Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

DẠY VỢ...!

 DẠY VỢ...!

Ngồi xuống đây anh nói vợ nghe.
Đừng cãi nữa để mình mang thêm tội.
Sống ở đời phải biết đâu nguồn cội.
Kính ông bà là để đức cho con.
Rồi mai đây khi cha mẹ chẳng còn.
Lấy ai để sớm hôm mình chăm sóc.
Nhìn di ảnh thương mẹ rồi bật khóc.
Hối hận vì chẳng trọn đạo dâu con.
Mẹ già rồi đâu còn thuở vàng son.
Đừng chấp mẹ mà tội thêm em nhé.
Đừng để bụng những lời nói của mẹ.
Tuổi già thường lẩm cẩm lắm em ơi..!
Mẹ giờ đây đã gần đất xa trời.
Còn trẻ đâu để mà minh mẫn nữa.
Cả một đời mẹ chạy ăn từng bữa.
Củ sắn củ khoai anh khôn lớn nên người....!
Giờ đây mẹ đã gần tuổi mười mươi.
Thường người già có phần hơi dơ bẩn.
Phận làm con chúng mình nên kiên nhẫn.
Chớ buông lời nói mẹ mà sai thêm.
Mắt mẹ mờ vì mất ngủ hằng đêm.
Nếu vụng về em nên cầm tay mẹ.
Sao đứng nhìn rồi buông lời nặng nhẹ....!
Con chúng mình có học được gì không...?
Em đã yêu và lấy anh làm chồng.
Thì mẹ của anh cũng là mẹ em, em nhé.
Mẹ không sinh và nuôi em từ tấm bé.
Nhưng là mẹ anh và bà nội con em..!
Hãy tịnh tâm ngồi suy nghĩ lại xem.
Rồi mai đây mình cũng già như mẹ.
Nếu con mình chúng buông lời nặng nhẹ.
Mình có buồn có tủi lắm hay không ?
Bởi cuộc đời tựa như một dòng sông
Chảy quanh co rồi ra dòng biển cả.
Đừng để khi mẹ nằm trong đất đá.
Mới thấy mình có tội với mẹ cha...!
(st-ảnh Dinh Dung chỉ mang tính minh họa).
Có thể là hình ảnh về 1 người và ngoài trời

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2022

Nhà thờ Đức Bà

 Nhà thờ Đức Bà ( Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn).hiện treo 6 quả chuông (tháp bên phải treo 4 quả, bên trái treo 2 quả).

Mỗi quả chuông có âm điệu khác nhau và được đặt tên theo âm điệu nó phát ra (Do, Re, Mi, Sol, La, Si), không có Fa. 6 quả chuông này có tổng trọng lượng đến 27 tấn, với sức nặng từng quả như sau:
Mi: 1.646 kg
Re: 2.194 kg
Do: 4.315 kg
Si: 4.184 kg
La: 5.931 kg
Sol: 8.785 kg
Với đường kính miệng chuông 2,15m, cao 3,5m và nặng 8.785 kg, quả chuông Sol của Nhà thờ Đức Bà đã được Sách kỷ lục Guiness vinh danh là quả chuông lớn nhất thế giới (danh hiệu này theo Lâm tui là đáng vinh dự hơn các loại bánh chưng, tô hủ tiếu... lớn nhất thế giới mà nước ta trầy trật có được).
Sáu quả chuông này được đúc tại Pháp và mang qua treo tại Sài Gòn năm 1879.
Ba quả chuông lớn nhất (Sol, La, Si) đều được khởi động bằng cách đạp (vì quá nặng), còn ba quả kia được khởi động bằng tay. Ngày nay tất cả chuông đều được khởi động bằng điện.
Nếu bạn tình cờ dạo bước qua Vương CungThánh đường và nghe tiếng chuông đổ dồn, chắc chắn tiếng chuông bạn nghe được là tiếng chuông Mi (đổ hai lần mỗi ngày vào lúc 5 giờ sáng và 4 giờ 15 chiều). Vào ngày lễ và Chủ nhật, nhà thờ cho đổ 3 quả chuông của hợp âm Do trưởng là Do, Mi, Sol.
Muốn nghe 6 quả chuông đổ một lúc, bạn hãy có mặt tại Nhà thờ Đức Bà vào lúc 12h khuya ngày Thiên chúa giáng sinh 24/12 (đó là dịp duy nhất trong năm).

Có thể là hình ảnh về trong nhà và văn bản cho biết 'VIÊTNAM'
Nguồn: St.

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2022

VỀ TRƯỞNG VOI HOẠT BÁT...GIUSE TIẾN LỘC.

 VỀ TRƯỞNG VOI HOẠT BÁT...

