Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

DẠY VỢ...!

 DẠY VỢ...!

Ngồi xuống đây anh nói vợ nghe.
Đừng cãi nữa để mình mang thêm tội.
Sống ở đời phải biết đâu nguồn cội.
Kính ông bà là để đức cho con.
Rồi mai đây khi cha mẹ chẳng còn.
Lấy ai để sớm hôm mình chăm sóc.
Nhìn di ảnh thương mẹ rồi bật khóc.
Hối hận vì chẳng trọn đạo dâu con.
Mẹ già rồi đâu còn thuở vàng son.
Đừng chấp mẹ mà tội thêm em nhé.
Đừng để bụng những lời nói của mẹ.
Tuổi già thường lẩm cẩm lắm em ơi..!
Mẹ giờ đây đã gần đất xa trời.
Còn trẻ đâu để mà minh mẫn nữa.
Cả một đời mẹ chạy ăn từng bữa.
Củ sắn củ khoai anh khôn lớn nên người....!
Giờ đây mẹ đã gần tuổi mười mươi.
Thường người già có phần hơi dơ bẩn.
Phận làm con chúng mình nên kiên nhẫn.
Chớ buông lời nói mẹ mà sai thêm.
Mắt mẹ mờ vì mất ngủ hằng đêm.
Nếu vụng về em nên cầm tay mẹ.
Sao đứng nhìn rồi buông lời nặng nhẹ....!
Con chúng mình có học được gì không...?
Em đã yêu và lấy anh làm chồng.
Thì mẹ của anh cũng là mẹ em, em nhé.
Mẹ không sinh và nuôi em từ tấm bé.
Nhưng là mẹ anh và bà nội con em..!
Hãy tịnh tâm ngồi suy nghĩ lại xem.
Rồi mai đây mình cũng già như mẹ.
Nếu con mình chúng buông lời nặng nhẹ.
Mình có buồn có tủi lắm hay không ?
Bởi cuộc đời tựa như một dòng sông
Chảy quanh co rồi ra dòng biển cả.
Đừng để khi mẹ nằm trong đất đá.
Mới thấy mình có tội với mẹ cha...!
(st-ảnh Dinh Dung chỉ mang tính minh họa).
Có thể là hình ảnh về 1 người và ngoài trời

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2022

Nhà thờ Đức Bà

 Nhà thờ Đức Bà ( Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn).hiện treo 6 quả chuông (tháp bên phải treo 4 quả, bên trái treo 2 quả).

Mỗi quả chuông có âm điệu khác nhau và được đặt tên theo âm điệu nó phát ra (Do, Re, Mi, Sol, La, Si), không có Fa. 6 quả chuông này có tổng trọng lượng đến 27 tấn, với sức nặng từng quả như sau:
Mi: 1.646 kg
Re: 2.194 kg
Do: 4.315 kg
Si: 4.184 kg
La: 5.931 kg
Sol: 8.785 kg
Với đường kính miệng chuông 2,15m, cao 3,5m và nặng 8.785 kg, quả chuông Sol của Nhà thờ Đức Bà đã được Sách kỷ lục Guiness vinh danh là quả chuông lớn nhất thế giới (danh hiệu này theo Lâm tui là đáng vinh dự hơn các loại bánh chưng, tô hủ tiếu... lớn nhất thế giới mà nước ta trầy trật có được).
Sáu quả chuông này được đúc tại Pháp và mang qua treo tại Sài Gòn năm 1879.
Ba quả chuông lớn nhất (Sol, La, Si) đều được khởi động bằng cách đạp (vì quá nặng), còn ba quả kia được khởi động bằng tay. Ngày nay tất cả chuông đều được khởi động bằng điện.
Nếu bạn tình cờ dạo bước qua Vương CungThánh đường và nghe tiếng chuông đổ dồn, chắc chắn tiếng chuông bạn nghe được là tiếng chuông Mi (đổ hai lần mỗi ngày vào lúc 5 giờ sáng và 4 giờ 15 chiều). Vào ngày lễ và Chủ nhật, nhà thờ cho đổ 3 quả chuông của hợp âm Do trưởng là Do, Mi, Sol.
Muốn nghe 6 quả chuông đổ một lúc, bạn hãy có mặt tại Nhà thờ Đức Bà vào lúc 12h khuya ngày Thiên chúa giáng sinh 24/12 (đó là dịp duy nhất trong năm).

