Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2018

Thánh Kinh bằng hình: CN V Phục Sinh năm B

Thánh Kinh bằng hình: CN V Phục Sinh năm B

Chúa nhật ngày 29 tháng 04 năm 2018
Phúc Âm Ga 15, 1-8
Thầy là cây nho, anh em là cành.”
          Cây nho là hình ảnh quen thuộc và có vẻ tầm thường, nhưng lại được Chúa Giê-su sử dụng để trình bày những tư tưởng vô cùng sâu sắc về mối tương quan giữa Người với các môn đệ hoặc Ki-tô hữu mọi thời mọi nơi. Tuần trước, với hình ảnh Mục Tử nhân lành và đoàn chiên, chúng ta cảm nhận được mối tương quan biểu lộ qua những hành vi nói lên tình yêu của mục tử sẵn sàng thí mạng vì đoàn chiên.  Còn với hình ảnh cây nho và cành nho, Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh đến sức sống tuôn trào từ cây nho là chính Người sang các cành nho là Ki-tô hữu.  Sức sống bên trong lưu chuyển giữa cây nho với cành làm cho các cành nho sinh hoa kết trái.  Sức sống nội tại ấy chính là sự sống mới Chúa Ki-tô đem lại cho chúng ta qua sự Phục sinh của Người.  Đây cũng là điều Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy niệm.
          Trước hết là khẳng định của Chúa Giê-su:  Thầy là cây nho, anh em là cành.  Quả thực lời Chúa nói đây thật ngắn gọn.  Một chân lý càng ngắn gọn thì càng súc tích.  Một đàng là cây, một đàng là cành.  Nhưng giữa cây và cành tuy hai mà một, tuy một mà hai, lại có mối tương quan mật thiết và sống động.  Cây mang nhiệm vụ chia sẻ sức sống và nuôi dưỡng cành, còn cành có bổn phận phải gắn liền với cây và sinh hoa trái.  Chúa Giê-su là cây nho chứa đựng đầy tràn sự sống của Thiên Chúa và thông ban sự sống ấy sang cho các cành là các môn đệ, những kẻ đã được Người cứu chuộc và mang một căn tính mới của con cái Thiên Chúa.  Cũng như cành gắn liền với cây để sinh hoa trái, Ki-tô hữu “ở lại” trong Chúa Ki-tô để có thể đạt tới kết quả là được hoàn toàn cứu độ, cùng “kế thừa” gia nghiệp của Cha trên trời.  Sức năng động của sự sống ấy tuy chúng ta không dễ dàng nhận ra, nhưng quả là một chân lý không thể chối cãi.  Chúng ta nhận ra sự sống của cây nho khi nó đâm chồi nảy lộc vào mùa xuân, rồi những chùm hoa nhỏ xuất hiện.  Sau đó những trái nhỏ như hạt gạo cứ lớn lên mỗi ngày tựa như trông thấy được sự phát triển.  Diễn trình sức sống của Chúa Phục Sinh trong Ki-tô hữu cũng tương tự.  Nếu Ki-tô hữu cứ “ở lại” với Chúa như cành nho gắn liền với cây nho thì diễn trình cứu độ sẽ mỗi ngày phát triển và đạt tới mục đích “sinh hoa trái”, tức là được cứu độ.
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi
Thánh Kinh bằng tiếng Việt