Thật bất ngờ, Trưởng Hoa Sen Trắng gọi điện thoại "đặt hàng" chúng tôi viết LỜI TỰA cho tập sách về Trưởng Voi Hoạt Bát Nguyễn Tiến Lộc, chúng tôi mừng lắm, nhận lời ngay. Nhưng nhận lời rồi mới thấy… sợ, viết thế nào không khéo lại bị thiên hạ mắng là "bố hát con khen hay". Bản thân trưởng Voi cũng không thích chuyện tâng bốc, "xông hương" lẫn nhau. Nghĩ mãi chúng tôi xin chọn cách viết mộc mạc, không dùng những câu chữ "có cánh", có thế nào thì cứ viết như vậy, vẫn có một chút chủ quan vì dẫu sao chúng tôi cũng là đàn em trong DCCT, là học trò, là đệ tử quá thân thiết với Trưởng Voi.
Xin được chụp thật nhanh 4 pô hình, 4 nét về con người của Trưởng Voi Hoạt Bát:
Người hát dạo
Nghĩ vui vui, có lẽ chính Trưởng Voi cũng không thể nhớ nổi, không tài nào đếm đủ các bài hát mình đã viết, đã hát tặng cho con nít và cho các bạn trẻ, cho Hướng Đạo, Hùng Tâm Dũng Chí, Thiếu Nhi Thánh Thể, Sinh Hoạt Học Đường… Thậm chí ngoài đời người ta cũng nhận vơ không ít bài hát sinh hoạt của Trưởng Voi, bảo là nhạc phản chiến, nhạc truyền thống cách mạng cơ đấy !
Từ "Câu chuyện Tình Thương" đến "Gặp gỡ Đức Kitô", từ "Anh em ta về" đến "Ô thương mến", từ "Tân Ca" đến "Anh em hãy ca lên", từ bài tự sáng tác đến rất nhiều những bài đặt lời Việt cho nhạc Tây, Tầu, Mỹ… Bài sáng tác đầu tay là một bài tiếng Anh, bài "Clap Hands", sau đó Trưởng tự dịch sang tiếng Việt thành ra bài "Vỗ tay, vỗ tay, cùng nhau hát mà vui cười…"
Chúng tôi còn nghe đồn có cả một giai thoại về bài "Clap Hands" khi nó được bay sang Mỹ, học sinh Mỹ hát, thầy cô giáo Mỹ cũng hát, không ai biết tác giả là một ông Việt Nam, và thế là nó được Bộ Văn Hóa ghi nhận là "di sản văn hóa phi vật thể" của Hoa Kỳ từ ngày mới… lập quốc !
Trưởng Voi hát, rồi lôi cuốn thêm rất nhiều người cùng hát. Hát trong Nhà Thờ, hát ngoài sân Chùa, hát ở lớp Giáo Lý, hát trên sân khấu dã chiến, hát ở tiệc cưới giữa làng bệnh nhân phong, hát trong những đêm Lửa Trại, Lửa Dặm Đường, hát cả giữa buồng giam tập thể trong bốn năm Trưởng đi… "Tĩnh Tâm dài hạn" bất đắc dĩ.
Chỉ cần một cây Guitare hay Ukulele, có khi thêm một chiếc Harmonica, Trưởng Voi đã thành một người du ca, lang thang hát dạo, tưng tửng từng tưng không mệt mỏi, tình tính tang không hụt hơi, rong ruổi cả một đời dệt nhạc thêu lời…
"Nối tiếng hát mới, tiếng hát quên sầu cuộc đời. Lời ca nhuộm thắm đôi môi, tô thắm nụ cười. Lời ca nuôi sống tim tôi, lời ca thông mối tình người, lời ca đưa lối tương lai…" ( Nối Lửa ).
Người kể chuyện
Nhiều người hay trêu Trưởng Voi: Bụng ông tròn và to như bụng voi nên đúng là ông chứa được quá nhiều chuyện để kể. Trong một bài giảng ở Nhà Thờ, có lần chúng tôi chú ‎ý đếm, 40 phút mà có đến 16 câu chuyện khác nhau, chuyện để cười cho tỉnh ngủ, chuyện để ngẫm nghĩ mà thấm thía, chuyện để giúp cầu nguyện và áp dụng Lời Chúa vào cuộc đời.
Anh em Hướng Đạo thì thường mời Trưởng Voi nói Câu Chuyện Dưới Cờ tinh mơ buổi sáng, hoặc Câu Chuyện Tàn Lửa trước khi chia tay một đêm ngồi bên nhau ướt đẫm sương. Trưởng có giọng kể truyền cảm và có kỹ thuật thu hút người nghe, thêm cái miệng móm mém, phúng phính rất có duyên. Mấy ông CA mời Trưởng lên "làm việc" mà cứ mê tít thò lò, bu lại nghe ông cha đi tù về kể chuyện. Có tài như thế chẳng trách Trưởng Báo Trầm Ngâm Lê Đường đã chọn tên rừng cho Voi là Voi Hoạt Bát ?
Có lần, được phép "ôm" nguyên một cuốn sổ bài giảng dày cả tấc của Trưởng về Nhà Dòng để "ngâm cứu", chúng tôi đã biên tập lại được cả một bộ chuyện kể ngắn gọn, súc tích và hấp dẫn, có thể dùng trong mọi tình huống, mọi đối tượng.
Trưởng Voi là người "nhiều chuyện" như thế nhưng dứt khoát lại chẳng phải là người… "lắm chuyện", nhất là cái kiểu chuyên đi "buôn chuyện", "dựng chuyện" để nói xấu, nói sau lưng hạ uy tín người khác. Trưởng cứ có dịp là lại nhắc đến lời bà Thánh Madeleine Pazzi được Thánh An Phong sáng lập DCCT đưa vào sách "Nữ Tu Thánh Thiện", rằng: "Nếu tìm được một người cả đời không biết nói xấu ai, tôi sẽ xin phong thánh ngay cho người ấy !"
Người bày trò
Trưởng Voi đã từng được giao trọng trách là "Quản Trò Hướng Đạo Quốc Gia". Ở đây, chúng tôi dùng cách nói "Người bày trò" và vì Trưởng Voi "lắm trò" lắm, luôn luôn sáng tạo ra thêm những trò mới. Có trò chơi cũ mèm, ai cũng đã chơi quen, chơi nát nước cả rồi, vậy mà Trưởng "chế biến" thấy vẫn cứ mới, cứ hấp dẫn vô cùng.
Trưởng Voi bảo lứa đàn em chúng tôi phải luôn "sắp sẵn", người ta bất ngờ mời anh ra cho một tiết mục trong Lửa Trại, thì anh chỉ có vỏn vẹn 3 giây, bước ra vòng tròn là đã sẵn một trò chơi, một bài hát, một chuyện kể nào đó góp vui. Anh thò tay vào túi áo, túi quần, bất cứ thứ gì rút ra đều có thể trở thành một trò lôi cuốn mọi người: chùm chìa khóa, cây bút, chiếc khăn tay, sợi dây thun, tờ giấy bạc… Cả đến chiếc khăn quàng trên cổ, cái mũ béret trên đầu, đều có thể là khởi đầu cho một trò chơi tập thể vui nhộn mà vẫn luôn có một chút gợi ý nhân bản hay tâm linh.
Trưởng Voi lại có thêm nghề ảo thuật, loại ảo thuật không biểu diễn trên sân khấu để kiếm tiền, mà chỉ cốt đem niềm vui cho mọi người, loại ảo thuật không giấu nghề, vừa mới hớp hồn người ta, thì ngay sau đó lại tự "lật tẩy" khiến cho đám đông ngỡ ngàng thú vị. Ảo thuật ở mọi nơi, giữa bàn tiệc, đầu bài khóa, cuối bài giảng, mà đồ nghề ảo thuật lại chỉ là cọng thun, là cái ly uống nước, là trái táo, là vỏ trái cam, là mấy đoạn dây dù, cây kéo, mẩu giấy, và chắc chắn có một tấm lòng gửi gắm trong tiết mục ấy…
Trưởng Voi hay nhắc lại lời của BiPi, đại để là: Cuộc đời là một trò chơi lớn, hãy chơi hết mình và chơi hết tình.
Người nối lửa
Xin nói rõ ngay: "Nối Lửa" chứ không phải "Nổi Lửa". Ấy là chúng tôi mượn ‎ý và tứ của bài hát "Nối lửa cho đời" của Tá Khánh – Tiến Lộc được viết khoảng năm 1970. Nếu có "nổi lửa" thì thế nào sau đó cũng phải đốt một cái gì đấy, như đốt Lửa Trại chẳng hạn. Ngoài xã hội, nhiều khi người ta hung hăng nổi lửa lên đốt lung tung, cái đáng cháy không đốt lại đi biến những giá trị nhân văn thành tro tàn.
Ở đây, chúng tôi nhận ra Trưởng Voi là người đi "nối lửa" cho đời, nối lửa vui tươi và nhiệt thành từ anh này qua chị kia, từ em nhỏ cho đến cụ già, từ chỗ dư sang nơi thiếu, từ khoảng sáng qua góc tối… Lửa thì ấm và đẹp, đem lại sự sống và yêu thương, chín nồi cơm, thơm bát cháo để chia cho nhau khi gặp thời cuộc loạn ly, đói kém cả vật chất lẫn tinh thần.
Bản thân chúng tôi được lẽo đẽo theo thọ giáo làm môn đệ thầy Voi tính ra vừa tròn 40 năm. Kiểm lại thấy đời mình may mắn lắm, từ cậu thanh niên đạp xe giữa giòng đời quá biến động năm 1980, đến bây giờ 2020, cũng cùng thầy… chống gậy bước ra bàn thờ, hành trang chúng tôi đầy ắp những vốn liếng thầy trao, thầy "nối lửa".
Rồi lại nghĩ lan man, cuộc đời này mà thiếu một người đi tự nguyện đi "nối lửa" như Trưởng Voi thì chắc sẽ mất đi không ít tiếng cười, giảm đi kha khá niềm vui và hiệu ứng của TSA ( Thinking, Speaking, Acting positive ). Trưởng cần cù tận tụy như một con cúi giữ lửa ở nhà quê ngày xưa, cho bếp hồng nhân sinh suốt nửa thế kỷ qua…
Thay lời kết…
Vậy đó, 4 bức ảnh đã chụp vội, hy vọng vừa đủ để "triển lãm" về một con người nặng gần một tạ, mang tên Voi Hoát Bát. Xin mời bạn đọc chụp thêm nhiều pô ảnh lưu niệm với những góc độ khác của Trưởng Voi thân yêu.
Mấy năm gần đây, hình như đã đến đoạn dốc bên kia đời, Trưởng Voi nghiệm sinh được cái thế thái nhân tình: vui đó rồi buồn đấy, hợp đó rồi tan đấy, chan hòa đó rồi có thể trở mặt cạn khô ngay lập tức, nên Trưởng đi đâu, gặp ai cũng hay kể câu chuyện vị thiền sư với câu nói an hòa: "Thế à ?"
Phen này đọc xong mấy trang Lời Tựa này cho tập sách viết về chính mình, thế nào Trưởng cũng lại cười xòa, buông một câu: "Thế à ?"
Gấu Nhiệt Tình Lê Quang Uy, DCCT
Vũng Tàu ngày 22.5.2020
Có thể là hình ảnh về 1 người, đang chơi nhạc cụ, đàn ghi ta và trong nhà
Nguồn bài viết: Lm. Giuse Lê Quang Uy. DCCT.