Có thể là hình ảnh về trong nhà và văn bản cho biết 'VIÊTNAM'
Nguồn: St.

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2022

VỀ TRƯỞNG VOI HOẠT BÁT...GIUSE TIẾN LỘC.

 VỀ TRƯỞNG VOI HOẠT BÁT...

Thật bất ngờ, Trưởng Hoa Sen Trắng gọi điện thoại "đặt hàng" chúng tôi viết LỜI TỰA cho tập sách về Trưởng Voi Hoạt Bát Nguyễn Tiến Lộc, chúng tôi mừng lắm, nhận lời ngay. Nhưng nhận lời rồi mới thấy… sợ, viết thế nào không khéo lại bị thiên hạ mắng là "bố hát con khen hay". Bản thân trưởng Voi cũng không thích chuyện tâng bốc, "xông hương" lẫn nhau. Nghĩ mãi chúng tôi xin chọn cách viết mộc mạc, không dùng những câu chữ "có cánh", có thế nào thì cứ viết như vậy, vẫn có một chút chủ quan vì dẫu sao chúng tôi cũng là đàn em trong DCCT, là học trò, là đệ tử quá thân thiết với Trưởng Voi.
Xin được chụp thật nhanh 4 pô hình, 4 nét về con người của Trưởng Voi Hoạt Bát:
Người hát dạo
Nghĩ vui vui, có lẽ chính Trưởng Voi cũng không thể nhớ nổi, không tài nào đếm đủ các bài hát mình đã viết, đã hát tặng cho con nít và cho các bạn trẻ, cho Hướng Đạo, Hùng Tâm Dũng Chí, Thiếu Nhi Thánh Thể, Sinh Hoạt Học Đường… Thậm chí ngoài đời người ta cũng nhận vơ không ít bài hát sinh hoạt của Trưởng Voi, bảo là nhạc phản chiến, nhạc truyền thống cách mạng cơ đấy !
Từ "Câu chuyện Tình Thương" đến "Gặp gỡ Đức Kitô", từ "Anh em ta về" đến "Ô thương mến", từ "Tân Ca" đến "Anh em hãy ca lên", từ bài tự sáng tác đến rất nhiều những bài đặt lời Việt cho nhạc Tây, Tầu, Mỹ… Bài sáng tác đầu tay là một bài tiếng Anh, bài "Clap Hands", sau đó Trưởng tự dịch sang tiếng Việt thành ra bài "Vỗ tay, vỗ tay, cùng nhau hát mà vui cười…"
Chúng tôi còn nghe đồn có cả một giai thoại về bài "Clap Hands" khi nó được bay sang Mỹ, học sinh Mỹ hát, thầy cô giáo Mỹ cũng hát, không ai biết tác giả là một ông Việt Nam, và thế là nó được Bộ Văn Hóa ghi nhận là "di sản văn hóa phi vật thể" của Hoa Kỳ từ ngày mới… lập quốc !
Trưởng Voi hát, rồi lôi cuốn thêm rất nhiều người cùng hát. Hát trong Nhà Thờ, hát ngoài sân Chùa, hát ở lớp Giáo Lý, hát trên sân khấu dã chiến, hát ở tiệc cưới giữa làng bệnh nhân phong, hát trong những đêm Lửa Trại, Lửa Dặm Đường, hát cả giữa buồng giam tập thể trong bốn năm Trưởng đi… "Tĩnh Tâm dài hạn" bất đắc dĩ.
Chỉ cần một cây Guitare hay Ukulele, có khi thêm một chiếc Harmonica, Trưởng Voi đã thành một người du ca, lang thang hát dạo, tưng tửng từng tưng không mệt mỏi, tình tính tang không hụt hơi, rong ruổi cả một đời dệt nhạc thêu lời…
"Nối tiếng hát mới, tiếng hát quên sầu cuộc đời. Lời ca nhuộm thắm đôi môi, tô thắm nụ cười. Lời ca nuôi sống tim tôi, lời ca thông mối tình người, lời ca đưa lối tương lai…" ( Nối Lửa ).
