Ngày 01- 10: Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
Thánh TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU
Tiến sĩ Hội Thánh
Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, bổn mạng các xứ Truyền giáo.
Với thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, chúng ta có rất nhiều đề tài để suy niệm. Tuy nhiên với thời lượng có giới hạn hôm nay, chúng ta chỉ dừng lại ở con đường nên thánh của ngài.
Thông thường khi nói đến sự thánh thiện, chúng ta hay nghĩ đến những hành động phi thường, một cái chết can trường, một cuộc sống dấn thân hy sinh, một cuộc từ bỏ ngoại hạng. Nói chung, sự thánh thiện gợi lên cho chúng ta một cuộc sống vượt qua những khả năng tự nhiên của con người. Có lẽ thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã làm một cuộc cách mạng trong cách nhìn và sống sự thánh thiện.
Trong quyển tự thuật có tựa đề “Một Tâm Hồn”, thánh nữ đã ghi lại như sau: Tôi hằng khao khát được nên thánh, nhưng mỗi lần so sánh mình với các thánh, tôi thường nhận ra sự khác biệt trời biển này. Đó là các ngài giống như những ngọn núi thái sơn, dấu đầu trong những đám mây, còn tôi, tôi chỉ là những hạt nhỏ li ti bị kẻ đi qua, người đi lại dẫm lên. Tuy nhiên, điều đó không làm cho tôi thất vọng. Tôi tự nhủ: Lẽ nào Chúa gợi nên những ước muốn mà lại không cho ước muốn ấy được thực hiện. Rõ ràng là tôi không thể làm được điều gì vĩ đại. Do đó, tôi phải thánh hoá bằng chính sự thấp hèn của tôi mà thôi. Tôi phải chấp nhận chính mình với tất cả con người của tôi, vì tất cả những bất toàn của tôi. Nhưng bằng mọi giá, tôi phải tìm ra một con đường nhỏ, một con đường của riêng tôi, một con đường ngắn và trực tiếp lên Thiên Đàng.
Ngày nay, người ta nhất là những người giầu có không phải nhọc công để leo lên từng bậc thang nữa, vì họ đã có những thang máy tiện nghi hơn. Phải chăng tôi không thể tìm cho mình một thang máy đưa tôi lên thẳng với Chúa Giêsu. Bởi vì, tôi quá bé nhỏ để có thể lên tới bậc thánh thiện. Nghĩ như thế nên tôi cố gắng tìm trong Kinh Thánh một chỉ dẫn của cách sống mà tôi muốn, và tôi đã tìm đuợc đoạn mà trong đó Đấng Khôn Ngoan vĩnh cửu nói như sau: “Có ai đơn sơ như trẻ nhỏ không? Hãy để trẻ nhỏ đến cùng Ta"(Mt 19,14). Thiên Chúa toàn năng đã làm những điều trọng đại và cao cả nhất trong tôi. Đó là Ngài đã làm cho tôi ý thức được sự nhỏ bé, bất lực của tôi.
Anh chị em thân mến?
Qua những dòng trên đây, thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu muốn giới thiệu với chúng ta về con đường nên thánh thường được mệnh danh là "Con Đường Thơ Ấu Thiêng Liêng” của Ngài. Con đường nên thánh mà thánh nữ đã quả quyết là “Sự nên thánh được múc từ Chúa Giêsu” mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay.
Thực thế, Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Nếu các con không hóa nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời"(Mt 18,3). Hoá nên như trẻ nhỏ có nghĩa là mặc lấy tâm tình đơn sơ, phó thác tuyệt đối vào quyền năng yêu thương của Thiên Chúa. Thánh thiện thiết yếu không có nghĩa là cố gắng làm những điều phi thường hoặc đeo đuổi một cách sống vượt quá những giới hạn bình thường của con nguời. Thánh thiện như thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã vạch ra chính là biết chấp nhận chính mình, biết đón nhận từng phút giây trong cuộc sống với tất cả yêu thương và phó thác. Biết sống giây phút hiện tại một cách sung mãn, biết nhận ra giá trị cao cả trong những công việc tầm thường nhỏ bé nhất, biết nhìn vào ngay cả những thất bại khổ đau trong cuộc sống như một ân ban của Chúa.