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2022

TÍA

 TÍA

Trần Khắc Tường.
Nhìn cảnh anh Ba Khía lúng ta lúng túng trong bộ vest, con Lụa may cho cha trong ngày cưới mình, ai cũng rưng rưng nhiều xúc động. Đến lúc, anh rung rung cầm ly rượu đại diện nhà gái phát biểu trong lễ vu quy thì mọi người đều đưa tay quệt nước mắt.
Anh Ba Khía ít học, ảnh nói vỏn vẹn có hai câu vậy nè:
- Cuộc đời tía, chỉ có hai lần tía nhớ nhất:
-Lần thứ nhất là khi tía ẵm con từ tay má con
-và lần thứ hai là tía thấy con đi lấy chồng. Tía chỉ mong con gái tía hạnh phúc, dù tía có hi sinh cũng được.
Ảnh nói có vậy, mà con Lụa khóc nức nở. Nó hiểu tía nó. Tía nó chỉ là một nông dân nghèo không có ruộng đất, toàn đi làm thuê làm mướn. Tía nó có một cái nhà lá tồi tàn cất trên gò đất do ông bà để lại. Cái nghèo buộc tía nó phải sống đơn côi cho đến khi nó xuất hiện trong đời tía nó. Cái ngày định mệnh đem nó đến với tía, khi tía nhận má nó về cưu mang...!
Lúc đó, má nó đang có bầu, bị người ta hất hủi, không có nơi nương tựa. Tía thương tình mang về cho tá túc và chăm sóc má nó lúc sanh đẻ. Đẻ xong được bốn tháng, má bỏ đi để lại nó cho tía.Đó là những tháng cực nhọc nhất của tía nó trong vai gà trống nuôi con mà nó đâu phải con ruột của tía.
Năm nó vào lớp Một, bạn bè chọc bảo nó con hoang. Nó chạy về hỏi tía, tía đưa tay lau nước mắt nó, tía nói:
- Tía không sinh ra con, nhưng từ khi tía nhìn thấy con thì con là con ruột của tía rồi. Ai nói sao thây kệ nó đi con. Tía thương con bự như ông trời vậy đó nghen!
Rồi tía giả đóng ông trời khệnh khạng, nó cười vang nghĩ:
- Ừ kệ, tía thương mình là đủ.
Năm nó mười tám tuổi chuẩn bị thi đại học thì tía nó bị tai biến ngất ngoài đồng, miệng méo xệch một bên. Nó chạy từ trường vào trạm xá mà nước mắt ròng ròng, lỡ tía có chuyện gì nó mồ côi sao chịu nổi. Nó cứ chạy chạy thật nhanh đến trạm xá ngoài Chợ Đào thì tía đã tỉnh. Tía bị liệt nửa bên trái, tía nằm tía khóc. Nó vừa đi học vừa chăm tía, nó thương tía đứt ruột đứt gan mà không biết làm sao giúp tía.
Rồi không biết sao tía gọi người đến gả nó cho con nhà giàu xóm trên. Tía muốn giải thoát nó. Nó đi học về thấy người ta đến đông nghịt, tía ngồi cái bàn giữa nhà nhìn nó. Tía kêu nó lại, tía nói tía gả nó cho con trai dì Mười Xuân, tía nói người ta hứa sẽ cho nó ăn học đến nơi đến chốn.
Nó nghe mà nức nở, nó quỳ gối gục mặt trên chân tía, nó hỏi:
- Tía gả con rồi tía ở với ai? Ai sẽ lo cho tía khi tía đang bệnh tật?
Tía nó nghèn nghẹn bảo:
- Tía cực khổ nuôi bây từ nhỏ đến giờ. Bây không phải con ruột của tía, bây đi đi cho tía bớt gánh nặng.
Nó lạy tía nó, nó khóc rấm rứt:
- Từ lúc con biết suy nghĩ, tía đã là cha ruột của con. Con không đi đâu hết. Con lạy tía đừng đuổi con đi. Con sẽ đi học, sẽ làm thêm, sẽ lo cho mình để tía không cần lo cho con. Con lạy tía!
Nó cứ dập đầu lạy tía. Hai cha con ôm nhau khóc, những người xung quanh cũng im lặng nước mắt chảy theo, dì Mười Xuân cũng lẳng lặng rút về.
Đến ngày Lụa thi đại học, tía đưa nó một bọc đỏ, tía cho nó mấy chỉ vàng tía dành dụm cả đời. Tía dặn nó yên tâm thi, tía sẽ lo cho nó học hành đàng hoàng như người ta. Nó chỉ biết dạ, lòng nó dấy lên tình thương vô bờ bến dành cho tía.
Nếu không có tía nó đã là đứa trẻ mồ côi, nếu không có tía nó đã lang thang đầu đường xó chợ, nếu không có tía nó làm sao biết được tình cha ấm áp như thế nào...!
Năm nó 20 tuổi thì má về, má xin nhận lại nó. Má bảo sẽ trả tía thật nhiều tiền, tía nói với má:
- Tui hông bán con Lụa, bà cứ hỏi nó, nó muốn sao thì tui chịu vậy!
Rồi tía bỏ ra trước hiên ngồi. Má năn nỉ nó, má hứa cho nó cuộc sống giàu sang, má nó không đẻ được nữa nên nó là đứa con duy nhất. Nó nhìn theo dáng tía, nó nói với má:
- Má về nhận lại con là con vui rồi. Nếu ngày đó, tía bỏ con thì sao má? Má biết tía nghèo nhưng tía chưa bao giờ từ chối con điều gì cả. Tối nào, tía cũng rửa chân con bằng nước ấm, tía bảo cho con dễ ngủ, tía lo bùn lấm chân con, tía sợ con nhớ má tủi thân.
Má nó nấc nghẹn, nó nói tiếp:
- Con và tía trải qua những lúc cực khổ nhất rồi. Con thương tía, giờ tía bệnh tật yếu nửa người, đi đứng khó khăn, con không bao giờ bỏ tía. Má dìa đi!
Má nó gật đầu, nước mắt chảy thành dòng, ngoài hiên tía nó cũng quặn thắt theo từng lời nó nói.
Mỗi người chúng ta gặp trong cuộc đời này đều có một ý nghĩa gì đó. Đối với anh Ba Khía - Nó như một ngôi sao nhỏ trong xanh vô tình rớt xuống mảnh đời cơ cực của anh. Ngôi sao bé nhỏ ấy đã soi sáng cuộc sống anh, làm cho nó hết đơn côi, ý nghĩa và cao cả hơn...!
Có lẽ vì vậy mà anh đặt nó tên Lụa, một loại vải quý được rút ruột từ những sợi tơ tằm thương yêu trong lòng tía nó....!
Nguồn bài viết: Quí Nguyễn.
Có thể là hình ảnh về 2 người, trẻ em, ngoài trời và văn bản

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2022

THÁNH A-LÊ-XÙ LÀ AI? Alexis

 

THÁNH A-LÊ-XÙ LÀ AI? Alexis



THÁNH A-LÊ-XÙ LÀ AI? Alexis

Trong nhiều quyển lịch ấn hành ở ngoại quốc, ngày 17 tháng 7 được ghi là kính thánh Alêxiô. Có phải thánh Alêxiô là Alêxù không? Tại sao tên vị thánh này không được ghi vào lịch phụng vụ?

- Thánh Alêxiô đúng là thánh Alêxù đó. Alêxius là tiếng La-tinh, dịch sang tiếng Pháp và tiếng Anh là Alexis (bổn mạng của Đức cha Phạm văn Lộc, nguyên Giám mục giáo phận Kontum). Đừng lầm lẫn với thánh Aloysius, tên La-tinh của thánh Luigi Gonzaga, được phụng vụ kính vào ngày 21 tháng 6. Trước đây, thánh Alexis được phụng vụ kính ngày 17 thang 7, nhưng với cuộc cải tổ phụng vụ sau Công đồng Vatican II thì thánh Alexis bị gạt ra ngoài.

Vì lý do gì, thưa cha?

- Ủy ban cải tổ lịch phụng vụ đã đề ra nhiều nguyên tắc làm việc. Một trong các nguyên tắc đó là loại trừ các vị thánh không có cơ sở lịch sử, cho dù nổi tiếng đến mấy đi nữa. Trong số các vị này, ta có thể kể đến thánh Alêxis và thánh Christophorus (tức là Christophe, bổn mạng của những người tài xế, trước đây kính vào ngày 25 tháng 7. Thánh Christophe được vẽ như một người đang cõng Chúa Giêsu trên vai.

Theo truyền kỳ, ông ta là một người Cana, thân hình to lớn vạm vỡ, và tuyên bố chỉ phục vụ người nào mạnh sức hơn mình mà thôi. Một đan sĩ đến thuyết phục ông hãy dùng sức mạnh của mình để giúp đỡ tha nhân, bằng cách cõng đưa những người muốn sang sông mà không có thuyền. Ông ta đồng ý. Một bữa nọ, một em bé đến xin ông cõng, nhưng càng ra khơi, ông thấy sức nặng trên vai cứ tăng dần, đến độ khiến ông suýt chìm lỉm xuống nước. Khi qua bên kia bờ, ông được soi sáng cho biết là hài nhi đó là Đức Kitô; từ đó ông xin theo đạo và nhận tên là Christophorus, tiếng Hy-lạp có nghĩa là “kẻ mang Chúa Kitô”.

Thánh Alêxiô được tôn làm bổn mạng những người hành khất, và được thuật lại trong nhiều thi ca bình dân hoặc các vở kịch. Tại Việt Nam, truyện thánh Alêxiô đã được sáng tác thành tuồng kịch, ngay từ những thời buổi đầu của việc truyền bá Tin Mừng. Nhiều tín hữu xưa kia đọc thuộc lòng vở tuồng này cũng như sách giáo lý vậy.

Sự tích thánh Alêxù ra sao, thưa cha?

