Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

Thánh Kinh bằng hình: Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm C

Thánh Kinh bằng hình: Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm C

Phúc Âm: Lc 15,1-3.11-32“Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy.” (Lc 15,22-24)
Suy niệm:
Sao không vui được khi cha mẹ có những người con ngoan! Càng vui hơn khi lỡ có đứa con nào hư hỏng mà nay biết ăn năn trở về. Đức con hư, bỏ nhà đi hoang coi như đã chết; nay nó trở về, khác nào sống lại, niềm vui được nhân đôi. Dụ ngôn diễn tả niềm vui khôn tả của người cha khi thấy con mình trở về nhà: ông không còn nhớ tới quá khứ tội lỗi của con nữa, mà phục hồi cho cậu trọn vẹn quyền làm con: “Đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng.”
Mời Bạn:
Hôm nay, ngày Chúa Nhật thứ IV Mùa Chay, gọi là ngày Chúa Nhật Vui Tươi vì chữ đầu tiên của ca nhập lễ trong Chúa Nhật này là “hãy vui lên.” Phúc Âm của ngày lễ hôm nay diễn tả niềm vui ấy qua hình ảnh người cha khi đứa con đi hoang trở về. Tuy nhiên, niềm vui của người cha chưa được trọn vẹn vì còn người con tuy “ở nhà” bằng thân xác nhưng tâm hồn thì đã bỏ nhà ra đi qua thái độ chấp nhất, phân bì với em mình và trách móc cha. Người cha đang tha thiết mời gọi hãy tha thứ và sám hối. Người cha ấy là Thiên Chúa cũng sẽ rất đỗi mừng vui mỗi khi tội nhân sám hối trở về.
Sống Lời Chúa:
Mỗi ngày làm một hành vi sám hối để hoà giải với Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, sám hối trở về là điều kiện để được sống trong niềm vui. Xin cho chúng con trong Mùa Chay này dứt khoát đứng lên trở về với Chúa là Cha đầy tình thương và tha thứ.
Thánh Kinh bằng hình (tiếng Việt)

Thánh Kinh bằng hình (tiếng Anh)