Người kể chuyện
Nhiều người hay trêu Trưởng Voi: Bụng ông tròn và to như bụng voi nên đúng là ông chứa được quá nhiều chuyện để kể. Trong một bài giảng ở Nhà Thờ, có lần chúng tôi chú ‎ý đếm, 40 phút mà có đến 16 câu chuyện khác nhau, chuyện để cười cho tỉnh ngủ, chuyện để ngẫm nghĩ mà thấm thía, chuyện để giúp cầu nguyện và áp dụng Lời Chúa vào cuộc đời.
Anh em Hướng Đạo thì thường mời Trưởng Voi nói Câu Chuyện Dưới Cờ tinh mơ buổi sáng, hoặc Câu Chuyện Tàn Lửa trước khi chia tay một đêm ngồi bên nhau ướt đẫm sương. Trưởng có giọng kể truyền cảm và có kỹ thuật thu hút người nghe, thêm cái miệng móm mém, phúng phính rất có duyên. Mấy ông CA mời Trưởng lên "làm việc" mà cứ mê tít thò lò, bu lại nghe ông cha đi tù về kể chuyện. Có tài như thế chẳng trách Trưởng Báo Trầm Ngâm Lê Đường đã chọn tên rừng cho Voi là Voi Hoạt Bát ?
Có lần, được phép "ôm" nguyên một cuốn sổ bài giảng dày cả tấc của Trưởng về Nhà Dòng để "ngâm cứu", chúng tôi đã biên tập lại được cả một bộ chuyện kể ngắn gọn, súc tích và hấp dẫn, có thể dùng trong mọi tình huống, mọi đối tượng.
Trưởng Voi là người "nhiều chuyện" như thế nhưng dứt khoát lại chẳng phải là người… "lắm chuyện", nhất là cái kiểu chuyên đi "buôn chuyện", "dựng chuyện" để nói xấu, nói sau lưng hạ uy tín người khác. Trưởng cứ có dịp là lại nhắc đến lời bà Thánh Madeleine Pazzi được Thánh An Phong sáng lập DCCT đưa vào sách "Nữ Tu Thánh Thiện", rằng: "Nếu tìm được một người cả đời không biết nói xấu ai, tôi sẽ xin phong thánh ngay cho người ấy !"
Người bày trò
Trưởng Voi đã từng được giao trọng trách là "Quản Trò Hướng Đạo Quốc Gia". Ở đây, chúng tôi dùng cách nói "Người bày trò" và vì Trưởng Voi "lắm trò" lắm, luôn luôn sáng tạo ra thêm những trò mới. Có trò chơi cũ mèm, ai cũng đã chơi quen, chơi nát nước cả rồi, vậy mà Trưởng "chế biến" thấy vẫn cứ mới, cứ hấp dẫn vô cùng.
Trưởng Voi bảo lứa đàn em chúng tôi phải luôn "sắp sẵn", người ta bất ngờ mời anh ra cho một tiết mục trong Lửa Trại, thì anh chỉ có vỏn vẹn 3 giây, bước ra vòng tròn là đã sẵn một trò chơi, một bài hát, một chuyện kể nào đó góp vui. Anh thò tay vào túi áo, túi quần, bất cứ thứ gì rút ra đều có thể trở thành một trò lôi cuốn mọi người: chùm chìa khóa, cây bút, chiếc khăn tay, sợi dây thun, tờ giấy bạc… Cả đến chiếc khăn quàng trên cổ, cái mũ béret trên đầu, đều có thể là khởi đầu cho một trò chơi tập thể vui nhộn mà vẫn luôn có một chút gợi ý nhân bản hay tâm linh.