- Dĩ nhiên là các bản tuồng kịch viết bằng tiếng Việt đã thêm thắt nhiều tình tiết, và nhất là chỉ dựa theo một lưu truyền nào đó về thánh Alêxù mà thôi. Trên thực tế thì có nhiều phiên bản. Theo một thủ bản (viết vào khoảng cuối thế kỷ V, giữa năm 450 hoặc 475), thì Alêxù là con của một gia đình trưởng giả ở Rôma. Vào chính đêm thành hôn, chàng ta bỏ nhà đi biệt tích. Chàng đi đến mãi tận Edessa (nay là Urfa bên Thổ-nhĩ-kỳ), và sống đời cầu nguyện và khổ hạnh. Để có phương tiện sinh sống, chàng xin ăn ở cửa một nhà thờ. Nếp sống đạo hạnh của chàng đã khiến cho dân làng đặt tên là “con người của Thiên Chúa”.

Mãi đến lúc gần chết, chàng ta mới tiết lộ tung tích cho ông từ coi nhà thờ. Ông này liền đi báo cho Đức giám mục tên là Rabbula (412-435). Nhưng khi giám mục đến nghĩa trang nơi đặt thi thể của chàng, thì chỉ còn thấy vài mảnh giẻ rách mà thôi. Hiểu là thân xác của ông đã được về trời.

Đó là một lưu truyền. Còn những lưu truyền khác thì sao?

- Lưu truyền vừa nói được đặt tên là “Syria” (bởi vì phát sinh từ Edessa thuộc Giáo hội Syria) hoặc là Mar- Risha (hoàng thân, tước hiệu đặt cho Alêxù). Một lưu truyền khác (mang danh là Hy-lạp do xuất xứ của nó là Constantinopolis) được viết vào thế kỷ IX, thêm nhiều tình tiết khác lâm ly hơn, và được truyền sang Tây phương. Alêxù là con một của gia đình trưởng giả ở Rôma, song thân tên là ông Euphêmianô và bà Aglaê. Khi còn nhỏ, cậu ta đã có lòng thương người, và thường giúp đỡ những người nghèo mà cậu ta gặp. Vào chính ngày thành hôn, anh ta thỏa thuận với bà vợ sẽ giữ khiết tịnh hoàn toàn.

Thế rồi, anh ta bỏ nhà ra đi đến phương trời vô định. 17 năm sau, anh trở về gia đình, nhưng không ai nhận ra. Anh được trao cho những công tác hèn hạ trong nhà như một người đầy tớ, và cho ngủ ở trong xó cầu thang trong vòng 17 năm trường. Tính tình của anh rất nhu mì hiền lành, và vì thế anh bị chính các gia nhân ăn hiếp. Mãi khi đến chết, thì một tiếng từ trời phán ra: “Hãy đi tìm con người của Thiên Chúa ở trong nhà ông Euphêmianô, bởi vì ông sẽ cầu bầu cho thành phố”. Đức Thánh Cha đến nhà ông Euphêmianô, và thấy trên tay của người hành khất một tờ giấy tiết lộ tông tích của mình. Dĩ nhiên đây là hồi bi thảm nhất của vở kịch: khi mà cha, mẹ, vợ thay nhau khóc than.

Cuộc đời của thánh Alêxù đã trở thành đề tài cho nhiều thi ca và tuồng kịch, kể từ thế kỷ XI. Việc tôn kính thánh Alêxù đã được phổ biến ở các Giáo hội bên Đông (Syria, Etiopia, Slavic, cách riêng bên Nga, nơi mà nhiều người mang tên là Alexis), cũng như bên Tây (Ý, Pháp, Tây-ban-nha).

Đó là những truyền kỳ về thánh Alêxù. Còn dưới khía cạnh lịch sử thì sao?

- Truyện thánh Alêxù rất được phổ biến trong dân gian, ở nhiều nước bên Tây phương trước khi được truyền bá sang Việt Nam, dưới nhiều thể văn cũng như nhiều hoạ phẩm trong các thánh đường. Tuy nhiên, những cuộc phê bình lịch sử đã bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX, khi cha Duchesne nhận thấy rằng thánh Alêxù tuy chết tại Rôma nhưng không thấy tên tuổi trong danh sách các thánh (martyrologium) của Giáo hội Rôma trước thế kỷ X. Về nơi an táng thì cũng có nhiều lưu truyền. Các Giáo hội bên Đông nói rằng thánh Alêxù được chôn cất ở đền thờ thánh Phêrô, một điều không thể kiểm chứng được.

Tại Rôma thì người ta nói rằng thánh Alêxù được chôn ở nhà thờ thánh Bonifaxiô, trên đồi Aventinô. Một chi tiết khác nữa liên quan đến danh tánh của vị giáo hoàng. Truyền kỳ bên Hy-lạp nói đến giáo hoàng Marxianô đã khám phá ra thánh Alêxù ở chân cầu thang của nhà song thân. Nhưng trong lịch sử không có Giáo hoàng nào tên là Marxianô cả. Lưu truyền La-tinh thì nói rằng đó là Giáo hoàng Innôcentê I. Khi đối chiếu các lưu truyền lại với nhau, các nhà sử học cho rằng có lẽ lúc ban đầu, tại Edessa có một người hành khất sống đời khổ hạnh, và được nhiều người tôn kính như là một “con người của Thiên Chúa”. Về sau, người ta đặt tên cho ông là Alexis, và thêm thắt những tình tiết về nguồn gốc gia đình để càng làm tăng thêm thái độ khiêm tốn khổ hạnh của ông.

Ngày nay còn dấu vết gì của thánh Alêxù không?

- Có chứ. Tại Rôma, một thánh đường nổi tiếng mang tên thánh Alêxù, nằm trên đồi Aventinô, bên cạnh nhà thờ thánh Sabina, trụ sở Dòng Đaminh, nơi mà hăng năm Đức Thánh Cha đến khai mạc mùa Chay. Ngôi nhà thờ này được Đức Hônôriô III dâng kính thánh Alêxù, trước đó mang tước hiệu thánh Bônifaxiô. Tuy nhiên kiến trúc của ngôi thánh đường hiện nay không còn giữ được vẻ nguyên thủy nữa, nhưng đã được tân trang hồi thế kỷ XVIII. Trong ngôi nhà thờ này, còn lưu giữ một cầu thang bằng gỗ mà tục truyền là nơi mà thánh Alêxù đã ở trong suốt 17 năm. Theo các nhà khảo cổ, nhà thờ thánh Alêxù không phải là căn nhà của ông Euphêmianô, nhưng chỉ là một nhà thờ trước đây kính thánh Bonifaxiô.

Vào năm 997, khi Tổng giám mục Sergiô từ Đamascô buộc phải rời bỏ giáo phận để sang tá túc ở Rôma, thì được Đức Thánh Cha trao nhà thờ thánh Bonifaxiô làm trú sở. Đức cha Sêrgiô đã thiết lập một Đan viện tại nhà thờ này, và truyền bá lòng sùng kính thánh Alêxù. Thánh nhân trở thành mẫu gương cho những khất sĩ. Trước đây lịch phụng vụ của Giáo hội La-tinh kính vào ngày 17 tháng 7, còn lịch Giáo hội Hy-lạp kính ngày 17 tháng 3.

Như đã nói trên, bên Đông phương nhiều người đã nhận thánh Alexis làm bổn mạng, từ các hoàng đế đến các thượng phụ giáo chủ. Bên Tây phương, không những thánh Alêxù được đặt làm bổn mạng cá nhân, mà còn được nhận làm bảo trợ cho vài Dòng tu nữa. Dù sao, nếu ai nghĩ rằng thánh Alêxù chỉ là một nhân vật dã sử cho nên hết giá trị, thì có thể tìm thấy một nhân vật lịch sử khác với một cuộc sống tương tự.

Đó là thánh Benoit Labre, sinh năm 1748 tại Amettes (nay là Arras, miền Bắc nước Pháp), trưởng nam trong một gia đình tiểu thương, với 15 người con. Khi còn nhỏ, anh đã được nhiều giáo sĩ quen biết trong gia đình giúp đỡ để học làm linh mục. Nhưng anh không thấy ý Chúa gọi vào hàng giáo sĩ. Anh cũng đi thử nghiệm đời khổ tu với Dòng Chartreux, rồi Dòng Xitô, nhưng cũng không thỏa mãn. Sau cùng, anh quyết định sống đời lãng tử. Rời nước Pháp, anh đi bộ qua Italia, kính viếng các đền thờ cổ kính (Assisi, Loreto), và rồi sau cùng đến Rôma. Tại đây, trong vòng 7 năm, anh đi viếng các nhà thờ trong giáo đô, ban ngày đi cầu nguyện, và ban tối thì ngả lưng ở một vỉa hè hay núp bóng hí trường Colosê. Anh qua đời ngày 16/6/1783, lúc chưa đầy 35 tuổi. Lạ thay, khi nghe tin người hành khất này qua đời, thì cả thành phố Rôma đến viếng xác của anh, trong suốt một tuần lễ. Benoit Labre được tuyên Chân phước 70 năm sau (1853) và được tuyên thánh ngày 8/12/1881.