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2019

LỊCH SỬ TƯỢNG CHÚA KITO VUA - VŨNG TÀU

LỊCH SỬ TƯỢNG CHÚA KITO VUA - VŨNG TÀU
Nằm chót vót trên đỉnh núi Nhỏ, tượng đài Chúa Kitô Vua Tao Phùng như một ngọn tháp canh thu vào tầm mắt du khách toàn bộ cảnh quan của thành phố Vũng Tàu
Năm 1972, cha Phaolô Nguyễn Minh Tri cùng với bà con giáo dân Vũng Tàu khởi công xây dựng một tượng đài Chúa Kitô, theo dự kiến cao khoảng 10m, đặt trên bệ cao 5m ngay tại mũi Nghinh Phong dưới chân núi Nhỏ. Công việc xây dựng đang tiến hành thì bị gián đoạn vào năm 1973, đại tá thị trưởng Vũng Tàu ra lệnh ngưng mọi công tác xây dựng do khiếu nại của Giáo Hội Phật Giáo cho rằng địa điểm này được dành cho GHPG. Để giữ hòa khí giữa hai tôn giáo, các cuộc họp được tổ chức và kết quả bản thỏa hiệp được ký kết và ngày 16 -02- 1974 Giáo Hội Công Giáo sẽ xây dựng các công trình tôn giáo trên ngọn núi Tao Phùng với diện tích là 10 mẫu và để lại mũi Nghinh Phong ( Ô Quắn ) cho Giáo Hội Phật Giáo toàn quyền sử dụng.
Năm 1974, tượng đài Chúa Kitô được xây dựng lại trên đỉnh núi Tao Phùng thuộc dãy núi Nhỏ với diện tích rộng lớn 10 hécta. Do thay đổi vị trí nên tượng đài Chúa Kitô Vua Tao Phùng được thiết kế lại để phù hợp với độ cao mới và sự khắc nghiệt của khí hậu gió mùa nhiệt đới. Việc thay đổi này đem lại sự khó khăn về tài chính cũng như những điều kiện khác trong việc xây dựng. Tuy nhiên, công việc vẫn được tiến hành dưới sự chỉ đạo của cha Phaolô Nguyễn Minh Tri và sự giúp đỡ về tài chính của ông bà Lê Quang Tuyến. Công việc điều hành thi công do họa sĩ kiêm điêu khắc gia Văn Nhân và kỹ sư Nguyễn Quảng Đức cùng với 50 công nhân lành nghề thực hiện.Công việc đươc bắt đầu , dự định sẽ đào móng sâu 6m , nhưng mới được 3m thì đụng nền xi măng cứng ngắt .
Anh em quyết tâm đập thủng khối xi măng cốt thép chặn ngay đường tiến xuống, chưa biết dày mỏng bao nhiêu của một khoảng trống phía dưới.Vạch một vòng tròn to anh em quyết tâm chọc thủng để thăm dò phía sâu hơn, chọc thủng được chướng ngại vật, một người ngồi gọn trong cái thúng để anh em buộc dây thả xuống khoảng trống tối om phía dưới.Thật bất ngờ và lạ lùng: Đây là một hệ thống địa đạo được che chắn bằng xi măng cốt thép, chổ bị chọc thủng đây chính là lối đi ở giữa của hai dãy phòng, mỗi bên gồm 7 phòng, mỗi phòng dài 7 thước rộng 4 thước . Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là hệ thống phòng thủ do người Pháp hoặc người Nhật xây dựng trước đây. Rải rác trên sườn núi, người ta thấy các cửa hầm dẫn vào khu chỉ huy trung tâm nằm dưới đỉnh Tao Phùng, tất cả bị cỏ cây che phủ .
Như vậy móng của tượng đài phải xuống sâu hơn, qua khoảng trống của căn hầm và đụng đất, hoàn toàn bất ngờ đối với những người thi công. Ngày nay khi du khách đến tham quan tượng đài đều thấy hai khẩu thần công được đặt trên núi từ thưở nào, bên cạnh là tấm bảng của bảo tàng Bà Rịa-Vũng tàu với những hàng chữ: "Di tích lịch sử – trận địa pháo núi nhỏ, xây dựng cuối thế kỷ 19, hoàn thành năm 1905, công trình quân sự trong hệ thống phòng thủ chiến lược của Pháp tại Vũng Tàu “. Giải quyết xong phần móng của tượng đài, mọi người bắt tay vào việc với khí thế hào hứng. Vào những ngày cuối của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, tháng 4 -1975, công việc như dồn dập hơn. Tượng đài phải được hoàn tất để Đức Giê Su chừng kiến sự chuyển mình sang một trng sử mới của con dân đất Việt tiếng đạn pháo mỗi ngày một gần mọi người hối hả và ở đây trên đỉnh Tao Phùng công việc xây dựng tượng đài đang ở vào giai đoạn chót
Tượng được mài từ cao xuống thấp, cẩn thận và tỉ mỉ, mài đến đâu gỡ giàn giáo đến đó. Một vị linh mục cao tuổi, có lẽ là người duy nhất đã trèo lên ôm hôn mặt chúa trước lúc giàn giáo được tháo gỡ. Ông xúc động cầu nguyện cho quê hương vào giờ phút lịch sử, ông dâng đồng bào vào vòng tay mở rộng của Chúa. Ông cũng như đa số đồng bào của ông, chẳng mấy ai hiểu được sự chuyển mình của đất nước
Tháng 4- 1975, lịch sử đất nước sang trang, Quê Hương hòa bình thống nhất , tưởng rằng công việc sẽ được thuận lợi hơn sau khi đã hoàn tất tượng Chúa. Còn bao vịec phải làm, các bức phù điêu ở phần chân đế tượng, bậc thang dẫn từ chân núi lên đỉnh Tao Phùng, hoa phải được trồng thêm, cỏ hoang cần phải cắt xén…tất cả đều phải tạm ngừng, những ngổn ngang sau một cuộc chiến dài cần có thời gian để thu dọn, sắp xếp, từ lòng người tới cuộc sống .Thế là bức tượng Chúa GiêSu Vua tuy đã được hoàn tất nhưng cô quạnh trên đỉnh Tao Phùng, vào thời gian này, tháng 5-1980 người ta phát hiện thấy hệ thống thu lôi bằng dây đồng của tượng bị mất cắp. Không thể để bức tượng chơ vơ giữa mưa giông sấm chớp mù trời vào mùa mưa, cha Phêrô Trần Văn Huyên chánh xứ Vũng Tàu đã trình bày với các cha trong hạt và xin cha quản hạt làm đơn gởi lên chính quyền địa phương xin tu bổ và hoàn tất tượng đài . Đơn