Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023

TẠI SAO PHẢI CÓ TẾT???

 TẠI SAO

phải có TẾT??? Tết có giống Noel hay Thankgivings không???
Nghe em hỏi bằng giọng tiếng Việt lơ lớ, tự nhiên tôi sững người lại. Thật sự... tôi rất vui khi nhận được câu hỏi đó từ em (một công dân thế kỷ 21, sinh ra và lớn lên tại Pháp quốc - nơi cha mẹ em cùng hơn 300.000 kiều bào Việt Nam đang sinh sống và làm việc lâu nay). Tôi - hơn em tuổi đời, lại sinh trưởng trên đất nước (em vẫn nghe qua người thân và internet) nên đối với tôi: TẾT là “một dịp rất đặc biệt”, “một lễ tiết trọng đại” có nội hàm ý nghĩa vô cùng phong phú và sâu sắc!
“TẾT” là tên gọi ngắn gọn của Tết Nguyên Đán hay còn gọi là Tết Cả, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền. Nguyên nghĩa của chữ Tết là "tiết", còn "Nguyên Đán" có gốc chữ Hán: "Nguyên" là sự khởi đầu và "Đán" là buổi sáng sớm. Cho nên, “Tết Nguyên Đán” chính là buổi sáng đầu tiên của một năm mới tinh khôi. Và theo chu kỳ vận hành của mặt trăng (lịch âm) nên thời gian của Tết Nguyên Đán thường bị lệch so với Tết Dương lịch (Tết Tây), và cứ 4 năm sẽ có 1 năm nhuận. Hàng năm, Tết Nguyên Đán thường kéo dài trong khoảng 6-7 ngày cuối năm và 3 ngày đầu năm mới (từ 23 tháng Chạp đến hết mùng 3 tháng Giêng).
Với tôi, tôi thích gọi Tết Nguyên Đán bằng cái tên gần gũi là: “Tết Việt”chứ không phải "Lunar New Year Festival", lại càng không là "Chinese New Year". Một lễ lớn nhất trong các lễ hội truyền thống, lưu giữ hầu hết các giá trị văn hóa tốt đẹp trong đời sống sinh hoạt và tâm thức của con dân Lạc Việt qua bao đời nay. Mặc dù Việt Nam, Trung Quốc và một số nước khác có thể cùng chào đón năm mới âm lịch, nhưng mỗi nơi có những nét đẹp đặc thù riêng. Vì thế, Tết Việt - là của người Việt, gói ghém trọn vẹn những giá trị văn hóa tự thân của đất nước Việt Nam và hoàn toàn khác biệt so với những ngày lễ có xuất xứ phương Tây nói trên.
Trước hết, Tết Nguyên Đán từ buổi “khai thiên lập địa” đã biểu hiện những giá trị nhân văn từ sự giao cảm giữa trời đất, con người với thần linh. Tết - do tiết (thời tiết) thuận theo sự vận hành của vũ trụ, luân chuyển các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông - có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong một xã hội có nền kinh tế nông nghiệp là chính. Bên cạnh đó, theo tín ngưỡng dân gian bắt nguồn từ quan niệm "Ơn trời mưa nắng phải thì", người nông dân còn cho đây là dịp tưởng nhớ các vị thần có liên quan đến sự được - mất của mùa màng như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt trời hay những loài vật, cây cối đã giúp đỡ, nuôi sống họ từ hạt lúa, củ khoai cho đến con trâu con bò và cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa.