Thánh Benoit Labre tượng trưng cho một khuôn mẫu thánh nhân mới của thời đại, một vị thánh không phải là giáo sĩ, tu sĩ, cũng chẳng phải là giáo dân thuộc hạng trưởng giả, nhưng là một giáo dân sống tầm thường. Nhờ sống đời cầu nguyện và nghiền ngẫm Lời Chúa, anh không những sống cuộc đời đạm bạc, mà còn tiếp xúc với mọi hạng người, nhất là những hạng cùng đinh trong xã hội. Anh trở nên một người nghèo truyền giáo cho người nghèo.

Lm Phan Tấn Thành,OP.

Xem thêm ;

IMPRIMERIE DE LA MISSION

289 đường Hai Bà Trưng

Tân Định – Saigon

1954

 

IMPRIMATUR

Saigon, die â DECEMBRIS 1954

+J.B. CASSAIGNE,

Vic. Apost. De Saigon

---------------------------------

Ngày xưa nông thôn chưa có trường Trung Học, học sinh trường đạo vùng Đồng Bằng sông Cửu Long sau khi được Rước Lễ lần đầu, Thêm Sức và Bao Đồng thì ở nhà giúp cha mẹ làm nghề nông. Những gia đình khá giả không muốn cho con nghỉ học sớm nhưng đi học ở tỉnh thành thì chưa có thói quen  hoặc không đủ khả năng, trừ con của  những phú hộ. Thế là các trẻ cứ đến trường nhưng chữ nghĩa ở trường đã học hết rồi. Chảng sao cả: họ giúp các dì phước trả bài và dạy các em nhỏ hơn, bù lại họ cũng được ngâm nga  giáo lý nâng cao:  Kinh Thánh và Tiễu Sử Các thánh, đại loại như:  giáo lý Vấn Đáp, Inê, Alêxù, Học Tập Qui Chánh, Phong Hóa Tân Biên....

Nhiều vị đã nhờ chúng tôi tìm và khuyến khích đưa lên mạng những tài liệu trên đây để lưu giữ, nhưng chúng tôi bất lực không thể đáp ứng. Rất mong được hỗ trợ.

 

Canh thìn vừa thuở đông thiên,

Ngâm nga hạnh thánh tay liền chép ra.

Thuở  ấy trong nước I-ta-li-a,

Có quan thừa tướng tên là Yêu-Phê.

Ca- lai phối thất phu thê,

Phụng loan kết cánh sánh kề hoa nương.

Song hành kình bố nhơn dươn,

Ngóng trông tuấn tú hậu lương nối dòng.

Cội hoè nhành quế phỉ lòng,

Vươn lê trái hạnh chóc mòng hôm mai,

Phước lành dấu ẩn thiên thai,

Trỗ sanh nam tử một trai khác hàng.

Mẹ cha ước sức đứng thường,

Lòng mong kế hậu vội vàng mầng thay.

Sinh thai vừa đủ tám ngày,

Noi theo phép thánh xin thầy đặt tên.

Vợ chồng quỳ trước đài tiền,

Chúa Cha bảo ứng mới truyền tu du.

Đặt tên là A-lê-xù,

 

Cầu xin cùng Chúa hộ phù cho con

 

Lo bề phượng dưỡng nhơn dươn,

Vàng trăm chẳng tiếc bạc muôn chẳng nài.

Phòng lương dưỡng dục hôm mai,

Cá hồng tôm bạc chác nài kể chi.

Hai bên thân thích cô dì,

Viếng thăm mầng rỡ đi về nâng niu.

Con đòi bà vú dập diều,

Đổi thay bú mớm chắt chiu ẳm bồng.

Lê-xù tuổi mới mười đông,

Chí lăm bia bạc một thông cuốn vàng

Mẹ cha bằng hưởng hơi nhàn,

Sắc hồng toan nhuốm, trỗ tràng hoa son.

Hòng toan kiếm chốn nhơn dươn,

Lòng cha mầng phỉ mặc con ở đời.

Vầy đoàn dù ngựa vui chơi,

Bằng hàng cơ tướng chen vui phủ nghè

Dập diều dặm liễu đàng hòe,

Vào ra lầu các đi về nghinh ngang.

Hòng toan kiếm chốn đông sàng,

Ngõ lời mai trước toan đang định dùng.

Lê-xù con hỡi nói cùng,

Mẹ cha tuổi cả để hòng cậy con.

Hòng toan kiếm chốn nhơn hôn,

Để mà gìn giữ tông môn trong ngoài.

Bao nhiêu quới vật tiền tài,

Một con mà chớ có hai đâu là.

Lời nào con hãy nói ra,

Phụ từ tử hiếu mẹ cha đặng mầng.

Lê-xù khiêm nhượng thưa rằng:

Ba chường kính đội năm hằng dấu yêu.

Con còn mong chí hôm diêu,

Tìm phò nghĩa Chúa uốn chiều kinh văn.

Chưa hề tưởng sự nhục thân,

Tiền tài chưa ước châu trân chưa cầu.

Bạn nhơn khuya sớm hiệp nhau,

Tìm pho sách ngãi dãy dầu say sưa.

Lời thế con hãy vừa vừa,

Chẳng tham danh lợi không ưa sự đời.

Đạo thân đâu dám cãi lời,

Sự mặc Chúa Trời, cha mẹ vội chi.

Thấy lời con nói khá nghi,

Lời lành hết lẽ, ra đi vẫy vùng.

Mẹ bay sao có tưng bừng,

Nào hề giáo huấn nào hề ủi an,

Rày tao chẳng ngõ làn dan,

Kiêu căng tự ý lo toan cậy mình.

Tiếc thay công dưỡng công sinh,

Lại theo ý mình, mặc mẹ con bay.

Ca-lai ủ mặt châu mày,

Thấy con chẳng khứng, thiết tha trong lòng.

Một mình ngồi dựa hiên song,

Dỗ con nước mắt ròng ròng chảy ngay,

Cha con người đã giận thay,

Mẹ xin khuyên dỗ con nay bây giờ.

Con coi trong sấm kinh xưa,

Tổ tông thuở trước Chúa chưa ra đời.

Ra-ham có một con trai,

Tên là I-giác nối đời hậu sinh.

Mẫu từ ông thánh Giu-kim,

An-nà kết bạn mới sinh Đức Bà.

Đặt tên là Ma-ri-a,

Ngự chốn rất lòa người thế ngợi khen.

Chúa xưa gầy dựng tổ tiên,

A-dong nam tử kết duyên E-và.

Sinh ra thiên hạ gần xa,

Dõi truyền con cháu khắp oà mọi nơi.

Kể từ Chúa xuống ra đời,

Tông đồ mười một có ai trinh đồng.

Có một ông thanh Giu-ong,

Phê-rô cũng có, vợ chồng thất gia.

Cai hết Y-ghê-lê-gia,

Đã nên thánh cả tiên xa bây giờ.

Sao con chẳng đoái hiền xưa,

Không thương lòng mẹ phụ từ lời cha.

Phải chi sinh đặng năm ba,

Mặc lòng định liệu kẻo mà ép con.

Muốn con gia thất phương viên,

Mẹ cha thấy măt kẻo phiền lòng tây.

Con sao bỏ thảo giữ ngay,

Phụ ơn cha mẹ dứt dây tam tùng.

Sao cho trọn ngãi hiếu trung,

Nghe lời mẹ cùng kẻo mà tủi thân.

Mắt con thấy quở tưng bừng,

Nhà mẹ chẳng thiếu châu trân bạc tiền.

Trước là giữ lấy điền viên,

Sau là khuya sớm giữ gìn nhà chung.

Lại thêm an ủi khi-song,

Khuyên người ái mộ khâm sùng Chúa Cha.

Ấy là nghi thất nghi gia,

Cha mẹ tuổi già cậy đã có con.

Nào câu tiểu tử mộ khan,

Nào câu tông tích đồng nhau khuyên rày.

Công mẹ chín tháng mười ngày,

Ngọt ngon nhịn vậy béo bùi cử kiêng.

Lánh nơi phàm nịnh trường niên,

Cho con duệ trí thông minh nhân từ.

 Cù lao dưỡng dục bấy chừ,

Lưng eo vú thắt mẹ hư dường nầy.

Con mà chẳng khứng như vầy,

Thì mẹ chẳng ở lâu ngày cùng con,

Lê-xù nước mắt bằng non,

Lòng tôi liễu yếu đào non bấy chầy.

Mẹ cha chẳng xét cho rày.

Sự mặc lòng người, tôi dám cải đâu.

