Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Chúa nhật Phục Sinh năm C

Thánh Kinh bằng hình: Chúa nhật Phục Sinh năm C

Ngày 27 tháng 03 năm 2016
Chúa nhật Phục Sinh 
PHÚC ÂM:  Ga 20, 1-9

“Ông thấy và ông tin”
Suy niệm
Tin Mừng kết luận về sự Phục Sinh của Chúa Giê-su bằng hành động “thấy” và “tin” nơi các tông đồ chứng nhân. Nhưng các ông thấy gì? Họ thấy ngôi mộ trống, khăn liệm và mọi thứ được xếp lại gọn gàng… Chỉ cần thấy có thể để các tông đồ khởi động niềm tin của mình. Bởi nếu đã rõ rang rồi thì chỉ cần công nhận thôi. Và do đó, tin vẫn là một hành động đòi phải có tình yêu để có thể hiểu, và sẵn sàng phó thác để thể hiện niềm tin.
Kể từ ngày ấy, sự phục sinh không chỉ xảy ra nơi Chúa Giê-su, mà còn xảy ra nơi tất cả chúng ta. Chúa phục sinh để chúng ta sống đời sống này với một sức sống mới – do Chúa phục sinh mang lại cho những ai đón nhận Ngài với niềm tin của mình.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giê-su Phục sinh,
mắt chúng con muốn được chiêm ngắm Ngài,
bàn tay chúng con muốn động chạm đến Ngài,
trí óc con muốn nhận biết Ngài…
Nhưng chúng con có thể gặp Ngài ở đâu?
Các môn đệ đã nhận ra Đấng Phục Sinh
khi Ngài bẻ tấm bánh trao cho họ,
cùng với họ đi qua quãng đường dài,
ở gần bên khi họ sợ hãi
và chữa lành nỗi âu lo của họ.
Xin Đấng Phục Sinh cho chúng con thấy
Chúa đang bẻ những tấm bánh ăn hằng ngày
cho chúng con ăn
và đang dạy chúng con nhận biết Ngài
qua những hành động đơn sơ
của lòng tha thứ, dịu dàng và xót thương. Amen
Nguồn: Tin Mừng Chúa nhật số 04 (03.2016)
Thánh Kinh bằng tiếng Việt

Thánh Kinh bằng tiếng Anh

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

Chúa nhật Lễ Lá năm C

Thánh Kinh bằng hình: Chúa nhật Lễ Lá năm C


Ngày 20 tháng 03 năm 2016
Chúa nhật Lễ Lá năm C
Phúc Âm Lc 23, 1-49

"Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm."
Bài Thương Khó theo Thánh  Luca trình bày một Đức Kitô đầy lòng thương xót và tha thứ ngay cả với những kẻ hành hình  Người. Hệ quả tất yếu của đường khổ nạn là Đức Giêsu chịu chết, nhưng cái chết này như là dấu chỉ sự vâng phục và phó thác hoàn toàn theo thánh ý Chúa Cha. Cái chết của Đức Giêsu không phải là dấu chấm hết, mà bắt đầu khai mở một giai đoạn mới: thời kỳ cứu độ.
Suy tư và thực hành
1. Tôi có sẵn sàng liên kết những đau khổ thể xác cũng như tinh thần với cuộc thương khó của Đức Giêsu để tìm thấy ý nghĩa của nó: đau khổ có sức thanh luyện bản thân, là con đường dẫn đến phục sinh và đem lại niềm vui cứu độ cho người khác hay không?
2.  Thường hay bị cám dỗ muốn nâng mình lên, tôi học được điều gì nơi Đức Giêsu, mẫu gương khiêm nhường tự hạ?
3. Cuộc Thương khó của Đức Giêsu là thời điểm để thấy rõ gương mặt thật của mỗi người trước Đức Giêsu: tôi là Giuđa hay Philatô, Pharisêu hay đám đông cứng lòng? Và đối với tôi, Đức Giêsu là ai? Điều đó có dẫn tôi tới một thái độ đúng đắn và một chọn lựa thay đổi tận căn trong đời sống không?
Nguồn: Tin Mừng số 04 (03.2016)
Thánh Kinh bằng tiếng Việt
Thánh Kinh bằng tiếng Anh