2023

Tâm sự cuối năm

 Tâm sự cuối năm cũ- đầu năm mới !

Hôm nay ngày 31.12.2023, mấy tiếng đồng hồ nữa là cả thế giới bước vào năm mới 2024 ! Mỗi người lại có thêm một tuổi nữa cho đời mình. Vậy là mình bước vào tuổi 84 ! Cả thế giới đều được nghỉ ngày đầu năm ! Chỉ trừ bệnh tật là không chịu nghỉ và ăn uống cũng vậy !
Là linh mục ở nhà hưu dưỡng nên có trọn thời giờ lo cho người nghèo. Vì lo cho người nghèo nên có nhiều ân nhân trong nước và nước ngoài. Và hôm nay ngày cuối năm nên mình nói lời cảm ơn các ân nhân xa gần đã giúp đỡ người Thượng nghèo Kontum qua trung gian của mình. Không những là cảm ơn bằng lời mà còn cả tâm tình biết ơn sâu đậm. Các bạn lương có, giáo có, quen có, lạ có, gần có, xa có . . . đã gửi từ hiện vật đến tiền bạc đủ mọi loại đến tận nhà, hoặc đến tài khoản. . . Mình đã chuyển đến tận tay người nghèo. Đặc biệt cảm ơn bà Bạch Hố Nai, Sơ Thanh Bà Rịa, Dũng-Thủy Saigon, Vy-Vinh Mỹ, anh Phong Mỹ, cô Thanh Na Uy, gia đình Thụ Nhân cựu học viên Đại Học Đàlat ở Mỹ và Canada, cô Bùi Anh Thơ Mỹ cựu sinh viên Đại Học Đalat . . . Cảm ơn chúng con cựu Nội Trú giáo xứ Đức An xưa . . . Ôi ! Cảm ơn nhóm Thăm Viếng của 17 làng. Cảm ơn các người cộng tác trực tiếp với mình tại Kontum. Nhiều lắm , còn có thể kể nữa. . . Thật tình mà nói : Tiền vô nhà khó như gió vô nhà trống ! Nghèo thì hay bệnh mà bệnh thì phải uống thuốc, các tiệm bán thuốc đâu có phát không ?! Nghèo đói lại sinh nhiều, mẹ không sữa mà không có tiền mua sữa ! Phải giúp chứ ! Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ ! Thấy rồi sao không đổ lệ ?
Sang năm mới mong quý ân nhân xa gần tiếp tục giúp đỡ. Mình ở tuổi 84, quỹ thời gian còn ít lắm thôi. Qua được thế giới bên kia, mình sẽ không quên các bạn, mà giả như mình có quên thì Chúa không bao giờ quên được vì “ khi Ta đói các ngươi cho ăn . . . “ ! Chúng ta nên khắc ghi trong lòng những nguyên tắc này :
- Cho người nghèo là cho chính Chúa .( Mt 25,31-46).
- Cho người nghèo là tích trữ kho tàng trên trời . (Mt 19, 16-22).
- Cho người nghèo là cho chính mình mà lãi suất lại rất cao. ( Mt 25,40).
Lạy Chúa , chúng con sắp bước vào năm mới 2024, xin Chúa ban cho các ân nhân của người Thượng nghèo Kontum một năm mới An Khang, Thịnh Vượng; xin Chúa ban cho gia đình họ suốt năm Bình An và Hạnh Phúc ; xin Chúa cho công việc làm ăn của họ luôn được tốt đẹp.
Xin Chúa nhận lời con xin. Amen
Linh mục Phêro Nguyễn Vân Đông
Nhà hưu dưỡng gp Kontum.