Ca-lai mới giảm lòng sầu,

Nhớ lời trong sách một câu nói rằng:

Phụ tắc tử trực lẽ hằng,

Phụ từ tử hiếu mới rằng: là trai.

Bà rằng: con đã nghe lời,

Mặc ông định liệu kiếm nơi đông sàng.

Yêu-phê lời nói khen rằng:

Cá kia quen dựa bóng trăng ưa chìu.

Mẹ hay thật có ngoan nhiều,

Con dã nghe lời ta khá liệu toan.

Thung quan lai chọn huyện quan,

Thanh liêm thục nữ hồng nhan tú tài.

Con quan thừa tướng là người,

Buồng hương mĩ nữ kén tài đông cung.

Bấy giờ ta cậy mai dong,

Người có bằng lòng, xin lễ nghinh hôn.

Mai nhơn tìm tớ đông môn,

Thì mai gặp bạn xứng dương vui mầng.

Ông bà thân thích họ hàng,

Tiền tài quới vật bạc vàng đều đi.

Lễ bày giá thú đủ vì,

Lòng con đã thuận ta thì xin dâu.

Một đoàn dù ngựa cùng nhau,

Kẻ đưa người rước đem dâu về nhà.

Tiệc bày sung túc xướng ca,

Tiệc thôi mới giả ông bà lui chơn.

Cai-lai mới nói cùng con,

Lê-xù con hỡi hiệp hôn đêm nầy.

Anh hùng kết bạn ả tây,

Sắc cầm giai lão sánh bày hoa nương.

Một ngày gá tiếng cũng thương,

Hướng đạo can trường phối thất phu thê.

 Chữ rằng: sinh ký tử qui,

Đào yêu trăm việc nghi kỳ gia nhơn.

Con nghe lời mẹ thì hơn,

Chớ có ý sờn mà tuổi mặt dâu.

Lê-xù mặt khó dàu dàu,

Gối quì tạ Chúa nguyện cầu chưa thôi.

Lạy bà bào chữa cho tôi,

Chúa Cha giúp sức trước mai chẳng hề.

Thiên thần gìn giữ phù trì,

Cứu tôi qua khỏi nhục thân đêm nầy.

Xem lên mặt Chúa thương thay,

Hai hàng châu lụy chảy ngay ròng ròng.

Lại xem bên dấu nương long,

Thảm não tấm lòng đòi đoạn thiết tha.

Liều mình quyết chí thật thà,

Tôi xin giữ vẹn nguyệt hoa đêm nầy.

Chúa xưa chịu chết trên cây,

Tôi nay vui sướng mình nầy làm chi.

Thìn mình tay chấp gối quì,

Xin cha giúp sức phù trì cho con.

Chẳng còn ước sự phàm trần.

Chẳng tham quới vật tiền tài nhọc thân,

Không cầu tước vật quân thần,

Tìm bề khổ hạnh cô bần quả cô.

Lại xin Đức Chúa Khi-tô,

Mở lòng soi sáng xuống cho lẽ nào.

Kẻo mà bối rối tâm bào,

Máy thiên mầu nhiệm trao cho tơ hồng.

Chẳng còn nào nức nương long,

Chẳng đoái vợ chồng, không tưởng mẹ cha.

Liều minh li thất li gia,

Mới bước vào nhà lấy khóa mở rương.

Mới lấy một nén vàng tương,

Hai nén vàng thường cầm ở trong tay.

Giả ơn công vợ về đây,

Cho nén vàng nầy làm ngãi phu thê.

Lại dặn em phải giữ tề,

Anh đi cầu nguyện chớ phiền làm chi.

Sấp lưng trở gót ra đi,

Đêm khuya vắng vẻ nào thì ai hay.

 Đàng trường dặm liểu nước mây,

Lánh nơi ong điệp khỏi dây tam cừu.

Kẻo mà ngày tháng lư ưu.

Xuống biển tìm tàu sang nước Xi-lê.

Thốt đoạn ông bà Yêu-phê,

Rạng ngày bạch đán vậy thì chầu chung.

Hai bên nam nữ Khi-song,

Điều là tạ Chúa thông công cầu nguyền.

Cầu thôi bổn đạo phân nhau,

Yêu-phê mới hỏi nàng dâu lời nầy:

Con đó chớ nào chồng mầy,

Sao mà vắng mặt lấy chầy đi đâu?

Nàng liền mặt khó dàu dàu,

Trình cha tôi chẳng hay đâu sự người

Nén vàng trao lại cho tôi,

Bước ra vắng mặt trước mai chẳng hoà,

Thẹn thuồng thân gái mặt hoa,

Bởi chưng cha mẹ ép là duơn con

Tôi đâu có xứng nhơn duơn,

Cho nên quạnh quẻ phòng loan một mình.

Lạy cha xin chớ ép tình,

Người đã  phụ thành sự ấy thì thôi.

Ông bà nước mắt nhuốm sôi,

Hãi hùng mới nói con ôi! Phương nào!

Đệ tử, xá nghe lời tao,

Dạo tìm lân lứa chốn nào có chăng?

Nầy lời đệ tử thưa rằng:

Thầy tôi chẳng từng chơi dạo cùng ai,

Chưa hề bỏ việc hôm mai,

Chầu thôi thì lại giồi mài sử kinh.

Có phen ngồi vắng một mình,

Gối quì tạ Chúa lời lành nhà chung.

Hôm nay thầy đã vắng cung,

Ắt là thầy đã liều mình ẩn xa.

Ông bà nước mắt nhỏ sa,

Vỗ đầu mà khóc thiết tha dương rày.

Ca-lai nhiều nổi tỏ bày,

Bởi một ông rày ép uổng lòng con.

Ông trông nối gót tông môn,

Trổ sanh miêu duệ cháu con ở đời.

Bây giờ đã hết con trai,

Đã rồi  kế hậu đà phai cậy nhờ.

Chẳng còn mong mỏi sớm trưa,

Chẳng còn dành để tối chiều cậy trông.

Chẳng còn mắng vợ nâng niu,

Mắng rằng: dong thứ, mằng chìu lòng con.

Bây giờ trung trúc mình tròn,

Dâu ông ngồi đó nào con ông rày?

Yêu-phê nước mắt chảy ngay,

Trách mình nào có trách ai bây giờ.

Dạo tìm pho sách cuốn thơ,

Dọn tim quần áo tóc tơ chẳng dời.

A-lê-xù hỡi con ôi!

Lẽ nào đành dạ phụ lời mẹ cha.

Trách lòng con chẳng nói ra,

Giữ đồng trinh triết kẻo mà ép con.

Ca-lai nước mắt bằng non,

Sấp mình xuống đất hơi còn thở ra.

Phất phơ lá quế hồn hoa,

Rin rin tiếng dế hơi đá hóp hoi.

Đắng cay lòng mẹ thương ôi!

Quanh co ruột ốc khúc nôi ruột tằm,

Đêm trường thơ thẩn chẳng nằm,

Ngày dài bát ngát chiều đam khôn tìm.

Càng chờ càng đã bặt tin,

Ắt là con đã xa miền thương thay.

Chớ nào đệ tử chúng bay,

Đứa nào thương thầy, tìm kiếm đòi phương.

Tìm nơi bổn quán xa hương,

Hoặc nơi quán xá phố phường chợ đông.

Kiếm nơi nhà thánh nhà chung,

Nhà trường nhà phước cho cùng thăm coi.

Đệ tử khi ấy phiền người,

Thương thầy ra sức chẳng nài nhọc công.

Dạo tìm khắp hết tây đông,

Cách non trèo vịnh cách sông lội dò.

Bãn đề khắp hết chợ đồ,

Ai thấy Lê-xù mách bảo huờn công.

Ngày mai lễ nhất chầu chung,

Lê-xù tim tới thách cung nước người.

Nhìn xem thấy những thế gian,

Đòn cân võng giá vầy đoàn vào ra.

Xuân xanh quần lãnh áo tà,

 Dù xanh ngựa tía vào ra dập diều.

Mão chiên dãy gấm khăn điều,

Bạn quen khách lạ sang yên đãi đùng.

Lê-xù ngồi dựa thềm cung,

Áo quân rách nát mình thì xấu xa .

Bỗng liền xem thấy người nhà,

Ắt là đệ tử tìm ta chốn nầy.

Đệ tử coi chẳng biết thầy,

Bởi chưng mặt võ mình gầy khác thay.

Dọn cơm mời lại ăn rày,

Xù rằng: có thí trao tay cho cùng

Tôi đâu có dám ngồi đồng,

Mình tôi rách rưới hôi song ua nhờm.

Đệ tử cho một bát cơm,

Lại một tắm thịt để trên bát rày

Xin anh cầu nguyện cho thầy,

A-lê-xù rày về với mẹ cha.

Ăn rồi đệ tử trở ra,

Tìm thầy chẳng đặng gần xa vắng người.