TẾT cũng chính là dịp đoàn viên của mọi gia đình Việt mỗi độ xuân về. Dù là ai, đang làm gì, ở bất cứ đâu cũng đều mong muốn được trở về sum họp với gia đình, người thân để cùng quây quần ăn bữa cơm Tất Niên chiều 30; để khấn vái tri ân trước ban thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ tộc, mồ mả ông bà hay giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý: Tình xóm làng, thầy - trò, bạn bè ôn cố tri tân… Tết Cả của Việt Nam còn là thời điểm quan trọng để “Tống cựu nghinh tân” - rũ bỏ những điều không tốt, những gì đã cũ để hướng đến những điều tốt đẹp hơn trong năm mới. Bởi vậy, trước Tết - người Việt mình thường hay dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh đồ dùng; trang trí nhà bằng những chậu hoa Đào (miền Bắc), hoa Cúc (miền Trung), hoa Mai (miền Nam)... Người lớn lẫn trẻ em đều xúng xính trong những bộ đồ mới, mọi người cùng gạt bỏ hiềm khích, buồn đau, nợ nần để chào đón một năm mới bình yên, thịnh vượng.
Trong sự hiểu biết của mình, tôi cũng kể em nghe về sự tích bánh Chưng bánh Dày; tục thờ ông Táo, lễ dựng cây Nêu trước nhà; tục hái lộc đầu năm, xông đất ngày mùng 1, chúc thọ ông bà hay lệ mừng tuổi (lì xì), xin chữ cầu may.v.v... Tất cả, đều là những giá trị hiện sinh, thành quả của cả dân tộc Việt qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Tết - vì vậy, không thể thiếu trong nếp ăn - ở của người Việt và người Việt mình cần duy trì lẫn phát huy những mỹ tục đẹp của Tết trong đời sống thực tại hôm nay.
Em chăm chú theo lời tôi kể rồi lại hỏi:
- Nhiều phong tục quá. Sao không gộp chung tết Tây với tết Ta làm một???
Tức thì... tôi nhe miệng cười, nhìn em rồi nói tiếp:
- Bỏ sao được “Tết cổ truyền” hả em? Lẽ nào lại từ bỏ chính nguồn cội, gốc rễ của dân tộc mình??? Cớ gì phải đánh đồng giữa Tết người và Tết ta??? Ai lại đi “Tây hóa” chính "bản sắc cổ truyền" của quê hương mình??? Nếu đánh mất những giá trị trầm tích của Tết Việt cũng chính là đánh mất đi lòng tự tôn, vẻ đẹp tâm hồn và bề dày văn hóa truyền thống của xứ sở mình.
Bởi có Tết mà văn hóa Việt được nuôi dưỡng và bảo tồn. Những phong tục ấy không chỉ có giá trị trong xã hội cũ, mà còn có vai trò quan trọng trong xã hội đương đại qua việc giáo dục đạo đức, tinh thần, lối sống của mỗi con người, mỗi gia đình...
Bởi có Tết mà niềm khát khao của con người về một cuộc sống tốt lành, một năm mới nhiều may mắn: có ý nghĩa lớn lao trong thế giới tâm linh của người Việt. Ngoài ra, ngày Tết còn khiến người với người xích lại gần nhau hơn, lòng người cũng rộng mở hơn trong những mối tình đồng bào, đồng chủng anh em...
Bởi có Tết mà triệu triệu người con xứ Việt, trong đó có cộng đồng người Việt ở hải ngoại, có cha mẹ em, có những người tha hương khắp dải đất Ét Xì (S) đều mong ước được về lại nơi "chôn nhau cắt rốn", về với gia đình, với miền ký ức của những ngày Tết tuổi thơ!.. Tết như vậy là tạm gác mọi lo toan, bộn bề lại một góc; là “tiếng gọi” trở về vang lên trong tâm khảm của mỗi người. TẾT sẽ không bao giờ trọn đầy khi xa cách, khi cô độc và khi không còn nơi để đi-về, em à!