Mùa hè 1987 khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm tiểu bang California Hoa Kỳ. Trong buổi gặp gỡ với dân chúng đón tiếp Ngài người ta đã được chứng kiến một sự kiện vô cùng đẹp đó là khi từ trên lễ đài nhìn xuống, Ngài thấy một người thanh niên tàn tật đang ôm một cây đàn và hát. Hôm ấy nhiều người đã được chứng kiến và thật không bao giờ có thể quên được khi Đức Giáo Hoàng từ trên cao Đức Giáo Hoàng bước xuống để ôm và hôn một người thanh niên đang hát với tiếng đàng ghi ta đó. Điều gì đã làm cho cảnh ấy trở nên khác lạ và giây phút ấy trở nên luyến nhớ cho nhiều người? Thưa rằng bởi vì người thanh niên ấy đã chơi đàn ghi ta bằng những ngón chân của mình!
Tony Belade là hiện thân của niềm hy vọng. Anh đã chào đời không có hai cánh tay, nhưng anh đã biết tận dụng các ngón chân của mình để học đàn ghi ta. Không những thế, anh còn dùng chân trong nhiều công việc khác nữa như: gấp quần áo, vắt một ly nước chanh... Anh đã biết biến sự tàn tật kém may mắn của mình thành một khả năng thuần thục. Ngạc nhiên trước khả năng lạ lùng ấy của anh, nhiều người đã hỏi anh:
- Bí quyết nào đã giúp anh chẳng những chấp nhận mình để sống bình thường, mà còn sử dụng ghi ta một cách tuyệt diệu như thế?
Người thanh niên tàn tật trả lời:
- Tôi đã cầu nguyện với Chúa: "Lạy Chúa, xin nhận lấy con và dùng con theo Thánh ý Chúa". Tôi đã tự hiến cho Chúa như một của lễ sống động và Chúa đã nhận lời tôi.
Không ai trong chúng ta được chọn lựa sinh ra hoặc không sinh ra. Không ai trong chúng ta được chọn lựa làm đàn ông hay đàn bà. Không ai trong chúng ta được chọn lựa làm người xinh đẹp hay xấu xí, thông mình hay ngu đần, giàu sang hay nghèo hèn... Dưới mắt người đời, mỗi người chúng ta đến trong trần gian này với tất cả một định mệnh. Người ta thường hay nói: Có người sinh ra dưới một ngôi sao tốt, có người sinh ra dưới một ngôi sao xấu, có người may mắn, có người kém may mắn. Thế nhưng, trong ánh mắt tình yêu của Thiên Chúa thì số phận nào cũng là một hồng ân cao cả. Thiên Chúa luôn có một chương trình cho mỗi một con người.
Nói tóm lại, thánh thiện đích thực là trong tất cả mọi sự có thể thốt lên như thánh nữ: “Tất cả đều là ân sủng”.
Cùng với vị thánh đã được Giáo Hội chọn làm quan thầy các xứ truyền giáo, mặc dù chưa một lần ra khỏi bức tường của Dòng Kín, chúng ta hãy dâng lên Chúa tất cả cuộc sống với không biết bao nhiêu thử thách khổ đau từng ngày. Nguyện cho niềm tin tưởng phó thác của các tín hữu Chúa được trở nên dấu chứng tình yêu của Ngài đối với mọi người.
Lạy Chúa, dù thế giới này có thừa mứa của cải vật chất và tiện nghi đến đâu, con người thời đại cũng sẽ mãi mãi bất hạnh, nếu họ chưa sống theo tinh thần con đường nhỏ mà thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu vạch ra. Nguyện xin thánh nữ cầu thay nguyện giúp để chúng ta được đi vào con đường nhỏ bé ấy. Amen.
Xin chúc mừng các chị em có bổn mạng TêRêSa.
Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015
Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015
Kinh Thánh bằng hình: Chúa nhật XXV Thường niên - năm B
Kinh Thánh bằng hình: Chúa nhật XXV Thường niên - năm B
CN, 23/09/2012 - 14:02
“Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.” (Mc 9,37)
Đón tiếp một đứa bé là đón tiếp một con người chẳng có gì để trả công, chẳng có gì để đền đáp lại, cũng chẳng có gì để bị lợi dụng. Đón tiếp một đứa bé như thế là đón tiếp cách vô vị lợi, đón tiếp một con người chỉ vì yêu thương. Em bé tiêu biểu cho những người đang thiếu thốn, cần sự quảng đại giúp đỡ của ta mà ta chẳng thu lợi được gì! Em bé cũng tượng trưng cho những kẻ tầm thường, chẳng có chút địa vị, danh giá hay ngoại hình nổi bật gì trước mắt người đời. Chúa Giêsu đã đồng hóa Ngài với những em bé như thế, để ai đón tiếp, kết thân với những loại người như vậy là đón tiếp, kết thân với chính Ngài và đón tiếp Đấng đã sai Ngài là chính Thiên Chúa Cha.
