Trong đời sống chúng ta, hẳn tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ thân thương và trìu mến nhất. Đi khắp đông tây, thật hiếm có một thứ tiếng nào bây giờ chứa từ tượng hình và tượng thanh nhiều như tiếng Việt, âm thanh khi phát ra người nghe như được thưởng thức những giai âm trong bản nhạc trầm bổng, cảm xúc phát ra từ những từ tiếng Việt cũng lan ra rất nhanh và tác động rất mạnh, nhất là trong tâm hồn người Việt. Tuy nhiên, tiếng Việt đẹp bao nhiêu, dễ học, dễ nhớ bao nhiêu thì vẫn không tránh khỏi những lúc chúng ta có thể sử dụng nhầm hoặc sai nó. Với nhiều người học tiếng Việt, khi còn bé chắc hẳn khó ai tránh khỏi những sai sót, những sai sót chưa được giải thích hoặc dẫu có giải thích nhưng chưa được xác đáng dẫn đến sau khi lớn lên mang nhiều chấp kiến về từ ngữ tiếng Việt nên sử dụng sai từ hoặc hiểu sai về cách sử dụng tiếng Việt.
1. Chia sẻ hay chia xẻ
Nói đến cặp từ này, chắc hẳn hầu hết chúng ta đều quả quyết cho rằng "chia sẻ" mới là từ đúng nhất và được dùng phổ thông nhất chứ chả mấy ai dùng "chia xẻ". Nhưng bạn có hay, hai từ này đều được sử dụng, mặc dù nghĩa của chúng có hơi khác nhau.
Chúng ta sẽ đi vào phân tích từng từ một xem ý nghĩa của những từ đó như thế nào nhé. Với từ "chia sẻ", "chia" có nghĩa là chia ra từng phần, từ một chỉnh thể; còn đối với từ "sẻ" có nghĩa là sẻ ra một ít hoặc lấy bớt ra một phần. Vậy nên ý nghĩa của từ "chia sẻ" sẽ là cùng nhau chia sẻ những thành quả để cùng hưởng, hoặc là cùng chia sẻ khó khăn. (ví dụ: chia cơm sẻ áo, chia sẻ nỗi buồn).
Còn đối với từ "chia xẻ"- "chia" ở đây vẫn có nghĩa là chia nhỏ thành những phần nhỏ, từ một phần chỉnh thể, trong khi đó "xẻ" lại là chia, bổ, cắt rời ra theo chiều dọc, không còn dính liền nhau nữa, hay có nghĩa là đào cái gì cho thông, thoát (VD: xẻ rãnh thoát nước).
Vậy nên, đối với cặp từ "chia sẻ" và "chia xẻ" này chúng đều cùng là động từ, có nghĩa gần giống nhau nhưng sử dụng trong mỗi trường hợp khác nhau. Bạn nên suy nghĩ lựa chọn những từ thích hợp với từng hoàn cảnh chứ không nên cãi cố là không có từ "chia xẻ" nhé
2. Giả thuyết hay giả thiết
Đây là một cặp từ rất dễ dàng gây nhầm lẫn với chúng ta, có nhiều người cho rằng "giả thuyết" mới là đúng, nhưng cũng không ít người lại phủ nhận điều đó và cho rằng "giả thiết" mới là chính xác nhất và được dùng phổ biến nhất trong tiếng Việt. Nhưng trên thực tế cả hai từ này đều đúng và đều có thể sử dụng nhưng chỉ ớ các trường hợp khác.
Cụ thể, "giả thuyết" được sử dụng trong trường hợp muốn nêu luận điểm mới trong khoa học để giải thích một hiện tượng tự nhiên nào đó và tạm được chấp nhận, chưa được kiểm nghiệm, kiểm chứng.
Trong khi đó, từ "giả thiết" lại được dùng trong toán học hay một định lý nào đó sau đó suy ra kết luận của định lý hay lời giải bài toán đó.