Đệ tử nước mắt nhuốm sôi,

Tìm thầy chẳng đặng, tái hồi bổn gia.

Ông bà mừng rỡ chạy ra,

Hỏi rằng: có thấy tin mà đâu chăng.

Nầy lời đầy tớ thưa rằng:

Chúng tôi tìm kiếm chín trăng hầu tròn.

Liều mình vượt biển trèo non,

Sấu vàng nào nệ, hùm dòn nào e

Non cao rừng rậm khôn dè

Thương thầy nào tưởng lo e đến mình

Nhà quê chí nhẫn phường dinh,

Vắng tanh tin tức khôn nhìn được đâu.

Yên-phê luỵ nhuốm tham bâu,

Ca-lai nước mắt dàu dàu chứa chan.

Con ơi bỏ mẹ sao đang,

Thơ thẩn ở đàng tất tưởi mình con.

Nào khi cửa sổ thoa sơn,

Bây giờ vuôn tròn ngồi dựa cội cây.

Nào khi quần áo đổi thay,

Bây giờ một tấm gió tây lạnh lùng.

Nào khi chấn ngủ màng phong,

Bây giờ sương tiết ôm lòng xót xa!

 Nào khi cơm bạc đủa ngà,

Bây giờ nhịn đói thiết tha lòng nầy!

Đắng cay lòng mẹ thương thay,

Mặt võ mình gầy, mặt thắt héo don.

Bao giờ cho thấy mặt con,

Chiêm bao giờ mệt hãy còn vào ra.

Nhớ thôi lòng mẹ xót xa,

Tưỏng hình tưởng dạng in vào trái tim.

Dâu ôi! con hãy xuân niên

Chồng con vắng mặt chớ phiền làm chi.

Giữ lòng ái mộ ẩn vi,

Kẻo sa thất tình nhuốm phải bịnh thâm.

Mặc lòng mẹ chẳng dám cầm,

Ở lòng hai ý nhẫn tâm cho hòa.

Hai bên cũng mẹ cũng cha

Rể là rễ tạm dâu là thật con.

Thờ chồng thì giữ tiết son,

Nỡ nào lòng báo há còn ép duyên.

Dâu rằng: mẹ chớ ưu phiền,

Máy thiên mầu nhiệm gian nan phải vầy.

Tình con chẳng muốn hồi quê,

Lòng tôi muốn giữ tiết ngay thờ chồng .

Tôi đâu có ý gian vòng,

Mà mẹ phải dặn ghi lòng làm chi.

Nầy đoạn bên nước xi-lê,

Lê-xù ở đó nhiều bề gian nan.

Đói cơm rách áo cơ hàn,

Mình gầy mặt võ thế gian chê cười .

Nào ai biết giống vàng mười,

Thao đồng lộn lạo bố ngoài biết chi.

Giàu sang ghe kẻ yêu vì,

Khó hèn ghe kẻ nhún trề ai thương.

Lê-xù vào chốn thánh đường,

Gối quì khép nép nghiêm trang sánh bày.

Xin ăn dưỡng tánh đôi ngày,

Mười bảy năm chầy ở nước Xi-lê.

Chiếu manh gối đá nằm kề,

Chẳng hề bùi béo nào từng miến ngon.

Áo quần rách hết chẳng còn,

Lòng vàng càng vững dấu son càng bền.

 Phước nhiều đẹp ý Chúa trên,

Ảnh truyền chỉ phán một lời trọng thay.

Lê-xù cho dấu con hay,

Nhưng mà chẳng biết Lê-xù là ai.

Ra ngoài náo nức hỏi nhau,

Lê-xù mặt khó dàu dàu lo tây.

Âu là lánh khỏi chốn nầy,

Kẻo mà bổn đạo sau hay kính nhường.

Hăm hăm quyết chí liệu phương,

Trẩy sang nước khác dấu gương cho tuyền.

Xuống tàu mà trẩy xa miền,

Bỗng đâu máy nhiệm tự nhiên xiêu về.

Xảy liền xem thấy nhà quê,

Gẫm rằng: Ý Chúa cho về cùng chăng.

Ăn năn đánh tội khóc thầm,

Có phải ý Chúa cho bằng lòng con.

Chẳng thì náo nức bồi hồi,

Xin cha ra dấu cho tôi kẻo lầm.

Ăn chay khóc lóc âm thầm,

Chúa cha mở trí tri âm soi lòng.

Bước lên tìm hỏi nhà chung,

Giả làm khách khác lạ lùng chưa quen.

Mình gầy mặt võ da đen,

Ra đứng kẻ hèn ai dễ biết chi.

Tìm về nhà thánh Yêu-phê,

Chúng tôi bần đạo sớm trưa cậy cùng.

Trước là nương dựa nhà chung,

Sau đặng nhờ cùng cơm lạt muối rau.

Yêu-phê bắt mặt ngó ra,

Lão cũng rộng nhà nào có tiếc chi.

Lão xưa sinh đặng nam nhi,

Trốn cha cùng mẹ mà đi tu hành.

Biệt tin chẳng biết tử sinh,

Dạng vừa ngang mình tài cũng bằng nhau.

Kể đà mười bảy năm cao,

Chẳng biết phương nào dạ hãy còn trông.

Đỗ nhờ mặt thửa ý ông,

Lê-xù bước laị thềm cung mà ngồi.

Thốt đoạn ả thị thương ôi!

Đêm trường than khóc bồi hồi trông con.

 Non ơi non hỡi là non,

Non cao vọi vọi non còn có cây.

Phụng hoàng ác đỗ đầy bầy,

Chim kêu déo dắt liệng bay bao cùng

Trời ôi! trời ở trên không,

Tinh tú cửu trùng cữu vạn hành lai,

Đất ôi! Đất chở mọi loài,

Núi non sông biển vần xây bốn bề.

Biển ôi biển có kình nghê,

Hào ư ngư biếc tàu bè nghinh ngang,

Trăng kia vặc vặc sáng soi,

Cũng có khi khuyết khi chinh khi tròn.

Lòng tôi vọi vọi trông con,

Chẳng có khi mòn chẳng có khi hao.

Nhìn xem chốn thấp nơi cao,

Bắc đẩu nam tào chẳng thấy con đâu.

Vẳng tai nghe tiếng nhà lầu,

Chuông rung trống thúc thảm sầu đòi cây.

Con ai bêu ngựa dầy dầy,

Lạc mang rủng rảng gió tây đưa vào.

Con ai giảng sách thanh thao,

Ngọt ngon khéo léo dịu dàng thanh bai.

Con ai giúp lễ cho thầy,

Hình duông yểu điệu áo dài nhủm nha.

Con người nào hỡi con ta,

Yêu-phê ông hỡi xót xa đoạn trường.

Mình tôi nhuốm bịnh tư lương,

Xóp ve thắt thẻo ruột tầm héo khô.

Con ơi con ở nơi mô,

Có hay lòng mẹ, héo khô chăng là.

Lê-xù ngồi ở trong nhà,

Nghe tiếng mẹ khóc, hồn hoa phập phòng.

Lòng tôi chuyển động tâm bào,

Cũng bằng sóng dợn giữa dòng hải ba.

Ròng ròng nước mắt nhỏ sa,

Sấp mình xuống đất xin cha chữa rày.

Áo để trước mặt một vày,

Mà thấm nước mắt kẻo hay lộ tình.

Ngồi thì một tấm chiếu manh,

Vật mình lăn khóc nằm quanh ven thềm.

Nào khi áo gấm gối êm,

Bây giờ ở thềm ngồi dựa chơn thang.

Chờ cho vắn vẻ thánh đàng,

Gối quì tạ Chúa toan đang cầu nguyền.

Cầu cho cha mẹ anh em,

Họ hàng thân thích bốn bên trường tồn.

Cầu cho các đẳng linh hồn,

Khỏi nơi luyện ngục đua tuôn lên trời.

Xin bà bàu chữa cho tôi,

Khỏi nơi linh bạc về ngay Thiên đàng.

Ngày ấy có khách bạn quan,

Mời ông ăn uống một đoàn đều đi.

Thốt đoạn ông bà Yên-phê,

Bởi chưng đi khỏi sự tình chưa hay.

Gia nhơn có đứa ghét thay,

Dọn cơm ăn uống Xù rày chẳng cho.

Gia nhơn có đứa hồ đồ,

Ăn rồi lại đổ cặn canh trên đầu.

Lê-xù chẳng quản chẳng âu,

Ơn Chúa rưới đầu mát mẽ mình tôi.

Một giây ông bà tái hồi,

Mới hỏi đệ tử một lời cho hay.

Bay có cho đứa ăn mày,

Cháo cơm nhiều ít cùng bay chẳng là?