Thứ Năm, 28 tháng 12, 2023

 TẠI SAO

GỌI NGƯỜI BÌNH ĐỊNH LÀ "DÂN NẪU" ?
Đã bao giờ bạn tự hỏi rằng tại sao bạn bè lại gọi mình là "Dân nẫu"không?...có thể nghe thấy quen thuộc nhưng ai biết được tại sao lại có từ "Nẫu" này??
Năm 1578, chúa Nguyễn Hoàng cử Phù nghĩa hầu Lương Công Chánh làm Trấn biên quan có bổn phận đưa lưu dân nghèo không sản nghiệp khai khẩn vùng đất mới từ nam đèo Cù Mông đến đèo Cả (tỉnh Phú yên bây giờ). Sau 33 năm khai phá vùng đất mới, hình thành làng mạc, năm 1611 chúa Nguyễn Hoàng thành lập phủ Phú Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. Năm 1629, chúa Nguyễn Phúc Nguyên nâng cấp phủ Phú Yên thành dinh Trấn Biên . Do đặc điểm của vùng đất mới còn hoang hóa, dân cư thưa thớt nên các đơn vị hành chính của vùng biên viễn có những nét đặc thù. Dưới cấp Huyện có cấp Thuộc, dưới Thuộc là các đơn vị hành chính nhỏ hơn như Phường, Nậu, Man.
Phường là các làng nghề có quy mô như phường Lụa, phường Sông Nhiễu. Nậu là tổ chức quản lý một nhóm nhỏ cùng làm một nghề, người đứng đầu gọi là đầu Nậu.
Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm...
Do sự phát triển của xã hội Đàng Trong, năm 1726, chúa Nguyễn Phúc Chu (1697-1738) cử Đại ký lục chính danh Nguyễn Đăng Đệ quy định phạm vi, chức năng của các đơn vị hành chính. Các đơn vị hành chính như “Thuộc”, “Nậu” bị xóa bỏ.
Khái niệm thành tố chung cấp hành chính “Nậu” được biến nghĩa dùng để gọi người đứng đầu trong đám người nào đó và sau này dùng để gọi đại từ nhân xưng ngôi thứ ba.
Từ “Nậu” không xuất hiện độc lập mà chỉ có mặt trong các tổ hợp danh ngữ. Ví dụ:
Mất chồng như nậu mất trâu
Chạy lên chạy xuống cái đầu chôm bơm.
Tiếc công anh đào ao thả cá
Năm bảy tháng trời nậu lạ tới câu.
Ai về nhắn với nậu nguồn
Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên.
Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên - Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng”, “bả”. Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh”, “chỉ”.
Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẫu”.
Nẫu đã đi vào ca dao Bình Định, Phú Yên khá mượt mà, chân chất:
Ai về sông núi Phú Yên
Cho nẫu nhắn gở nỗi niềm nhớ quê
Phương ngữ Thuận Quảng (Thuận Hóa - Quảng Nam) với “mô, tề, răng, rứa, chừ”, vượt qua đèo Bình Đê (ranh giới Bình Định - Quảng Ngãi) được đổi thành “đâu, kia, sao, vậy, giờ”.
Và đặc trưng ngữ âm của vùng Nam Trung bộ (Bình Định - Phú Yên) không phân biệt rạch ròi cách phát âm dấu hỏi và dấu ngã. Đặc biệt, bà con vùng biển từ Hoài Nhơn (Bình Định) đến Gành Đỏ (Sông Cầu-Phú Yên), các âm dấu ngã đều phát âm thành dấu hỏi.
Riêng đồng bằng Tuy Hòa, khi phát âm không phân biệt được dấu hỏi và dấu ngã. Bởi vậy, “Nẩu” hay được phát âm là “Nẫu”.
Đồng bằng Tuy Hòa trù phú, nhiều nhà giàu trong vùng cho con cái đi học chữ phương xa. Các vị có chữ nghĩa viết chữ “Nẩu” theo phát âm quen miệng thành chữ “Nẫu”.