Còn đối với Hoàng Phê tác giả cuốn sách Từ điển Tiếng Việt lại cho rằng: "giả thiết" - điều coi như là có thật, nêu ra làm căn cứ để phân tích, suy luận, giả định. Bởi vậy, hai từ "giả thiết" và "giả thuyết" đều đúng, chỉ là bạn nên chọn từ thật đúng trong mỗi trường hợp mà thôi.
3. Độc giả hay đọc giả
Chúng ta cần hiểu rõ, "độc giả" là một từ thuần chủng Hán Việt gồm hai chữ gốc Hán: "độc" mang ý nghĩa là "đọc" hay "học" còn "giải" mang ý nghĩa chỉ "người". Khi cho hai từ "độc giả" này kết hợp cùng nhau sẽ mang ý nghĩa là "người đọc".
Còn trong từ điển tiếng Việt của tác giả Hoàng Phê, được xuất bản năm 2000, ở trang 336 cũng có định nghĩa về từ "độc giả". Với tác giả Hoàng Phê ông lý giải cho ý nghĩa của từ này đó là người đọc sách báo, có mối quan hệ với tác giả, nhà xuất bản, cơ quan báo chí, thư viện.
Trong khi đó, từ "đọc giả" được một số người sử dụng với nghĩa "người đọc" hay "bạn đọc" – bao gồm "đọc" là một từ thuần Việt và "giả" là một chữ Hán Việt. Khi ghép hai từ này vào, ta sẽ nhận thấy một sự kết hợp không hợp lý.
Vậy nên có thể khẳng định rằng, "độc giả" mới là từ đúng.
4. Chín mùi hay chín muồi
Cũng trong cuốn Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê cũng có đề cập tới từ "chín muồi", đây là từ thường dùng để nói đến những loại trái cây đã đạt độ chín, ngon nhất. Hoặc nói về sự phát triển nhất của một vấn đề nào đó đã chuyển sang giai đoạn hoặc trạng thái chín muồi.
Còn đối với từ "chín mùi" lại rất ít khi được chúng ta đề cập tới. Ngay cả từ điển của tác giả Nguyễn Kim Thản (2005) ông cũng chỉ đề cập đến từ "chín muồi".
Bởi vậy, chúng ta có thể dễ dàng khẳng định, từ đúng ở đây là "chín muồi".
5. Tựu chung hay tựu trung
Đối với hai từ này, thì trong các trường hợp từ "tựu trung" mới là đúng nhất. Thế nhưng, không ít người lại có thói quen sử dụng "tựu chung", họ cho rằng nghĩa của từ "chung" trong "tựu chung" giống với từ "chung quy".
Để tìm hiểu ý nghĩa của từng từ, chúng ta sẽ tách riêng từng từ ra để phân tích. Với từ "tựu" có nghĩa là tới (tề tựu); trung: là ở giữa, trong, bên trong. "Tựu trung" có nghĩa là tóm lại, biểu thị điều sắp nêu ra là cái chung, cái chính trong những điều vừa nói đến. Ví dụ: Mỗi người nói một kiểu nhưng tựu trung đều tán thành cả.
6. Vô hình chung hay vô hình trung
Theo cách hiểu cũng như cách sử dụng của đa số mọi người thì hầu hết mọi người thường dùng từ "vô hình chung" chứ ít khi chúng ta thấy dùng "vô hình trung". Thế nhưng, cách hiểu cũng như cách sử dụng của đa số chúng ta hoàn toàn sai.
"vô hình trung" trong từ Hán Việt có nghĩa là "trong cái vô hình". Còn đối với từ điển Tiếng Việt "vô hình trung" lại có định nghĩa: tuy không có chủ định, không cố ý nhưng tự nhiên lại làm (tạo ra, gây ra việc nói đến). Ví dụ: "Anh không nói gì, vô hình trung đã làm hại nó".
