Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

THÁNH LOUIS GONZAGUE, tu sĩ, ngày 21/6 BỔN MẠNG CHA SỞ PHƯƠNG NGHĨA

THÁNH LOUIS GONZAGUE, (St. Aloysius Gonzaga)
tu sĩ, ngày 21/6


 “ Kẻ tay sạch lòng thanh sẽ được lên núi Chúa và ở trong đền thánh của Người “( Tv 23, 4.3 ). Thánh Louis Gonzague dù là con vua nước Ý, đã sớm nhận ra tiếng Chúa gọi mời, Ngài đã đáp trả lại tiếng gọi của Chúa và trở nên một tu sĩ thánh thiện.

CON NGƯỜI CỦA THÁNH LOUIS GONZAGUE:
Thánh Louis Gonzague là con của vua Ferdinand de Gonzague cất tiếng khóc  chào đời vào năm 1568 tại miền Catiglione, nước Ý. Thánh nhân đã được rửa tội ngay từ khi mới lọt lòng mẹ vì xem bộ Ngài khó sống được. Thánh nhân đã được giáo dục trong một môi trường hết sức thuận lợi và hoàn bị. Thánh nhân đã chịu ảnh hưởng người mẹ đạo đức rất nhiều, nhờ đó, Ngài sớm nhận ra tiếng Chúa mời gọi.

THÁNH NHÂN ĐÁP TRẢ LẠI TIẾNG GỌI CỦA CHÚA:
Vào năm 1585 tức khi thánh nhân 17 tuổi, Ngài đã khước từ tất cả của cải, danh vọng cho người em kế và xin gia nhập Dòng Tên. Thánh nhân đã dùng phương pháp của thánh Ignatiô để chu toan bổn phận tông đồ. Thánh nhân đã phải cố gắng phấn đấu, vượt thắng bản thân, lướt thắng nhiều đau khổ, thử thách để tiến tới một cuộc sống tu trì chìm đắm trong sự cầu nguyện, sống an bình, thanh thảng, trong sạch không để tâm hồn vương vấn vẩn đục, ô uế, nhơ nhớp. Thánh nhân có bản lãnh cao, Ngài thích chỉ huy hơn là làm theo. Với tuổi trẻ, tính khí nóng nảy, thiếu kiên trì và hay bất mãn đã làm tâm trí của Ngài giao động, nhưng Ngài đã quyết tâm hạ mình, khiêm nhượng trước mặt Thiên Chúa. Thánh nhân đã cố gắng, từ bỏ chống lại ý riêng một cách can trường trong suốt năm năm để chỉ làm theo ý Bề Trên. Với ơn Chúa giúp, thánh nhân đã sống suốt thời gian nhà tập và những năm theo học cách anh hùng, can đảm, nêu gương đời sống bác ái cao vời. Thánh nhân đã yêu mến Chúa hết lòng và đã nêu cao tình yêu đó, thể hiện tình yêu đó bằng cách miệt mài phục vụ các bệnh nhân trong một nhà thương bất chấp cả những bệnh truyền nhiễm. Thánh nhân đã chiến thắng con người cũ của mình cách anh hùng đến nỗi khó có ai có thể ngờ được, nên người ta đã gọi Ngài là “thiên thần nhập thế “.

GIÁO HỘI TÔN VINH THÁNH NHÂN:
Thánh nhân đã được Chúa gọi về đúng vào tuổi 24, tuổi còn rất trẻ và rất đẹp ngày 21 tháng 6 năm 1591. Năm 1726, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XIII sau khi phong thánh cho Ngài, đã đặt thánh nhân làm quan thầy của những người giữ đức khiết tịnh .
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết mặc áo cưới đi dự tiệc Nước Trời theo gương thánh Louis, hầu chúng con được dồi dào ân sủng Chúa nhờ tham dự vào tiệc thánh này”( Lời nguyện tiến lễ, lễ thánh Louis Gonzague, tu sĩ ).