Nói nôm na, tiếng Nẫu là tiếng địa phương của vùng Bình Định và Phú Yên có nghĩa là họ, hay người ta, vì là “đại từ nhân xưng” nó nằm ở vị trí ngôi thứ ba vừa số ít mà cũng vừa số nhiều. Ví dụ thay vì hỏi “Hôm nay người ta đi đâu mà nhiều vậy? ” thì người dân Bình Định và Phú Yên hỏi là “Hôm nay nẫu đi đâu mà nhiều dậy?” hay “Cái nhà này là của họ” thì dân Nẫu sẽ nói là “Cái nhà này là của nẫu”.
Chính vì vậy mà khi hòa cùng tất cả tiếng nói của mọi miền đất nước thì tiếng nẫu sẽ không lạc vào đâu được, thậm chí còn dùng những từ hoàn toàn khác với những từ thông dụng, ví dụ thay vì nói “Vào tận trong đó” thì nói là “Dô tuốt trỏng” hay hỏi "vậy hả?” thì hỏi là “dẫy na?”, “dẫy ngheng” (vậy nghen hay thế nhé), “dẫy á” (vậy đó), “chu cha wơi” (trời đất ơi) v.v...
Người Việt mình từ văn minh lúa nước mấy ngàn năm đến giờ đã nổi tiếng là “nhà quê”, cho dù có ở thành thị thì vẫn là “dân nhà quê” so với các nước khác. Vậy thử hỏi trong đất Việt Nam mình, xứ nào là “nhà quê” nhứt? Đó chính là “xứ Nẫu”. Tôi đi khắp Việt Nam , ai hỏi tôi quê đâu? Tôi thưa rằng quê tôi xứ Nẫu, tôi dân Nẫu, Nẫu nè, Nẫu ơi…
Vì sao “quê”, vì ngay cái chữ “Nẫu” nghe nó đã quê rồi. Nó khởi thủy là chữ “nậu” ở miền Nam Trung Bộ. Từ “nậu” để chỉ một nhóm người theo ngành nghề hoặc theo nơi ở: ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người trên rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... mãi sau, bằng nguyên lý tăng âm đặc trưng của dân Việt mình: “ông + ấy = ổng”, “chị + ấy = chỉ”, thì cái “nậu + ấy= Nẫu”.
Xứ Nẫu bắt đầu từ Bình Định, Phú Yên và một phần của Khánh Hòa. Cũng như các vùng miền khác, mà gần nhất là xứ Quảng, giọng nói người xứ nẫu không lẫn vào đâu được. Người xứ Nẫu luôn nói lớn tiếng, giọng nặng và hầu hết các âm tiết đều bị biến dạng theo hướng nặng hơn, khó phát âm hơn…khó đến nỗi chỉ người xứ Nẫu mới nói được, làm như cái cấu tạo thanh quản của dân xứ Nẫu đã khác đi so với người xứ khác. Nẫu (người ta), rầu (rồi), cái đầu gấu (gối), trời tấu (tối), cái xỉ (muỗng), tộ (chén)…người xứ Nẫu nói cho người xứ Nẫu nghe, cho nên từ ngữ quê mùa cục mịch, đến mức câu ca dao mẹ hát ru con cũng nặng trình trịch, nhưng mà nặng nhất là cái tình:
Thương chi cho uổng công tình
Nẫu dzìa xứ nẫu, bỏ mình bơ vơ
Khi còn nhỏ, mỗi lần làm điều gì không đúng cha, mẹ, hay ông bà thường nói: “đửng làm dẫy, nẫu cừ” (đừng làm vậy, người ta cười). Dân Nẫu đúng như giọng xứ Nẫu, hiền nhưng cộc cằn, phóng khoáng nhưng ngang ngạnh, tình cảm nhưng hơi thô kệch…
Dân Nẫu đi đến đâu cũng là “dân nhà quê”, học hành đến mấy vẫn không trút được cái gốc “nẫu” của mình. Nẫu không khôn ngoan, khéo léo như người Bắc. Nẫu không dịu dàng, lịch lãm như người xứ Huế. Nẫu cũng chẳng rộng rãi, vô tư như người Nam. Nẫu là Nẫu. “Nẫu dzẫy” (nậu vậy), Dân Nẫu không quan tâm người khác nghĩ gì về mình, tốt xấu gì cũng mặc, “kệ nẫu”. Cho nên dân Nẫu đi xứ khác làm ăn bị thiệt thòi nhiều.
(Bình Định Xưa).


Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2023

MỪNG CHÚA GIÁNG SINH

 MỪNG CHÚA GIÁNG SINH

Giáng Sinh…Lễ đạo hay lễ đời? Máng cỏ,hang đá…hay giường nệm?
1/ Giáng Sinh: Lễ của NIỀM VUI
2/ Giáng Sinh: Lễ của sự khiêm nhường
3/ Máng cỏ: Bài học hạ mình,yêu thương và sẻ chia
1/ Giáng Sinh: Lễ của NIỀM VUI. Tại sao vui?
+Vui vì quà bánh? No! Vui vì là dịp để tiêu xài,mua sắm,ăn mặc bảnh bao,thời trang? NO!
+Vui là vì: “Một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta”
+Lễ Giáng Sinh nhắc cho chúng ta” “Loài người dù phải chết,nhưng không phải sinh ra để chết,mà là để bắt đầu sống,sự sống lại của Chúa,sự sống thần linh” (Arendt,triết gia Do Thái).
+Vui vì Ngôi Lời đã trở thành người phàm và CƯ NGỤ giữa chúng ta, “dựng lều trại” nơi ta,đứng về phía con người như một người BẠN, và là ĐỒNG MINH chống lại cái ác. Việc “cư ngụ” biến thành tên riêng của Chúa: Quí Ông Emmanuen. Xin chào ông Emmanuen. (Is 7,14)
+Thánh Augustino nói: “Nếu Chúa không sinh ra,bạn sẽ chết muôn đời…vì bạn mà Thiên Chúa làm người”.
+Như vậy: Ngài là Hoàng Tử,yêu và cưới “cô bé lọ lem” là chúng ta.
+Chuyện đời là vậy: Hoàng tử lấy thường dân. Hay như truyện cổ tích thần tiên cô bé lọ lem;truyện Việt Nam cô Tấm lấy vua.Hoàng tử,ông vua si tình đó chính là Ngôi Hai TC làm người chung sống kiếp người.
+Một Thiên Chúa làm người. Kinh khủng! Incroyable!
2/Giáng Sinh là Lễ của sự KHIÊM NHƯỜNG
+Một TC hạ mình,tự hủy (kenosis)
+TC là Tình Yêu…do đó khiêm ngường
Tình yêu tạo ra sự phụ thuộc vào người mình yêu.Sự phụ thuộc không làm mất mặt,nhưng thăng hoa. Và sự khiêm nhường làm mình trở nên EM BÉ, hài nhi…để người yêu được lớn lên,nổi lên. “Thiên Chúa làm người để ta được làm thần linh” (Irene).
+Khiêm nhường tạo thành PHÉP LẠ: giữa vợ chồng,con cái,giữa mọi mối quan hệ đạo đời.
+Noen thời tiết lạnh. Điều đáng nói là cái lạnh bên ngoài gợi nhớ cái lạnh bên trong:
-TÂM HỒN LẠNH-LINH HỒN LẠNH-TÂM LINH LẠNH
Và khủng khiếp,giá băng (!) dẫn đến bạo lực gia đình,ngoài xã hội:
Cái lạnh của những người cô đơn,đơn độc,mồ côi,neo đơn,thất vọng,bị xa lánh,bị ghen ghét,không được ai chia sẻ,quan tâm…
Cái lạnh khô đạo,tội lỗi,niềm tin lung lay,bước chân chao đảo,mất phương hướng…THẬT ĐÁNG THƯƠNG!
3/ Giáng Sinh:Lễ của những MÁNG CỎ
+”Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…Trong HANG BÊLEM” (Hải Linh)