Trong khi đó, lại không có từ điển nào đề cập tới từ "vô hình chung". Vậy nên, lâu nay chúng ta đang sử dụng từ hoàn toàn sai.
7. Nhậm chức hay nhận chức
Theo nghĩa của từ Hán Việt thì "nhậm" trong từ "nhậm chức" là một người sẽ gánh vác công việc, nhiệm vụ để quản lý nhân viên; trong khi đó "chức" có nghĩa là chức trách, bổn phận, nhiệm vụ. "Nhậm chức" chúng ta có thể hiểu nôm na đó là người sẽ gánh vác, đảm đương chức vụ do những cấp trên bàn giao, bổ nhiệm cho họ.
Trong khi đó, từ "nhận chức" trong nghĩa Hán Nôm thì "nhận" là tiếp đón, chịu lấy, lĩnh lấy; nên "nhận chức" là nhận chức vụ, nhưng không diễn tả được trách nhiệm với chức vụ đó. Theo nghĩa Hán, "nhận" là nhìn, biết, chịu, bằng lòng nên "nhận chức" không có nghĩa.
Do đó, dù chúng ta hiểu theo nghĩa của Hán Nôm, hay Hán Việt thì từ "nhận chức" đều không có nghĩa diễn tả được trách nhiệm đối với chức vụ. Do đó, từ đúng phải là "nhậm chức".
8. Chẩn đoán hay chuẩn đoán
Giữa hai cặp từ này nhiều người thường nghĩ có ý nghĩa giống nhau, dùng từ nào cũng đúng. Thế nhưng, theo đúng chuẩn của Tiếng Việt thì chỉ có một từ đúng thôi.
"Chẩn đoán" - "chẩn" được hiểu theo nghĩa là xác định, phân biệt dựa trên những triệu chứng, dấu hiệu có sẵn; "đoán" lại có nghĩa dựa vào cái có sẵn đã biết để tìm cách suy ra điều chủ yếu còn chưa rõ hoặc chưa xảy ra.
Như vậy "chẩn đoán" sẽ được hiểu theo nghĩa là bệnh tình đã được xác định, dựa trên những triệu chứng, kết quả có sẵn. VD: Chẩn đoán bệnh có đúng thì điều trị mới có hiệu quả.
Trong khi đó, "chuẩn" trong từ "chuẩn đoán" lại không hề mang ý nghĩa như vậy? Từ "chuẩn" chỉ có nghĩa là cái được chọn làm căn cứ để đối chiếu, hướng theo đó mà làm đúng; hay là cái được công nhận là đúng theo quy định hoặc theo thói quen trong xã hội mà thôi.
Vì vậy, "chẩn đoán" mới là từ đúng.
9. Tham quan hay thăm quan
Cũng như trường hợp trên thì hai từ này cũng khiến chúng ta dễ nhầm lẫn. Để tìm được từ sử dụng chính xác nhất chúng ta cùng phân tách nghĩa của từng từ để tìm hiểu nhé!
Với từ "thăm quan"- từ "thăm" được hiểu hiểu theo nghĩa là sự quan tâm, hỏi han của chúng ta đến nhau, hoặc tìm hiểu về tình hình trường lớp... với từ "quan"- quan sát.
Trong khi đó, "tham quan" lại là một động từ, nếu hiểu theo nghĩa Hán thì "tham" có nghĩa là thêm vào; "quan" quan sát, nhìn nhận vấn đề. Do đó, "tham quan" nghĩa là đi tận nơi để quan sát, mở rộng hiểu biết và học hỏi kinh nghiệm.
Tuy nhiên, từ này đồng âm khác nghĩa với từ "tham quan" (danh từ) chỉ viên quan có tính tham lam. Bởi vậy, từ "tham quan" mới là từ chính xác.