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Thánh Kinh bằng hình: Chúa nhật XII Thường niên năm B

Ngày 21 tháng 06 năm 2015
PHÚC ÂM: Mc 4, 35-40 
"Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người".
Trong cuộc hành trình đức tin, người tín hữu quả thực gặp biết bao thử thách, gian nan, gặp biết bao nhiêu sự khó khăn cần phải vượt thắng. Tuy nhiên, với sức riêng của con người những điều ấy con người hầu như vô phương chiến thắng.
Đối với mỗi người cuộc đời thật giống như một biển cả đầy sóng gió nào là vật chất, nào là tinh thần. Con người sinh ra và lớn lên không phải ai cũng hoàn toàn xuôi chảy. Đời con người hết tai nạn này tới đau khổ khác. Có người có đủ kinh tế để sống nhưng có người rất chật vật mới có ăn, rồi bệnh này hết bệnh khác lòi ra. Lúc đó, con người sẽ tự hỏi Chúa đâu rồi? Tại sao Chúa lại không giúp chúng ta? Nhiều khi chúng ta cảm tưởng như Chúa làm thinh, ngủ yên. Bao nhiêu chuyện dồn dập xẩy ra trong cuộc đời nhiều khi yếu đức tin khiến chúng ta chán nản và buông xuôi thất vọng.
Trong cuộc hành trình đầy cam go ấy, chúng ta hãy bắt chước các môn đệ đến với Chúa, xin Chúa cứu giúp, đặc biệt xin Chúa ban thêm đức tin để chúng ta luôn tin rằng:” Chúa ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế” và “ Hỡi những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ nâng đỡ bổ sức cho “.
Cuộc đời con người, đặc biệt trong việc loan báo Tin Mừng, chúng ta sẽ gặp những phong ba bão táp, những nghi kỵ, thử thách, ghen tương, bắt bớ, như các môn đệ xưa, chúng ta hãy mau tìm gặp và ở với Chúa, xin Chúa trợ giúp và cứu chúng ta. Chắc chắn Chúa sẽ truyền lệnh để sóng gió cuộc đời của chúng ta im lặng. Chúng ta hãy chạy tới với Đức Mẹ, xin Mẹ an ủi, nâng đỡ và đưa chúng ta tới gặp Chúa. Chúng ta hãy vững lòng tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa và lòng yêu thương của Mẹ Maria.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn bám chặt vào Chúa và cậy trông vào lòng từ mẫu của Mẹ Maria. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT
Thánh Kinh bằng tiếng Việt
Thánh Kinh bằng tiếng Anh

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

Thánh Kinh bằng hình: Chúa nhật XI năm B

Ngày 14 tháng 06 năm 2015
Phúc Âm Mc 4, 26-34
Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết.
Nước Thiên Chúa là một thực tại vô hình, nhưng đã được Chúa Giê-su diễn tả bằng những hình ảnh so sánh vô cùng thực tế và sống động, nên ai cũng có thể nắm bắt được ý nghĩa của Nước Thiên Chúa.  
Câu chuyện thứ nhất nói về hạt lúa gieo xuống đất. Hạt lúa được người gieo hạt từ trên cao gieo xuống đất. Hình ảnh này cho thấy xuất xứ của Nước Thiên Chúa.  Nó phát sinh từ ý định và kế hoạch của Cha trên trời.  Thiên Chúa bắt đầu thiết lập Nước của Người và để nó phát triển tự nhiên chứ không ép buộc. Nó phát triển theo thời gian, không cần biết đêm hay ngày, người ta ngủ hay thức, vì nó cũng còn tùy thuộc vào sự đáp ứng của những người đón nhận
Nước Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta cũng sẽ phát triển theo “lẽ tự nhiên” nếu nó gặp được những điều kiện “tự nhiên”.  Tự nhiên về phía Thiên Chúa đã đành, vì thực sự Người luôn luôn muốn Nước của Người “trị đến” trong tâm hồn chúng ta.  Nhưng lẽ tự nhiên ở nơi chúng ta, những kẻ đón nhận, phải là thái độ sẵn sàng, mở lòng và cộng tác với ân sủng, để sức mạnh và ảnh hưởng của Tin Mừng lan tràn đầy ắp trong tâm hồn chúng ta.
          Câu chuyện thứ hai là “Nước Thiên Chúa giống như hạt cải”. Hạt nhỏ xíu, chỉ bằng đầu kim, vậy mà “mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng”.  Để nói lên mức độ phát triển của Nước Thiên Chúa, Chúa Giê-su sử dụng hình ảnh trên thật là thích hợp.  Làm sao chúng ta có thể hình dung ra một sự phát triển quá mạnh mẽ và to lớn như thế? Nhưng có lẽ là điều an ủi vô cùng sâu xa cho chúng ta là nếu Nước Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta phát triển mạnh mẽ như vậy, thì chúng ta sẽ là những chim trời có phúc vì được nấp dưới bóng của nó!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi
Thánh Kinh bằng tiếng Việt
Thánh Kinh bằng tiếng Anh