Lê-xù vừa mới thốt ra,

Ơn ông nhiều ít cũng qua tháng ngày.

Chúa trời thương xót Xù thay,

Sai thiên thần mách cho hay sự tình.

Ngày mai lễ nhút Du Minh,

Lê-xù dọn mình mà đến cùng Cha.

Thiên thần hiện xuống canh ba,

Sáng khắp cả nhà mà chẳng ai hay.

Nói cùng Lê-xù bằng nay,

Ngày mai dọn sạch về ngay thiên đàng.

Lê-xù nước mắt hai hàng,

Đạo thân chưa trả lòng càng thảm thay.

Lẽ nào mặc ý Chúa bày,

Chép thơ một bức trong tay vừa rồi.

Miệng còn nguyện Chúa chưa thôi,

Linh hồn Chúa rước về trời trọng thay.

Tơ thì còn nắm trong tay,

Nhà chung vắng vẻ ai hay đâu là.

Ngay mai lễ nhứt Misa,

Bốn phương thiên hạ gần xa chầu quì.

Bỗng liền nghe tiếng uy nghi,

Ảnh truyền chỉ phán một khi nhãn tiền.

Mới rao bổn mạng anh em,

Đi táng xác thánh cho an hãy về.

Rằng: có trong nhà Yêu-phê,

Thấu tình ai nấy mọi bề trước sau.

Các thầy khi ấy đua nhau,

Đi theo yêu lão bước vào nhà chung.

Hào quang sáng khắp tây đông,

Kinh khủng hãi hùng tìm hết dưới trên.

Bỗng liền thấy xác kẻ hèn,

Gối quì ngửa mặt tờ thì cầm tay.

Các thầy quì gối nguyện thay,

Nức mùi hương xạ bay ra ngọt ngào.

Thầy cả dạy đem tờ vào,

Mở ra chẳng đặng tiêu hao lo lường.

Đều thì cầu Chúa xin thương,

Mở ra tay thánh cho tường căn do.

Tức thì tay thánh chẳng co,

Tờ liền rơi xuống đem vô đọc rằng:

 

VẬY CÓ THƠ RẰNG:


Chúa cả công bình sáng soi phù hộ,

Tôi nay chính tổ I-ta-li-a.

Yêu-phê ấy hiệu là cha,

Dưỡng dụ ca-lai thật mẹ.

Muốn cho con bia danh hơi quê,

Nối nghiệp tông đàng.

Rước dâu về đồng tịch đồng sàng,

Để hồng sinh con tấn cháu.

Giữ lấy tiền tài châu báu,

Coi sản nghiệp điền viên.

Chẳng tham vì sắc dục thói phàm,

Bèn lánh khỏi tam cừu vấn vít.

Liều mình li biệt ba bánh lưu di.

Mười bảy năm ở nước Xi-lể,

Bổng một tiếng ảnh truyền chỉ phán.

 Lòng tôi muốn trọn khổ hạnh tu trì,

Lánh đi cho khỏi tiếng người khen.

Bỗng xui lại cũng nhờ máy nhiệm,

Giả làm người cô tiện,

Xin nương ngụ tiền đàng.

Ước mẹ cha giải hội suối vàng,

Cho con đặng đền ơn báo bổ.

Mười bảy năm ở cùng thân phụ,

Cha mẹ nào hay.

Đêm năm canh mẹ khóc kể bày,

Lòng tôi thảm thiết

Nín làm thin hai hàng nhỏ giọt,

Cũng nín qua một trận bão bùng.

Nước mắt ròng ròng dạ sôi sục sục,

Lộn ruột tám chín khúc,

Giả lời khiến ba lo.

Cúi xin Chúa hộ phù,

Cậy có sức thiên che chở,

Khỏi tay kẻ dữ đặng gặp vận lành.

Linh hồn Chúa rước về chốn thiên đình.

Giả ơn vợ thờ chồng trọn tiết,

Làm bức thơ nầy cho cha mẹ biết,

Kẻo thương con ngày tháng luống trông.

Tay chấp thơ phong A-lê-xù-thật.

 

 Nay thơ.

Bây giờ mới biết rằng: con,

Thơ thẩn thần hồn lòng mẹ xót xa.

Con ôi! Thì nầy Yêu-phê,

Thì này ả thị con thì biết chăng?

Kiếm con từ chín con trăng,

Sau con cũng rằng: hờn mẹ giận cha.

Trách lòng con chẳng nói ra,

Con đã về nhà còn hãy dấu tên.

Bỏ con tất tưởi chẳng nhìn,

Cho nên con chịu ăn xin ăn mày!

Mẹ cha dễ thiếu áo dài,

Để con một tấm chiếu manh lạnh lùng?

Cha mẹ dễ thiếu gối bông,

Để con gối đá nào lòng cho yên?

Mẹ cha dễ thiếu bạc tiền,

Để  cho con chịu thế hèn dễ duôi.

 

THAN RẰNG:


A-lê-xù hỡi!

Sao con chẳng dậy chào mẹ một lời,

Công mẹ dưỡng nuôi cưu mang đùm bọc.

Gối già mệt nhọc cũng bởi vì con.

Bùi béo ngọt ngon mẹ đà dành để.

Bên ướt cho mẹ bên ráo con nằm,

Kẻo gió lạnh thăm thấm vào lòng dạ.

Trông cho con cả đặng mẹ cậy trông,

Ai hay hờn lòng lại đi trước mẹ,

Ròng ròng châu lụy nước mắt hai hàng.

Của cải bạc vàng đem đi làm phước,

Tưởng như thế tục cưới vợ cho con.

Trông con lớn khôn so hơn so thiệt,

Từ rày mới biết là nổi nước này,

Mẹ gối đầu tay cho con an giấc.

Linh hồn Chúa rước về chốn thiên cung,

Cầu cho cha mẹ cùng là vú bõ.

Lòng mẹ tuổi hổ nhiều nổi đắng cay,

Thảm thiết thương thay A-lê-xù hỡi!

 

THÊ THAN:


Ôi! chàng sao bất ngãi biến cải nên lòng,

Chúa dựng A dong nhứt phu nhứt phụ,

Đạo cang thường chàng sao viên cố,

Dươn cầm sắc anh nỡ đổi dời,

Chẳng nói một lời cùng nhau tuổi hổ,

Hay tôi cứng cổ nết ở hồ đồ,

Chẳng kính cậu cô ra đàng võ thị,

Hay tôi du hý thói ở gian tà,

Ngũ nghịch nhiều điều bất trung bất chánh,

Cho nên chàng lánh những thuở đến nay,

Bao nhiêu năm chầy chẳng cho thấy mặt,

Nằm sao bặt bặt bỏ bạn mà đi,

Chẳng đoái chẳng rằng: đến tôi là vợ,

Lòng chàng chí quyết dốc giữ tu hành,

Chẳng hiệp dươn lành ái ân thì chớ,

Miễn là chàng ở tháng ngày  thấy nhau,

Bỏ mà đi đâu một mình làm vây,

Nén vàng ngày ấy trao lại cho tôi,

Dặn tôi thì cầm làm thinh chớ nói,

Chàng sao khéo léo dối trước toan dùng,

Giã tôi ròng ròng không hay không biết,

Lòng tôi chí thiết chàng bỏ đi đâu,

Luống chịu thảm sầu những trông những đợi,

Chàng ôi! Chàng hỡi chàng có hay chăng,

Chẳng đoái chẳng rằng cùng nhau hơn thiệt,

Làm chi li biệt  nhiều nổi thảm thương,

Hết sức khôn lường phen này tách biệt.

Thấy thơ mờ mệt mà chẳng thấy chàng,

Thảm thiết thương thay Lê-xù anh hỡi,


Nay than,

 

Than thôi rồi lại thảm sầu,

Lê-xù anh khéo nhiệm mầu khá thương.

Xin cho tới chốn thiên đường,

Hưởng bề phước lạc đời đời hiển vang.

Sao anh giấu mẹ giấu cha,

Liều mình quyết chí thật thà đồng trinh.

Thốt thôi vợ chồng Yêu-phê,

Lo chưng cất đặt con nay ân cần.

Vàng cân bạc khối nhiều thay,

Đem ra làm phước ngày rày cho con.

Loan xa đắp đổi vuông tròn,

Ông bà trợ táng chẳng cần tiếc chi.

Anh em bổn đạo điều đi,

Các thầy sum họp cũng đều ai bi.

Táng đưa xác thánh một khi,

Cất rồi thầy mới khuyên thì ai ai.

Cầu xin cùng Chúa giúp cho,

Ngày sau hưởng phước lên toà hiển vang.

Lê-xù người thánh rất ngoan,

Rày đà hưởng phước vĩnh an cõi trời.

Xin cho ta đặng như người,

Linh hồn hiện tại cõi trời phong quang.

 

(caimon.org)