Trưởng Voi lại có thêm nghề ảo thuật, loại ảo thuật không biểu diễn trên sân khấu để kiếm tiền, mà chỉ cốt đem niềm vui cho mọi người, loại ảo thuật không giấu nghề, vừa mới hớp hồn người ta, thì ngay sau đó lại tự "lật tẩy" khiến cho đám đông ngỡ ngàng thú vị. Ảo thuật ở mọi nơi, giữa bàn tiệc, đầu bài khóa, cuối bài giảng, mà đồ nghề ảo thuật lại chỉ là cọng thun, là cái ly uống nước, là trái táo, là vỏ trái cam, là mấy đoạn dây dù, cây kéo, mẩu giấy, và chắc chắn có một tấm lòng gửi gắm trong tiết mục ấy…
Trưởng Voi hay nhắc lại lời của BiPi, đại để là: Cuộc đời là một trò chơi lớn, hãy chơi hết mình và chơi hết tình.
Người nối lửa
Xin nói rõ ngay: "Nối Lửa" chứ không phải "Nổi Lửa". Ấy là chúng tôi mượn ‎ý và tứ của bài hát "Nối lửa cho đời" của Tá Khánh – Tiến Lộc được viết khoảng năm 1970. Nếu có "nổi lửa" thì thế nào sau đó cũng phải đốt một cái gì đấy, như đốt Lửa Trại chẳng hạn. Ngoài xã hội, nhiều khi người ta hung hăng nổi lửa lên đốt lung tung, cái đáng cháy không đốt lại đi biến những giá trị nhân văn thành tro tàn.
Ở đây, chúng tôi nhận ra Trưởng Voi là người đi "nối lửa" cho đời, nối lửa vui tươi và nhiệt thành từ anh này qua chị kia, từ em nhỏ cho đến cụ già, từ chỗ dư sang nơi thiếu, từ khoảng sáng qua góc tối… Lửa thì ấm và đẹp, đem lại sự sống và yêu thương, chín nồi cơm, thơm bát cháo để chia cho nhau khi gặp thời cuộc loạn ly, đói kém cả vật chất lẫn tinh thần.
Bản thân chúng tôi được lẽo đẽo theo thọ giáo làm môn đệ thầy Voi tính ra vừa tròn 40 năm. Kiểm lại thấy đời mình may mắn lắm, từ cậu thanh niên đạp xe giữa giòng đời quá biến động năm 1980, đến bây giờ 2020, cũng cùng thầy… chống gậy bước ra bàn thờ, hành trang chúng tôi đầy ắp những vốn liếng thầy trao, thầy "nối lửa".
Rồi lại nghĩ lan man, cuộc đời này mà thiếu một người đi tự nguyện đi "nối lửa" như Trưởng Voi thì chắc sẽ mất đi không ít tiếng cười, giảm đi kha khá niềm vui và hiệu ứng của TSA ( Thinking, Speaking, Acting positive ). Trưởng cần cù tận tụy như một con cúi giữ lửa ở nhà quê ngày xưa, cho bếp hồng nhân sinh suốt nửa thế kỷ qua…
Thay lời kết…
Vậy đó, 4 bức ảnh đã chụp vội, hy vọng vừa đủ để "triển lãm" về một con người nặng gần một tạ, mang tên Voi Hoát Bát. Xin mời bạn đọc chụp thêm nhiều pô ảnh lưu niệm với những góc độ khác của Trưởng Voi thân yêu.
Mấy năm gần đây, hình như đã đến đoạn dốc bên kia đời, Trưởng Voi nghiệm sinh được cái thế thái nhân tình: vui đó rồi buồn đấy, hợp đó rồi tan đấy, chan hòa đó rồi có thể trở mặt cạn khô ngay lập tức, nên Trưởng đi đâu, gặp ai cũng hay kể câu chuyện vị thiền sư với câu nói an hòa: "Thế à ?"
Phen này đọc xong mấy trang Lời Tựa này cho tập sách viết về chính mình, thế nào Trưởng cũng lại cười xòa, buông một câu: "Thế à ?"
Gấu Nhiệt Tình Lê Quang Uy, DCCT
Vũng Tàu ngày 22.5.2020
Có thể là hình ảnh về 1 người, đang chơi nhạc cụ, đàn ghi ta và trong nhà
Nguồn bài viết: Lm. Giuse Lê Quang Uy. DCCT.