Bởi có Tết mà người Việt mình vẫn còn tồn tại, vẫn độc lập riêng biệt trong nền văn hóa đa sắc màu của thế giới. Tết, Tết đến từ ngôn ngữ tiếng Việt của tất cả chúng ta; từ tà áo Dài thướt tha của Bà, của Mẹ, từ tấm áo The khăn đống của Ông và của Cha; từ cách bày mâm ngũ quả; bức tranh Đông Hồ “gà lợn nét tươi trong”; từ làn điệu Quan Họ “khách đến chơi nhà”, qua cánh Đào, nụ Mai trĩu lộc; mùi thơm bánh Tét Nam Bộ, hay những chuyến tàu nối 3 miền Trung - Bắc Nam.v.v... Tất cả, tất cả đều bình dị vậy nhưng lại hồn hậu, thân thương và thiêng liêng đến vô ngần.
Tôi vừa ngắt lời... em cười tươi rồi khoe ngay:
- A... em cũng thích mặc áo Dài, thích được mừng tuổi nữa. Ba em vẫn gói giò lụa, mẹ vẫn lau dọn nhà mỗi dịp tết. Thì ra, đó đều là những phong tục của Tết Việt!
Vâng! Với một hệ thống lễ nghi, tục lệ đa dạng và giàu ý nghĩa nhân văn, Tết Nguyên Đán đã trở thành ý thức hệ dân tộc, là “Di sản văn hóa phi vật thể” cao quý nhất, đẹp đẽ nhất của con dân nước Việt chúng ta đấy mà? Vậy nên, lưu giữ Tết tồn tại trong nguyên giá trị của nó mới khó, còn một khi đã loại bỏ Tết - chúng ta sẽ chẳng bao giờ lấy lại được!!! Chúng ta rồi cũng dần biến mất mà thôi! Thêm nữa, những tập tục, những giá trị truyền thống của Tết Việt không thể áp dụng trong mỗi dịp Tết Tây. Đơn giản, vì những giá trị đó cần một không gian, một thời điểm để vận hành, một hệ tinh thần cốt lõi để thực hiện và luân chuyển. Nếu chúng ta phá vỡ không gian tinh thần và bản nề ý nghĩa của ngày Tết, cũng chính là phá vỡ những căn nguyên cần thiết để chúng còn tồn tại trong đời sống của chính mình đấy ư???
Kia... trời đất sẽ giao hòa làm một trong thời khắc giao thừa, cây cối cũng đua nhau cựa mình nảy lộc sau những ngày đông giá. Những phiên chợ quê cũng trở nên đông đúc hơn, những câu đối đỏ lại được treo trang trọng trong mỗi mái nhà, những ban thờ lại nghi ngút khói hương - cháu con tưởng nhớ Tiên tổ, những người cô người chị lại nô nức viếng chùa, những hội hè lại chuẩn bị khai mở chào đón muôn người vui trẩy trong tiết mưa xuân...
Thấy tôi cứ thao thao kể những “hương vị” Tết Việt, chợt... em cắt lời rồi nói:
- “Ồ! hay quá! Em sẽ theo cha mẹ về Việt Nam ăn tết, sẽ đọc thêm sách văn hóa Việt Nam...” Tôi nghe xong, nước mắt như trực chảy tràn trong vui sướng!.. Tiệc tan, tôi chia tay em và hẹn có ngày gặp lại.
Ơi... vậy là một MÙA XUÂN mới đang đến gần! Mùa của những khát khao và hy vọng mới. Mùa của con Lạc cháu Hồng khắp bốn biển năm châu cùng hành hương trở về đất Mẹ... “Mùa” mà tôi, em và hàng triệu người Việt lại được tắm gội trong các tập tục, giá trị văn hóa truyền thống đã ăn sâu trong huyết quản đọi máu của mình. Thế thì... nỡ nào lại bỏ Tết??? Bài trừ Tết??? Không cần Tết??? - Tết cổ truyền! Tết Dân tộc! Tết Quê hương! Tết của Nước non mình! TẾT VIỆT của NGƯỜI VIỆT.
(26 tháng Chạp, Nhâm Dần.
Thanh Phùng).
Nguồn bài viết : Đình Dũng.