+Noen, hang đá Bê lem: xấu xí,hôi tanh,tăm tối
+Hang đá ngày nay: hiện đại, đắt tiền,“bất thường”,không nói lên CHẤT NGHÈO !
+Hang đá ngày nay đồ sộ,cầu kỳ,tốn kém…có cái bạc tỉ! cạnh tranh giữa các giáo xứ: anh xấu,tôi đẹp. Càng to càng hãnh diện,chơi nổi,lãng phí!
+Thiển nghĩ: Làm sao khi nhìn vào hang đá,ta học được bài học tự hủy,hạ mình,khiêm nhường,khó nghèo,giản dị,đơn sơ…và THƯƠNG NGƯỜI.
+Nhìn vào hang đá ta nhớ đến những người cần được ta chia sẻ
+ĐGH Phanxico nói: “Máng cỏ là để dạy đức tin cho dân Chúa. Máng cỏ là một bài giáo lý đức tin tuyệt vời: người đau khổ là Chúa Giesu trong máng cỏ. Cái nôi, máng cỏ là chỗ mà ta phải đi đến.Đó chính là tình liên đới,sẻ chia. Chúng ta gặp được Chúa Giáng Sinh,Chúa Cứu Thế trong cảnh quẫn bách
+ĐGH Phanxico không hài lòng và chán ngán với cảnh Chúa Giáng Sinh trong máng cỏ hiện đại. Ngài nói: “Chủ nghĩa tiêu dùng đã bắt cóc Lễ Giáng Sinh của chúng ta.Nơi hang đá phải là thực tế,nghèo đói và tình yêu…Nếu Lễ Giáng Sinh không chạm đến cuộc sống thì Lễ Giáng Sinh trải qua VÔ ÍCH!”
CHÚC MỌI NGƯỜI LỄ CHÚA GIÁNG SINH ĐẦY NIỀM VUI
CHÚC MỌI NGƯỜI LỄ CHÚA GIÁNG SINH ĐẦY SỰ KHIÊM NHƯỜNG CHÚC MỌI NGƯỜI TRỞ THÀNH “MÁNG CỎ,CÁI NÔI” CHO NGƯỜI ĐAU KHỔ NẰM – tqt29
Tâm sự với Chúa Hài Đồng bên Máng Cỏ
Lạy Chúa,
Giáng Sinh về hồn con thấy xôn xao
Giữa cuộc sống bao vây bởi ồn ào
Bởi bao tiếng ào ào bao huyên náo
Của lòng trí,của lo toan xào xáo!
Ôi Giesu cúi xuống,HẠ MÌNH,xin loan báo
Vua BÌNH AN,KHIÊM NHƯỜNG,cứu nhân sinh
Thế gian xưa và nay lắm tội tình
Giữa gió rét mùa Đông,thương hạ đáo
Bé Giesu,QUÀ TẶNG,ơn trời cao
Bé Giesu,sự DỊU DÀNG,Chúa ân trao
Bé trình bày: một Thiên Chúa MỀM YẾU
Bé trình bày một Tình Yêu HẠ CỐ
Bé trình bày một Thiên Chúa CỨU ĐỘ
Bé nằm ngủ trong Máng Cỏ thô sơ
Bé không thích nằm nệm ấm người mơ
Bé làm gương: SỐNG NGHÈO HÈN, trơ trụi
Giữa gió rét mùa đông nơi trần thế
Xin cho con được ơn Chúa Cứu Thế
Giữa bấp bênh cuộc đời luôn vẫn thế
Xin cho con gần Chúa mãi như thế
Giữa nghèo khổ của tâm hồn trần thế
Xin cho con thấy Chúa đỡ nâng con
Giữa cuộc đời phiền não,tin hao mòn
Xin cho con gặp Chúa,vẹn tình son
Giữa bao điều hoàn toàn không như ý
Xin cho con dám sống.dù nghịch lý
Sống “ngược đời”,dù cho là phi lý
Sống yêu thương,dù thiệt thòi, Thiên Ý.
Maranatha…Mara-natha. Lạy Đấng Emmanuel. (tqt29)
Nguồn bài viết : Lm.Trần Quang Truyền.