(Trích: Suy niệm Lời Chúa CN XXV Thường niên năm B - Thanhlinh.net )
Kinh Thánh bằng tiếng Việt
Kinh Thánh bằng tiếng Anh
Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015
Thánh Kinh bằng hình: Chúa nhật XXIV Thường niên năm B
Thánh Kinh bằng hình: Chúa nhật XXIV Thường niên năm B
T4, 09/09/2015 - 15:38
Ngày 13 tháng 09 năm 2015
PHÚC ÂM: Mc 8, 27-35
"Ngài là Đức Kitô"
Con đường cứu thế của Chúa là con đường thập giá, con đường đau khổ. Sở dĩ Phêrô và các môn đệ đã chưa nhận ra được con đường của Thầy: đau khổ, chết trên thập giá và phục sinh khải hoàn là bởi các ông chưa được Thánh Thần soi sáng, tác động. Phêrô và các môn đệ khác chỉ có thể nhận ra con đường cứu độ của Chúa sau khi Ngài từ trong kẻ chết sống lại. Chữ Kitô có nghĩa gắn liền với thập giá. Mang danh hiệu Kitô hữu cũng có nghĩa gắn liền với sự đau khổ và thập giá của Đức Kitô. Phêrô và các môn đệ khác đã sống tới cùng tận lời tuyên xưng của mình; tất cả đều chết như Đức Kitô. Thập giá là tình yêu. Do đó, Chúa nói:” Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mỗi ngày mà theo Ta” (Mc 8, 34). Thập giá không là cây gỗ bất động, nhưng là cây sự sống mang lại quả phúc đời đời. Lời mời gọi của Chúa có tính hoàn toàn tự do. Chúa không bắt buộc ta chọn hay khước từ thập giá, nhưng Chúa cho ta hoàn toàn tự do chọn hay khước từ lời mời gọi của Chúa. Chúa không bảo chúng ta đi tìm thập giá, nếu không, đạo công giáo chỉ là một thứ đạo đầy ải, làm khổ, đầy đoạ mình; Chúa nói chúng ta vác thập giá mình. Vác thập giá nghĩa là từ bỏ tất cả, từ bỏ mọi sự và sẵn sàng liều ngay cả mạng sống của mình. Chúa không bao giờ bắt chúng ta vác nặng quá sức chịu đựng của chúng ta. Chúng ta có thể khước từ thập giá bằng nhiều cách hoặc từ khước ân huệ sự sống là món quà vô giá Chúa ban tặng, hoặc chúng ta đóng kín cõi lòng, không biết mở ra cho người khác như kẻ đói chúng ta không cho ăn, kẻ khát chúng ta không cho uống, kẻ rách rưới, trần truồng chúng ta không cho mặc vv… Đó là cách khước từ thập giá mà con người hằng ngày và thường xuyên bị cám dỗ, thử thách. Thánh Giacôbê trong bài đọc thứ hai cũng viết rõ: ”Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Đức tin gắn liền với lòng yêu mến. “Ai liều mạng sống vì Ta sẽ được sống” ( Mc 8, 35 ). Từ bỏ, hy sinh, liều mạng sống sẽ tìm được mối lợi là Đức Kitô. Nói như thánh Phaolô:” Tôi chỉ biết có một Đức Kitô mà là Đức Kitô chịu đóng đinh thập giá”.
“Còn các con, các con bảo Thầy là ai ?”. Câu hỏi đó vẫn được đặt ra cho mỗi người chúng ta từng phút, từng giờ, từng ngày trong cuộc sống.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con chỉ một lòng mến Chúa và yêu tha nhân. Amen.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Xem Video clip
Thánh Kinh bằng tiếng Việt
Thánh Kinh bằng tiếng Anh
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)