xin không được hồi âm và sau nhiều lần vận động đến năm 1992 chính quyền cho phép sửa chữa, tu bổ lại tượng Chúa. Lúc này Đất nước đang vào thời kỳ đổi mới, Thành phố Vũng Tàu đang trở thành một trung tâm du lịch lớn, không lẽ để tượng đài lớn nhất thế giới này trong tình trạng hoang phế trước mắt du khách mỗi ngày một đông đổ về Vũng Tàu. Lại một lần nữa dưới sự chỉ đạo của ban xây dựng giáo phận và các cha cúng toàn thể thợ, những cánh tay thành tâm công quả bất kể mưa nắng, một khối lượng công việc khổng lồ phải tiếp tục hoàn tất sau gần 20 năm bỏ hoang phế tu bổ tượng chúa GiêSu, thực hiện bốn bức phù điêu đặt ở bốn mặt chân tượng chúa, tượng đài Đức Mẹ ôm xác Chúa ( Pieta ) ngay trước tượng đài Chúa Giêsu, hoàn tất lối lên từ chân núi Tao Phùng, trồng hoa mua lại lữ quán Nghinh Phong làm nơi dừng chân cho du khách, tạo hệ thống nước mưa bảo đảm đủ tưới cây trong mùa khô, chỉnh trang mặt tiền lối lên từ đường Hạ Long
Và còn biết bao công đoạn. Riêng về 4 bức phù điêu ở phần chân đế tượng chúa, hai bức đã được hoàn tất trước ngày 30-4-1975. vào lúc công trình được tái thi công, điêu khắc gia Văn Nhân đang sinh sống tại nước ngoài, nguyện vọng của ông là được hoàn tất tượng chúa GiêSu trên núi Tao Phùng trước khi nhắm mắt. Ông vui sướng nhận lời trở về quê nhà tiếp tục công việc, nhưng lực bất tòng tâm, lên xuống gần 800 bậc thang bằng đá là một nỗi nhọc nhằn quá sức chịu đựng đối với cụ già vào tuổi cổ lai hy. Nhiều khi ông phải ngồi dưới chân núi, chỉ đạo các học trò của ông thực hiện các chi tiết trên cao. Bốn bức phù điêu diễn tả cảnh ba nhà đạo sĩ từ phương đông đến bái lạy Chúa Hài Đồng, cảnh bữa tiệc chia tay giữa các tông đồ và Chúa GiêSu trước ngày chịu nạn, cảnh Chúa đứng trước tòa án Philato và cảnh Chúa trao chìa khóa cho Phêrô làm đầu Hội Thánh. Bốn bức phù điêu che kín bốn mặt của đế tượng Chúa là phòng trưng bày phiên bản các bức danh họa liên quan đến kinh thánh được lưu trữ tại các bảo tàng viện nổi tiếng như Louvre, Peterbourg, Vatican
Chỉ hai năm sau ngày tái khởi công, ngày 01-12-1994, toàn bộ công trình thuộc khu vực tượng đài Chúa Kitô được hoàn thành. Tượng đài Chúa Kitô đặt trên ngọn núi Nhỏ đối diện mũi Nghinh Phong, ở độ cao 176m so với mặt nước biển. Tượng đài đứng giữa hướng đông nam và quay ra biển, bên phải là núi Ô Quắn, bên trái là Hòn Bà, phía sau là thành phố Vũng Tàu. Từ dưới bãi biển nhìn lên, tượng đài Chúa Kitô giang đôi tay sừng sững án ngữ trên đỉnh núi cao, bao quanh là những tán cây xanh mát tạo thành một điểm nhấn đầy ấn tượng. Từ trên cánh tay tượng đài nhìn xuống, du khách có thể nhìn thấy thành phố Vũng Tàu với nhà cửa san sát, công viên khu công nghiệp Đông Xuyên, hồ Thị Vải và dáng vẻ mập mờ của núi Hòn Bà được bao quanh bởi làn nước trong xanh của biển trời Vũng Tàu.
Với chiều cao 32m, hai tay giang dài 18,40m, trong lòng tượng có 133 bậc thang và có thể chứa khoảng 100 du khách tham quan, mỗi bàn tay dài 2,20m, ngón giữa dài 1,10m, tượng đài Chúa Kitô Vua Tao Phùng được xem là một trong những tượng đài về Chúa Kitô lớn nhất thế giới hiện nay. Tượng mẫu Chúa Kitô và bốn bức phù điêu dưới chân tượng do họa sĩ kiêm điêu khắc gia Văn Nhân thực hiện, kỹ sư Nguyễn Quảng Đức đảm trách phần họa đồ sắt và bêtông, gần chân tượng Chúa là tượng Đức mẹ của nhà điêu khắc Xuân Quang. Phần lớn nguyên vật liệu sử dụng cho công trình này đều là những sản phẩm trong nước, ngoại trừ xi măng trắng được nhập khẩu từ nước ngoài. Đá và cát được chở từ Đồng Nai, riêng đá mài ở mặt, tay, chân, tà áo, cầu thang lấy từ đá cẩm thạch ở núi Non Nước ngoài Đà Nẵng về xay nhỏ. Đá rửa bên ngoài pho tượng là sỏi nhỏ 3 ly sàng lọc kỹ càng lấy từ sông Đồng Nai.
Đường đi lên tượng đài dài trên 500m, rộng từ 5-10m với gần 800 bậc thang tính từ đường Hạ Long lên đến chân tượng. Đứng từ mũi Nghinh Phong nhìn lên, sứ trắng bao quanh con đường ngoằn ngoèo uốn lượn, bất chợt du khách có cảm giác con đường này giống một dải lụa trắng thướt tha., tượng đài Chúa Kitô (người dân Vũng Tàu thường gọi bằng một tên quen thuộc Tượng Chúa giang tay) trở thành một trong những điểm tham quan không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước khi đặt chân đến Vũng Tàu.
Ngày nay núi Chúa là một địa điểm tham quan mới trong hàng loạt các điểm du lịch văn hóa của Vũng Tàu thơ mộng, từ chân núi đi lên đều có trạm dừng chân cho du khách, cây cỏ hoa lá xanh tươi, gió lồng lộng, những bức tượng điêu khắc thật đẹp được đặt hai bên đường đi lên đỉnh núi, lên cao một chút bạn sẽ nhìn thấy những con thuyền nhấp nhô ngoài biển ,sóng vỗ rì rào cho ta một cảm giác thật thú vị .Hãy đến và lên đỉnh núi Chúa, nơi đây bạn hãy nguyện xin những gì mình cần cầu xin cho dù bạn là người công giáo hay không phải người công giáo, hãy đặt niềm tin của mình vào đấng tối cao bạn sẽ được toại nguyện
(theo Báo Công Giáo online)