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2022

TÍA

 TÍA

Trần Khắc Tường.
Nhìn cảnh anh Ba Khía lúng ta lúng túng trong bộ vest, con Lụa may cho cha trong ngày cưới mình, ai cũng rưng rưng nhiều xúc động. Đến lúc, anh rung rung cầm ly rượu đại diện nhà gái phát biểu trong lễ vu quy thì mọi người đều đưa tay quệt nước mắt.
Anh Ba Khía ít học, ảnh nói vỏn vẹn có hai câu vậy nè:
- Cuộc đời tía, chỉ có hai lần tía nhớ nhất:
-Lần thứ nhất là khi tía ẵm con từ tay má con
-và lần thứ hai là tía thấy con đi lấy chồng. Tía chỉ mong con gái tía hạnh phúc, dù tía có hi sinh cũng được.
Ảnh nói có vậy, mà con Lụa khóc nức nở. Nó hiểu tía nó. Tía nó chỉ là một nông dân nghèo không có ruộng đất, toàn đi làm thuê làm mướn. Tía nó có một cái nhà lá tồi tàn cất trên gò đất do ông bà để lại. Cái nghèo buộc tía nó phải sống đơn côi cho đến khi nó xuất hiện trong đời tía nó. Cái ngày định mệnh đem nó đến với tía, khi tía nhận má nó về cưu mang...!
Lúc đó, má nó đang có bầu, bị người ta hất hủi, không có nơi nương tựa. Tía thương tình mang về cho tá túc và chăm sóc má nó lúc sanh đẻ. Đẻ xong được bốn tháng, má bỏ đi để lại nó cho tía.Đó là những tháng cực nhọc nhất của tía nó trong vai gà trống nuôi con mà nó đâu phải con ruột của tía.
Năm nó vào lớp Một, bạn bè chọc bảo nó con hoang. Nó chạy về hỏi tía, tía đưa tay lau nước mắt nó, tía nói:
- Tía không sinh ra con, nhưng từ khi tía nhìn thấy con thì con là con ruột của tía rồi. Ai nói sao thây kệ nó đi con. Tía thương con bự như ông trời vậy đó nghen!
Rồi tía giả đóng ông trời khệnh khạng, nó cười vang nghĩ:
- Ừ kệ, tía thương mình là đủ.
Năm nó mười tám tuổi chuẩn bị thi đại học thì tía nó bị tai biến ngất ngoài đồng, miệng méo xệch một bên. Nó chạy từ trường vào trạm xá mà nước mắt ròng ròng, lỡ tía có chuyện gì nó mồ côi sao chịu nổi. Nó cứ chạy chạy thật nhanh đến trạm xá ngoài Chợ Đào thì tía đã tỉnh. Tía bị liệt nửa bên trái, tía nằm tía khóc. Nó vừa đi học vừa chăm tía, nó thương tía đứt ruột đứt gan mà không biết làm sao giúp tía.
Rồi không biết sao tía gọi người đến gả nó cho con nhà giàu xóm trên. Tía muốn giải thoát nó. Nó đi học về thấy người ta đến đông nghịt, tía ngồi cái bàn giữa nhà nhìn nó. Tía kêu nó lại, tía nói tía gả nó cho con trai dì Mười Xuân, tía nói người ta hứa sẽ cho nó ăn học đến nơi đến chốn.
Nó nghe mà nức nở, nó quỳ gối gục mặt trên chân tía, nó hỏi:
- Tía gả con rồi tía ở với ai? Ai sẽ lo cho tía khi tía đang bệnh tật?
Tía nó nghèn nghẹn bảo:
- Tía cực khổ nuôi bây từ nhỏ đến giờ. Bây không phải con ruột của tía, bây đi đi cho tía bớt gánh nặng.
Nó lạy tía nó, nó khóc rấm rứt:
- Từ lúc con biết suy nghĩ, tía đã là cha ruột của con. Con không đi đâu hết. Con lạy tía đừng đuổi con đi. Con sẽ đi học, sẽ làm thêm, sẽ lo cho mình để tía không cần lo cho con. Con lạy tía!
Nó cứ dập đầu lạy tía. Hai cha con ôm nhau khóc, những người xung quanh cũng im lặng nước mắt chảy theo, dì Mười Xuân cũng lẳng lặng rút về.
Đến ngày Lụa thi đại học, tía đưa nó một bọc đỏ, tía cho nó mấy chỉ vàng tía dành dụm cả đời. Tía dặn nó yên tâm thi, tía sẽ lo cho nó học hành đàng hoàng như người ta. Nó chỉ biết dạ, lòng nó dấy lên tình thương vô bờ bến dành cho tía.
Nếu không có tía nó đã là đứa trẻ mồ côi, nếu không có tía nó đã lang thang đầu đường xó chợ, nếu không có tía nó làm sao biết được tình cha ấm áp như thế nào...!
Năm nó 20 tuổi thì má về, má xin nhận lại nó. Má bảo sẽ trả tía thật nhiều tiền, tía nói với má:
- Tui hông bán con Lụa, bà cứ hỏi nó, nó muốn sao thì tui chịu vậy!
Rồi tía bỏ ra trước hiên ngồi. Má năn nỉ nó, má hứa cho nó cuộc sống giàu sang, má nó không đẻ được nữa nên nó là đứa con duy nhất. Nó nhìn theo dáng tía, nó nói với má:
- Má về nhận lại con là con vui rồi. Nếu ngày đó, tía bỏ con thì sao má? Má biết tía nghèo nhưng tía chưa bao giờ từ chối con điều gì cả. Tối nào, tía cũng rửa chân con bằng nước ấm, tía bảo cho con dễ ngủ, tía lo bùn lấm chân con, tía sợ con nhớ má tủi thân.
Má nó nấc nghẹn, nó nói tiếp:
- Con và tía trải qua những lúc cực khổ nhất rồi. Con thương tía, giờ tía bệnh tật yếu nửa người, đi đứng khó khăn, con không bao giờ bỏ tía. Má dìa đi!
Má nó gật đầu, nước mắt chảy thành dòng, ngoài hiên tía nó cũng quặn thắt theo từng lời nó nói.
Mỗi người chúng ta gặp trong cuộc đời này đều có một ý nghĩa gì đó. Đối với anh Ba Khía - Nó như một ngôi sao nhỏ trong xanh vô tình rớt xuống mảnh đời cơ cực của anh. Ngôi sao bé nhỏ ấy đã soi sáng cuộc sống anh, làm cho nó hết đơn côi, ý nghĩa và cao cả hơn...!
Có lẽ vì vậy mà anh đặt nó tên Lụa, một loại vải quý được rút ruột từ những sợi tơ tằm thương yêu trong lòng tía nó....!
Nguồn bài viết: Quí Nguyễn.
Có thể là hình ảnh về 2 người, trẻ em, ngoài trời và văn bản