10. Sát nhập hay sáp nhập
Nếu ai đó hỏi bạn từ "sát nhập" hay "sáp nhập" mới đúng. Bạn sẽ trả lời sao? Sự thật là gốc của 2 từ "sát nhập" và "sáp nhập" này bắt nguồn từ "sáp nhập" – một từ ngoại lai. Trong đó, "Sáp" có nghĩa là cắm vào, cài vào; còn "Nhập" nghĩa là vào, tham gia vào, đưa vào.
Do vậy, "sáp nhập" là nhập chung lại, gộp chung lại làm một. (Ví dụ: Sáp nhập ba xã làm một/ Công ty A sáp nhập vào công ty B). Với từ "sát nhập", từ "sát" là từ biến âm, biến thể dân gian của từ "sáp" mà ra. Từ "sát" trong tiếng Việt có nghĩa phái sinh từ từ "sáp".
Ngoài nghĩa gốc là cắm vào, cài vào thì còn có nghĩa là liền ngay bên cạnh, xích gần lại đến mức không còn khoảng cách. Đứng trên quan điểm đồng đại, nhiều người sử dụng hai từ "sáp nhập" và "sát nhập" y như nhau. Một vài cuốn từ điển tiếng Việt đề cập đồng thời hai từ "sáp nhập" và "sát nhập" với nghĩa tương tự nhau.
Tuy nhiên, theo ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quận – Trưởng Bộ môn Hán Nôm Khoa Văn học và khoa Ngôn ngữ - trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thì không nên sử dụng hai từ này giống nhau bởi nó không thật hợp lý.
Từ "sát" – tức là cạnh đến mức không còn khoảng cách, còn "sáp" nghĩa là cắm vào, cài vào; nếu sử dụng chung, nghĩa gốc của từ "sáp" không còn, từ đó, nghĩa của từ đã bị thay đổi.
11. Giành giật hay dành giật
"Dành" là động từ và thường được chúng ta sử dụng để nói đến sự tiết kiệm, cất giữ, xác định quyền sở hữu, chia phần cho ai đó. Ví dụ: để dành, dành cho, dành dụm...
"Giành" cũng là một động từ, thường được dùng thể hiện sự tranh đoạt, chiếm lấy của người khác. Ví dụ như giành cúp, giành chức vô địch, giành quyền, tranh giành
Vậy nên, trong cụm từ này để nó có nghĩa thì chúng ta nên sử dụng từ "giành giật".
12. Cảm ơn hay cám ơn
"Cảm ơn" và "cám ơn" là hai cụm từ thể hiện sự biết ơn của mình đối với người khác. Tuy nhiên, nhiều người Việt lại không phân biệt được rõ ràng, thường sử dụng lẫn lộn. Vậy trong 2 từ này, đâu mới là từ đúng?
Chắc hẳn không ít bạn từng thắc mắc, "cảm ơn" hay "cám ơn", từ nào đúng? Nếu xét về nghĩa gốc, thì từ đúng sẽ là "cảm ơn", và đây cũng là một từ hình thành từ gốc Hán (viết theo Hán tự là ). Từ "cảm" vốn được sử dụng với từ "cảm thụ", "cảm nghĩ", "cảm giác", còn "ơn" là "ơn nghĩa". Nói "cảm ơn" chính là để thể hiện rằng "Tôi đang cảm nhận sâu sắc ơn nghĩa của bạn". Thế nhưng, do cách phát âm ở mỗi vùng miền khác nhau, chúng lại bị đọc thành "cám ơn".
13. Chắp bút hay chấp bút
"Chắp" là động từ có thể hiểu là ghép lại, nối lại. Chắp thường được dùng như chắp bút, mắt lên chắp…
"Chấp" cũng là động từ này nếu được hiểu theo nghĩa thường là nhận lấy cái bút, cầm lấy bút để làm việc. Còn nếu hoa mỹ hơn thì chấp bút là khởi thảo, thực hiện một văn bản, công trình nào đó theo bản đề cương có sẵn, hoặc theo ý kiến, sự chỉ đạo của cá nhân hoặc tập thể nào đó
Vậy nên, khi dùng từ này chúng ta nên dùng từ "chấp bút" nó sẽ khiến lời văn của bạn trở nên đẹp hơn.