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2019

Chúa nhật 3 Mùa Chay (năm C)

Chúa nhật 3 Mùa Chay (năm C)

Ngày 24.03.2019
Bài đọc 1 - Xh 3,1-8a.13-15
Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em.
Lời Chúa trong sách Xuất hành.
Bấy giờ ông Mô-sê đang chăn chiên cho bố vợ là Gít-rô, tư tế Ma-đi-an. Ông dẫn đàn chiên qua bên kia sa mạc, đến núi của Thiên Chúa, là núi Khô-rếp. Thiên sứ của Đức Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Mô-sê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi. Ông tự bảo : “Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được : vì sao bụi cây lại không cháy rụi ?” Đức Chúa thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông : “Mô-sê ! Mô-sê !” Ông thưa : “Dạ, tôi đây !” Người phán : “Chớ lại gần ! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh”. Người lại phán : “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-sa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp”. Ông Mô-sê che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa.
Đức Chúa phán : “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật.
Ông Mô-sê thưa với Thiên Chúa : “Bây giờ, con đến gặp con cái Ít-ra-en và nói với họ : Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con : Tên Đấng ấy là gì ? Thì con sẽ nói với họ làm sao ?” Thiên Chúa phán với ông Mô-sê : “Ta là Đấng Hiện Hữu”. Người phán: “Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này : “Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em”. Thiên Chúa lại phán với ông Mô-sê : “Ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en thế này : Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia”.