Thánh Kinh bằng tiếng Anh
 Copyright of caunguyenbangtraitim.com

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2018

25/4: Thánh Marcô – Thánh sử, tác giả Tin Mừng Thứ II

25/4: Thánh Marcô – Thánh sử, tác giả Tin Mừng Thứ II

Phụng vụ năm nay gọi là Năm B, và vì thế, các Bài Tin Mừng Chúa Nhật sẽ được đọc Tin Mừng theo Thánh Marcô. Chúng ta thử tìm hiểu về vị thánh sử này.
Thánh Marcô còn được gọi là Gioan Marcô, là người môn đệ rất yêu dấu của Thánh Phêrô. Ngài đã viết lại cuộc đời của Chúa Giêsu một cách mạch lạc và rõ ràng theo chương mục dựa theo lời giảng dạy của Thánh Phêrô.
Thánh sử Marcô sống cùng thời với Chúa Giêsu. Mặc dù không ở trong số mười hai tông đồ, Thánh Marcô có quan hệ bà con với Thánh Barnaba tông đồ. Marcô nổi tiếng vì ngài đã viết một trong bốn sách Tin mừng. Đó là lý do Marcô được gọi là Thánh sử, hay còn gọi là tác giả sách Tin mừng thứ II. Tin mừng theo Thánh Marcô tuy ngắn gọn nhưng cung cấp nhiều chi tiết nhỏ mà chúng ta không thấy có trong các sách Tin Mừng khác.
Thánh sử Marcô được biểu trưng bằng hình con sư tử vì Tin Mừng của ngài mở đầu bằng tiếng nói oai hùng của Gioan Tẩy Giả trong Sa Mạc: "Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Có tiếng người hô trong hoang địa : Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi". (Mc 1,23).
Lúc còn trẻ, Marcô cùng với hai vị đại Thánh Phaolô và Barnaba đi rao giảng Tin mừng của Đức Chúa Giêsu nơi những miền đất lạ. Dù thế, trước khi cuộc hành trình kết thúc, Marcô dường như đã không hài lòng với Thánh Phaolô. Marcô đột nhiên trở về Giêrusalem. Sau này Phaolô và Marcô đã giải quyết với nhau những mối bất hòa của họ. Thật sự là Phaolô, khi bị giam tù ở Rôma, đã viết thư xin Marcô đến an ủi và giúp đỡ ngài.
Thánh Marcô cũng là người môn đệ rất yêu dấu của Thánh Phêrô, vị Giáo hoàng tiên khởi. Thánh Phêrô gọi Thánh Marcô là “con.” Một số người cho rằng Thánh Phêrô có ý nói là ngài đã rửa tội cho Marcô. Marcô được truyền chức giám mục và được sai đến Alêxanđria, nước Ai Cập. Ở đó, Marcô đã làm cho nhiều người trở lại đạo Công giáo. Ngài đã hoạt động tích cực nhằm rao giảng cho người ta nhận biết tình yêu của Đức Chúa Giêsu và Giáo hội của Người. Họ cũng cho rằng trước khi qua đời, thánh Marcô đã chịu rất nhiều đau khổ.
Di hài của Thánh sử Marcô được mang tới Venise, Italia. Thánh nhân là vị thánh quan thầy của thành phố danh tiếng này. Giáo dân thường tuôn đến vương cung thánh đường xinh đẹp kính thánh Marcô để tôn kính và cầu nguyện với ngài.
Khi bất đồng ý kiến với một ai đó, chúng ta có thể tưởng nhớ đến thánh sử Marcô. Chúng ta cũng hãy nghĩ về ngài khi chúng ta không thể sống hòa hợp được với hết mọi người dù chúng ta rất muốn. Những lúc khó khăn như thế, chúng ta hãy nài xin thánh ký Marcô chỉ cho chúng ta bí quyết của ngài để dàn xếp những mối bất hòa.
Antonio Trần Xuân Sang

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2018

Thánh Kinh bằng hình: CN IV Phục Sinh năm B, Ngày 22.04.2018

Thánh Kinh bằng hình: CN IV Phục Sinh năm B

 Ngày 22 tháng 04 năm 2018
Phúc Âm: Ga 10, 11-18
“Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” 
Đức Giêsu mạc khải cho người Do Thái biết Ngài là hiện thân của Thiên Chúa, Ngài đến để gánh tội nhân loại, cứu vớt con người và ban cho con người hạnh phúc. Ai muốn đến với Cha Ngài phải ngang qua Ngài. Hơn cả những mong đợi mà các ngôn sứ đã loan báo, Ngài là chủ chăn đích thực và nhân lành, sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên. Ngài cứu độ, hy sinh mạng sống cho mọi người, mọi dân tộc, cả nhân loại chứ không chỉ có dân Do Thái ( Ga 10, 14-16 ). Mình Máu Chúa là bằng chứng hùng hồn nhất nói lên tình thương cao vời, vô bờ vô bến của Chúa đối với nhân loại, đối với con người. Máu của Ngài đổ ra để đem lại ơn tha tội cho muôn người, cho tất cả mọi người.
Người chăn chiên tốt lành cho thấy cái cốt lõi tình yêu của mình. Tình yêu không chung chung mà Đức Giêsu yêu từng người, gọi tên từng người vì Ngài biết hoàn cảnh của từng con người, từng con chiên. Ngài biết hoàn cảnh bi đát của con người:” đàn chiên không người chăn dắt ( Mt 9, 36 ), những con chiên lạc ( Lc 15, 4-7 ), chiên tản mác, cần được qui tụ lại” ( Ga 11,52 ). Đức Giêsu muôn thời vẫn mời gọi các bạn trẻ hiến thân theo chân Ngài. Ngài luôn cần đến những mục tử tốt lành, noi gương Ngài và phục vụ như Ngài. Ngài luôn mời gọi nhân loại cầu xin để có những mục tử tốt lành, biết hy sinh, xả kỷ, biết can đảm, quảng đại, thánh thiện, những mục tử luôn biết quên mình, biết sống hòa đồng, đạo đức, những mục tử luôn đặt lợi ích của đàn chiên trên lợi ích cá nhân, những mục tử “đến để hầu hạ, chứ không đến để được hầu hạ”.
Ngày hôm nay cũng là ngày ơn gọi, xin cho các bạn trẻ biết chọn cho mình một hướng đi, một đích điểm để đời sống của họ trở nên muối, nên men cho đời.
Lạy Chúa xưa Chúa đã phán:”lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt, Chúa hãy ban nhiều thợ biết nhiệt thành, để nước Chúa rộng lan khắp nơi…”.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Thánh Kinh bằng tiếng Việt