14. Chỉnh chu hay chỉn chu
Đây đều là hai tính từ. Tuy nhiên, nếu phân tích cho có nghĩa thì "chỉn chu" được hiểu là thận trọng, chu đáo. Từ này thường được dùng để nói về việc bạn mặc quần áo chỉn chu, hay tính toán chỉn chu, tác phong chỉn chu,…
Riêng "chỉnh chu" lại là từ sai có thể do nhầm lẫn với chỉnh trong hoàn chỉnh.
15. Xúc tích hay súc tích
Đây là từ thường được các giáo viên phê trong bài văn của các bạn. Nhiều người cho rằng "xúc tích" mới là chính xác bởi nếu giải thích thì "xúc" là "xúc cảm", "tích" là "tích trữ". Như vậy "xúc tích" là tích trữ nhiều xúc cảm, như vậy một bài văn "xúc tích" là một bài văn ngắn nhưng nói lên nhiều điều. Thế nhưng, từ này lại là từ sai chính tả.
Nếu muốn dùng để phê lời phê chính xác thì chúng ta nên dùng "súc tích", từ này thể hiện lời văn vừa ngắn gọn vừa làm cho người đọc hiểu được ý của nó.
16. Bạc mạng hay bạt mạng
"Bạc mạng" là từ không có nghĩa. Vậy nên, đây là từ hoàn toàn sai, không được sử dụng trong tiếng Việt.
"Bạt mạng" là tính từ được hiểu là bất chấp, liều lĩnh. Từ này thường được dùng nhiều khi nói về những người tham gia giao thông.
17. Cọ sát hay cọ xát
Cũng như "Bạc mạng" ở trên thì từ cọ sát không hề có nghĩa. Chính vì thế đây là từ sai.
Còn "cọ xát" đây là một động từ nhằm biểu đạt hành động cọ đi cọ lại, xát vào nhau; tiếp xúc, thử thách trong những hoàn cảnh khác nhau, môi trường khó khăn và đa dạng.
18. Sáng lạng hay xán lạn
Giữa hai cặp từ này thì "xán lạn" mới là cặp từ đúng, cụm từ này nếu phân tích từng từ ra thì “xán” có nghĩa là rực rỡ, còn “lạn” sáng sủa.
Còn "sáng lạn" lại là từ không có nghĩa, thế nhưng do cách phát âm vậy nên nhiều người vẫn gặp những lỗi sai căn bản.
19. Khuyến mãi hay khuyến mại
Một số người vì không hiểu nghĩa của hai từ gốc Hán Việt "mãi" và "mại" bên cạnh đó "mãi" và "mại" có âm thanh gần giống nhau (chỉ khác nhau về thanh điệu) nên bị lẫn lộn giữa mãi và mại, khuyến mãi bị gọi nhầm thành "khuyến mại".
Nếu phân tích theo nghĩa Hán Việt thì "mãi" có nghĩa là mua. Còn từ "mại" trong từ Hán Việt lại là bán. Chính vì thế khi muốn khuyến khích người mua hàng, kích cầu tiêu dùng thì chúng ta nên dùng từ "khuyến mãi" thì chính xác hơn thay vì "khuyến mại'.
20. Kết cục hay kết cuộc
Trong hai từ này thì từ chính xác sẽ là" kết cục". Từ này có ý ám chỉ kết quả sau một chuỗi hành động nào đó của con người chúng ta.
Hy vọng bài viết trên sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình sử dụng tiếng Việt giúp cho tiếng Việt của chúng ta ngày càng trở nên giàu và đẹp. Đó là một cách để biểu hiện lòng yêu đất nước, yêu dân tộc mình của người Việt Nam.
Nguồn bài viết: Nhật Vượng.