Bài đọc 2 - 1 Cr 10,1-6.10-12
Đời sống của dân Ít-ra-en với ông Mô-sê trong sa mạc đã được chép lại để răn dạy chúng ta.
Lời Chúa trong thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
Thưa anh em, tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về việc này : là tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Đỏ. Tất cả cùng được chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Mô-sê. Tất cả cùng ăn một thức ăn linh thiêng, tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Ki-tô. Nhưng phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa mạc.
Những sự việc ấy xảy ra để làm bài học, răn dạy chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như cha ông chúng ta. Anh em đừng lẩm bẩm kêu trách, như một số trong nhóm họ đã lẩm bẩm kêu trách : họ đã chết bởi tay Thần Tru Diệt. Những sự việc này xảy ra cho họ để làm bài học, và đã được chép lại để răn dạy chúng ta, là những người đang sống trong thời sau hết này. Bởi vậy, ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã.


Tin Mừng - Lc 13,1-9
Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao ? Tôi nói cho các ông biết : không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao ? Tôi nói cho các ông biết : không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”.
Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này : “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn : “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất ?” Nhưng người làm vườn đáp : “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi”.

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2019

Thánh Kinh bằng hình: Chúa nhật II Mùa Chay năm C



Thánh Kinh bằng hình: Chúa nhật II Mùa Chay năm C


Ngày 17 tháng 03 năm 2019

                                                             PHÚC ÂM:  Lc 9, 28b-36


“Đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường”.
Suy niệm
Mùa Chay là thời gian để “thanh tẩy”, thời gian để làm mới lại bản thân. Đây là điều rất thường trong sinh hoạt đời người: trong tiến trình lớn lên, con người được thay đổi từng giờ. Sự lớn lên ở thể chất sẽ chỉ là thực sự nếu có sự hòa hợp với độ tăng trưởng bên trong. Mùa Chay là thòi gian để ta canh tân nội tâm của mình. Thánh Mác-cô tả về độ trắng của áo Chúa Giê-su: không thứ bột giặt trần gian có thể giặt trắng được như thế. Và đây cũng là độ sâu của con người thực sự của chúng ta, khi được biến đổi qua phép Thánh Tẩy. Như khuôn mặt Chúa Giê-su ngời sáng khi Ngài cầu nguyện, khi đàm đạo với Mô-sê và Ê-li-a về cuộc tử nạn, thì khuôn mặt của người tín hữu cũng ngời sáng như thế, khi họ ăn chay, khi họ cầu nguyện, khi họ quan tâm chia sẻ cho người nghèo.
Sứ điệp
Mỗi khi một hành động nhân ái được thực hiện, thì khuôn mặt Thiên Chúa được ngời sáng và được nhận biết. Chúa Giê-su lên núi cầu nguyện và Ngài đã tỏ vinh quang Thiên Chúa cho các môn đệ. Trước vẻ đẹp thân linh đầy uy nghi thánh thiện, ba môn đệ đã té nhào. Ông Phê-rô bật lên lời khẩn xin từ đáy long: Xin làm ba lều… Ông không biết mình đã nói gì. Để tỏ lộ dung nhan của Thiên Chúa cho thế giới hôm nay, người tín hữu cần có một long bác ái tỏa hương thơm từ núi “cầu nguyện” như Chúa Giê-su. Lòng nhân ái ấy không chỉ là sự tốt tính của con người, nhưng tỏa ra mùi hương thương xót như chính Thiên Chúa, nguồn sức mạnh của họ
Nguồn: Tin Mừng Chúa nhật số 03 (02-2016)
Xem Video clip



Thánh Kinh bằng tiếng Việt






Thánh Kinh bằng tiếng Anh:


Nguồn: Kinh Thánh TGP. SG