Thánh Kinh bằng tiếng Anh
Nguồn:caunguyenbangtraitim.com

Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2018

Thánh Kinh bằng hình: Chúa nhật III Phục Sinh năm B

Thánh Kinh bằng hình: Chúa nhật III Phục Sinh năm B


Chúa nhật, ngày 15 tháng 04 năm 2018
Phúc Âm Lc 24, 35-48
Chính anh em là chứng nhân về những điều này
Chúa Giêsu đã phục sinh. Người đang ở giữa nhân loại và đang củng cố niềm tin cho các tông đồ. Chúa Giêsu sống lại đã hơn một lần bị ngộ nhận là ma. Lần này khi hai môn đệ trên đường Em-mau đang kể lại câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa họ và Chúa phục sinh cho các tông đồ khác” thì Chúa phục sinh hiện đến đứng giữa các ông. Các ông lo sợ, hồn vía lên mây, tưởng rằng thấy ma”( Lc 24, 40-42 ). Đức Giêsu phục sinh ban bình an cho các ông, rồi Ngài mời gọi các môn đệ hãy làm chứng nhân cho Người
Sau khi phục sinh, Đức Giêsu sống lại đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ. Người củng cố niềm tin cho các ông khi các ông còn đang hoang mang, sợ hãi, nghi ngờ. Người trao ban sứ vụ cho các môn đệ và sai các ông ra đi làm chứng cho Người. Trước khi lãnh nhận Thánh Thần, các môn đệ còn đang co cụm, lo âu, sợ chết. Nhưng khi Chúa phục sinh trao ban Thánh Thần cho các ông. Tất cả các môn đệ đều được biến đổi, các ông hăng say ra đi làm chứng cho Chúa phục sinh. Các tông đồ đã làm chứng cho Chúa phục sinh hết mình. Hầu hết các tông đồ đều đổ máu ra hy sinh mạng sống làm chứng cho Chúa phục sinh và để biểu lộ niềm tin của các ông vào Chúa phục sinh như lời Chúa phán dậy:” Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùnh anh em mọi ngày cho đến tận thế” ( Mt 28, 18-20 ). Chúa trao ban sứ vụ nhưng cũng là lệnh truyền cho các môn đệ cũng như cho Hội Thánh và từng người Kitô hữu. Mỗi người Kitô hữu hãy là chứng nhân cho sự sống mới của Chúa Giêsu phục sinh vì Đức Kitô phục sinh là biểu tượng cho sự an bình, cho hòa bình của nhân loại khi nhân loại đang sống trong nỗi chết. Thế giới nhiều nơi đang còn chiến tranh, chiến tranh sắc tộc, chiến tranh giữa các người anh em với nhau. Nạn khủng bố lan tràn, bệnh hoạn và những tiêu cực lớn của thế giới như sida, ma túy vv…Đây là nỗi ám ảnh của nhiều người.  Chúa phục sinh đang có đó, đang hiện diện, Người sẽ xoa dịu những ám ảnh khủng khiếp của nhân loại, của con người khi con người có lòng tin biết làm chứng cho sự sống lại của Chúa và niềm hạnh phúc vĩnh cửu mà Chúa sống lại đem đến cho nhân loại, cho mỗi người.
Chúa phục đang mời gọi mỗi người chúng ta làm chứng cho sự hiện diện của Người và mỗi khi chúng ta trao ban niềm vui, trao ban nụ cười, giúp đỡ những người cô đơn, bất hạnh là chúng ta đang làm chứng cho sự phục sinh của Chúa.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT
Thánh Kinh bằng tiếng Việt
Thánh Kinh bằng tiếng Anh