Thứ Ba, 9 tháng 6, 2015

Thánh Kinh bằng hình: Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô

Thánh Kinh bằng hình: Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô


Ngày 07 tháng 06 năm 2015
Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô.
Phúc Âm Mc 14, 12-16.22-26
"Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người."
Thánh Thể là trung tâm phụng vụ và đời sống Kitô giáo.  Chính vì tầm quan trọng đó, nên Giáo hội đã không ngừng mời gọi tín hữu đến với Thánh Thể như cao điểm hiến tế và nguồn mạch hiệp thông với Chúa Kitô và anh em.
Khi xưa, trong bữa tiệc ly đó, khi cầm chén rượu, Đức Giêsu đã nói một lời chí lý: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người.” (Mc 14:24). Khác hẳn với “Máu Giao Ước” trong quá khứ, Đức Giêsu sẽ lấy chính máu mình làm hiến tế dâng lên Thiên Chúa. Và “Máu Giao Ước” ấy không giới hạn cho riêng một dân tộc, nhưng sẽ bao trùm cả nhân loại.  Nói cách khác, Máu đó sẽ “đổ ra vì muôn người.” (Mc 14:24)
Đức Giêsu còn quả quyết “chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày ấy, ngày Thầy được uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa.” (Mc 14:25)  “Rượu mới” đó chỉ tìm thấy trong bữa tiệc Thiên Sai (c. 6:35-44; 8:1-10).  Không thể coi Tiệc ly như một biến cố tách biệt.  Trái lại chỉ có thể hiểu được ý nghĩa của bữa tiệc lịch sử đó khi nối kết với những bữa tiệc trước đây Đức Giêsu đã từng chia sẻ với những người thu thuế và tội lỗi (x 2:16) và với bữa tiệc cánh chung.  Như vậy, công cuộc cứu độ vừa có giá trị hiện tại vừa nhắm về tương lai nhân loại.
Ngay từ bây giờ, các tín hữu đã được uống thứ “rượu mới” đó.  Vì Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa họ (x. Lc 17:21).  Khi chịu lễ, họ được mời gọi  chia sẻ với Đức Giêsu trong cái chết của Người.  Thực vậy, khi trao bánh cho các môn đệ, Người nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thày.” (Mc 14:22)   Tương tự,  Người “trao cho các ông” (Mc 14:23) chén rượu là chính máu Ngươi (x. Mc 14:24).  Người thúc đẩy các ông hành động, chứ không chỉ đón nhận một cách thụ động.  Thực vậy, chính Đức Giêsu đã phục sinh để trở thành “dấu chỉ” Giao Ước.   Mỗi lần lặp lại cử chỉ hiến tế trong thánh lễ, người tín hữu dâng lên dấu chỉ Giao Ước là chính Đức Giêsu, Chúa Cha sẽ lại nhìn thấy, tưởng nhớ và hành động theo Giao Ước đó. 
Như thế, trong chính Máu và Mình Thánh Chúa, người tín hữu có thể tìm thấy lý do và sức mạnh xây dựng Giáo hội.  Thật vậy, từ nơi Thánh Thể, một dân mới sẽ được thành lập để trở nên nhiệm thể Chúa Kitô phục sinh.  Chính trong nhiệm thể này, Thiên Chúa sẽ hoàn toàn được tôn vinh và con người được ơn thánh hóa. Chúa hiện diện thực sự trong Thánh Thể để nguồn lương thực nuôi sống và hiệp nhất muôn dân.  Hơn thế, thánh Thomas còn nhìn thấy nơi Thánh Thể một “bảo đảm cho ta một ngày mai huy hoàng rực rỡ.”   Nhờ đó, mỗi lần chịu Mình và Máu Chúa, “chúng con đợi chờ ngày hồng phúc, ngay Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con ngự đến.” (Sách Lễ Rôma)
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP
Thánh Kinh bằng tiếng Việt
Thánh Kinh bằng tiếng Anh