Tất cả c

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2023

THÂM THÚY THẬT...

 THÂM THÚY THẬT...

1. Ớt dù cay nhưng vẫn ăn cả vỏ, chuối dù ngọt nhưng cũng bỏ vỏ đi, có những quy luật tự nhiên của tạo hóa mà ta không thể không thừa nhận, vì vậy hãy bước tiếp dù đã từng vấp ngã, hãy hy vọng dù đã từng thất vọng. Hãy mỉm cười dù nước mắt từng rơi.
2. Muốn thương nhau thì phải hiểu nhau, muốn hiểu nhau thì phải tin tưởng nhau, muốn tin tưởng nhau thì phải thật lòng với nhau.
3. Ở đời nhiều lúc hiểu lầm bởi chuyện thị phi chẳng đuôi đầu, cái lưỡi người đời luôn thêu dệt rồi tạo nên tuồng lắm bể dâu.
4. Khi móng tay dài chúng ta cắt móng tay chứ không cắt ngón tay, cũng tương tự khi hiểu lầm hãy cắt bớt cái TÔI chứ đừng cắt đứt mối quan hệ.
5. Cuộc đời sao lắm dối gian người hay bằng mặt, nhưng không bằng lòng, miệng cười chắc chẳng thế đâu , chỉ khi hoạn nạn biết đâu chân tình.
6. Đã biết chốn ni là quán trọ, hơn thua thù oán để mà chi, thử ra ngồi trước bên phần mộ hỏi họ mang theo được những gì?
7. Đời người là một hợp đồng bao gồm niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc, khổ đau….tất cả chỉ bán chung một gói, không thể mua riêng từng thứ được.
8. Chơi với người tốt như đi trong sương tuy không ướt áo nhưng mát rượi. Chơi với người xấu như đi giữa rừng gươm tuy không bị thương nhưng thường sợ hãi.
9. Đừng bao giờ nhìn vào giàu nghèo mà kết thân, dù người ta tiền vạn bạc tỷ cũng chẳng liên quan gì đến bạn. Trên đời có những người dù chỉ một cái bánh cũng vì bạn mà bẻ làm đôi, phải học cách nhìn người.
10. Chẳng ai sinh ra mà đã hợp nhau, một chút nhường nhịn, một chút chịu đựng, thêm một chút nhẫn nại….và có cả một chút hy sinh vì nhau thì tình yêu mới bền vững!
11. Lúc khổ chẳng ai thèm nhìn , phất lên một cái chín nghìn anh em!
12. Càng trưởng thành, con người càng lười giải thích. Có khi ai đó hiểu lầm, ta thậm chí muốn để họ tự tìm ra câu trả lời theo thời gian. Ta chỉ cần những người ta thương hiểu là đủ, còn lại tùy! Cuộc sống là để sống, không phải để giải thích!
13. Làm người không nên dùng trí thông minh của mình để lợi dụng người khác, cái ta có được chỉ là vật chất, cái ta đánh mất là nhân cách của con người.
14. Cuộc đời như những chuyến xe, người lên, người xuống, người về, người đi. Lúc hội ngộ, lúc phân ly nụ cười tiếng khóc, có khi lặng buồn.
15. Con người hơn nhau không phải ở địa vị, không phải ở trình độ, không phải ở kinh tế, mà là hơn nhau ở cách sống.
16. Quần áo rách có thể vá, nhà cửa hỏng có thể sửa chữa, chỉ có lòng người một khi đã tổn thương thì khó mà hồi phục.
17. Con người ta sinh ra với 1 cái miệng để nói 1 lời, với 2 cái tai để nghe từ 2 phía. Chứ không phải 1 cái miệng nói 2 lời và 1 cái tai chỉ để nghe từ 1 phía.
18. Nếu kẻ xấu nói xấu bạn, phán xét bạn mặc dù không biết gì về bạn, đừng buồn mà hãy nhớ kỹ một điều “Chó sủa khi gặp người lạ”.
19. Ai đã từng sống những ngày khốn khổ mới hiểu nhiều giá trị của bình an, ai đã qua cảnh đói khát, lang thang mới trân quý từng bát cơm lót dạ.
20. Khi bạn ném bùn vào người khác có thể trúng, có thể không, nhưng tay bạn thì đã vấy bùn. Khi ai đó cố tình làm tổn thương bạn, thì bản thân họ cũng đã phải trả giá vì điều đó rồi.
Nguồn bài viết: Quý Nguyễn.

Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2023

CHÂN DUNG 45 NHÀ VĂN MIỀN NAM


 
CHÂN DUNG 45 NHÀ VĂN MIỀN NAM

Những bức ảnh được chụp bởi nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh và in trong tập sách “Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta” - Hai mươi năm văn học miền Nam 54-73 - do nhà xuất bản Sóng của nhà văn Nguyễn Ðông Ngạc in năm 1974 tại Sài Gòn.
Trích lời nhà xuất bản: “Đây là một trong những đóng góp một đời còn lại dành tặng quê hương trong cuộc chiến hơn một phần tư thế kỷ hầu như đã phá vỡ gần hết tất cả gia tài nổi chìm của chúng ta. Sự đóng góp vào cái gia sản tinh thần bất diệt của tổ tiên của những người làm việc trong lặng lẽ giữa tiếng ồn ào của đạn bom này, đã nói lên hùng hồn ý nghĩa của tranh đấu cho Tự Do và những giá trị Nhân Bản. Những người của phần đất bên này giòng Bến Hải”.

Nguồn bài viết:Nguyễn Phú Yên